Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Khoe...chồng :))

Đạo diễn Đinh Đức Liêm: 'Xin cảm ơn một thời túi rỗng'

20/02/2014
(Hotnow.vn) - "Thật sự để theo đuổi nghiệp đạo diễn, đời và nghề đã không ít lần thử thách tôi. Nhớ lại thời tôi mới tốt nghiệp ra trường, cầm trong tay tấm bằng loại giỏi nhưng hầu như không chỗ nào nhận tôi. Sự chán nản khi không tìm được việc làm, sự bế tắc trong cuộc sống thường nhật vì không có tiền, sự đổ vỡ trong đời sống hôn nhân, tôi ôm đứa con gái bé bỏng của mình lúc đó mới 9 tháng tuổi xuôi tàu vào phương nam như để tự thắp lửa cho mình một tia hy vọng dù thật mong manh" - đạo diễn Đinh Đức Liêm trải lòng.
- Chào đạo diễn Đinh Đức Liêm. Năm nay gia đình anh đã đón một cái Tết như hế nào, thưa anh?
- Mùa xuân là mùa của sự đoàn viên. Vì lẽ đó, tết đến ai cũng mong muốn được quây quần đón tết bên cạnh gia đình mình và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Với tính chất công việc phải đi nhiều và bất kể thời gian sớm -  tối, năm nào cũng vậy, tôi đều cố gắng kết thúc công việc trước ngày cuối năm mấy hôm để có thể cùng vợ con dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa bánh mứt… Cũng nói thêm là tôi vừa hoàn thành bộ phim Trả giá đúng chiều 22 Tết, kịp nghỉ để ngày hôm sau chuẩn bị cúng ông Táo lên trời theo phong tục. Tôi rất  trân trọng giữ gìn những truyền thống như   để có thể có thể nhắc nhở con cái kế tục nếp sống của ông bà mình.
- Năm 2013, có thể nói là một năm thành công của anh không?
- Thành công hay không thành công đều do chính mình cảm nhận thôi. Với tôi, mỗi ngày được theo đuổi công việc mình yêu thích, được miệt mài trên phim trường để đem đến cho khán giả những bộ phim hay – hẳn đã là một sự thành công. Năm 2013, tôi may mắn được nhiều hãng phim tín nhiệm mời “cầm trịch” cho những bộ phim truyền hình dài tập. Mỗi bộ phim sẽ giúp tôi được thỏa đam mê với nghề, được trưởng thành hơn trong đời đạo diễn đó là một sự may mắn và tôi luôn hết mình trong từng bộ phim mình gắn bó.
Việc được mời cầm trịch nhiều bộ phim, thiết nghĩ đó không hẳn là sự may mắn mà còn phải dựa vào năng lực thực sự của anh chứ?
- Tôi nghĩ, thời buổi ngày nay có rất nhiều đạo diễn giỏi nghề.  Nhưng riêng tôi, thì tôi thấy mình may mắn khi có được vốn sống và sự trải nghiệm với nghề, với đời hơn 20 năm. Thật sự để theo đuổi nghiệp đạo diễn, đời và nghề đã không ít lần thử thách tôi.  Nhớ lại thời tôi mới tốt nghiệp ra trường, cầm trong tay tấm bằng loại giỏi nhưng hầu như không chỗ nào nhận tôi. Sự chán nản khi không tìm được việc làm, sự bế tắc trong cuộc sống thường nhật vì không có tiền, sự đổ vỡ trong đời sống hôn nhân, tôi ôm đứa con gái bé bỏng của mình lúc đó mới 9 tháng tuổi xuôi tàu vào phương nam như để tự thắp lửa cho mình một tia hy vọng dù thật mong manh. Giờ nghĩ lại tôi thật sự phải cảm ơn thời “ rỗng túi” đó, cảm ơn đời với tất cả những thử thách đã đến với tôi để tôi có thể tồn tại được đến ngày hôm nay.
