Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

* Nghịch lý Adam và Eva

- Anh/em sẽ yêu em/anh mãi mãi. Nhưng mãi mãi có thể trong nhiều tháng hay vài năm. Luôn luôn bắt đầu là nàng thơ của anh, con cún của em... chẳng bao lâu sẽ là sư tử hà đông, quỷ sứ bợm nhậu..."Đợi anh, anh phải làm việc kiếm tiền, có nhà, đầy đủ các điều kiện chúng ta hãy cưới". Rồi anh cũng kiếm được đủ tiền để mua nhà, mua xe, chỉ thiếu em trong căn nhà ấy. 


- Khi chúng ta còn trẻ, mặt mũi tươi tắn, nhiệt huyết sục sôi, dáng vóc thanh tao... lại chẳng có tiền để ăn được hai tô hủ tiếu Hồng Phát, không đủ tiền để có thể mua hai áo thun dệt Thắng Lợi. Đừng nói đến nội y Victoria's Secret. Mà ta vẫn hấp dẫn rạng ngời trong mắt nhau. 25 năm sau tiền bạc rủng rỉnh, thân thể lại rất giàu có phì nhiêu, ta khổ sở tìm quần áo, size hai lần XXL vẫn ko gói được món quà của Thượng đế- nguồn gốc từng là xương sườn của Adam. Hay bụng đi trước, buổi chiều did mới vào hẳn cửa. Nay, ta ngồi trước vô vàn sơn hào hải vị, lại ngao ngán thở dài hoặc lén lút uống trước thuốc tiêu hay vờ ăn ít thanh tao cảnh vẻ. Ngày ko xa, người giúp việc sẽ chăm chỉ xay nhuyễn một lúc cơm canh kho xào ta chỉ việc một hơi ống hút.

- "Anh/em bận lắm, phải vất vả mưu sinh, kiếm tiền nuôi gia đình, cho con ăn học. Khi nào rủng rỉnh hơn chúng ta sẽ đi chơi, du lịch xa cùng nhau". Khi chúng ta đã có của ăn của để, con cái lớn lên, chúng ta đã thảnh thơi để đi du lịch. Ta vừa đi vừa đợi, dìu nhau vì xương khớp tuổi già không còn như ngày ta hai mươi sẵn sàng leo Fanxipan hay Vạn lý Trường Thành. Em cũng còn khoẻ lắm, em hân hoan đẩy xe lăn đưa anh đi chỗ nọ chỗ kia, hạnh phúc khi anh phều phào: "Bà ơi, hòn non bộ trong Thảo cầm viên hùng vĩ nhể, chả thua gì rặng Hoàng Liên Sơn, thích quá!".

- Khi còn trẻ chúng ta mướt mồ hôi đạp xe đến trường đi về 20 cây số. Ước ao ngày nào đó sắm được chiếc honda đam. Cũng đến ngày ta mua được cúp 79 cánh én kim vàng giọt lệ, 92, nữ hoàng đỏ nhức mắt, đờ rim Thái, vespa, camry, mẹc, bi... như bao người, gần cuối đời ta lại thảnh thơi vận khí công guồng xe đạp tập thể dục mỗi sáng, nhân tiện đi chợ mua đồ về làm món đậu hũ mắm tôm.

- Chúng ta ước ao kiếm được nhiều tiền, để ngày già đỡ vất vả. Chúng ta tằn tiện, đầu tắt mặt tối làm việc quên sống, với nhiều trách nhiệm vụ bổn phận sự để đảm bảo một tuổi già an nhiên thảnh thơi, đau bệnh còn có tiền ăn yến hay đổ sâm vào miệng, có nhà cửa xe cộ để bán thanh toán những toa thuốc mắc tiền. Ai mà chả ra đi tay trắng trên chuyến tàu cuối.

- Chúng ta thề yêu nhau, sống đến răng long đầu bạc, phút cuối lại chẳng dám hẹn gặp nhau ở kiếp sau, hay người đi trước hẹn đón người đi sau ở sân bay thiên đường. Có hứa hẹn thì chẳng qua để người đi trước yên lòng nhắm mắt. Có kiếp sau thì khổ với đứa khác, mắc chi khổ hai lần trong một dòng sông?

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

* "Ngu" rực rỡ :)

Mình ngu hơn vịt. Bao lần đọc stt của vài bạn trên FB, đụng từ "hấp diêm" mà ko hiểu là ...gì. Mãi chiều nay trong lúc đợi con tan trường, đọc stt của một bạn, có nói ngữ cảnh của "hấp diêm" mình mới vỡ nhẽ khi vô tình ... lẩm bẩm ngược lại. 

