Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

* 1 triệu đô, 2 tỷ và 15 triệu đồng

Lang thang phố trung tâm, thăm thú đồ chơi công nghệ, ngang qua mấy phòng tranh, bắt gặp bức tranh nhái ảnh “Bà cháu” của mình. Chuyện này xảy ra nhiều năm rồi.
Không gì thú vị hơn là ghé vào xem vừa tranh sơn dầu, vừa màu nước và thêu copy từ ảnh, lại được cô bán hàng kể vanh vách lịch sử bức ảnh nguyên gốc của một cô nhiếp gia. Mình cứ tủm tỉm cười, chả dám xưng tên vì sợ bị oánh giá “thấy copy sang bắt quàng làm happy”, ngượng.



Phòng tranh Đồng Khởi cũng có, khách sạn Palace Đà Lạt cũng có, Hội An cũng có tranh chép từ “Bà cháu”. Người bạn cùng đi bảo “Sao không lên tiếng vì vi phạm tác quyền?”. Mình cười bảo, mới đầu cũng thấy...sao sao, nhưng lên tiếng còn mệt hơn là im lặng.

Năm kia có một “nghệ sĩ” còn chép tranh Bà cháu khổ lớn, thông tin ầm ỹ sẽ tổ chức đấu giá tác phẩm của anh ta tại dinh Thống nhất, có chữ ký của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tranh, để lấy tiền “giúp đỡ các gia đình chính sách, bà mẹ VN anh hùng gặp khó khăn trong cuộc sống”. Gía khởi điểm của bức tranh là 2 tỷ đồng. Báo chí phát hiện, có bạn đọc báo méc mình, nhiều bạn đồng nghiệp phẫn nộ, NLĐ làm hai tin bài “vạch mặt”. Trước giờ đấu giá, thư ký của Đại tướng gọi điện thoại vào yêu cầu không tổ chức đấu giá bức tranh có chữ ký của ông. Tối ấy, cuộc họp mặt vẫn diễn ra trong dinh (vì giấy mời đã phát) nhưng nội dung khác, ko có màn đấu giá tranh chép “từ thiện”, giữa chừng nhiều người bỏ về. Và chương trình thu được…2 triệu đồng.
Băng rôn và tranh nhái ảnh "Bà cháu" treo trước dinh Thống Nhất, bị Văn phòng
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu hạ xuống và không được tổ chức đấu giá sau khi biết sự thật

Hôm nay lần mò trên mạng, mình mới sửng sốt khi đọc được bài của Người Lao Động, có đoạn “Tác phẩm này (Bà Cháu) đã từng đoạt giải thưởng quốc tế và Tập đoàn Tân Tạo đã mua với giá 1 triệu USD, nhằm góp quỹ cho 500 trẻ khuyết tật được phẫu thuật. Ai đã tổ chức đấu giá, lấy ảnh từ nguồn nào mà mình không biết, không hề xin phép hay ít nhất là thông báo cho mình biết? 1 triệu USD? để giúp 500 trẻ khuyết tật được lành lặn, mình mừng lắm, hãnh diện lắm. Nhưng khi tổ chức bán, họ nói ảnh của ai? Làm việc thiện mà đã không thiện thì…thật đáng buồn, thất vọng.

Thôi kệ, ai chép ảnh, copy của ảnh của mình cũng được, lịch sự thì cho một cái tên. Ảnh mình chụp có nhiều người thích, muốn nhân bản cũng vui. Miễn đừng nói tác phẩm của họ, kẻo năm tháng trôi qua, mình lại mang tiếng là “phục dựng” ảnh từ tranh, lại có vụ án “tranh có trước hay ảnh có trước?” thì phiền. Đó là lí do vì sao, post ảnh lên mạng mình hay để photo by mình, tránh người ta nghĩ mình …cóp của người khác.