- Thoáng nhìn anh tôi không nghĩ là anh lại có một giai đoạn phải khổ sở như thế. Anh đã làm cách nào để vượt qua?
- Đến TPHCM, may sao tôi được cô em họ cho phụ bán cà phê để có tiền nuôi con. Một cơ hội hiếm hoi là khi đạo diễn Long Vân làm phim Người đi tìm họ cần một thư ký trường quay và tôi đã xin được làm công việc đó để đỡ nhớ nghề và có tiền trang trải. Nhưng đánh giá công việc thực tế của tôi, đạo diễn đã cho đề trên generique chức danh  phó đạo diễn. Quả thực, đó là lần thực tập công việc đạo diễn hoàn chỉnh nhất của tôi. Tới giờ tôi vẫn rất biết ơn đạo diễn Long Vân đã cho tôi cơ hội này. Xong phim tôi lại thất nghiệp, lúc này thì nợ “áo cơm”, túi rỗng buộc tôi phải lao vào làm đủ các việc như mua bán xe, lúc lại tự mày mò học nấu phở, rồi đi may hàng gia công…dẫn dần tôi làm chủ tổ hợp may gia công. Một mình làm hết các khâu, sống chắt bóp, dành dụm, cuối cùng cũng có được một căn nhà. Có nhà cửa ổn định rồi, máu nghề đau đáu xưa nay lại trỗi dậy. Tôi cao hứng bán nhà, góp vốn cùng người bạn làm phim Thời đại đàn bà con gái (truyện video). Phim có cái tứ khá lạ, khán giả ủng hộ nồng nhiệt nhưng mới chiếu được 9 ngày thì bị mất bản quyền! Lại tay trắng, lại ở nhà thuê và lại mượn tiền tiếp tục nghề may gia công. Lần này, tôi bị thất bại vì một mình quán xuyến không nổi, hàng bị trả về….
Những chuỗi ngày gian khó dường như không buông tha cho anh, vậy đâu là bước ngoặt để đưa anh đến gần với nghệ thuật thứ 7 giữa những bộn bề của “áo cơm” như thế?
- Cũng ngay trong lúc thất bại đó, tôi được biết tin Hãng phim TFS mới thành lập đang tìm kiếm người cộng sự, tôi bèn gửi đến chào hàng kịch bản Hạnh phúc mong manh,  tôi tự chuyển thể từ truyện ngắn Người của gia đình của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ( được sự cho phép của anh ấy),  nói về nguy cơ rạn nứt trong hôn nhân nếu mỗi người vợ, người chồng không chú ý vun đắp từng ngày. Và thật may mắn tôi đã được lãnh đạo TFS tin tưởng trao cho tôi một cơ hội. Dù chưa làm phim truyền hình bao giờ nhưng kinh nghiệm từ công việc ở phim Người đi tìm họ và bộ phim “liều mạng” Thời đại đàn bà trước đó đã giúp tôi hoàn thành Hạnh phúc mong manh (3 tập) một cách trót lọt, tạo được một làn gió mới cho phim truyền hình. Bộ phim này cũng được nhà sản xuất Phước Sang mua lại bản quyền để chiếu rạp cũng tương đối thành công. Cũng từ đó tôi chính thức bén duyên cùng TFS chính thức được theo đuổi, được cháy hết mình qua những bộ phim trong vai trò đạo diễn…
