Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

* Chia con

Chiều qua đón con, chỉ còn con và vài bạn đứng đợi ba mẹ trong khuôn viên trường. Mặt con buồn buồn, mẹ tưởng do mẹ bận việc đến trễ, trong khi các con được trường cho nghỉ sớm để về nhà vui Giáng sinh cùng gia đình, tránh kẹt xe.



Đi một quãng, con lên tiếng sau lưng mẹ: “Hôm nay lớp Leo chia tay với một bạn trai!”. Mẹ hỏi lí do, con nói gọn lỏn “Ba mẹ bạn ly hôn”. Mẹ giật mình: “Ly hôn là gì?”. Con trả lời: “Là hai người bố mẹ chia tay, bỏ nhau rồi chia con. Bạn T. theo bố về quê, không học ở Sài Gòn nữa. Em bạn T. mới 4 tuổi ở lại Sài Gòn với mẹ. Ăn liên hoan lớp xong, bạn T. chào cả lớp rồi lấy một phần KFC mang về cho em bạn ấy. Hai anh em sắp chia tay nhau mà, cũng gọi là ly hôn hả mẹ?“

Sao các con biết ba mẹ bạn ly hôn? “Dạ, bạn T. tâm sự với bạn thân của nó là bạn L, dặn đừng nói với ai, mà cái thằng L bà 8 kể cho mấy bạn khác. Mấy bạn này cũng bà 8 hỏi cô chủ nhiệm, vậy cô mới nói cho cả lớp biết và dặn “Các con phải học giỏi, phải ngoan để ba mẹ vui lòng, yêu nhau và yêu các con thì không ly hôn”. Thật sự, mẹ chùng lòng, khi nghĩ đến hình ảnh hai đứa bé chia tay nhau, đứa anh mang phần ăn về cho em…Mà mẹ không nói gì.

Một lát, con lên tiếng: “Lỡ ba mẹ mà ly hôn, Leo không biết chọn ở với ai. Ở với mẹ thì sợ ba buồn. Chắc Leo chọn anh Hai mẹ ạ, vì Leo ngủ cùng giường với Lou quen rồi”. Tay lái mẹ loạng choạng, bảo con chỉ nói bậy, ba mẹ và các con sẽ luôn ở bên nhau.

Một lát, con lại hỏi: “Mẹ ơi, thế nhà nào có một con làm sao chia? Hông lẽ cắt hai phần trên và dưới, hay chia dọc để ai cũng có nửa con đều nhau?. Hay là hai người ba mẹ phải tiếp tục ở chung nhà để có thêm một em bé nữa rồi mới ly hôn, chia mỗi người một đứa?”. Mẹ vừa muốn khóc lại vừa bật cười vì lời lẽ của con.
Rồi con hỏi thêm, nhất định bắt mẹ phải trả lời: "Nếu bắt buộc phải xẻ Leo làm hai để chia, mẹ lấy phần nào? Lấy phần đầu để Leo còn nhìn thấy mẹ". Đến nước này thì mẹ buộc phải trả lời: "Mẹ không muốn con bị xẻ đôi để được chia con nửa phần. Mẹ sẽ để nguyên thằng bé xinh trai lành lặn cho ba, người chắc chắn rất yêu con".

Tối Noel, lúc ăn bánh kem mẹ đem chuyện kể cho cả nhà nghe, anh Hai hí lên cười vì được con chọn lựa, còn cụ thân sinh thì không nói được lời nào, chỉ nhìn con mắt hơi chớp chớp…

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

* Đàn bà và khăn...

Hầu hết các cô bạn của mình đều có khăn quàng cổ, choàng vai. Người ít thì chục cái, nhiều vài chục, cá biệt có cô có hơn…100 cái khăn. Đôi khi mình cứ băn khoăn, các bà làm gì với từng ấy khăn? Nhất là phương Nam nắng nóng, nhiều khi chả muốn mặc quần áo, nói chi đến quàng khăn, thậm chí như cái mền đi chơi. 

Khăn giữ ấm, hẳn rồi. Nhưng phụ nữ hình như không diện vì sức khoẻ, bởi nhiều cô vẫn hiên ngang đầm hai dây, hở vai đến gần nửa lưng đi ngoài trời lạnh 16 độ C. Rồi không dưng trời nóng chảy mỡ 36 đến 38 độ thì các cô, các bà lại quàng khăn, nhìn phát…khùng. Cơ mà đẹp. hehe, đẹp thì phải hy sinh thân thể và cảm giác, nhỉ. 


Tui và khăn...trải bàn mượn.hihi

Công nhận, các cô bạn mình quàng khăn voan nhẹ trên cổ hay khăn len choàng vai, thả dài đến gối nom họ xinh và sang hẳn, nữ tính tràn trề. Mình có ba cái khăn, hai khăn len là của bà bạn thân đi nước ngoài mua cho, 10 năm chỉ choàng đúng 5 lần đi xa trời lạnh. Và một khăn rằn “thuổng” của bạn trong chuyến đi biên giới làm thiện nguyện vừa rồi. Có lần cũng muốn nhìn mình thế nào với khăn, mình mượn cái khăn màu đỏ như khăn trải bàn của đứa bạn choàng qua vai, cả bọn lăn ra cười, bảo trông mình như …con điên nhà quê. Người đi đằng người, khăn đằng khăn. Có đứa ác mồm bảo “Bà quàng dây thép gai hợp hơn”. Khổ thân mình thế.

Tháng cuối năm này, tiết trời mát lạnh. Nhiều buổi sáng, buổi tối, phụ nữ quàng khăn như bươm bướm ra phố. Ở trong văn phòng, quán café cũng quàng khăn, vào toa lét cũng ko bỏ ra. Chỉ đi ngủ là không quàng khăn. Nói dại, quàng khăn kiểu lua tua, dây ren lằng nhằng, nửa đêm ác mộng giãy đạp lung tung, chẳng may thắt phải cổ thì toi đời. 

Qúa nửa đêm qua, chị bạn xinh đẹp bỗng gõ vào inbox nói chị không ngủ được, trằn trọc mãi. Mình an ủi, chúc chị ngủ ngon, cảm thấy chị hình như đang ở khoảnh khắc trống trải, đơn lạnh. Hơn 100 cái khăn đủ màu sắc, kiểu dáng, chất liệu không làm chị ấm áp. Hơn 100 cái khăn vẫn không so được với một vòng tay. Chẳng nhẽ lại bảo chị hãy tự nắm bàn tay mình, rụi đầu vào lòng mình. Rồi cũng qua mùa lạnh… 

Lại nhớ có lần hai người yêu nhau không thể gặp nhau. Ngày sinh nhật người kia, người này từ xa gửi về một chiếc khăn len rất đẹp, qua điện thoại giọng rưng rưng: “Sài Gòn cuối năm trời lạnh, em đưa cho anh ấy chiếc khăn này. Chị chưa bao giờ ôm anh ấy, quàng khăn vào cổ, anh ấy sẽ cảm thấy vòng tay chị…”. 