Năm ngoái, thấy mọi người sử dụng từ gato nhiều, mình cũng nghĩ chắc viết tắt chữ "cảm ơn" - arigato của người Nhật. Mãi sau mới biết gato viết tắt của "gen ăn tức ở". Chưa hết, hôm trước có bạn còm vào stt mình "Lol", mình điếng người, sao nó nói bậy thế và muốn...khóc. Mãi sau mới biết nó khen "like online". Bố khỉ, may chưa chửi nó, chứ ko lấy lá chuối che mặt chữ điền.



Mưa chiều (photo by Đỗ Ngọc)

Đến giờ mình vẫn ngu lâu chuyện nói lái. Ngày lớp 10, mình về quê nội ở Cao Lãnh nghỉ hè, bị các chị họ đặt tên thân mật là Hai néo (mình là chị Hai). Đến bữa cơm, các chị kêu "Hai néo đâu rồi?", mình từ ngoài sân "dạ" rân chạy vô, các chị cứ lăn ra cười. Đến bữa ăn, các chị hỏi biết ăn cà chua ko, mình nói có. Lại hỏi ăn cà chớn chưa, mình bảo chưa. Hồi sau hỏi nữa "mày ăn cà ông giặc hông?", mình ngơ ngác "chưa ăn bao giờ". Các chị lại cười lăn đùng ngã ngửa. Nói chung, nói lái với mình thì phải giảng giải mình mới hiểu.

Tưởng mình đã ngu rồi, mà có đứa còn ngu rực rỡ hơn. Nhỏ này xinh đẹp, ngoan ngoãn. Bữa hổm mình dắt nó lên khu du lịch Madagui chơi, được anh GĐ đãi cá lăng nấu măng chua ngon quá trời. Nhỏ bạn mình hỏi: "Măng gì mà ngon vậy anh?". Anh GĐ trả lời: "Măng cô Thu". Mình và nó chẹp chẹp "ngon quá, mà sao tên lạ ghê, măng cô Thu, măng cô Thu...". Mấy chú cùng bàn cứ tủm tỉm cười. Thấy họ cười có vẻ đểu, mình sinh nghi, ngẫm ngược lại trong đầu thì hiểu nhưng ko nói gì. Tạm biệt Madagui, nhỏ bạn mình bắt tay anh GĐ "cảm ơn các anh đã cho ăn măng cô Thu, em sẽ nhớ mãi". Anh GĐ cười: "Em đúng là...bò", mình đệm thêm "là bò đeo nơ á". Nó tưởng ảnh khen nó hiền và mắt to như bò hay sao mà nó cười sung sướng lắm. 


Một tuần sau, nó post ảnh Madagui, anh GĐ vào còm, nó lại cảm ơn rất ngoan và nhắc "Em nhớ măng cô Thu quá! Hôm nào anh lại cho em ăn nữa nhé!". :)))

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

* Vòng tay anh quàng ấm đời em

(Tản mạn, tạp chí HTV 25/11)

Không có 4 mùa rõ rệt như phía Bắc và một số vùng miền khác, Sài Gòn những tháng cuối năm trời mát dần, những cơn mưa thưa vắng, cái nắng phương Nam cũng bớt gay gắt. Mùa của đất trời, lòng người như dịu mềm hơn. Mùa của váy áo, khăn quàng tung tăng xuống phố...


Hầu hết các cô bạn của tôi đều có và thích sử dụng khăn quàng cổ, choàng vai. Người ít thì vài cái, nhiều cả chục, cá biệt có cô sở hữu bộ sưu tập hơn 100 cái khăn. Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi, khăn giữ ấm, hẳn rồi, nhưng sao các bà các cô lại quàng khăn cả ngày nắng nóng?. Khăn giữ ấm, hẳn rồi. Nhưng phụ nữ hình như không diện vì sức khoẻ. Những chiếc khăn đủ kiểu, đủ màu vẫn hãnh diện làm đẹp cho bờ vai thon của đầm hai dây, thoáng lưng trần giữa trời gió lạnh. Cái lý cùng sở thích của phụ nữ đôi khi biến đổi chức năng của vật dụng, dẫn dắt thẩm mỹ thật tài tình. Duyên dáng và ... hợp lý như dải khăn quàng trên cổ, trên vai phụ nữ ngày cuối năm, dù nắng chói chang, ấm dịu nhẹ hay lạnh so vai. Khăn voan nhẹ trên cổ hay khăn len choàng vai, thả dài đến gối… khiến họ thêm xinh đẹp, nền nã và nữ tính tràn trề. "Cái nữ tính vĩnh cửu dẫn dắt chúng ta đi"...

Có lần ngồi ở quán cà phê, tôi vô tình nghe được giọng nữ phía sau: “Vòng tay anh quàng ấm cả đời em!”, kèm đó là tiếng cười khúc khích như tự giễu câu nói “văn hoa” của mình. Liền đó là câu đùa của người đàn ông: “Thì em cũng là chiếc khăn quàng đẹp cổ anh!”. Quay lại, thấy mái tóc phụ nữ dịu dàng tựa trên vai người đàn ông có vòng tay choàng qua đôi vai thon mảnh. Đẹp và ấm hơn một chiếc khăn quàng.