- Phải chăng chính những va vấp với đời, những gian khó từng phải nếm trải đã giúp anh thực hiện thành công một số bộ phim để lại tiếng vang với thời gian như phim Giã Từ Dĩ Vãng, Đồng Tiền Xương Máu, Người Đàn Bà Yếu Đuối?..
- Nhiều người bạn đồng nghiệp của tôi đã từng không ít lần nhận xét tôi là dường như “chưa có đạo diễn nào mà tác phẩm đã vận vào mình như Đinh Đức Liêm” (cười). Mà thật vậy,nếu với Hạnh phúc mong manh, tôi gửi gắm ít nhiều nỗi đau từ cuộc hôn nhân đầu tiên bất hạnh của mình thì ở Giã từ dĩ vãng, tôi dồn hết những cực nhọc, vất vả của việc vật lộn cho cuộc mưu sinh trong những năm đầu vào Nam tìm đất sống mới. Rồi sau này là các phim Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối cũng được tôi làm bằng tất cả tâm huyết của mình dựa trên những chắt chiu của vốn sống, những lần hụt hẫng tưởng chừng như bế tắc không bước qua được.
- Vậy với bộ phim Đời như tiệc mà anh làm đạo diễn hiện đang được phát sóng trên HTV, bộ phim này có gì giống với những bộ phim trước do anh thực hiện không?
- Khi nhận được kịch bản phim Đời như tiệc, điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng là nhan đề bộ phim. Đời như tiệc khiến ta dễ hình dung đến hình ảnh bàn tiệc cuộc đời, mà trong bàn tiệc đó có đầy đủ mọi cung bậc, cảm xúc: có vui, có chếnh choáng, có dục vọng có đam mê. Nhưng đằng sau đó, khi tất cả đã hết, tiệc đã tàn, mọi thứ đổ vỡ, thì điều đọng lại duy nhất là tình người. Từ thông điệp này sẽ cảnh tỉnh cho mọi người chúng ta có thái độ sống tích cực, biết trân quý những gì đang có, không vì sân si, dục vọng và vì sự trả thù cá nhân mà ta lại làm cuộc đời ta chệch theo một hướng khác – tiêu cực hơn.
Liệu với thông điệp như anh chia sẻ, anh có nghĩ Đời như tiệc sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía khán giả truyền hình không?
- Khán giả thì có rất nhiều ý kiến nhưng tôi tin với những gì đi từ thực tế cuộc sống, phản chiếu thực tế cuộc sống thì sẽ tạo được sự gần gũi với người xem, biết đâu ở một khía cạnh nào đó mà phim đề cập tới, khán giả sẽ thấy đâu đó là bóng dáng mình trong đó để từ đó có thêm những nghĩ suy để sống cuộ đời tốt đẹp hơn.
Phim truyền hình dài 30 tập “Đời Như Tiệc” do Công ty Tincom Media sản xuất theo đơn đặt hàng của Đài truyền hình TP.HCM được phát sóng trên kênh HTV7 trong khung giờ vàng lúc 20:00, các ngày trong tuần từ chủ Nhật đến thứ Năm, bắt đầu từ ngày 12/01/2014. “Đời Như Tiệc” với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội như: Mai Thu Huyền, Đức Sơn, Tấn Hoàng, Ngọc Thảo, Cát Tường, Bích Hằng cùng các diễn viên trẻ như: Mã Hiểu Đông, Cao Mỹ Kim, Lan Trinh, Pha Lê và một gương mặt mới lần đầu chạm ngõ làng điện ảnh, đó là Mai Hồ.
ĐINH CÔNG - XUÂN HIẾU