Cho đến lúc người kia qua đời vì bệnh, vòng tay chị vẫn chưa quàng được vào người mình yêu...

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

* Con rưng rưng

Chiều qua đón con. Theo thường lệ đón sớm thì cho con chơi ngoài công viên vườn trường 15 phút trước khi về, mẹ ngồi đợi ở tiền sảnh. Một hồi con (Leo, 9 tuổi) mặt buồn bã quay lại kiếm mẹ. Hỏi, mắt em rưng rưng: “Leo đang chơi đu quay, một anh (lớp 6) đuổi Leo, giành đu. Leo nói, em đang chơi, hồi nãy anh chơi xong đã đi rồi mà. Ảnh nói mày láo hả, cút chỗ khác, Leo chưa kịp ra thì ảnh đạp vào người Leo”. 

Con quay đi, mắt chớp chớp. Con vốn nghịch, lì, có té chảy máu chân cũng ko khóc, vậy mà giờ rưng rưng, nhìn thương quá. Cái rưng rưng không vì cay cú, không vì ấm ức mà vì đối mặt với sự bất công trắng trợn, không hiểu được vì sao người ta có thể đạp vào người mình chỉ vì “tao muốn chơi nữa, được không”.


Leo, 9 tuổi

Thế con làm gì khi anh ấy đạp con? Con phải đi ra, nhường cho anh ấy và nói sao anh đạp em. Ảnh quát mày muốn ăn đạp nữa hông, mẹ ạ. Em dúi đầu vào lưng mẹ, mà lòng mẹ đau nhói. 

Không thể dạy em đánh nhau, nên mẹ chỉ an ủi và dặn: Con làm thế là đúng. Anh ấy hư, không nhường em nhỏ lại còn đánh người hung bạo. Con đừng buồn. Nếu lần sau, anh ấy lại giành đu nữa, con hãy đứng lên nhường và nói “Anh lớn mà không nhường em thì em nhường anh đó”. Con dạ.

Một hồi, mẹ lại băn khoăn. Có khi nào nhường rồi, nói xong câu ấy con sẽ bị anh kia đánh chỉ vì “Mày bố láo, dám dạy dỗ tao hả?”

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

* Đám cháy

Hôm nay nhà anh chị hàng xóm có giàn mướp dựng cổng “vu quy”. 



Một lần, con gái chị nói với tôi: “Ba mẹ không cho lấy ảnh, con không lấy ai”, giọng cương quyết như chặt thịt. 


Hôm sau đi bộ cùng tôi, chị khổ sở: “Nó yêu cái thằng
 chả ra làm sao. Kỹ sư kỹ xiếc gì mà ăn mặc như ma cà bông, quần Din rách gối cả tấc, mà phải nó nghèo đâu. Đàn ông con trai gì mà …đẹp quá là tôi không ưa. Ngữ này đàn bà con gái theo cả đống, lăng nhăng phải biết. Lấy thằng nào bình thường, chân chỉ cho nó lành, con gái mình đỡ khổ. Tôi không đồng ý nó lấy thằng này…

Tui bảo, chị có biết cái quần Din rách gối ấy …đắt tiền hơn quần lành ko, rách…nghệ thuật, mốt mà bọn trẻ rất thik đới chị. Chị nhìn em đi, đáng tuổi mẹ các con chị em cũng đang mặc quần sọt Din xé lai từa lưa nè (chị liếc xéo, nhưng ko khó chịu), nhưng ở xóm mình có ai bảo em ma cà bông đâu. Thật chị chứ, mấy ông đang bị tòa xử tham nhũng, bồ bịch, bị tử hình… mặc vest cả đấy chị.

- Yêu gì cứ như …cháy nhà cô ạ. Cấm ngăn gì cũng không dập được- chị ỉu xìu.
- Chị ko thấy đám cháy nhà nào rồi cũng…tắt à. Cứ cho chúng lấy nhau, để chúng tự cháy tự tắt. Nếu bị ngăn cấm, chúng sẽ yêu nhau gấp đôi gấp ba, cứ tưởng tượng cá hụt là cá khủng, cả đời mơ mộng lại khổ người đến sau. Sau này, sống chung ko hạnh phúc chúng chỉ có thể trách mình. Còn nếu lấy người khác ko hạnh phúc, chúng đổ thừa bố mẹ chị ơi.

Tôi dừng lại cổng vu quy hỏi thăm, đùa: “Ớ, thế cháu nó lấy được thằng chân chỉ đạo đức rồi hả chị?” Chị kéo tôi ra chỗ giàn mướp, mắt láo liên: “Khổ lắm cô ơi, tuần trước thằng ma cà bông kia đến chơi, cứ tủm tỉm cười bảo giờ nó rất thik có con, sinh đôi cũng được. Làm tôi chột dạ quá. Thôi cho nó cưới cha cho rồi, không khéo sau này mẹ nó đánh tiếng “cháu nó có bầu” thì có mà lạy cả nhà nó”. 

Hehe, tui được mời dự đám cưới nè :v

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

* Sáng nay, góc nhỏ Sài Gòn

Những sáng như thế này, tiết trời mát mẻ, hơi lành lạnh. Cái lạnh dễ chịu của mùa đẹp nhất trong năm. 
Quãng này đi trên phố đã thấy màu sắc, âm thanh năm mới, Noel rộn ràng.
Sáng nay, đưa con đi học sớm, ghé vào quán ngồi một mình trước giờ làm việc. Lướt web, uống một ly cà phê đá pha phin, nghe những ca khúc Giáng sinh, Happy New Year... Thấy lòng bình yên, thanh thản. 

"Rồi chúng ta sẽ quên nhau, quên được những kỷ niệm xưa? Chúng ta đi qua đời nhau..."- câu hát trong ca khúc tự sự, buồn buồn tan vào khoảnh cảm xúc, tâm trí lơ đãng, không focus vào điểm nào trong buổi sáng này. Cuộc sống đôi khi cũng cần thoáng mơ hồ chậm buồn như giọt cà phê phin rơi chầm chậm trước mặt, như giọng Jazz lười biếng loãng vào không gian đẫm mùi capuchino và tiramisu.





Một năm mới đang đến. Nào, về văn phòng, bắt đầu ngày mới, tuần làm việc mới:))



Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

* Một nơi, bạn chỉ ngắm sao trời…

Cuộc sống bận rộn, căng thẳng, nhiều áp lực khiến chúng ta ít có thời gian dành cho người thân, cho chính mình, để có những giây phút thảnh thơi. Mà chăm sóc chính bản thân mình, là điều đáng làm nhất, để refresh-làm mới tâm trí, cảm xúc, có thêm năng lượng để sống vui, sống khoẻ và có ích hơn.


Lần cuối cùng, chúng ta đi xem phim, cà phê, du lịch với chồng, con, bạn bè vào lúc nào? Hãy nói cho tôi biết, lần cuối cùng bạn ngắm một bông hoa, trăng 16, cười lảnh lót vô tư… vào lúc nào?