Lại nhớ có lần hai người yêu nhau không thể gặp nhau. Ngày sinh nhật người kia, người này từ xa gửi về một chiếc khăn len rất đẹp, qua điện thoại giọng chị rưng rưng: “Sài Gòn cuối năm trời lạnh, em chuyển cho anh ấy chiếc khăn này. Chị chưa bao giờ ôm anh ấy, quàng khăn vào cổ, anh ấy sẽ cảm thấy vòng tay chị…”. Cho đến lúc người kia qua đời vì bệnh, vòng tay chị vẫn chưa quàng được vào người mình yêu.

Qúa nửa đêm, chị bạn xinh đẹp bỗng nhắn tin qua điện thoại rằng chị không ngủ được, trằn trọc mãi. Tôi an ủi, chúc chị ngủ ngon, cảm thấy chị hình như đang ở khoảnh khắc trống trải, đơn lạnh. Hơn 100 cái khăn đủ màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, không làm chị ấm áp. Hơn 100 cái khăn vẫn không so được với một vòng tay.

Một truyện ngắn của nhà văn Nga nào đó tôi đã đọc thời sinh viên, về một người phụ nữ buồn khổ, cô đơn với gánh nặng cuộc sống, không được sự quan tâm chia sẻ của chồng. Nàng mòn mỏi, héo hắt trong những ngày tháng lê thê buồn tủi một mình gánh vác gia đình…để rồi một đêm trăng ra giếng nước đầu làng, nước mắt rơi theo từng gàu nước, một bàn tay đàn ông xa lạ đã nhấc thùng nước lên với giọng ấm áp  sẻ chia “để anh”, mà rồi… 
 
Lại nhớ cái chớp chớp mắt quay đi vội vã của anh bạn nhà báo thân thiết khi nói về vợ hôm nào: Anh nóng nảy la cô ấy rồi quên đi. Buổi chiều, thằng con méc “Ba ơi, sao mẹ nấu bếp mà lại khóc?”. Mẹ nó giọng nghẹt trả lời con “Mẹ cay mắt vì thái hành còn ạ”. Anh thương vợ quá!

Mà, cuộc đời đàn bà biết bao lần thái hành phải chảy nước mắt…

ĐỖ NGỌC


Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

* Chửi được tình :))

(phần 2, phản biện, giá cao hơn :))
Thưa chị, lòng tự trọng, sự kiêu hãnh bản thân ko cho phép em gọi chị là ... mày, hay đanh đá cộc cằn thô lỗ như chị đã chửi em. Đó là điều khác nhau cơ bản giữa hai ta. Nội chị dùng đại từ nhân xưng "bà" khi chửi em, cho thấy chị già bà cố và đã thuộc về quá khứ, hiện thân cho đồ cổ càng nhiều niên đại càng mất giá, trớ trêu.
                                                                  ảnh: copy từ internet
Con gà trống chồng chị ở nhà chị nó chỉ là con gà trống, osin, vú em... Ở nhà em, hơn một con gà, nó là ông Vua, bộ trưởng tài chính, giám đốc kho bạc, chuyên gia tình dục, nhà tâm lý học, ngôn ngữ học...Chị đánh đồng khả năng/tài năng của con gà chồng chị, một giáo sư tiến sĩ/nhà báo/nghệ sĩ/bác sĩ/kĩ sư... với một anh thợ sửa ống nước hay thợ hồ thợ hàn, để mà cằn nhằn nó ko biết đóng đinh hay sửa công tắc điện. Mà chị quên hay ko thấy hết giá trị vĩ đại của cái đinh con gà chồng chị là sản sinh hậu duệ nối dõi.
Trong khi chị luôn cau có gấu ó mỏi mệt, em lại là hiện thân cho mùa xuân tươi trẻ. Quan trọng hơn, em là nguồn cảm hứng, phép thử cho sự khẳng định bản lĩnh đàn ông của con gà chồng... chúng ta (em rất bao dung) dù có sự hỗ trợ của vô khối viagra hay không. Nói cách khác, em chính là biệt dược viagra sống động. Với em, con gà của chúng ta cảm thấy như hồi sinh, là đàn ông thực sự, cây tùng cây bách chứ ko phải con... nghẽo như chị hay bươi móc coi thường.
Vật chất ko mất đi, nó chuyển từ dạng này sang dạng khác, chuyển từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác. Con gà chồng chúng ta cũng vậy. Cho đến khi nó... nghẻo. Hay chính chúng ta no xôi chán chè. Chị đừng vội nghĩ em sẽ hắt hủi con gà, không, em rất chung thuỷ và tận tâm, với từng người một, hết người này đến người khác, chứ ko cùng lúc.
Chị cũng đánh giá thấp em và quá nệ cổ lỗ sĩ khi dặn em lót tay lá chuối dẫn trả con gà về cho chị ngày nào đó. Em ko làm thế, lá chuối giờ khó kiếm, lại tốn kém mất thời gian. Khi nào chán, em sẽ nhắn tin cho chị tự đến mà dắt con gà trống nhà chị về. Em nghĩ tình xửa nghĩa cu chắc chị ko nỡ bỏ rơi con gà rù xưa. Nếu chị ko đến, em sẽ gọi công an phường đến bắt nhốt con gà trống nhà chị vì tội đe doạ cưỡng bức mà ko có khả năng thực hiện. Chứ em không chịu đựng cả đời như thế hệ các chị khi bị phản bội hay ko còn chút tình yêu nào. Chúng em ko chịu đựng và ko việc gì phải chịu đựng. Chị đừng ích kỷ, cả tuổi trẻ đẹp đẽ cường tráng của con gà chị hưởng hết, nhẽ nào lại bắt em nuôi dưỡng khúc cuối thê thảm của nó. Em sẽ nhắn tin, block, thay chìa khoá nhà là xong. Nhanh gọn, văn minh.
Giờ em phải đi xóp ping cái, nhát về có phản hồi từ chị thì em tiếp tục. Nhân tiện, góp ý chị mua cái máy sấy quần áo đi, thế kỉ 21 rồi mà chị còn canh phơi đồ cho được nắng thì mất chồng thiệt chẳng oan.
Vậy nha, dell nói nhiều. 
(Muốn thấu đáo phần 2, xin đọc phần 1 trước đó) hehe