Rất vui khi có người mua hai bức ảnh trong đợt đấu giá trên mạng kiểu chớp nhoáng bạn bè vừa qua mình giúp chương trình “Vì ta cần nhau”. Trong cuộc đấu giá “tình cảm” này, bức Bà cháu được mua giá 15 triệu. Bức Gặp ở Sapa bán được 5,5 triệu, tất cả số tiền thu được (20.500.000đ) góp xây trường cho học sinh vùng cao ở Mù Cang Chải. Mình có ảnh, các bạn có lòng. Thú vui, niềm say mê chụp ảnh của mình, ít nhất cũng có ích cho việc thiện. Đó là vui nhất.

Còn hàng ngày, mình vẫn post ảnh…không mệt mỏi lên mạng, “làm phiền” mắt bạn FB. Các bạn chia sẻ cũng là vui rồi. Nếu không, đi chụp để làm gì? Bất quá bạn Trường Sơn “cắp” minh hoạ cho các bài báo ở trang Hôn nhân- Gia đình bạn ấy phụ trách, kiểu “Mình chia tay nhé”, “Xin đừng lừa dối em”, là cùng. hihi

link Người Lao Động về vụ việc 
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thoi-gian-va-nguoi-linh-chuong-trinh-bat-nhao-249705.htm

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thoi-gian-va-nguoi-linh-chuong-trinh-bat-nhao-249705.htm

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

* Chồng vẽ ai?


Sáng nay ra terrace nhà uống café, nhìn thấy bức tranh chồng mới vẽ. Một cô gái mặc áo dài tím, ôm con mèo, bên cạnh bình hoa sen. Yên bình, tươi tắn, an nhiên.

Cũng … đàn bà, sau khi nhìn bố cục, màu sắc, chi tiết, đánh giá “không khí” chung bức tranh thì  mình tự hỏi trong não (tác giả đang tưới vườn trước mặt) lão vẽ…ai ấy nhỉ?

Mình thì luôn thực tế, nên quả quyết, chồng vẽ ai chứ nhất định không phải là mình. Tóc mình không dài (nếu là mình thì quả là ước mơ viễn vông xa lắc của lão chồng, được gắn vào tác phẩm). Mình cũng mặc áo dài, nhưng không ngồi dịu hiền thế (mình mặc áo dài với quần jean xắn lai). Ngoài đời, mình ghét hết các thể loại mèo, nhìn và khen thôi nếu dễ thương, chứ đừng hòng mơ mình lại ôm mèo trong tay một cách an nhiên thế. Của đáng tội là trong bức tranh này, mình thấy chân dung con mèo là thành công nhất, trông nó mềm mại, duyên dáng hơn cả cô gái. Đừng ai nói mình đố kỵ, hằn học mà không khen cô gái nhé.

Có một lần chồng vẽ…mình. Ấy là một chiều đi làm về, ku con chạy ra, thì thầm báo công: “Mẹ ơi, ba vẽ mẹ đấy, mặc áo đầm, đẹp lắm”. Mình hớt hải bỏ xe trong sân chạy vào xem. Chao ơi, cực thất vọng, mình kêu lên: “Ba vẽ mẹ mà sao ra bác nhà thơ…Khánh Hội ở cơ quan mẹ?”. 

Vẽ người này thì ra người khác. Như mình chụp hình ấy à, chụp ai ra ngay người đó, trừ phi chụp nuy thì khán giả cứ hay nghi vấn người nọ, đổ vấy cho người kia, đến nỗi người nghi là mẫu phải cuống quýt “Chị thanh minh không phải…em đi”. Còn mẫu chính chủ thì tự ái “Sao chụp tớ mà đứa khác lại được tiếng, là sao?”

