Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Nhan sắc Hà Giang

PNO - Tháng 10 là mùa đẹp nhất của nhan sắc Hà Giang. Vẻ đẹp của một người phụ nữ đỏng đảnh, vui buồn, giận hờn đều đẹp. Vẻ đẹp sương khói, rực nắng, mù mây, mưa phùn ảm đạm. Có lẽ vì vậy mà lôi cuốn, hấp dẫn sự khám phá, kiếm tìm của bao tay máy và khách du lịch trong và ngoài nước.

    Mùa của hoa nở bên đường, trên những triền đồi dốc thoải. Mùa lúa chín nhuộm vàng ruộng bậc thang, khói đốt đồng thơm mùi rạ sau vụ gặt, váy áo rộn ràng về chợ.  Mùa hoa xuyến chi, tam giác mạch khoe sắc, mùa em thơm lúa nương...
    Tháng 10 này, tôi trở lại Đồng Văn lần thứ 5. Cuộc sống đổi thay, phát triển hơn, "hương đồng cỏ nội" ít nhiều nhạt phai nhưng với tôi, phong vị và màu sắc của núi rừng Tây Bắc vẫn luôn rất hấp dẫn. Hãy lên Đồng Văn vào tháng 10 bạn nhé!

    Mùa gặt đã gần xong, đường đến TP Hà Giang hai bên là những ruộng lúa trơ gốc rạ, khói đốt đồng bay lãng đãng,
    cho đất được bồi bổ, hồi phục sinh lực chờ mùa vụ mới 

    Quản Bạ, thị trấn Yên Minh. Đây đó trong các thung lũng vẫn còn những thảm lúa chín nhuộm vàng ruộng bậc thang

    Chùa Sùng Khánh ở km số 9 thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là ngôi chùa có địa thế rất đẹp, trước mặt là cánh đồng trải dài và dòng suối trong vắt, sau lưng là núi. Chùa gắn liền với lịch sử, hệ tư tưởng Phật giáo thời Lý - Trần thế kỷ 14 
     
    Tại cổng Trời Quản Bạ, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng núi đôi Cô Tiên

    Mùa này các bạn trẻ đi "phượt" rất đông. Mỗi đoàn vài chục người, trên xe gắn máy, ba lô trên vai rong ruổi
    qua nhiều đồi núi, đèo dốc quanh co để thưởng thức vẻ đẹp Tây Bắc

    Trên đường đi Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn nên ghé thăm thung lũng Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang), nơi có những đồng hoa hồng, hoa xuyến chi và tam giác mạch trải dài hai bên đường. Nơi đây có làng du lịch, nguyên là bản người dân sinh sống lâu đời, có những ngôi nhà cổ tường trình đất, hàng rào đá, bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng đạt giải Cánh Diều Vàng 2005 – Chuyện của Pao. 
    Hãy ghé Sà Phìn thăm nhà vua Mèo Vương Chí Sình
     
    Hai bên đường, trên những triền đồi, núi đường lên cao nguyên đá Đồng Văn, mùa này hoa tam giác mạch
    đua nhau khoe sắc

    Ngày cuối tuần, trên nhiều nẻo đường Tây Bắc, bạn sẽ gặp nhiều người dân đi chợ phiên. Đây là "ngày hội" 
    của người vùng cao, dịp mua sắm, dạo chợ, hẹn hò của các bạn trẻ, các cô gái diện váy áo mới nao nức về chợ.

    Một góc chợ phiên Đồng Văn

    Bạn có thể thưởng thức món thắng cố tại chợ Đồng Văn, giá 30.000/tô

    Thung lũng Sà Phìn

     Mã Pí Lèng, một trong “Tứ đại đỉnh đèo” nổi tiếng nhất của Việt Nam. Đèo Mã Pí Lèng có độ cao 2000m so với mực nước biển với những đèo dốc, khúc cua tay áo quanh co liên tục . Từ đỉnh đèo, nhìn xuống sông Nho Quế đẹp như một dải lụa mềm mại uốn lượn...
    Bài và ảnh: ĐỖ NGỌC

    Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

    * Chiang Mai 1997

    Năm ấy tôi 34 tuổi, tham dự khóa học về ảnh báo chí đầu tiên do Qũy tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF, nhà báo Tim Page sáng lập) tổ chức tại Bangkok và Chiang Mai. Khóa học này kéo dài 1 tháng dành cho các nhà báo Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Lớp chỉ có hai nhà báo nữ, tôi và Thaksina của Bangkok Post (sau này bạn làm cho BBC, Reuters).