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

* Chửi mất tình :))

(Theo đơn đặt hàng) hehe

Đầu bù tóc rối, xểnh tí tẹo nhòm lại mất ngay thằng chồng. TSB đứa nào rù quến, trộm chồng bà nhé. Con gà trống chồng bà ở nhà bà nó là bố của con bà, con bà coi nó là vàng là ngọc; về đội của nàng (nhẽ ra là ...mày), nó có thể là kim cương, bờ vai, cây tùng cây bách thấu hiểu mấy lại chia sẻ gì gì như chúng bay vẫn ngợi nhau. Bài ca này mợ nào chả mòn tai, gục đổ từ đầu, tưởng nàng rút kinh nghiệm mà tránh, té ra cũng giuộc đàn bà nhẹ dạ từ cổ chí kim ta. Con gà trống nào chả xoè đuôi vỗ cánh gáy oai vệ lúc phành phạch gạ gẫm. Nàng ko tỉnh táo để bắt mất hồn thì chết cũng đừng kêu ca, con ạ. 

                                                                 photo by Nguyễn Việt Thanh

Như ta đây ngậm đắng nuốt cay ngày đêm thổn thức, xót xa sao lão chồng trước khi dứt áo ra đi ko cố rửa thêm mớ chén dĩa cho trọn nghĩa vẹn tình sau những tháng ngày mệt mỏi phụ vợ lau nhà, phơi quần áo và rửa did cho con. Từ từ com lê cổ cồn phong nhã rụng rơi, sẽ hiện nguyên hình quần đùi áo số mắt mũi kèm nhèm, chân ko buồn rửa, răng ko thèm goánh, đầu hói sọi tóc có đâu mà lãng tử cho gió thổi bay? Quy trình tình nào chả trải qua từng ấy thứ, rồi cũng phũ phàng thực tế ngày kia. Lời yêu có cánh mơ mộng hão huyền bẻ được mà ăn a? Nàng ... quán triệt sâu sắc thì an phận mà chịu, chớ mai này thất vọng bỏ người lấy của, đem hàng trả lại mà ta đây nổi khùng nghe chưa!

Càng nghĩ bà càng tức. Có đi cũng nói với nhau một câu cho phải nhẽ. Trắng ra là chán cơm buồn chè rồi, muốn đi refresh đời chẽ hoá tềnh cũng ok một nhẽ, chứ hoa hoè hoa sói ra đi theo tiếng gọi tình yêu nghe mà phát hò...huệ. Con gà trống chồng bà ở nhà bà nó là chồng bà, bố của con bà, sự thật là thế. Về đội nàng nó có thể là con công con phượng con sư tử con gỉ con gì bà ứ quan tâm. Bà chỉ truyền lời nguyền rủa này: hai bay phải ăn ở với nhau đến răng long đầu bạc. Có thất vọng chán chường nhau cũng cắn răng mà chịu, khôn hồn chớ lót lá chuối dắt tay nó về trả bà là hem được nha bay. Ngày ra đi, đi người không chớ ngày giở về phải các thêm vàng khối bà mới nhận lại á.