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

* Nhan sắc


Có những người phụ nữ không hề đẹp theo “quan niệm đẹp bề ngoài”. Vẻ đẹp của họ được trân trọng qua công việc họ làm, những cống hiến của họ cho gia đình, xã hội. Vẻ đẹp ấy bất tử.

Nếp nhăn trên mặt, cũng là vẻ đẹp của năm tháng, những trải nghiệm sống ta qua trên đường đời vui buồn, khổ đau gập ghềnh hạnh phúc.

Bàn tay khô, nhăn nheo, ta đã lao động, vất vả nhọc nhằn để mưu sinh, gầy dựng gia đình. Đã yêu thương, vuốt ve, ôm trọn những người thân yêu nhất.

Đôi mắt già nua, mệt mỏi, đã từng long lanh lóng lánh bao thương yêu trìu mến, những buồn vui sướng khổ đời người. Có cả vẻ đẹp của những giọt lệ, lặng thầm.

Vòng eo không còn thon, nơi sự sống ra đời, những đứa con ta được hoài thai, ấp ủ - những tác phẩm đẹp, mang lại cho chúng ta giá trị thiêng liêng nhất của vẻ đẹp phụ nữ.

Có một vẻ đẹp không gì so sánh: Vẻ đẹp của sức sống, sự tươi tắn, tự tin vào giá trị bản thân mình.

Vẻ đẹp ko chỉ được cảm nhận bằng mắt, còn cảm nhận bằng trái tim, sự thẩm thấu của tình thương yêu, chia sẻ.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Buổi sáng ở cà phê chim

Nắng sớm nơi đây đẹp lắm, vàng rợi. Nhất là góc nhỏ "của mình" ở hành lang nhà "trà đạo", trong công viên Tao Đàn này. Không gian xanh yên tĩnh. Yên tĩnh để ngắm người ta ngồi lặng thinh bên nhau, nhìn gì đó, nghĩ gì đó, đọc báo...trong dàn hợp xướng của những nghệ sĩ líu lo.

Thế giới đầy rẫy những vấn đề, chiến tranh, đói nghèo, chém gió, tự kỷ, tự sướng...sao cô ấy có thể bình thản ích kỷ nghe chim hót trong một sáng nắng đẹp này?

Cũng may là giữa thế giới ồn ào đầy biến động ấy còn có góc nhỏ yên bình này để náu vào.

Cũng rất không may là cô ấy đúng hẹn đến sớm mà cái dàn mo đồ mới hôm qua còn hớn hở nhắc nhau váy áo màu mè để cô ấy chụp cho vài bô, mà giờ vẫn chưa vác người đến. Cô ấy đã ăn xong bữa sáng một mình, trả ...29 ngàn đồng (rẻ thế nhỉ). Vừa post lên FB "chửi bới" thì các models xúng xính váy áo hớn hở đến. Chờ nắng lên, lao động quần quật, toát mồ hôi và kết quả là mỗi em được một series ảnh hớn hở. 


Và một happy ending là buổi trưa được các models trả ơn bằng chầu bún chả thịt nướng Hà Nội ngon tuyệt. Niềm vui của "nghệ sởi" đôi khi đơn giản vậy thôi. Một bạn trên FB còm vào stt "Cô ấy là người hạnh phúc khi luôn ở trong một tình yêu rộng lớn". 


Điều cô ấy luôn chờ đợi không phải là tình yêu rộng lớn. Mà là tình yêu nhỏ, giản dị, có thể chạm vào. Thực như một tô bún thịt nướng vui tươi, không thiếu ân cần. Và không bao giờ phải đặt dấu hỏi hay phân vân, lưỡng lự. :) 
















Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Lên rừng, xuống biển ở Phú Quốc

PNO - Nhiều du khách đến Phú Quốc để nghỉ dưỡng, tắm biển và thưởng thức những món đặc sản biển tươi ngon. Còn gì nữa? Bạn hoàn toàn có thể thực hiện chuyến ta ba lô lên rừng xuống biển thú vị ở "đảo ngọc" này.

    Trước Tết Nguyên đán 3 tuần, không dễ mua vé máy bay đi Phú Quốc. Đặt phòng trên mạng hay gọi điện thoại trực tiếp đến khách sạn, du khách thường nhận được câu trả lời “không còn vé”, “khách sạn đã hết phòng”. Nhiều khách sạn còn tiết lộ phần lớn các công ty du lịch đã mua hết phòng từ tháng 10. Tết và hè là mùa cao điểm du lịch của đảo Phú Quốc.  
    Dịp Tết, ngoại trừ mua vé máy bay cần thực hiện sớm mới có thể đi Phú Quốc cả gia đình, còn thì chịu khó “lùng sục” bạn vẫn có thể kiếm được chỗ lưu trú tại các khách sạn nhỏ, hơi xa các “tụ điểm” du lịch một chút. May mắn, bạn sẽ kiếm được phòng ở khách sạn cao cấp khi có khách đặt trước “bỏ cuộc”.