Haizzz, hội họa nói chung là…trìu tượng. :)

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

* Nick Út với bức ảnh vinh quang cả đời


Buổi họp mặt thân mật và giới thiệu sách "Phóng viên ảnh Nick Ut - Huyền thoại giản dị" diễn ra vào lúc 14g30 ngày 23/4 tại Napa Velley USD (128A Nguyễn Thị Minh Khai, P,6, Q.3, TP.HCM)
Chúc mừng "nhân vật" sách lừng danh, chúc mừng và cảm ơn bạn ảnh đồng nghiệp GIản Thanh Sơn, người đã có lòng tập hợp những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp về huyền thoại giản dị Nick Út, người anh, bạn đồng nghiệp lớn của chúng ta.


Đăng lại bài viết về Nick Ut của Đỗ Ngọc tui trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 2003 được in trong cuốn sách này.
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Nguoi-duong-thoi/2791/nick-ut-voi-buc-anh%C2%A0vinh-quang-ca-doi.html#ad-image-0

Nick Út với bức ảnh vinh quang cả đời

27/09/2003 12:35 (GMT + 7)
TTCN - Bức ảnh cô bé Kim Phúc trong cảnh bom đạn ở Trảng Bàng đã làm nên tên tuổi Nick Út, là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp một nhà báo ảnh của anh. Pulitzer là giải thưởng báo chí cao quí nhất của Mỹ, nhưng không phải tác phẩm, tác giả đoạt giải Pulitzer nào cũng được tôn vinh "mãi về sau" như Nick Út và bức ảnh Kim Phúc.
Bởi, bức ảnh ấy là một trong những chân dung cô đọng nhất về cuộc chiến tranh tàn bạo của Mỹ tại VN, làm thức tỉnh, lay động bao trái tim người yêu hòa bình trên thế giới. Bức ảnh ấy đã được đăng trên hàng nghìn tờ báo và được nhắc đi nhắc lại vài chục năm sau mỗi khi người ta lần giở lại lịch sử, xem xét và rút ra bài học từ cuộc chiến tranh phi nhân này.
Mùa xuân năm 1998, tôi gặp Nick Út tại California trong chuyến đi triển lãm ảnh tại Mỹ. Anh đến lấy tin và chụp ảnh với tư cách là phóng viên của AP - hãng thông tấn mà anh đã làm việc từ năm 1965, khi mới 16 tuổi. Nick Út vui mừng gặp gỡ anh chị em trong giới nhiếp ảnh từ quê nhà sang - những khách mời của Hội đồng nghệ thuật TP San Francisco.
Từ trái: Đỗ Ngọc, Nick Ut, NSNA Lâm Tấn Tài, NSNA Đoàn Đức Minh tại nhà Nick Ut ở Monterey Park (California)
Chúng tôi có dịp đi chụp ảnh cùng Nick Út, chứng kiến sự năng động, sức làm việc dẻo dai và sự kính trọng của bạn bè đồng nghiệp người Mỹ dành cho người phóng viên gốc Việt đã trở thành một  tên tuổi lừng danh trong làng ảnh báo chí quốc tế sau khi đoạt giải Pulitzer - giải thưởng báo chí lớn nhất của Mỹ - năm 1973 với bức ảnh chụp bé gái Kim Phúc đang trần truồng kêu khóc, thân thể bị cháy sém vì bom napalm trong một trận càn của Mỹ - ngụy ở Trảng Bàng (Tây Ninh).
Bức ảnh "Cô bé Napaln" đoạt giải Pulitzer - giải thưởng báo chí lớn nhất của Mỹ - năm 1973, làm nên tên tuổi Nick Ut