Giờ bà đi phơi đồ cho được nắng rồi sẽ chửi tiếp. :))


Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

* Chợ hẻm

Tản mạn (HTV số 13/11)

Không ai nhớ chính xác chợ hẻm gần khu nhà tôi ở hình thành từ khi nào. Người nói chợ có từ mười mấy năm, người nói gần chục năm. Con hẻm nhỏ, rộng chưa tới 3 mét, ngoằn ngoèo quanh co trên vùng đất sình lầy ngày xưa, gần khu vực cầu Hàn một thời nổi tiếng tệ nạn, giờ chở thành chợ hẻm của hàng trăm hộ dân và cả các khu dân cư khang trang bên cạnh.


Ngoại trừ vài hộ là dân địa phương sống lâu năm ở con hẻm này mở gian hàng buôn bán tại nhà, hầu hết các hộ, người buôn bán lẻ còn lại đều là dân nhập cư đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Chợ thường họp từ 5 giờ sáng. Các hộ lần lượt mở cửa bán hàng sau khi đã lấy hàng ở chợ đầu mối từ rạng sáng. Chợ đông nhất vào tầm 6 đến 7 giờ sáng, thời điểm các bà nội trợ mua thực phẩm trước khi đi làm, đưa con đến trường. Người ta chọn lựa những con cá, ký tôm tươi, rau xanh đủ loại vừa được lấy về từ vựa, chợ đầu mối tập trung hàng từ miền Đông, miền Tây.

Đoạn đầu hẻm có vài hộ “chuyên trị” bán hàng “sạch” từ miền Tây, thu hút đông khách hàng kén chọn, ngại rau trái xịt thuốc sâu, heo, tôm cá sử dụng thuốc tăng trọng. Những con cá lóc đồng quẫy trong thau, những con tôm xanh búng càng tanh tách hay rổ tép nhỏ lao xao… người bán người mua trò chuyện vui vẻ, có khi chỉ dẫn cho nhau cách làm món ngon. Tiếng chào mời đon đả, mặc cả, dặn dò làm rộn con hẻm nhỏ buổi sáng. Chợ hẻm nhỏ nhưng thực phẩm rất tươi ngon. Thịt heo lấy từ lò mổ lúc rạng sáng, có đóng dấu thú y. Thịt ba rọi, sườn cốt lết, sườn non, xương đuôi trông thật tươi ngon bắt mắt. Những trái cà chua chín ưng ửng, dưa leo nhỏ trái, rau nhút còn bám nguyên rong rêu hút hàng nhất. Người mua thực phẩm cho vài ba ngày đỡ mất công đi chợ vì bận, công nhân hay sinh viên chỉ mua mớ rau, con cá hay một  trái cà chua nấu canh đều được đáp ứng vui vẻ. Hầu như ai mua hàng đều được “cho” thêm vài trái ớt, ít hành ngò. Người mua thiếu tiền còn cho nợ, bữa khác trả. Mà nếu quên “bị” nhắc nợ hai bên đều cười xoà vui vẻ. Mua hàng quên nhận tiền thối hay để quên hàng không đem về nhà lại được người bán bỏ công đi xe máy tìm tận nhà để đưa vì “nghe nói cô ở khu bên cạnh”.

Cái tình chợ hẻm, niềm vui khi đi chợ hẻm kéo người mua người bán gần nhau hơn, xưng hô dì cậu con cháu như trong gia đình. Mớ rau con cá trao nhau luôn kèm những câu hỏi thăm “bữa hổm mua xương về nấu cháo cho con bịnh ăn đỡ chưa”, “nhớ bữa hổm mua 5 khúc cá thu ăn chưa hết sao mà hôm nay chỉ mua rau?”. Khu hàng ăn cũng chộn rộn với bánh mì kẹp xíu mại, chả cá vừa vớt khỏi chảo dầu sôi sùng sục, chè chuối, sương sâm hột lựu nước cốt dừa…món ngon bình dân hấp dẫn nhiều hạng khách, giá lại vừa với nhiều túi tiền công nhân viên chức hay học sinh.


Vui nhất là mùa nước nổi, cá linh, bông so đũa, điên điển, kèo nèo và đủ loại rau tập tàng được đem về chợ hẻm. Có khi chưa kịp bày bán đã hết vì một nửa số hàng được giao cho người đặt, người này mua dùm người kia. Còn dặn dò, hẹn tuần sau, tháng sau, mùa nước nổi năm sau đem rau cá lên nhớ nhắn chị nghe. Mùa nào thức ấy, miền Tây, miền Đông, miền Trung như gần lại qua những sản vật của các địa phương mỗi ngày, mỗi mùa về chợ.