    Phú Quốc có những bãi biển tuyệt đẹp, nước xanh trong, an toàn 
    Giá khách sạn ở Phú Quốc phổ biến ở mức 1 triệu - 2 triệu đồng/ đêm/ khách sạn từ 2 đến 4 sao. Hầu hết các khách sạn ở “trung tâm du lịch” của Phú Quốc như khu Bãi Dài (thuộc thị trấn Dương Đông) có mức giá trên. Các khách sạn xa hơn, thấp cấp hơn có giá từ 500 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng/đêm. Nhưng ngay tại khu Bãi Dài, nơi tập trung nhiều khách sạn lớn, thu hút đa số khách ngoại quốc, bạn vẫn có thể tìm được phòng lẻ tại nhà khách, home stay…với giá 300-400 ngàn đồng/phòng/đêm, tùy theo vị trí và tiện nghi. Trừ dịp Tết và mùa hè, thời gian còn lại giá phòng có thể chỉ từ 50- 70%.
    Phú Quốc được biết đến với các bãi tắm đẹp, các địa danh có tiếng như: Bãi Sao, Bãi Dài, nơi có những bãi tắm nước trong xanh, cát trắng mịn, yên ả; Mũi Dinh Cậu, Mũi Ông Đội, Đá Chào, như “công viên” đá, thế giới của san hô và cá biển sặc sỡ; suối Tranh, suối Đá Bàn, rừng Quốc gia, nơi bạn có thể khám phá và cắm trại cùng gia đình, nhóm bạn; làng chài Hàm Ninh, nơi bạn có thể tham quan, tìm hiểu đời sống của ngư dân làng cổ lâu đời. Ngoài ra, bạn có thể tham quan các cơ sở nuôi cấy ngọc trai, nhà thùng nước mắm nổi tiếng, trang trại trồng tiêu, sim và sản xuất rượu sim...
    Phương tiện đi tham quan Phú Quốc thích hợp và được nhiều du khách ưa chuộng là taxi và xe máy. Gía thuê taxi từ 600.000đ-800.000đ/ngày/xe 7 chỗ, tùy theo khoảng cách và số điểm đến. Gía thuê xe máy từ 150.000đ/ngày (từ sáng đến 21g). Nếu đi đông người, nên thuê taxi thuận tiện hơn. Đi xe máy, bạn có thể lang thang, đi ngang về tắt, thậm chí leo đường đồi núi khá thoải mái, có thể dừng bất cứ đâu để khám phá, chụp ảnh rất thuận tiện. Đặc biệt, thuê xe máy ở Phú Quốc không cần thế chấp tiền hay giấy tờ. Tại khu vực Bãi Dài, chủ cho thuê xe máy chỉ cần biết số phòng, khách sạn bạn ở. Bạn cũng không sợ mất xe máy vì theo các chủ cho thuê “Phú Quốc không sợ mất xe, bởi chỉ có thể ra khỏi đảo bằng …máy bay hay tàu biển.
    Thú vị hơn cả là “đường tour” do bạn/nhóm bạn/gia đình tự tổ chức, thực hiện và khám phá. Sự thú vị ở chính cung đường bạn qua, những điểm dừng chân với những trải nghiệm riêng độc đáo. Như, cảm giác rất khác khi bạn “leo” xe máy lên đỉnh đồi Điện Tiên. Từ nơi đây, bạn có thể dạo chơi trong rừng, ngắm toàn cảnh một phần thị trấn Dương Đông với điểm nhấn là Mũi Dinh Cậu tuyệt đẹp.
    Bạn có thể ghé nhà dân đặt bữa ăn do chủ nhà tự đi chợ và nấu phục vụ với giá phải chăng. Nơi đây, bạn có thể hái sim chín mọc hoang khắp đồi. Bạn sẽ được thưởng thức các món ngon đặc sản của Phú Quốc: gà đồi xé phay, canh chua cá mú lá bứa, cá bè đưng kho tiêu xanh, gỏi cá trích cuốn bánh tráng với đủ loại rau rừng: lá trâm, lá bứa, tràm bìa, kim cang, đọt xoài, chồi mồi…đặc biệt, rượu sim ngâm lâu năm ngọt thơm, uống trưa chiều mới say như lời chủ nhà đùa vui.
    Không thể không ghé thăm và lang thang mọi ngõ ngách ở làng chài Hàm Ninh. Cảnh biển trời nơi đây đẹp như một bức tranh. Đời sống của cư dân làng chài sinh động với cảnh trên bến dưới thuyền. Tại đây, bạn có thể thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon vừa được đưa lên từ cảng cá gần đó. Hay có thể mua tại chỗ đặc sản biển như tôm, mực khô, cá ngựa, sò điệp, mực một nắng...
    Buổi tối, bạn nên đi chợ đêm Dinh Cậu để thưởng thức hải sản tươi sống như cầu gai, bào ngư, sò điệp…với giá mềm. Đây cũng là nơi bán nhiều vật dụng, quà lưu niệm.
    Xin giới thiệu một số hình ảnh về Phú Quốc:

    Bãi Dài biển lặng, sóng êm, nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng, du khách quốc tế,
    được đánh giá là "thủ phủ" du lịch của đảo Phú Quốc

    Cắm trại ở Khu du lịch Suối Tranh

    Mũi Dinh Cậu

    "Công viên đá" ở Mũi Dinh Cậu

    Miếu Dinh Cậu thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước viếng thăm, nguyện cầu
    những điều tốt đẹp cho năm mới

    Nhiều du khách, nhất là du khách ngoại quốc thuê xe máy để ngao du đảo ngọc

    Du khách có thể thuê bao nguyên chuyến hoặc mua vé lẻ tàu du lịch đi tham quan
    quanh đảo hoặc  các đảo lân cận

    Khám phá đỉnh Điện Tiên

    Một góc đảo Phú Quốc nhìn từ đỉnh Điện Tiên

    Bữa trưa home stay với nhiều món ngon của Phú Quốc: canh chua cá mú lá bứa, cháo và
    gỏi gà thả đồi, cá trích cuốn bánh tráng với nhiều loại rau rừng



    Cá bưng đìa kho tiêu xanh

    Theo chủ nhà ra rừng hái trái sim và rau rừng 

    Một góc làng chài Hàm Ninh

    Bến cá  Hàm Ninh

    Du khách có thể thưởng thức những món ngon hay mua đặc sản biển tại làng chài Hàm Ninh



    Cá ngựa sống được nhiều du khách ưa chuộng
    Vừa qua, đảo Phú Quốc được  National Geographic (Mỹ) đề cử vào vị trí thứ 3 trong  top Những điểm đến lý tưởng mùa đông 2014, chỉ sau Paris của Pháp và Whitefish, Motana của Mỹ, với những bãi biển lý tưởng nhất của Việt Nam.   
    Bài và ảnh: NGỌC ĐỖ
    Đăng Phụ Nữ Online ngày 7/2/2014 
    http://phunuonline.com.vn/du-lich/cam-nang-du-lich/len-rung-xuong-bien-o-phu-quoc/a112908.html

    Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

    Tiễn đưa

    ...Có một lần cô được tiễn đưa, đoạn cuối của một cuộc tình. Hai người đi qua khuôn viên rộng mênh mông, trên đầu là tán sao già xào xạc. Không ai nói với ai lời nào cho đến khi phải dừng lại để chào nhau. "Thôi, em đi", mà vẫn đứng bất động. Biết rằng, chạm vào nhau là không đi được nữa và rồi mọi chuyện lại diễn ra không lối thoát, lại khứa vào lòng nhau.

    Rồi cũng đến lúc phải quay đi, cô đưa tay kéo ngay ngắn cổ áo người, dịu giọng dặn người giữ gìn sức khỏe. “Em đi đây”, rồi cương quyết bước đi, không quay lại cả khi nghe tiếng người thảng thốt gọi tên mình. Đêm thành phố mênh mông,  cô nhỏ nhoi, đơn độc, lòng đông cứng bước đi như mộng du giữa phố khuya. Đường An Dương Vương 24 năm trước.