                                  Cả lớp đi thực tập tại vùng núi (Karen village) ở Chiang Mai. Ảnh này lớp
                                                chụp chung với một gia đình Mỹ là chủ trang trại nơi này

    Giảng viên của chúng tôi là các PV chiến trường, nhà báo ảnh kì cựu người Anh, người Mỹ. Cái tên Dona của tôi bắt đầu từ đây. Chỉ vì ko thể phát âm chuẩn xác tên tôi, cô chủ nhiệm người Anh Sarah bảo “Đố Ngoo ọc, mỗi lần gọi tên em tôi phải uốn éo người. Gọi em là Dona nhé”.

    Các bạn cùng học với tôi đến từ Thông tấn xã Lào, nhật báo Bangkok Post, Cambodia Times, PV ảnh tự do của Myanmar. Việt Nam có 4 nhà báo tham dự. Có một điều tự hào là so với các bạn trong lớp, nhóm Việt Nam khá hơn hẳn về "trình độ" nghề nghiệp (ảnh), nhất là thực hành, dù không hơn các bạn về thiết bị. 

                          Tại một bar đêm ở Chiang Mai, nơi các nghệ sĩ và diễn viên chuyển giới biểu diễn.
                      Hai "kiều nữ" vốn là quý ông,"chuyển"sang phụ nữ, họ có phần...nữ tính hơn tui, nhỉ


    Chúng tôi trú tại hotel dành cho sinh viên quốc tế, học tại Trường Đại học Chiang Mai. Ban ngày lên lớp, tối lại đi thực tế chụp ảnh. Các thầy thường ra bài tập là chủ đề tự do, tùy mọi người chọn, đăng kí, lang thang tìm kiếm và về tráng, rọi, chiếu màn hình projector và thảo luận. Ảnh trên, tôi theo thầy Mikel Flame đi tác nghiệp tại bar đêm nổi tiếng, nơi các nghệ sĩ, diễn viên chuyển giới biểu diễn hàng đêm. Họ rất thân thiện. Chúng tôi lặng lẽ quan sát, chụp họ trang điểm, phỏng vấn, biểu diễn… 

    Các thầy giảng, truyền đạt những kiến thức nghề nghiệp phong phú và bổ ích qua thực tế công việc, kinh nghiệm mà họ đã trải qua. Chúng tôi học kỹ thuật, kiến thức cơ bản về ảnh báo chí, tráng rọi ảnh đen trắng trong buồng tối. Nhờ đã nhiều năm chơi ảnh, là "thợ" buồng tối ảnh không đến nỗi tồi, tôi được "phong chức" trợ giảng cho các thầy ở chuyên đề "rửa ảnh, tráng phim". Tôi cũng làm các bạn học ...lé mắt khi giúp họ lấy đầu phim bị tuột vào vỏ hộp chỉ bằng kiểu "du kích" là...le lưỡi liếm vào đoạn đầu một cuộn phim khác rồi cho vào cuộn phim đã bị tuột vào trong, cuộn xoáy và giật đầu phim bị tuột ra.

                   Tham quan Văn phòng hãng tin AP (Mỹ) tại Bangkok. Lần đầu tiên chúng tôi làm quen
                                    với máy digital chuyên nghiệp. David, PV ảnh của AP rất đẹp trai :)

    Tôi "vác" theo một cuốn từ điển Anh-Việt to đùng để... phòng thân, vì khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh. Lúc ấy tiếng Anh của tôi đủ dùng cho giao tiếp đời sống thông thường. Học nhiếp ảnh, bạn phải làm quen, phải nghe những từ chuyên biệt của kỹ thuật nhiếp ảnh, báo chí. Nghe giảng, hiểu được, ghi chép để còn thảo luận và tranh luận sau đó. Thầy luôn hỏi thẳng: "Dona có ý kiến gì về điều tôi vừa nói", ví dụ thế. Suốt một tháng chỉ nghe, nói tiếng Anh, như phản xạ sinh tồn, tiếng Anh của tôi khá hẳn, bởi phải nghe, nói trong lớp, gọi đồ ăn trong nhà ăn sinh viên, giao tiếp trên đường phố, sáng mở mắt ra đã chào sang giường bên "Good morning Thaksina, how are you today?", tám chuyện với cô ấy mỗi đêm trước khi ngủ, cả chuyện tình yêu mới ...ghê. hehe.
    Thú vị nhất là những lần tác nghiệp-thực hành trên đường phố, chợ, các bản làng vùng cao. Các thầy “thả” chúng tôi vào cuộc sống và quan sát cách chúng tôi nhìn, nắm bắt cuộc sống ra sao qua ống kính.
    Những giờ lên lớp, đi thực tế kín ngày, đêm. Mỗi tối trở về khách sạn muộn, tôi thường nằm trong phòng nghe nhạc, trong khi các bạn học đi chơi thâu đêm. Tối nào cô Sarah cũng gọi điện thoại đến phòng tôi, hỏi thăm em ăn tối chưa, khỏe không...kì thực là cô muốn biết các học trò ai đi chơi đêm, ai chưa về khách sạn...có lần, Thaksina đi chơi về, cười cười bảo "Cô Sara khen mày...ngoan, ko đi chơi tối". hehe. Cũng chính ở nơi này tôi tham dự lễ hội té nước Song Kran bên bờ sông Ping cùng hai bạn nhiếp ảnh gia người Mỹ và người yêu của họ - bạn của Thaksina. Tháng 4 năm nay (2013), tôi đã trở lại nơi này, đứng bên dòng kênh, một nhánh của sông Ping, nơi tôi đã có những khoảnh khắc thật vui tươi 16 năm trước...