Chợ hẻm như một bức tranh phản ảnh đời sống thị dân với gam màu nhiều sắc độ, sáng tối. Bà Tư với gian hàng bán tại nhà đã nuôi sống gia đình có năm, sáu đứa con ăn học. Vợ chồng trẻ năm nào mới vô thành phố còn nghèo rớt mồng tơi, xin đặt nhờ tấm vải nhựa trước nhà bà Hai để bán rau, nay ra dáng ăn nên làm ra. Vợ mau miệng chào mời lễ phép, chồng lanh tay cân hàng cho khách. Gần 10 năm buôn bán chăm chỉ, thức khuya dậy sớm, dành dụm, giờ họ đã mua được căn nhà nhỏ mười mấy mét vuông trong hẻm, tường chưa tô, mái lợp tôn nhưng có chỗ ra vào trú mưa nắng riêng của mình. Ngày xưa còn nghèo đặt nhờ tấm trải bán hàng, nay làm ăn được, vợ chồng xin trả tiền thuê trước cửa nhà người ơn tháng 500 ngàn đồng, gọi là người có cơm người có cháo. Mấy sinh viên miền Tây thuê nhà trọ, bán rau cá của nhà kiếm thêm tiền học mà rồi cũng qua 4 năm dùi mài kinh sử. Ra trường, những cô cậu cử bịn rịn đi một lượt chào hàng xóm “con về quê làm việc”. Nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên trong hẻm, thay dần những ngôi nhà tôn, nhà tường tạm bợ xưa. Có đôi vợ chồng Việt kiều mỗi năm đều trở về nhà cha mẹ, nơi ông bà lớn lên và ra đi từ con hẻm nghèo lầy lội này. Bà vợ bị liệt hai chân, ngồi trên xe lăn chồng đẩy dạo chợ mỗi sáng. Bà thích thú nói chồng đẩy xe vào từng quầy, sạp, hớn hở chọn từng ổ bánh mì, mớ rau, con cá. Không khí chợ hẻm, những lời hỏi thăm ân tình của bà con trong hẻm nhỏ quê nhà khiến gương mặt bà rạng rỡ niềm vui.

Siêu thị, trung tâm mua sắm tiện nghị, hiện đại ngày càng nhiều, với đủ mọi loại thức phẩm được bày biện trong những gian hàng, tủ kính, quầy đông lạnh sang trọng, sạch sẽ, nhưng những “ngôi chợ” hiện đại này không thể thay thế hay đẩy lùi được những ngôi chợ truyền thống, chợ hẻm bình dân. Theo thời gian, thói quen mua sắm, tiêu dùng đã thay đổi nhiều, nhưng hơn cả một thói quen hay sự bảo thủ, chợ truyền thống, đi chợ là một trong những sinh hoạt, một giá trị văn hoá - đời sống đã in sâu vào tâm thức của bao người, không dễ gì thay đổi.   

                                                                                                                  Đỗ Ngọc (DIÊN VỸ)



Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

* Về cắt nối bài thơ THƯƠNG ÔNG

Những ngày qua ồn ào bức xúc tranh cãi trên mạng về bài thơ Thương ông trong sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 2. Mình đọc gần hết ý kiến, nhưng không ra nhời cho đến sáng nay đọc stt của bạn Hà Tuệ Hương, mình tạm nhứt trí với ý kiến của bạn Ye Ye.

Nhưng bạn Hà Tuệ Hương đặt thẳng câu hỏi: “Thế nếu một bài thơ cắt sửa cho phù hợp với độ tuổi, cắt sửa xong vẫn trọn ý, vẫn giữ được vần thì có nên làm không? Chị Dona”. Thì mình tức khí giả nhời:

-   - Dứt khoát không. Một tác phẩm hay (nói chung), được chọn in sách giáo khoa nghĩa là tất cả câu, khổ thơ, từ ngữ làm nên 100% giá trị của nó rồi (mới được chọn). Cắt, ghép, thêm cho phù hợp với lứa tuổi là ...ngớ ngẩn, làm biến dạng bài thơ. Hãy để nguyên bài thơ, phần còn lại là lời giảng tâm huyết, dẫn giải phù hợp cho các em hiểu. 
      
     Theo mình, một bài giảng của giáo viên ngoài chuyện giảng giải cho các em hiểu từ ngữ, ngữ cảnh, thông điệp... điều quan trọng còn là truyền cảm hứng, gợi mở liên tưởng và cảm nhận ở các em phát triển phong phú hơn, qua cách nhìn, cách cảm ở lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên của các em. Như bất cứ loại hình văn hoá-nghệ thuật nào, tác phẩm gợi cảm hứng ban đầu để người đọc/xem/nghe nhìn –cảm theo cách riêng của mỗi người, đôi khi phong phú, đi xa hơn ý định/ý niệm ban đầu của tác giả.
Rộng hơn, ngoài hiểu từ ngữ, tính chất giáo dục, còn là cảm thụ vẻ đẹp của tác phẩm. Ví như câu thơ “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng…” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, vô cùng đẹp và tinh tế. Dễ gì giảng cho hết nghĩa, hết nhẽ về “tiếng rơi rất mỏng” dù có thể hiểu “rơi nghiêng”... Có những từ/cụm từ gợi ngữ cảnh/tình huống, chỉ có thể cảm mà khó ngôn từ nào mô tả được hết vẻ đẹp (cảm nhận) tinh tế ấy.