    Có một lần, cô đưa tiễn một người. Biết là sẽ gặp lại, mà lòng vô cùng hoang vắng. Người đi rồi, cô đổ ập xuống, rúc sâu vào lòng mình mà nước mắt chan hòa. Giữa thành phố 6 triệu dân, chưa bao giờ cô có cảm giác trống rỗng và mất mát như thế. 

    Cô không hề nghĩ rằng, sẽ đến một ngày mà nhiều lần ra đi, lòng cô nặng trĩu. Mỗi lần chào cha mẹ trở lại thành phố, cô thường nao lòng khi nghe câu hỏi của cha: “Chừng nào bây lại về?”. Cha hỏi mà không nhìn cô, tóc ông bạc phơ, ánh mắt đục dần nhìn xa xăm chờ nghe con trả lời. Cô thường quay vội đi, không dám nhìn lại, vì biết rằng đôi mắt mệt mỏi, già nua như phủ lớp sương mù năm tháng kia còn dõi theo cô cho đến khi cô mất hút trên phố đông.

    Qua kính chiếu hậu, hình dáng bạc phơ thân yêu ấy còn đứng lặng nhìn theo mãi. Nghĩ đến một ngày không xa, sẽ không còn ai đi theo tiễn đưa mình nữa, cô lặng lẽ khóc…


    Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

    Biên giới Tây Nam 1979


    Năm 1979 ấy, tôi 17 tuổi, vừa tốt nghiệp  lớp 12 tại Trường Trung học phổ thông Lưu Văn Liệt ở Vĩnh Long. Lúc ấy cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang hồi khốc liệt, vài tháng sau khi Trung Quốc xua quân tấn công qua biên giới “dạy cho Việt Nam một bài học” - 17/2/1979.

    Đơn vị của cậu tôi và một số đơn vị khác đã được chuyển đường hàng không từ biên giới Tây Nam ra biên giới phía Bắc. Khu gia binh nhà tôi ở, các chú, các anh lính trẻ măng tơ mới nhập ngũ từ phía Bắc vào trước đó đã được đưa xuống biên giới Tây Nam.

    Cùng một số bạn ở trường, tôi gia nhập đoàn thanh niên tình nguyện của Thị xã Vĩnh Long đi “phục vụ chiến đấu” ở biên giới Tây Nam 1 tháng. Bấy giờ, ba tôi cùng đơn vị của ông cũng ở chiến trường phía ấy.

    Trong đoàn tình nguyện khoảng 40 người, có chừng 20 học sinh trường tôi, còn lại là thanh niên các phường xã. Nơi chúng tôi đến là tỉnh An Giang, huyện Tân Châu, còn xã gì 35 năm trôi qua tôi không còn nhớ chính xác nữa. Chúng tôi hạ trại, cắm lều bạt sát bờ kênh Vĩnh Tế, ngay ngã ba sông. Hai lều bạt lớn cho nam và nữ (có 5 nữ). Bên kia sông là đất Campuchia. Hàng ngày các anh nam đi lên chốt bộ đội để đào công sự, các bạn nữ người ở nhà nấu cơm, người mang cơm ra chốt. Tôi được phân công đi chợ, nấu cơm cùng hai bạn nữ. Hai ba ngày một lần tôi ra bờ sông chờ tàu khách, theo tàu về chợ Tân Châu mua thực phẩm cho đoàn. Vài lần tôi theo mọi người đưa cơm lên chốt (cách trại tình nguyện khoảng 2km). Một đại đội, hầu hết là bộ đội địa phương cắm ở chốt này. Họ sinh hoạt trong những túp lều cây lá nửa nổi nửa chìm dưới mặt đất, nối liền các nhà là hệ thống giao thông hào. Bộ đội dạy chúng tôi bắn súng, kể chuyện đối phó với quân Khmer Đỏ cắn trộm ra sao. Các anh chỉ cho chúng tôi sau khoảnh bụi rậm khoảng 200m kia là chốt quân Khmer Đỏ. Thỉnh thoảng hai bên lại đòm sang phía nhau vài phát.