Chúng ta lao đến những mục tiêu, những trách nhiệm, bổn phận (chưa kể là những đích đến ta sẽ nhận ra vô nghĩa vào một ngày nào đó), mà quên mất rằng, những phút giây sống thảnh thơi quý giá biết chừng nào. Nhưng thật ko dễ, để rút ra những điều “như đúng rồi” này.

Có một nơi, tôi biết, nếu tạm thời “quẳng” đi, nói không với những ràng buộc trong một limited thời gian, không gian, bạn sẽ cảm thấy đầu óc mình là một ổ cứng mất hết dữ liệu. Một ổ cứng …sạch sẽ, không dữ liệu, kể cả virus.

Vài scene trong phim "Quý bà đi rừng" :))


Nắng sáng bên hồ

Hai bà nương quậy:)

Những giây phút bạn bè, hồn nhiên vô tư, thậm chí là...dở hơi mà cười vang rừng

Lội suối cạn chân trần là một trải nghiệm...đau chân nhưng thú vị

Không có gì thú hơn lái xe khám phá trên những con đường mòn khúc khuỷu, dốc trong rừng

                                                                         Trèo cây hái quýt

                                                           Bầy mang trong rừng Madagui

                                                               Happy birthday, cheers!

Một bữa ăn tối trong ánh nến ấm áp cùng bạn bè bên hồ giữa rừng. Một bữa tối đặc biệt với mọi người, dành riêng cho một người - ngày sinh nhật. 
Bữa tối bên hồ ấy, với tiếng ly champaine chạm, bình hoa rừng màu tím ngọt ngào, trời đêm đầy sao, sương đêm ướt áo…đẹp, ấm áp và khó quên.

Tại Madagui (Lâm Đồng)










Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

* DƯA BỞ

Sáng dọn xe cho chồng. Vừa dọn vừa cằn nhằn cái xe đi cày của ông như…trạm thu mua ve chai, vì hằm bà lằn các cái trong xe, dơ, bụi, với vài chục tập kịch bản, va li, đạo cụ.

Móc …rác, giấy kẹo linh tinh trên xe, đến cái lung ghế phía trước, ngay chỗ ông ngồi phía sau thì móc ra được một bao thơ. Mờ ra, chu choa toàn đô la Mỹ, mới kính coong luôn. Ôi, cứ là hoa hết cả mắt, dòm trước ngó sau rồi tuồn ngay mớ đô la vào…túi mình. Dọn tiếp, nghĩ ngợi. Hà, tiền đâu mà nhiều thế, lại toàn đô la cơ. Tiền nhiều đến độ ông không thèm cẩn thận, giắt vào lưng ghế xe. Kinh thật, đáng ngờ thật.

Ông đi ra, mặt mày thản nhiên lên xe đưa con đi học. Tớ vào trong bếp pha cà phê, nhân tiện kiểm đếm chiến lợi phẩm, nghĩ chiều lão về triệu tập…mần việc. Ko giấu giếm, tớ còn nghĩ, điều tra đương sự thì vưỡn, nhưng ta sẽ tuyên bố tịch thu, sung kho bạc tui giữ. 3000 USD lận nha.

Uống cà phê, lại lôi xấp đô la ra…thưởng thức vẻ đẹp của chúng. Tiền mới quá, kiểu này cha đi qua bank, ghé vào rút mớ lận lưng ghế, tiện dọc đường đi làm uống nước mía, mua vé số chắc. Lật tới lật lui, phía sau tờ đô màu xanh hơi …tái, chữ ko được sắc sảo. Nước Mỹ dạo này lem nhem nhể, cậy giàu, cả thế giới xài tiền mình nên in ấn ko kịp, hổng thèm cẩn thận. Hừm…

Lướt mắt xuống cuối đồng tiền, mắt đứng tròng khi thấy dòng chữ bên trái “Chỉ sử dụng làm phim”.
The end 



Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

* Giày đàn ông

Khu nhà tôi có một chị khoảng 40 tuổi, đẹp. Chị sống cùng con gái khoảng 15 tuổi sau khi li dị chồng. 

       Photo by Đỗ Ngọc

Các bà trong khu kháo nhau “Đàn bà đẹp thế dễ gì sống một mình”…Có lần, chị vợ anh hàng xóm nhà có giàn mướp túm lấy tôi “Này, bà đẹp kia có bồ á cô”. Tôi bảo mừng cho cô ấy, mà sao chị biết? Mắt chị sáng quắc như đèn pha: “Trời ơi, trước cửa nhà cổ mấy hôm nay có…giày đàn ông nhá”. Oh, một đôi giày có thể đại diện cho một người đàn ông, thậm chí một người tình. Rồi chị hàng xóm trầm giọng: “Đàn bà sống một mình khó lắm, không ra một gia đình. Đàn ông họ có đui què mẻ sứt gì cũng là trụ cột, cái nóc nhà của mình. Có họ trong nhà mình cũng yên tâm hơn, dù không ít lão…vô dụng”. 

Thỉnh thoảng, gặp cô kia đi bộ qua, vài bà hàng xóm lại bóng gió: “Rồi cũng lấy chồng đi chứ, sống một mình buồn chết, phí của em ơi”…Không biết mấy bà muốn nói “của” gì, chứ thiếu gì bà đang sống với chồng cũng đâu xài hết “của”. 

Đi bộ qua nhà chị, tôi cũng nhìn vào sân và thấy …giày đàn ông trước cửa. Giày đẹp, có vẻ nam tính, size cũng phải bốn mấy. Hôm giày màu nâu, hôm khác giày thể thao hàng hiệu. Nhưng ko ai gặp hay thấy người đàn ông của chị.

Sáng nay tình cờ đi bộ cùng nhau một đoạn, chị quay sang nhìn tôi cười cười “Các bà khu ta nói xấu em dữ lắm hả chị”. Tôi bảo không nghe nói xấu, có lẽ mọi người hỏi thăm nhau, mong cô có đôi có lứa. Chị tủm tỉm: “Thiệt tình em chả có ông nào đâu. Em mua mấy đôi giày đàn ông về để ở cửa để …dọa trộm đó chị. Lúc này khu mình có trộm. Nhìn mấy đôi giày, trộm ngỡ có đàn ông trong nhà nó cũng ngại”. Ôi…

Thật, đàn ông họ quan trọng, giá trị ghê nhỉ. Nhất là để …dọa trộm:))



Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

- Chợ tềnh

Có dịp đi chợ tình Sapa vài lần, từ hơn chục năm trước, mình thik mê. Nghe nói chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) còn mê ác. Nếu chợ tình Sapa là nơi các cặp trai gái hò hẹn, hát đối, tán tỉnh nhau giữa chợ đêm, thì chợ tình Khau Vai lại là nơi cho những người tình cũ gặp lại, công khai, vợ chồng đương kim của họ đều biết. Kiểu sau khi cho lợn, trâu ăn, bà vợ chỉ cần nói “Bố nó ở nhà giăng mùng cho trâu ngủ, tôi đi gặp người xưa tí”. Văn minh hết biết.