Nick Út mời chúng tôi về căn nhà ấm cúng của anh ở Monterey Park để trò chuyện, "nạp" một thoáng không khí Việt trong ngôi nhà của một người đã xa quê đã gần 30 năm nhưng luôn thương nhớ quê nhà.
Trong phòng làm việc của Nick Út đầy ắp những hình ảnh đáng nhớ trong suốt sự nghiệp phóng viên ảnh của anh. Ảnh treo trên tường, để trên bàn, chất đầy trong album, kệ sách. Treo trên tường, ở vị trí trang trọng nhất vẫn là bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc trong khói lửa napalm. 
Thỉnh thoảng Nick Út lại về VN.
Sáng  20-9-2003, một ngày trước khi bay về Mỹ, tại căn nhà của người em gái ở Q.1 (TP.HCM), Nick Út hớn hở khoe với tôi loạt hình anh mới chụp trong chuyến đi Hạ Long, Sa Pa, Tây Ninh vừa qua. Nụ cười hồn nhiên của cô sơn nữ, trò chơi nghịch ngợm của những cậu bé chăn trâu, ngõ nhỏ xưa cũ…, những hình ảnh của đời thường VN tưởng "mòn" với những tay máy ở nhà bỗng tươi mới, sống động trong một ánh sáng khác qua mắt nhìn thương nhớ của Nick Út và với lối thể hiện "hành động" của một phóng viên ảnh báo chí.
Anh kể: "Tôi sống xa quê, ở một đất nước phát triển, tốc độ sống nhanh, ồn ào…, về nhà nhìn cái gì cũng như mới. Tối qua tôi có cuộc gặp gỡ, nói chuyện về nhiếp ảnh với anh chị em trong Câu lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định. Anh em trò chuyện, hát hò với nhau suốt đêm, rất vui. Mong muốn giúp được gì đó cho bạn bè, đồng nghiệp ở quê nhà bằng những hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp càng thúc đẩy tôi…".
Nick Ut và Kim Phúc trong cuộc gặp gỡ Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào tháng 4-2002 tại cuộc triển lãm ảnh của anh tại Bảo tàng Khoa học London (Anh)
Với chiếc máy tính hiệu Dell nhỏ xíu, Nick Út click cho tôi xem loạt ảnh về câu chuyện Kim Phúc. Những hình ảnh từ lúc các em nhỏ chạy ra khỏi làng bị cháy, cảnh Nick Út dội nước cứu Kim Phúc đang bị bỏng da, cháy thịt, cho đến Kim Phúc nay là đại sứ hòa bình của UNESCO, đang sống cùng chồng con ở Canada; có cả ảnh Kim Phúc và Nick Út trong cuộc gặp gỡ với Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào tháng 4-2002 tại cuộc triển lãm ảnh của anh ở Bảo tàng Khoa học London (Anh) - nơi đã mượn anh chiếc máy ảnh Leica M2 (từng chụp bức ảnh Kim Phúc) để triển lãm trong suốt 20 năm…
* Có thể nói rằng anh đã hưởng vinh quang nghề nghiệp cả đời chỉ với bức ảnh Kim Phúc không?
-  Đúng là như vậy. 37 năm làm việc cho AP, chỉ với bức ảnh này tôi đã đón nhận nhiều vinh dự, được đồng nghiệp quí trọng, được rất nhiều người biết đến. Nói về ảnh chiến tranh VN, người ta luôn nhắc đến bức ảnh Kim Phúc. Nói về Kim Phúc, người ta nhớ đến Nick Út. Trong số 100 tấm ảnh được ghi vào lịch sử thế kỷ 20 do Trường đại học Columbia biên chọn, bức ảnh Kim Phúc được xếp thứ 41.