    Những ngày ấy, thỉnh thoảng dưới lòng kênh Vĩnh Tế lại nổi lên những cái xác không đầu hay không chân tay cột dính vào nhau trôi trên sông hoặc tấp vào bờ. Có đêm quân Khmer đỏ đột kích sang đất ta sát hại hơn nửa làng. Có lớp học, cô giáo đang dạy thì chúng xâm nhập giết sạch cả cô lẫn trò. Bộ đội gác đêm canh chừng chặt chẽ phía bờ sông, còn dặn chúng tôi phân công gác đêm chú ý những cụm lục bình trôi ngược nước, tấp bờ bất thường ban đêm…

    Được khoảng 2 tuần, tôi nhớ rõ chiều hôm ấy khi một nhóm các anh tình nguyện hớt hải chạy ngược từ chốt biên giới về  “Đụng độ ở biên giới. Đêm nay đánh lớn. Bộ đội mình chết, bị thương nhiều”. Một hồi các anh chạy trở lại chốt tham gia tiếp đạn, tải thương sau khi dặn: “Các em ở lại trông chừng, các anh sẽ trở lại”. Còn lại hai đứa con gái bên ngã ba sông-kênh vắng vẻ, chúng tôi …sợ phát khóc. Hai chị em còn bàn nhau, nếu chốt vỡ, quân Pol Pot tràn sang thì chị em…nhảy xuống kênh Vĩnh Tế. Từ chập tối, tiếng súng vang rền phía biên giới, hai bờ sông pháo nã qua lại sáng một góc trời. Gần nửa đêm, một số anh tình nguyện quần áo tả tơi, ướt sũng lảo đảo trở về trại nằm lăn ra đất, mặt thất thần. Anh Lương, học sinh lớp 12 thẫn thờ: “Thằng Cần chết rồi, bị đạn vào đầu trong lúc tải thương”. Tụi con gái òa khóc như ri. Hôm sau chúng tôi được lệnh trở về thị xã Vĩnh Long. Tôi quên nhiều thứ, nhưng không hiểu sao nhớ rõ tên bạn đã hy sinh: Từ Thanh Cần, học lớp 12 C5. Thi thể bạn được đưa về sau đó, truy điệu ngay tại Trường. Bạn trở thành liệt sĩ ở tuổi 17.

    Cũng tuần đó, ba tôi từ biên giới Tây Nam về nhà, ông bị sốt rét nặng. Ông buồn rầu kể: “Chú Vinh hy sinh rồi. Quân Pol Pot tấn công bất ngờ, quân ta đánh trả, chú bắn không còn viên đạn nào. Xác chú được tìm thấy trong công sự, khẩu AK đặt trên ngực”. Sau đó là tin hi sinh của Tại, của Thanh… những chàng lính trẻ miền Bắc chỉ hơn tôi một, hai tuổi, vừa học xong lớp 9, lớp 10, chiều chiều vẫn đi ăn cơm qua nhà tôi trong khu gia binh, vừa đi vừa gõ chén, hát nghêu ngao...

    Không hiểu sao, hôm nay lại nhớ rõ chuyện này, sau 35 năm. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc xua quân tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam.

    @ Ngày 18/2/2014. Sau một ngày post lên Facebook, note này của tôi đã liên lạc được với vài người bạn. Bạn Đỗ Thành Long đã còm và nhắc tôi: đó là xã Thường Phước. Trận đánh đó, anh Hùng Đại đội trưởng đã hi sinh. Cuộc sống thật thú vị khi những hồi ức từ hiện tại lại nối kết tới quá khứ từ những con người tưởng như chìm vào bóng tối của trí nhớ bỗng sống dậy, sáng rõ một ngày.