Món thắng cố ở chợ Đồng Văn (Hà Giang)

Vừa rồi trên đường đi Mèo Vạc, lúc dừng chân ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng, mình bỗng loé lên ý tưởng kinh doanh: mở chợ tình ở Sài Gòn. Tìm khu đất trống nào đó gần Phú Mỹ Hưng chả hạn, quây hàng rào, bố trí hoa cỏ, đặt tên có vẻ bí hiểm kiểu “Chợ tình Khau Khau”, là có thể mở cửa sân chơi “độc” cho các đôi, mỗi năm một lần. 

Nghĩ đi nghĩ lại, có vài điều mình vẫn e ngại. Người Kinh ta…kinh lắm. Hiếm ai chỉ có một người cũ. Đến ngày khai chợ lại chả nườm nượp tìm, í ới gọi, có khi vài bà lại nhảy xổ vào ôm hôn, tranh giành một ông, đuổi nhau chạy cùng chợ không chừng. Ko điêu chứ người cũ của nhiều ông phải xếp hàng lấy số từ mờ sáng mới có thể gặp các ông. Có khi lại khóc lóc «Tưởng mỗi em là cũ của anh», hoá ra nhiều cũ, khác nhau cũ mới hay cũ lâu mà thôi. 


Hotel cũng phải xây nhiều nhiều vì người Kinh ta nóng tính, chả hơi đâu hỏi thăm nhiều cho sốt ruột, càng ko có tập quán dẫn nhau vào rừng, ngại muỗi đốt. Mà hotel chỉ xây chệt ko cao tầng, tránh tạo điều kiện gieo mình tuyệt vọng. Đội bảo vệ cần tinh nhuệ để can thiệp nhanh. Các tình khách phải để lại bên ngoài dao súng, can xăng, búa tạ…Ôi, ta nói nó phức tạp lắm. Thôi, để mai tính.

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

- Thèm...

Thèm những chuyến đi không vướng bận. Balô máy ảnh trên vai, quần áo bụi đời, lên đường như ngày còn trẻ. Rong ruổi đó đây, với máy ảnh. Say sưa nhìn ngắm, hòa nhập vào đời sống, thiên nhiên. Đó là những khoảnh khắc thanh thản, hạnh phúc "chỉ còn ta với nồng nàn", một quãng đời tươi đẹp, cho ta sống đúng là mình.

                                                                   Madagui 9/2013
Thèm một tinh sương mùa đông Sapa mây tràn đồi núi, bồng bềnh trong thung lũng. Nắng sớm le lói xuyên qua mây, tạo hình rẻ quạt, trang điểm cho rặng pơmu im lìm...Mình đứng ở góc đường đón những cặp vợ chồng H'Mông về chợ sớm với trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu, xoè ô tránh những giọt mưa bụi. Thèm quanh quẩn khu nhà sàn ở bản Cát Cát dưới chân núi Fanxiphăng, ngạc nhiên sửng sốt trước vẻ đẹp tươi tắn của cô gái Hmông bước ra sau cánh cửa...Thèm đi trong đêm chợ tình Sapa, ngắm trai gái cầm tay nhau, hát tỏ tình.

Thèm dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng- đường đi cao nguyên Đồng Văn, ngắm nhìn dòng Nho Quế uốn lượn dưới thung sâu như dải lụa mềm mại. Thèm dạo chợ Đồng Văn, ngắm các cô gái rực rỡ áo váy, chụp ảnh trai gái về chợ uống rượu, ăn thắng cố...

Thèm một sớm thu Hà Nội đi chụp ảnh cùng anh Bảo ở cầu Long Biên, thơ thẩn giữa những ruộng lạc, đồng ngô, chiêm ngưỡng vẻ đẹp Pháp của cây cầu hơn trăm năm tuổi vắt qua đôi bờ, phía dưới là xóm thuyền nan mơ màng ngủ...

Thèm dạo quanh hồ Xuân Hương Đà Lạt vào ngày đầu năm mới, nơi có cây đào cổ thụ nở hồng một góc hồ. Chạy lên vườn khách sạn Palace nằm lăn trên thảm cỏ xanh. Bứt trộm một trái hồng chín chia đôi với một người mới năm nào đây thôi, đỏ nhoè môi cười khúc khích...

Thèm "phải lòng" ai đó. Một ai đó đặc biệt, đủ thức tỉnh sự "háo sắc" nhiếp ảnh ở mình. Một ai đó hay, có gì thu hút...khiến ta phải vương vấn, nghĩ về. Cảm giác phải lòng ai đó thật tuyệt. Không phải yêu, chẳng phải chỉ thích, chỉ là một cảm giác không thể diễn tả. Cái đẹp, cái hay ấy, mắt chụp được, tim giữ lại được nhưng đôi khi ống kính không bắt đứng được. Có một khoảng cách thị giác. Và còn nữa, có một khoảng cách giữa ống kính si tình và đời thường. Phải lòng để làm gì nhỉ? Chẳng để làm gì, chỉ là một cảm giác đặc biệt, để thấy ta còn ...sống!

Thèm trở lại Venice. Ở cây cầu ấy, mình đã thả xuống kênh một đồng xu để mong được trở lại nơi này. Nơi quảng trường có hàng ngàn con chim bồ câu dạn dĩ sà xuống tay khách mổ hạt. Nơi mình đã uống một ly cà phê espresso kiểu Ý ngon nhất đời trong quán cà phê thư viện TP. Nơi có những ban công hoa duyên dáng, yêu kiều...

(Note cũ, 13/5/2011)

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

- Đàn bà liêu xiêu

Đàn bà có ngoại tình không? Chắc chắn là không thể không. Đơn giản, có bao nhiêu đàn ông ngoại tình thì có từng ấy đàn bà đối tác (trừ một ít cô độc thân chỉ mang tiếng vô phúc/hãnh diện yêu phải người có vợ).


Khó biết mức độ ngoại tình của đàn bà. Vốn kín đáo, tế nhị, khiêm tốn nên ít  khi họ tuyên bố: bao nhiêu anh đã "qua tay" họ, họ đã lên ...ghế với chàng diễn viên đẹp trai này, anh chân dài người mẫu nọ (kèm nụ cười bí hiểm, ra chiều ta đây ngon lành cành đào)…

Không, đàn bà thường không tự tin như đàn ông. Họ cũng ngại. Khi biết vợ ngoại tình, đàn ông thường cao thượng, họ ít dám uýnh tình địch mà uýnh vợ. Đàn bà hèn hơn, không thèm uýnh chồng, họ uýnh "con kia". 