    Ấn tượng của tôi qua lớp học này là IMMF rất có lòng và nghiêm túc khi tổ chức những khóa học bồi dưỡng kiến thức báo chí cho các nhà báo Đông Dương. 20 năm qua, nhiều khóa học được IMMF liên tục tổ chức, tập trung về: Bảo vệ môi trường, nhiếp ảnh, kỹ thuật đưa tin, viết về kinh tế-kinh doanh...nhiều khóa học được tổ chức tại VN. Mọi chi phí của khóa học đều do IMMF chi trả, gồm vé bay, ăn ở cho học viên, chi phí mời giáo viên thỉnh giảng. 

    Tôi học được nhiều điều từ khóa học này. Những khóa học rất cần thiết cho các nhà báo Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, nơi "nền" ảnh báo chí sau bao năm vẫn nặng tính minh họa. Đó cũng là một trong những lí do tôi chọn con đường nhà báo viết, rời bỏ nhà báo ảnh. Điều này luôn làm tôi ray rứt khi nghĩ về. Tôi đã không theo đuổi công việc của một phóng viên nhiếp ảnh đến cùng, chỉ giữ được tư cách một “tay chơi” ảnh, đến giờ. 

    Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

    * Đừng iêu/cưới nhiếp ảnh da:)

    Vì sao ư, yêu thì khổ, lấy thì …lỗ nặng. Thật đấy:

    Chúng sẽ ăn ảnh, ngủ ảnh, nghĩ ảnh. Và luôn mơ về các chuyến đi. Người ta có thể bỏ nhau vì nhiều lí do: bị chồng/vợ bạo hành, ko chấp hành quy định ngủ với nhau 7 lần/tuần, ko làm ra tiền…nhưng ko thể nêu lí do “Em muốn li hôn vì chồng em đi…chụp ảnh”. Thẩm phán cười cho, cái lí do xa xỉ ấy.


    Hầu hết vợ của nhiếp ảnh da nam đều xinh đẹp, chân dài. Thương thay cho chồng nữ nhiếp da, chả ông nào có vợ đẹp, phần lớn đều có vẻ quắc thước, chỉ khi bọn trẻ con kêu “Mẹ ơi”, người ta mới biết thị là…phụ nữ.

    Bạn sẽ không bao giờ hiểu được, vì sao chúng phải lội suối trèo đèo dầm mưa dãi nắng để chụp ra những bức ảnh chả biết để làm gì, rồi đặt những cái tên kiểu “Hoàng hôn”, “Bến vắng”, “khoảnh khắc”… mà thật ra chả cần đặt tên chi cho người xem thêm nghĩ ngợi “ý muốn nói chi?”.

    Bạn càng ko thể hiểu được vì sao người đẹp thì nhiều, hoa xinh cũng lắm mà bọn chúng ko chụp, lại lăn lê bò toài, vất vả để chụp …lá cỏ đọng hạt sương, con sâu ngũ sắc bò vặn vẹo trong ánh sáng ngược, rồi nắc nỏm khen với nhau “đẹp quá”. Chụp xong bốt ảnh free lên mạng, có người lai là sung sướng rồi. Ảnh nào cũng photo by ta đây, mà thật ra chỉ xác định được là không …chôm của người khác mà thôi.