Không cắt ghép sửa chữa, còn gì là tác phẩm hay/của người ta. Nếu cần, chọn bài thơ khác, phù hợp!

Một số bình luận bên Facebook của mình: 
  • Huynh Anh Minh rất dứt khoát. Không là không. 
  • Huynh Hong Loan · Bạn bè với Phạm Lưu Bằng
    Một bài thơ, cho dù có tên tác giả hay là khuyết danh, đều là tác phẩm văn học của một con người, nói lên tâm tình cảm xúc của người đó trong một hoàn cảnh mà chỉ có nhà thơ khi chia sẻ thì mình mới biết được. Nhà quản lý giáo dục phải là người biết chọn lựa những bài thơ phù hợp lứa tuổi để đưa vào chương trình giáo dục, hoặc trích đoan phần có ý nghĩa giáo dục phù hợp với lứa tuổi. Tùy tiện cắt xén theo ý mình, đã là điều cho thấy khả năng quản lý, không tôn trọng người làm ra sản phẩm, để thành thói quen,thì làm sao có thể tôn trọng bản quyền của các tác giả đương thời. Câu chuyện ở đây thuộc về nhân cách của trẻ em, nên được dạy từ bé tôn trọng người khác,tác phẩm của người khác
  • Mis Black · Bạn bè với Dung Do
    Chị ơi em đồng ý với chị, đã 30 năm trôi qua e vẫn thuộc bài này, cu bé nhà e đang học mẫu giáo cô cũng dạy (nửa đầu của bài thôi nhưng là nguyên gốc). Vậy sau này nó vào lớp 2 lại học bài thơ đc phẫu thuật thẩm mỹ mà lợn lành thành lợn què vậy sao chị?
  • Phong Lan Lê Cam on Do Ngoc !cau da noi gium noi buc xuc cua tat ca giao vien day van bon to !!
  • Phuong Vu "Lớp 2 mà biết nói năng thì nhà soạn sách hàm răng chẳng còn"...Cắt nối, chỉnh sửa như em các bác giáo dục có đồng ý ko ạ...!
  • Hanh Hoa Le Thi Đồng ý với Ngọc 100%
  • Đỗ Ngọc Dona Đồng ý đồng ý thế nào
    Chưa gì đã doạ nhà lào thèm nghe (thơ đấy) 
  • Lê Thị Ngọc Vi Em cũng thik và vẫn còn thuộc bài này, nghe bị chỉnh sửa tự nhiên thấy xao xao...
  • Hà Tuệ Hương Làm cho chị "tức khí" đến nỗi phải bắn ra 1 phát stt là niềm vui sướng của em!  . Em mang cái này về nhà cho các bạn xem đây!
  • Đỗ Ngọc Dona Thanks tất cả các bạn đã chia sẻ.
  • Hoameo Bui Em cũng nghĩ như chị. Vì đó cũng là cách hiểu đúng, đủ giá trị văn chương và tôn trọng tác giả.
  • Sáu Nghệ · Bạn bè với Ngọc Bảo Châu và 4 người khác
    Tại sao chọn một bài thơ lại còn phải cắt sửa? Nếu chưa ưng thì chọn bài thơ khác, thiếu gì thơ? Chọn cái ảnh của mình in lên rồi chỉnh sửa cho hợp mắt người khác thì có được không?
  • Đỗ Ngọc Dona Bên nhà Hà Tuệ Hương bạn Huỳnh Thanh Trà còm thế này:
    "Chọn văn bản đưa vào SGK Tiểu học ko phải là vấn đề đơn giản. Các bạn có thể nói, thiếu gì bài hay sao ko chọn bla... bla nhưng sự tình đâu đơn giản vậy. Mình ko biên tập SGK tiểu học, nhưng mình biết nhóm biên soạn SGK rất vất vả khi tuyển chọn văn bản lấp đầy các chủ điểm của SGK với đủ các tiêu chí cho 1 bài học với HS tiểu học. Văn bản hay rất nhiều nhưng chỉ tập trung vào 1 số chủ điểm và ko phải văn bản hay nào cũng bê được nguyên xi vào SGK vì ngay cả những văn bản tưởng là hay và chuẩn nhất vẫn có những đoạn, những chi tiết, có thể chỉ 1 từ thôi chưa ổn về nội dung hoặc văn bản quá dài về hình thức. Bạn có thể thấy nguyên bản bài thơ của cụ Tú Mỡ hay hơn hẳn bài thơ đã được đưa vào SGK nhưng bạn có thấy nó khá dài cho 1 bài học với HS lớp 2 ko? Cần ưu tiên điều gì hơn trong các lựa