Đàn bà coi vậy mà không phải vậy. Đừng nhìn bề ngoài lả lơi điệu đàng, mắt liếc anh này, vãi hột é status yêu trên FB mà nghĩ là họ đang yêu, đang ngoại tình. Kiểu status mơ màng "Em trở về đúng nghĩa trái tim em", "Em nhớ mãi phút giây khi ánh mắt ta chạm nhau" …mà ngỡ nàng đang phải lòng ai hay hoang hoải thương nhớ người xưa.

Cũng đừng thấy status của nàng trên blog hay FB, xa xôi về một tình yêu dang dở thì các người yêu cũ vội tưởng bở bài thơ ấy, đoản văn ấy là dành cho mình. Đó có thể là một anh khác sau anh cũ, một anh cũ mới hơn anh cũ cũ. Hoặc một anh…trong mơ nào đó.

Cũng có nàng mãi thương nhớ tình xưa, một ngày lẻn đi gặp người cũ với bao hân hoan, thương nhớ. Hơn 20 năm sau khi chia tay, chàng bạch mã hoàng tử ngày nào giờ bụng phệ, tóc gió ngưng bay, áo sơ mi cháo lòng, dép nhựa loẹt quẹt ngả màu cháo lươn. Trong khi, hình ảnh người cũ trong tim nàng mãi mãi ở tuổi hăm mấy, mắt sáng như sao, đàn giỏi, làm thơ hay.

Hoá ra, ở tuổi 20, người ta yêu tình yêu hơn là một người cụ thể nào.

Haizzz, ra đi như ăn trộm, nàng lẻn trở về, từ đó yên tâm sống cuộc đời bình lặng cũ, có một sự thay đổi nghiêm trọng về chất. Nếu không có lần ra đi ấy, nàng cứ ngỡ lão chồng phúc 80 đời mới cưới được mình.

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

- Bạn

Có bạn tình, bạn học, bạn đời, bạn đường…bạn nào cũng quan trọng. Theo mình, có một danh mục bạn cũng rất quan trọng: bạn ăn.

Mình có đứa bạn, rủ nó đi ăn món ngon, nó ừ. Đến quán, mình nhiệt thành ăn, khen ngon rối rít. Nó trễ nãi ăn, ít nói, mặt đăm chiêu, thỉnh thoảng lại nói một câu xa xôi, cứ như lãnh tụ: “Dân số nước mình 90 chiệu rồi. Ơ, cây son tao đưa mày xài được ko?”. Hỏi nó món ăn ngon ko, nó hỏi lại “Thế món tao vừa ăn tên gì?”.

Một đứa thik ốc Đào điên đảo, có thể ăn vào tất cả các buổi trưa trong tuần. Nhìn nó ăn đã gì đâu, mắt sáng long lanh, mặt mũi hồng hào nở nang, mồm bằng tay, tay bằng mồm. Lần lượt bọn cua ghẹ sò huyết ốc tỏi ốc mỡ ốc hương…hào hứng chui tọt vào cái miệng xinh xinh của nó. Đứa này yêu cũng như ăn thì hay, nhưng cũng như ăn, suốt đời nó mê đắm dúi dụi mỗi một thèng, chả nhìn ngó đâu dù lắm anh đánh tiếng mây gió. Đến độ, mỗi lần nó rủ mình đi ăn ốc Đào thì chồng nó lén nhắn tin cho mình “Hihi, cảm ơn chị đã thế vai, chứ ko trưa nào em cũng phải đi ăn ốc Đào với ẻm, muốn điên”.

Người khác nữa. Có nhẽ cũng iu mình, nên thỉnh thoảng mời búp phê hải sản (biết mình thik). Vé buffet khách sạn 5 sao giá triệu trở lên. Mà mẹ ơi, nàng ta lụa là khăn quàng lướt thướt đi lại, nhìn ngó lơ đãng, cảnh vẻ dao dĩa, hết cả buổi chỉ ăn đúng một con hàu, hai con sò huyết và ba lá xà lách. Báo hại mình vì lịch sự ăn cầm chừng, tối về phải xơi mì tôm Hảo Hảo bù, tiếc đau tiếc đớn bọn hàu, ghẹ nhập từ Alaska…

Đứa nữa, ăn uống mỹ thuật lắm. Vào nhà hàng, nó gọi chỉ một cái bánh ngọt Tiramisu, một ly cốc teo hay cà phê lơ doa hay trai lơ gì đó. Là bữa trưa của nó. Nó khiến mình mặc cảm phàm phu tục tử. Mỗi lần nó nhắn tin rủ đi ăn, mình thường nhắn lại “đang…họp”.

Một đứa mình gọi là Thị Nở. Nó chăm sóc mình lắm, rất cầu kỳ. Chỉ bữa cơm trưa, nó đem theo 5 loại nước chấm, bắt cái này chấm với cái này, ko được chấm với cái kia, giời ơi già rồi mà ăn rớt hết ra bàn, lau mồm đi…làm mình phát khùng quát tướng: “Có để người ta ăn ko, cả đời phải nghe lời rồi, đến ăn cũng ko được tự do thì…dell ăn nữa”. Bữa ăn nào cùng nó, kết quả là mình cũng mặt sưng mày sỉa, khoảng một năm sau quên thì mới đi ăn tiếp với nó. Có lần, nó cho mình ăn món nó làm, kết quả là mình đi cấp cứu ở bệnh viện Hoàn Mỹ, còn nó thì vô sự. Té ra, nó thúc mình ăn món cá, còn nó thì…ko ăn nên ko xao  

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

* Đàn bà đi chơi

Vài đứa bạn théc méc: “Sao bà toàn đi với…gái không dzậy?”. Mình hỏi lại: “Thế bà nghĩ sao nếu tui chỉ toàn đi…với trai?”. Những đứa ấy phì cười: “Uh nhỉ”.

     Đồng Văn 27.10.2013. Hai mợ đang diễn cảnh trong phim “thắm mãi tềnh ta” 
Chuyến đi xa nào của mình, cũng được thông báo trước cho chồng vài ngày, rằng mẹ đi đây, đi kia, mấy ngày, với…bà này, bọn gái kia. Rồi đi, chồng chả bao giờ hỏi lại nửa nhời. Nhẽ, ông ấy tôn trọng, tin người, hoặc ông ấy…khinh vợ mình ko đi với gái thì có khả năng đi với …ma nào. 

                               Sủng Là, đường lên Đồng Văn (Hà Giang) Tam bà nương quậy:)
Có chuyến đi vào hai ngày cuối tuần, với đám gái mạng. Buổi sáng khoác balo, đi qua ông chồng đang tưới hoa ngoài sân với câu chào lí nhí “Mẹ đi đây, ba ở nhà coi con”, mà áy náy. Lên xe, kể, đám gái nhao nhao: “Ôi, em cũng thế, phải gửi con về ngoại”, “Áy náy quá, chủ nhật ko ai đưa con đi học ngoại ngữ”, “Em phải nịnh chồng vì chuyến đi với mấy cha con cứ lần lữa”…Đàn bà đi chơi có thảnh thơi đâu.