* Dường như anh, Kim Phúc và bức ảnh đã gắn bó với nhau như là số phận. Anh và Kim Phúc có thường liên hệ với nhau?
- Năm 1989, tôi gặp lại Kim Phúc lần đầu tiên ở Cuba khi cô ấy sang đó học tập. Sau đó chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Hiện cô ấy đang sống cùng chồng và hai con ở Toronto (Canada). Cô ấy cũng rất nổi tiếng, là đại sứ hòa bình của UNESCO, đã viết hai cuốn sách, đã đi nhiều nơi để nói chuyện về chiến tranh, gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia…
* Làm việc cho các hãng thông tấn báo chí nước ngoài với trang bị hiện đại, với áp lực cạnh tranh mạnh, anh thấy mình có khi nào... thua kém các đồng nghiệp Mỹ và phương Tây?
- Hãng AP trang bị cho chúng tôi phương tiện làm việc hiện đại nhất. Tôi làm việc với máy ảnh, máy tính, điện thoại vệ tinh… Đang hành nghề bất cứ ở đâu, chỉ ba phút sau từ hiện trường tôi có thể truyền ảnh về hãng qua mạng Internet. Áp lực cạnh tranh mạnh về tin tức cũng khiến phóng viên năng động hơn. Làm việc với các đồng nghiệp Mỹ và phương Tây, tôi không hề thấy mình thua kém mà rất hãnh diện khi được đồng nghiệp trân trọng.
Theo tôi, các phóng viên châu Á có cái nhìn, sức làm việc không thua các đồng nghiệp phương Tây nhưng so về phương tiện hành nghề có phần hạn chế.
* Việc sử dụng ảnh ở các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài ra sao? Giá của một tấm ảnh được sử dụng?
- Mỗi tờ báo hay hãng thông tấn nước ngoài đều có biên tập viên ảnh, những người này đều từng là phóng viên ảnh. Những tấm ảnh được chọn đăng thường là ảnh được chụp như thế nào chứ không phải là ảnh ghi chép sự việc - trong đó yếu tố hành động (action) được đề cao.
Thường thì phóng viên ăn lương cố định chứ không hưởng nhuận bút, nhuận ảnh. Phóng viên tự do thì nhận tiền nhuận ảnh tùy theo giá trị bức ảnh. Giá của một tấm ảnh được đăng báo khoảng 100 USD, nhưng có thể dao động đến hàng triệu USD tùy theo mức độ quan trọng của sự việc, sự kiện. Ví dụ bức ảnh chụp cảnh tai nạn máy bay của Kennedy con có thể được trả tới 1 triệu USD.
* Anh và gia đình có thường về thăm VN, anh đánh giá ra sao về những thay đổi ở VN?
- Vài năm tôi về VN một lần.  Mỗi lần về tôi đều thăm quê Long An, thăm gia đình Kim Phúc ở Tây Ninh, đi đây đó chụp ảnh. Thỉnh thoảng vợ con tôi cũng về VN. Vợ tôi người gốc Bắc, hai con tôi - một trai một gái - đã trưởng thành. Một đứa là thạc sĩ, một đứa là sinh viên, từng về VN học đại học ở Hà Nội. Hai đứa đều khoái VN, thích món ăn VN và rất ghét ai nói xấu VN. Đất nước mình phát triển, thay đổi quá nhiều, không chỉ tôi mà người VN nào cũng mừng. Mỗi lần về VN tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi mong muốn khi nghỉ hưu sẽ về VN sống.