chọn này? ... Hơn 40 năm trước, mình học bài Thư Bác Hồ gửi các em học sinh nhân ngày Khai trường và mình nhớ đến tận bây giờ: Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay ko, dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay ko, chính là nhờ ở công học tập của các cháu. Ngày hôm nay, nhân buổi khai trường, bác chúc các cháu... Thực tế bài này so với bài trích trong Hồ Chí Minh tuyển tập khác khá nhiều, khác cả đại từ nhân xưng... chắc chắn đã đc người biên soạn SGK thời Bác Hồ vẫn còn sống sửa lại so với bản gốc. Bài được sửa đó tồn tại ko dưới 20 năm, và mình vẫn đinh ninh là Bác đã viết như vậy. Sau này, có dịp tiếp xúc với bản gốc, mình đã ko cảm được nó như đã cảm văn bản mình đã học trc đây."
  • Đỗ Ngọc Dona Hà Tuệ Hương còm: Cám ơn chị Trà đã chia sẻ, giúp mọi người hiểu thêm về những khó khăn trong việc bên soạn sách giáo khoa. Thời kỳ đầu, vào khoảng năm 1957, những người biên soạn sách, thậm chí còn phải viết lại (có xin phép tác giả) tác phẩm để bài phù hợp với đối tượng giảng dạy.
    Trở lại nội dung mình đang thảo luận, em thấy hình như bài đưa vào sách lớp 2 không quá dài so với bài trong sách lớp 4 cũ, và nhìn chung thì bài trong sách lớp 4 dễ đọc, dễ cảm hơn?
  • Đỗ Ngọc Dona Đỗ Ngọc còm: Nhìn chung, một tác phẩm văn học hay báo chí... Đều qua quy trình biên tập rồi mới phổ biến, đúng và bình thường. Văn bản của Bác Hồ cũng vậy (hẳn phải ...họp và xin phép). Nhưng khi tác phẩm đã công bố (bài Thương ông) đã được dạy nhiều năm, lại tuỳ tiện (ko phải biên tập) mà... giải phẫu phi thẩm mỹ với lí do phù hợp với HS lớp 2 thì ...bó tay. Mình ko chia sẻ sự vất vả ấy. Đó ko phải lí do. Còn nói chung công việc nào chẳng vất vả.
  • Đỗ Ngọc Dona Hihi, nếu so với bản thảo gốc của một bài báo với bài trên báo thì biên tập có khi đỏ trang, cắt, đảo khá "vất vả". Nhưng một nơi khác đăng lại mà cắt bỏ, thêm thắt vào lại là chuyện khác rồi. Và như thế, tinh thần tác phẩm, câu chữ... cũng khác, nữa là bài thơ còn có vần điệu. Thơ, đòi hỏi từ và nghĩa "chính xác" theo thứ tự "khập khà khập khiểng" thì còn gì là thơ. Mà từ "khập khiểng khập khà" sai chỗ nào? Bản thân cụm từ này đã thể hiện vần điệu/nhịp điệu của tinh thần khập khiểng, hồn nhiên, sáng tạo.
  • Tue Linh Em không nghĩ sâu xa được như chị, em chỉ thấy bài thơ mới cắt sửa dở ẹc
  • Đỗ Ngọc Dona Tranh luận thì phải nói có sách có chứng ý kiến mình, chứ chỉ "dở ẹc" thì dễ quá em 
    Các bạn bên nhà Hà Tuệ Hương làm ở NXB Giáo dục đấy, hơi liên quan. Hehe
  • Tue Linh Dạ, em biết nên đâu dám bàn đúng sai 
  • Minh Triet · Bạn bè với Beo Hồng và 2 người khác
    Chuyện cắt gọt hợp lý vẫn xảy ra đấy mà khá ổn
    1. Tuyên ngôn độc lập Mỹ ô Cụ
    chỉ lấy 1 mẩu
    2. Bài diễn văn của Linhcon ở Gettysburg được coi là bài nói hay nhất mọi thời đại nhưng ng ta chỉ nhớ và quote đúng 1 câu. CP của dân, do dân, vì dân sẽ không chết
  • Đỗ Ngọc Dona Cần phân biệt trích dẫn và cắt gọt thêm thắt bạn nhé. Ý kiến bạn về vụ cắt nối bài thơ Thương ông thế nào? Và nếu tác phẩm của bạn người ta cắt, nối thêm ko xin phép/ có xin phép thì bạn xử lý ra sao? Thanks
  • Lê Quảng An Dạ nhất trí!! Với bác Đỗ Ngọc Dona