                                           Nhóm Gái mạng tháng 7/2013 tại Bình Châu (Bà Rịa- Vũng Tàu)
Mà đàn bà đi chơi với nhau có gì lạ? Trên xe cười nói, trêu ghẹo nhau, kể chuyện tiếu lâm, nói xấu đứa này đứa kia (còn nhắn tin bảo tụi tao đang nói xấu mày) rồi rũ ra cười như lũ thần kinh. Vừa check in khách sạn, ra biển lên rừng xuống núi thì nghị sự chính vưỡn là chụp hình với đủ thứ công tằng tôn nữ mũ nón áo váy giày guốc kính…dâm các kiểu. Nhìn các mụ choai lơ, phù phiếm lúc này chả sao hình dung đây vốn là các bác sĩ kĩ sư diễn viên tiến sĩ nhà béo quan chức công nhân…Các mụ tươi hơn hớn, cười haha hồn nhiên thanh thản với những trò bày vẽ của mình sau những ngày bận bịu mệt mỏi của phận công chức và tay hòm chìa khóa của gia đình.

Các mụ nói chuyện gì? Chuyện chồng con người yêu cũ…Có lần, cả bọn chờ mãi ko thấy hai đứa kia ra ăn sáng, gọi phone ko giả nhời. Mãi sau hai đứa hiện ra với đôi mắt sưng vù. Té ra hai nàng ngủ cùng phòng, sáng sớm tâm sự chuyện tềnh đời cô Lựu và …đua nhau sụt sịt. Có chuyện tình xưa kể trên xe với giọt nước mắt rơi chùi vội, khiến những đứa còn lại phải quay mặt đi vờ ngắm cảnh đường đèo quanh co, …


                                                 Chị và iem:)
Rồi cũng đến lúc trở về, với những đứa con, ông chồng, mái ấm mái lạnh quen thuộc, dù có ai chờ đợi hay không. Với những bổn phận, trách nhiệm, muốn hay không, có/còn tình yêu hay không… Những “phù phiếm”, những phút giây đàn bà, chả có gì quan trọng với nhau ấy như một liều doping, khoảng lặng thảnh thơi giữa cuộc sống bộn bề những lo toan vất vả của đàn bà,may mà còn thân thiết, chia sẻ được với nhau. 

Chỉ thế thôi…




Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Nhan sắc Hà Giang

PNO - Tháng 10 là mùa đẹp nhất của nhan sắc Hà Giang. Vẻ đẹp của một người phụ nữ đỏng đảnh, vui buồn, giận hờn đều đẹp. Vẻ đẹp sương khói, rực nắng, mù mây, mưa phùn ảm đạm. Có lẽ vì vậy mà lôi cuốn, hấp dẫn sự khám phá, kiếm tìm của bao tay máy và khách du lịch trong và ngoài nước.

    Mùa của hoa nở bên đường, trên những triền đồi dốc thoải. Mùa lúa chín nhuộm vàng ruộng bậc thang, khói đốt đồng thơm mùi rạ sau vụ gặt, váy áo rộn ràng về chợ.  Mùa hoa xuyến chi, tam giác mạch khoe sắc, mùa em thơm lúa nương...
    Tháng 10 này, tôi trở lại Đồng Văn lần thứ 5. Cuộc sống đổi thay, phát triển hơn, "hương đồng cỏ nội" ít nhiều nhạt phai nhưng với tôi, phong vị và màu sắc của núi rừng Tây Bắc vẫn luôn rất hấp dẫn. Hãy lên Đồng Văn vào tháng 10 bạn nhé!

    Mùa gặt đã gần xong, đường đến TP Hà Giang hai bên là những ruộng lúa trơ gốc rạ, khói đốt đồng bay lãng đãng,
    cho đất được bồi bổ, hồi phục sinh lực chờ mùa vụ mới 

    Quản Bạ, thị trấn Yên Minh. Đây đó trong các thung lũng vẫn còn những thảm lúa chín nhuộm vàng ruộng bậc thang

    Chùa Sùng Khánh ở km số 9 thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là ngôi chùa có địa thế rất đẹp, trước mặt là cánh đồng trải dài và dòng suối trong vắt, sau lưng là núi. Chùa gắn liền với lịch sử, hệ tư tưởng Phật giáo thời Lý - Trần thế kỷ 14 
     
    Tại cổng Trời Quản Bạ, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng núi đôi Cô Tiên

    Mùa này các bạn trẻ đi "phượt" rất đông. Mỗi đoàn vài chục người, trên xe gắn máy, ba lô trên vai rong ruổi
    qua nhiều đồi núi, đèo dốc quanh co để thưởng thức vẻ đẹp Tây Bắc

    Trên đường đi Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn nên ghé thăm thung lũng Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang), nơi có những đồng hoa hồng, hoa xuyến chi và tam giác mạch trải dài hai bên đường. Nơi đây có làng du lịch, nguyên là bản người dân sinh sống lâu đời, có những ngôi nhà cổ tường trình đất, hàng rào đá, bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng đạt giải Cánh Diều Vàng 2005 – Chuyện của Pao. 
    Hãy ghé Sà Phìn thăm nhà vua Mèo Vương Chí Sình
     
    Hai bên đường, trên những triền đồi, núi đường lên cao nguyên đá Đồng Văn, mùa này hoa tam giác mạch
    đua nhau khoe sắc

    Ngày cuối tuần, trên nhiều nẻo đường Tây Bắc, bạn sẽ gặp nhiều người dân đi chợ phiên. Đây là "ngày hội" 
    của người vùng cao, dịp mua sắm, dạo chợ, hẹn hò của các bạn trẻ, các cô gái diện váy áo mới nao nức về chợ.

    Một góc chợ phiên Đồng Văn

    Bạn có thể thưởng thức món thắng cố tại chợ Đồng Văn, giá 30.000/tô

    Thung lũng Sà Phìn

     Mã Pí Lèng, một trong “Tứ đại đỉnh đèo” nổi tiếng nhất của Việt Nam. Đèo Mã Pí Lèng có độ cao 2000m so với mực nước biển với những đèo dốc, khúc cua tay áo quanh co liên tục . Từ đỉnh đèo, nhìn xuống sông Nho Quế đẹp như một dải lụa mềm mại uốn lượn...
    Bài và ảnh: ĐỖ NGỌC

    Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

    * Chiang Mai 1997

    Năm ấy tôi 34 tuổi, tham dự khóa học về ảnh báo chí đầu tiên do Qũy tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF, nhà báo Tim Page sáng lập) tổ chức tại Bangkok và Chiang Mai. Khóa học này kéo dài 1 tháng dành cho các nhà báo Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Lớp chỉ có hai nhà báo nữ, tôi và Thaksina của Bangkok Post (sau này bạn làm cho BBC, Reuters).