ĐỖ NGỌC

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

* Bảo tàng chiến tranh - Công viên hòa bình

Sáng tháng Tư, nhóm chúng tôi tham quan Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki. 69 năm trước bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống nơi này và Hiroshima.

Nhiều tiếng sụt sịt khi xem tư liệu hình ảnh, hiện vật về hậu quả khủng khiếp của bom nguyên tử năm xưa. Có cần thiết phải trưng bày tội ác không? Có quên được không những đau thương mất mát của một dân tộc? Một bạn gái hỏi tôi, chỉ hỏi mà ko cần trả lời.

Tôi nghĩ là cần. Nhưng không phải trưng bày tội ác, chia rẽ, kích động hận thù, mà để nhắc nhớ.
Mạng sống, nỗi đau mất mát, hoà bình, tình yêu đất nước, lòng tự hào/tự tôn dân tộc... là thiêng liêng như nhau, bình đẳng. Có thể xếp lại quá khứ, nhắc nhớ quá khứ để đi tới tương lai tốt đẹp hơn. Dù, như câu kết của bộ phim tư liệu tại bảo tàng "Thời gian không thể xoá nhoà vết sẹo được gây ra bởi tia phóng xạ".

Ngay bên Bảo tàng bom nguyên tử là Công viên Hoà bình, một không gian thanh bình, trong lành cỏ hoa. Chúng tôi đứng lặng trước hai bức tượng nhỏ: một người mẹ cúi gập người cho con bú, vòng tay ôm trọn chở che. Bức thứ hai dáng mẹ nâng con vươn cao trên nền trời. Lại nhớ, các cuộc chiến tranh rồi sẽ trôi qua, chỉ còn lại tình mẹ dịu dàng bất tử...

Ở không gian này, tôi đã lại nhìn thấy sự nhẹ nhõm, nụ cười của các bạn mình, những "phù phiếm" dễ thương, khi chia sẻ cùng nhau những phút giây thanh thản, yên bình.









(Nagasaki, Japan 5/4/2014)

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

* Japan, mùa hoa anh đào


Photo by Đỗ Ngọc
Thông thường, từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 hàng năm là mùa hoa anh đào nở rộ trên đất nước Nhật Bản. Lễ hội hoa anh đào tại Nhật Bản còn gọi là Hanami không đơn thuần là thú vui mà còn là nghệ thuật thụ hưởng, một phần của chất lượng sống của người dân xứ anh đào.
    Mỗi năm, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản thường thu hút hàng trăm ngàn khách quốc tế đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa, của đời sống trong thời gian gần một tháng này. Thường, tuần lễ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng tư, hoa anh đào nở rộ nhất, trong đó tuần đầu tháng 4 là nở mãn khai, hết mình. Trên các đường phố, đền chùa…đâu đâu cũng rực rỡ sắc trắng và hồng của hoa anh đào.
    Tokyo 31/3/2014
    Năm nay, tại thủ đô Tokyo của Nhật, ngày 31/3 đến 5/4 được dự báo là thời gian hoa anh đào nở rộ, đẹp nhất. Tại Tokyo, có thể thưởng lãm vẻ đẹp của hoa anh đào tại Công viên Yoyogi, nơi có hàng ngàn cây anh đào cùng khoe sắc, nở hết mình cho mùa xuân trong nắng, trong không khí mát lạnh 16 đến 20 độ C. Chúng tôi đã đến công viên Yoyogi, công viên rộng hàng trăm hecta để ngắm hoa anh đào vào ngày 31/3, ngày đầu tiên trong chuỗi 5 ngày được dự báo là hoa nở đẹp nhất:

    Mùa hoa anh đào ở Japan kéo dài gần một tháng. trong chu trình này có ba ngày hoa nở đẹp nhất-mãn khai. Hôm nay là ngày đẹp nhất-đầu tiên 








    "Kyoto, tình yêu của tôi" 3/4/2014 :)

    Kyoto những ngày đầu tháng 4 quyến rũ lạ thường bởi sắc hoa anh đào. Hoa nở khắp nơi trên đường phố, bên bờ kênh, trong công viên, vườn nhà...Sắc trắng, hồng thắm, hồng phai, đỏ đậm của hoa anh đào làm say đắm lòng người, ngẩn ngơ bao du khách đến với cố đô Nhật Bản mùa hoa anh đào.
      Trên nhiều đường phố, dọc theo hai bờ kênh chảy giữa trung tâm Kyoto, TP của nhiều ngôi đền nổi tiếng, du khách và người dân dạo bộ thưởng thức vẻ đẹp của hoa, chụp ảnh. Các gia đình quây quần, nhóm bạn, người yêu ngồi chuyện trò dưới ánh nắng và bóng mát của những rặng anh đào. Nhan sắc Kyoto dường như rạng rỡ, đầm thắm và lãng mạn hơn vào những ngày này...













      Sayonara Japan
      Will be there again some day