    Nếu là người mẫu, bạn sẽ tổn thương nghiêm trọng, khi chúng rất điêu luyện, từ từ “dụ” bạn chụp ảnh nude. Chúng say sưa nghiêng ngó bò lăn bò càng góc nọ góc kia để chụp ra những tấm ảnh mà sau đó bạn chẳng hề nhận ra mình. Trừ một số ít tự tin ảnh đẹp đăng nguyên mặt mũi người mẫu, còn đa số tàn nhẫn cắt…đầu, chỉ chụp back the lưng hay tứ chi của bạn mà thôi. Làm sao thế giới biết đó là ai khi không có đầu thì 3 tỷ nọ và 3 tỷ kia giống in nhau chứ?

    Nếu đàn ông nói chung, đàn bà nói riêng thik diện quần áo đồng hồ túi sách Mobiado, Louis Vuiton, Armani, Versace, Salvator Ferragamo, Hermes, xe hơi xịn…thì đồ trang sức của bọn nhíp da là một em camera xịn, ống kính độc, ví dụ Leica (M9-P càng tốt) đeo trên cổ ra chiều vênh vang, bọn bạn phải rỏ dãi. Không khó để nhận ra bọn nhíp da, chỉ với một đặc điểm: khăn rằn quàng cổ. Đeo máy ảnh ko nói lên điều gì nhé. Ko đeo máy ảnh, chỉ quàng khăn rằn mà dáng điệu nghênh ngang, đích thị là nhíp ảnh da.

    Nếu bạn có vợ là nhíp ảnh da, thập phần nguy hiểm. Phụ nữ đi xa, đến những nơi vắng vẻ hiu quạnh thật đáng ngại cho an ninh tiền bạc và…thân thể. Ấy vậy mà các mụ ấy chả sợ, lại còn đặt ra tình huống: Nếu bị cướp dọc đường, mất túi máy mấy ngàn đô hay bị…hãm hại, chọn cái nào?. Ác nhơn là các mụ thường chọn (chả biết đùa hay thật) “Thà…giữ được máy!”. Có khi lại ra chiều thất vọng “Sao chỗ này vắng vẻ mà chụp từ sáng giờ ko gặp…thằng cướp đẹp chai nào bay?

    hehe



    Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

    * Đàn bà nhẹ dạ

    Sáng sớm, ngồi làm việc ở bàn, nhìn qua cửa sổ thấy chồng vội vã đem cái giá treo quần áo ra sân phơi. Có thế mà ...cảm động.

    Chuyện chẳng có gì, hàng ngày chồng vẫn làm hơn thế. Chỉ là chồng vừa bắt đầu thực hiện bộ phim mới, sẽ đi từ sáng sớm đến tối khuya mới về, không ăn bữa cơm nào ở nhà trong suốt 3 tháng, kể cả chủ nhật - chồng hơi ngậm ngùi thông báo thế trong bữa ăn tối trước đó, để vợ thông cảm. Cảm động vì dáng vội vã của lão truớc khi lao ra xe đi làm còn cố đỡ đần mụ vợ suốt ngày lu bu công việc, con cái, được chút nào hay chút đó.


    Từ “bộ phim” cảm động của mình, nghĩ rộng hơn về “tiểu thuyết” cảm động của phụ nữ. Điều gì làm cho phụ nữ dễ cảm động? Nhiều khi các ông cứ tưởng công lên việc xuống, xe hơi nhà lầu vòng vàng nữ trang hột xoàn, quăng cục tiền khối lượng là các bà ...òa khóc vì cảm động, sung sướng cả tháng. Điều ấy cũng thường thôi nếu chỉ thuần hành động...cơ học, nếu rộng rãi tiền bạc và muốn ...mị vợ.

    Các bà vợ dễ cảm động khi chồng giao thẻ ATM cho quản “Tất cả lương thưởng của anh trong này, nộp em trọn gói nhé”. Các bà đâu biết các lão chỉ “nộp” phần cứng, phần mềm thưởng, phúc lợi các lão giếm riêng để trà lá xa gần nhậu nhẹt tán tỉnh. Các bà sung sướng khi chồng nộp 5 triệu tiền lương cho mình, để rồi sung sướng ko kém “phát” lại tiền ăn sáng, cà phê xăng xe cho các lão...tổng cộng nhiều hơn lương.

    Không ít bà vợ hoàn toàn tin tưởng khi chồng đi về đúng giờ hành chánh, ngày nghỉ và đêm tối luôn ở nhà. Thế rồi, chục năm sau bàng hoàng khi chẳng đặng đừng, ổng thừa nhận có hai con với một bà nhà cách nhà mình hai phố. Lỗi là 60 phút ông chồng... đi bộ mỗi sáng sớm, trong suốt nhiều năm.