                                  Cả lớp đi thực tập tại vùng núi (Karen village) ở Chiang Mai. Ảnh này lớp
                                                chụp chung với một gia đình Mỹ là chủ trang trại nơi này

    Giảng viên của chúng tôi là các PV chiến trường, nhà báo ảnh kì cựu người Anh, người Mỹ. Cái tên Dona của tôi bắt đầu từ đây. Chỉ vì ko thể phát âm chuẩn xác tên tôi, cô chủ nhiệm người Anh Sarah bảo “Đố Ngoo ọc, mỗi lần gọi tên em tôi phải uốn éo người. Gọi em là Dona nhé”.

    Các bạn cùng học với tôi đến từ Thông tấn xã Lào, nhật báo Bangkok Post, Cambodia Times, PV ảnh tự do của Myanmar. Việt Nam có 4 nhà báo tham dự. Có một điều tự hào là so với các bạn trong lớp, nhóm Việt Nam khá hơn hẳn về "trình độ" nghề nghiệp (ảnh), nhất là thực hành, dù không hơn các bạn về thiết bị. 

                          Tại một bar đêm ở Chiang Mai, nơi các nghệ sĩ và diễn viên chuyển giới biểu diễn.
                      Hai "kiều nữ" vốn là quý ông,"chuyển"sang phụ nữ, họ có phần...nữ tính hơn tui, nhỉ


    Chúng tôi trú tại hotel dành cho sinh viên quốc tế, học tại Trường Đại học Chiang Mai. Ban ngày lên lớp, tối lại đi thực tế chụp ảnh. Các thầy thường ra bài tập là chủ đề tự do, tùy mọi người chọn, đăng kí, lang thang tìm kiếm và về tráng, rọi, chiếu màn hình projector và thảo luận. Ảnh trên, tôi theo thầy Mikel Flame đi tác nghiệp tại bar đêm nổi tiếng, nơi các nghệ sĩ, diễn viên chuyển giới biểu diễn hàng đêm. Họ rất thân thiện. Chúng tôi lặng lẽ quan sát, chụp họ trang điểm, phỏng vấn, biểu diễn… 

    Các thầy giảng, truyền đạt những kiến thức nghề nghiệp phong phú và bổ ích qua thực tế công việc, kinh nghiệm mà họ đã trải qua. Chúng tôi học kỹ thuật, kiến thức cơ bản về ảnh báo chí, tráng rọi ảnh đen trắng trong buồng tối. Nhờ đã nhiều năm chơi ảnh, là "thợ" buồng tối ảnh không đến nỗi tồi, tôi được "phong chức" trợ giảng cho các thầy ở chuyên đề "rửa ảnh, tráng phim". Tôi cũng làm các bạn học ...lé mắt khi giúp họ lấy đầu phim bị tuột vào vỏ hộp chỉ bằng kiểu "du kích" là...le lưỡi liếm vào đoạn đầu một cuộn phim khác rồi cho vào cuộn phim đã bị tuột vào trong, cuộn xoáy và giật đầu phim bị tuột ra.

                   Tham quan Văn phòng hãng tin AP (Mỹ) tại Bangkok. Lần đầu tiên chúng tôi làm quen
                                    với máy digital chuyên nghiệp. David, PV ảnh của AP rất đẹp trai :)

    Tôi "vác" theo một cuốn từ điển Anh-Việt to đùng để... phòng thân, vì khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh. Lúc ấy tiếng Anh của tôi đủ dùng cho giao tiếp đời sống thông thường. Học nhiếp ảnh, bạn phải làm quen, phải nghe những từ chuyên biệt của kỹ thuật nhiếp ảnh, báo chí. Nghe giảng, hiểu được, ghi chép để còn thảo luận và tranh luận sau đó. Thầy luôn hỏi thẳng: "Dona có ý kiến gì về điều tôi vừa nói", ví dụ thế. Suốt một tháng chỉ nghe, nói tiếng Anh, như phản xạ sinh tồn, tiếng Anh của tôi khá hẳn, bởi phải nghe, nói trong lớp, gọi đồ ăn trong nhà ăn sinh viên, giao tiếp trên đường phố, sáng mở mắt ra đã chào sang giường bên "Good morning Thaksina, how are you today?", tám chuyện với cô ấy mỗi đêm trước khi ngủ, cả chuyện tình yêu mới ...ghê. hehe.
    Thú vị nhất là những lần tác nghiệp-thực hành trên đường phố, chợ, các bản làng vùng cao. Các thầy “thả” chúng tôi vào cuộc sống và quan sát cách chúng tôi nhìn, nắm bắt cuộc sống ra sao qua ống kính.
    Những giờ lên lớp, đi thực tế kín ngày, đêm. Mỗi tối trở về khách sạn muộn, tôi thường nằm trong phòng nghe nhạc, trong khi các bạn học đi chơi thâu đêm. Tối nào cô Sarah cũng gọi điện thoại đến phòng tôi, hỏi thăm em ăn tối chưa, khỏe không...kì thực là cô muốn biết các học trò ai đi chơi đêm, ai chưa về khách sạn...có lần, Thaksina đi chơi về, cười cười bảo "Cô Sara khen mày...ngoan, ko đi chơi tối". hehe. Cũng chính ở nơi này tôi tham dự lễ hội té nước Song Kran bên bờ sông Ping cùng hai bạn nhiếp ảnh gia người Mỹ và người yêu của họ - bạn của Thaksina. Tháng 4 năm nay (2013), tôi đã trở lại nơi này, đứng bên dòng kênh, một nhánh của sông Ping, nơi tôi đã có những khoảnh khắc thật vui tươi 16 năm trước...

    Ấn tượng của tôi qua lớp học này là IMMF rất có lòng và nghiêm túc khi tổ chức những khóa học bồi dưỡng kiến thức báo chí cho các nhà báo Đông Dương. 20 năm qua, nhiều khóa học được IMMF liên tục tổ chức, tập trung về: Bảo vệ môi trường, nhiếp ảnh, kỹ thuật đưa tin, viết về kinh tế-kinh doanh...nhiều khóa học được tổ chức tại VN. Mọi chi phí của khóa học đều do IMMF chi trả, gồm vé bay, ăn ở cho học viên, chi phí mời giáo viên thỉnh giảng. 

    Tôi học được nhiều điều từ khóa học này. Những khóa học rất cần thiết cho các nhà báo Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, nơi "nền" ảnh báo chí sau bao năm vẫn nặng tính minh họa. Đó cũng là một trong những lí do tôi chọn con đường nhà báo viết, rời bỏ nhà báo ảnh. Điều này luôn làm tôi ray rứt khi nghĩ về. Tôi đã không theo đuổi công việc của một phóng viên nhiếp ảnh đến cùng, chỉ giữ được tư cách một “tay chơi” ảnh, đến giờ. 

    Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

    * Đừng iêu/cưới nhiếp ảnh da:)

    Vì sao ư, yêu thì khổ, lấy thì …lỗ nặng. Thật đấy:

    Chúng sẽ ăn ảnh, ngủ ảnh, nghĩ ảnh. Và luôn mơ về các chuyến đi. Người ta có thể bỏ nhau vì nhiều lí do: bị chồng/vợ bạo hành, ko chấp hành quy định ngủ với nhau 7 lần/tuần, ko làm ra tiền…nhưng ko thể nêu lí do “Em muốn li hôn vì chồng em đi…chụp ảnh”. Thẩm phán cười cho, cái lí do xa xỉ ấy.


    Hầu hết vợ của nhiếp ảnh da nam đều xinh đẹp, chân dài. Thương thay cho chồng nữ nhiếp da, chả ông nào có vợ đẹp, phần lớn đều có vẻ quắc thước, chỉ khi bọn trẻ con kêu “Mẹ ơi”, người ta mới biết thị là…phụ nữ.

    Bạn sẽ không bao giờ hiểu được, vì sao chúng phải lội suối trèo đèo dầm mưa dãi nắng để chụp ra những bức ảnh chả biết để làm gì, rồi đặt những cái tên kiểu “Hoàng hôn”, “Bến vắng”, “khoảnh khắc”… mà thật ra chả cần đặt tên chi cho người xem thêm nghĩ ngợi “ý muốn nói chi?”.

    Bạn càng ko thể hiểu được vì sao người đẹp thì nhiều, hoa xinh cũng lắm mà bọn chúng ko chụp, lại lăn lê bò toài, vất vả để chụp …lá cỏ đọng hạt sương, con sâu ngũ sắc bò vặn vẹo trong ánh sáng ngược, rồi nắc nỏm khen với nhau “đẹp quá”. Chụp xong bốt ảnh free lên mạng, có người lai là sung sướng rồi. Ảnh nào cũng photo by ta đây, mà thật ra chỉ xác định được là không …chôm của người khác mà thôi.

    Nếu là người mẫu, bạn sẽ tổn thương nghiêm trọng, khi chúng rất điêu luyện, từ từ “dụ” bạn chụp ảnh nude. Chúng say sưa nghiêng ngó bò lăn bò càng góc nọ góc kia để chụp ra những tấm ảnh mà sau đó bạn chẳng hề nhận ra mình. Trừ một số ít tự tin ảnh đẹp đăng nguyên mặt mũi người mẫu, còn đa số tàn nhẫn cắt…đầu, chỉ chụp back the lưng hay tứ chi của bạn mà thôi. Làm sao thế giới biết đó là ai khi không có đầu thì 3 tỷ nọ và 3 tỷ kia giống in nhau chứ?

    Nếu đàn ông nói chung, đàn bà nói riêng thik diện quần áo đồng hồ túi sách Mobiado, Louis Vuiton, Armani, Versace, Salvator Ferragamo, Hermes, xe hơi xịn…thì đồ trang sức của bọn nhíp da là một em camera xịn, ống kính độc, ví dụ Leica (M9-P càng tốt) đeo trên cổ ra chiều vênh vang, bọn bạn phải rỏ dãi. Không khó để nhận ra bọn nhíp da, chỉ với một đặc điểm: khăn rằn quàng cổ. Đeo máy ảnh ko nói lên điều gì nhé. Ko đeo máy ảnh, chỉ quàng khăn rằn mà dáng điệu nghênh ngang, đích thị là nhíp ảnh da.

    Nếu bạn có vợ là nhíp ảnh da, thập phần nguy hiểm. Phụ nữ đi xa, đến những nơi vắng vẻ hiu quạnh thật đáng ngại cho an ninh tiền bạc và…thân thể. Ấy vậy mà các mụ ấy chả sợ, lại còn đặt ra tình huống: Nếu bị cướp dọc đường, mất túi máy mấy ngàn đô hay bị…hãm hại, chọn cái nào?. Ác nhơn là các mụ thường chọn (chả biết đùa hay thật) “Thà…giữ được máy!”. Có khi lại ra chiều thất vọng “Sao chỗ này vắng vẻ mà chụp từ sáng giờ ko gặp…thằng cướp đẹp chai nào bay?

    hehe



    Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

    * Đàn bà nhẹ dạ

    Sáng sớm, ngồi làm việc ở bàn, nhìn qua cửa sổ thấy chồng vội vã đem cái giá treo quần áo ra sân phơi. Có thế mà ...cảm động.

    Chuyện chẳng có gì, hàng ngày chồng vẫn làm hơn thế. Chỉ là chồng vừa bắt đầu thực hiện bộ phim mới, sẽ đi từ sáng sớm đến tối khuya mới về, không ăn bữa cơm nào ở nhà trong suốt 3 tháng, kể cả chủ nhật - chồng hơi ngậm ngùi thông báo thế trong bữa ăn tối trước đó, để vợ thông cảm. Cảm động vì dáng vội vã của lão truớc khi lao ra xe đi làm còn cố đỡ đần mụ vợ suốt ngày lu bu công việc, con cái, được chút nào hay chút đó.


    Từ “bộ phim” cảm động của mình, nghĩ rộng hơn về “tiểu thuyết” cảm động của phụ nữ. Điều gì làm cho phụ nữ dễ cảm động? Nhiều khi các ông cứ tưởng công lên việc xuống, xe hơi nhà lầu vòng vàng nữ trang hột xoàn, quăng cục tiền khối lượng là các bà ...òa khóc vì cảm động, sung sướng cả tháng. Điều ấy cũng thường thôi nếu chỉ thuần hành động...cơ học, nếu rộng rãi tiền bạc và muốn ...mị vợ.

    Các bà vợ dễ cảm động khi chồng giao thẻ ATM cho quản “Tất cả lương thưởng của anh trong này, nộp em trọn gói nhé”. Các bà đâu biết các lão chỉ “nộp” phần cứng, phần mềm thưởng, phúc lợi các lão giếm riêng để trà lá xa gần nhậu nhẹt tán tỉnh. Các bà sung sướng khi chồng nộp 5 triệu tiền lương cho mình, để rồi sung sướng ko kém “phát” lại tiền ăn sáng, cà phê xăng xe cho các lão...tổng cộng nhiều hơn lương.

    Không ít bà vợ hoàn toàn tin tưởng khi chồng đi về đúng giờ hành chánh, ngày nghỉ và đêm tối luôn ở nhà. Thế rồi, chục năm sau bàng hoàng khi chẳng đặng đừng, ổng thừa nhận có hai con với một bà nhà cách nhà mình hai phố. Lỗi là 60 phút ông chồng... đi bộ mỗi sáng sớm, trong suốt nhiều năm.

    Đàn bà nhẹ dạ lắm, chả thế mà có câu “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Chả thế mà giận nhau tưng bừng với chồng, nước mắt nước mũi ngập lụt, thậm chí bị các lão xáng cho bạt tai, đấm đá như võ sĩ Vovinam...thế mà nhẹ dạ khi các lão áp dụng nghệ thuật làm lành, dân số nước ta thế nào cũng thêm một trẻ. hehe