    Đàn bà nhẹ dạ lắm, chả thế mà có câu “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Chả thế mà giận nhau tưng bừng với chồng, nước mắt nước mũi ngập lụt, thậm chí bị các lão xáng cho bạt tai, đấm đá như võ sĩ Vovinam...thế mà nhẹ dạ khi các lão áp dụng nghệ thuật làm lành, dân số nước ta thế nào cũng thêm một trẻ. hehe

    Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

    * Chị và em và...

    Hàng ngày, tôi vẫn nhận được những lời “phàn nàn” của bạn bè: “Cha bạn chị (trên Phây) khùng khùng hay sao mà hôm nay chửi bới dữ dậy, em unfriend chả rồi”, “Sao lão bạn chị suốt ngày tung stt ăn nhậu, văng tục trên Phây”, “Sao chị chơi với nhiều người …phản động quá zậy. Em ghét bà béo bạn chị, đàn bà gì mà”…



    Thường, tôi nói: Đừng chú ý, nếu ko thik. Mỗi người có vấn đề, cái nhìn, quan điểm, tâm trạng…xuất phát từ hoàn cảnh, trải nghiệm riêng của mình, không ai giống ai. Với tôi, ở “ngoài đời” những người bạn ấy rất dễ thương, chúng mình tôn trọng nhau. Khác nhau xuất thân, quá khứ, quan điểm…thì không đề cập những vấn đề biết là tranh cãi cũng vô ích, vì ai cũng biết là không thể và không nên thuyết phục nhau vì ko bao giờ đi tới cùng được. Vì sao ta vẫn chơi được với nhau? là ta vẫn quý trọng nhau ở nhiều điểm khác. Nếu không, chính bạn cũng rời bỏ tôi rồi, vì tôi không giống bạn…

    Mỗi ngày trên trang chủ của tôi lướt qua những stt của một số bạn bè…không giống tôi. Họ…chửi, họ cạnh khóe, dằn dỗi…Không thik thì tôi ko đọc, hoặc đọc thì thường ko ý kiến gì. Nhưng họ vẫn là bạn tôi.

    Thực tế, tôi cũng chưa unfiend ai vì chính kiến họ khác mình. Và ngược lại. “Bất công” là những câu “phàn nàn” như trên, tôi thường…áp dụng với một người, một người “cùng hệ” với tôi, một người có đầy đủ những yếu tố mà chúng tôi vẫn đùa có khả năng “hòa giải”. Chị là một nữ trí thức, một nhà khoa học, điềm đạm, khách quan, không cực đoan, được cả “các bên” quý trọng. Giữa chúng tôi đã xảy ra những cuộc tranh luận, thậm chí cãi nhau, có cả nước mắt, hỗn hào (tôi). Có khi vấn đề tạm dừng, rồi trở lại dù đã thề ko đề cập. Để rồi, có lúc phải cay đắng “Chỉ có chị và em, gần giống nhau nhiều điều mà còn thế này…nói chi ngược nhau, thậm chí hoàn toàn. Thôi thì để một thế hệ …chết đi thì may ra. Con cái chúng ta sẽ suy nghĩ, hành xử khác”. Trong thực tế, những vấn đề, những suy nghĩ khác biệt (với những người khác) vẫn ở đó, lại trỗi dậy mạnh mẽ khi có một sự kiện gây tranh cãi, chia rẽ…Lần cuối cùng chị khóc, lỗi tại tôi, lại hỗn khi cãi không lại.

    Chúng ta không giống nhau. Mỗi con người là một câu chuyện cuộc đời, một số phận lịch sử. Khi bạn tin yêu, quý trọng, ngưỡng mộ ai/điều gì đó…đừng bắt người khác phải giống mình. Và khi mình không giống người cũng đừng vội quy kết, phán xét chủ quan, cảm tính, thóa mạ... Có khi vấn đề gây tranh cãi, ngược nhau hóa ra lại không “cắt chia” nhau mãi, mà là những hành xử “không phải lẽ” xung quanh vấn đề/câu chuyện - thể hiện phần nào nhân cách. Đó là những điều tôi rút ra cho mình.

    Không chỉ thế, những gì đang diễn ra còn cho thấy: Không chỉ “ném đá” nhau, người ta “ném đá” cả người thành tâm muốn mọi người nắm tay nhau.

    @ Viết cho Chị và những người bạn thân, quen