Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

* Đến một lúc...


Đến một tuổi nào đó, ta sẽ không quan tâm hay tự hỏi hạnh phúc là gì nữa. Điều mà suốt thời tuổi trẻ ta mãi kiếm tìm, băn khoăn với những lý giải, định nghĩa về hạnh phúc. 
Có khi chỉ đơn giản là thế này thôi: ngồi (có khi một mình) ở một không gian xanh đẹp, yên tĩnh, uống một ly cà phê đá pha phin thật ngon. Một mình nhưng không đơn độc. Bình an là bình an, với trạng thái thanh t
hản, không nghĩ ngợi điều gì.

Đến một tuổi nào đấy, những yêu thương, thân thiết, ghét bỏ, hận thù riêng tư không mấy quan trọng nữa, không sẵn sàng cho những rắc rối, dằn vặt, tự vấn, hoài nghi. Yêu là yêu, thương là thương, gắn bó hay chia lìa cũng thuận theo tự nhiên, nghĩa tình chân thực hay ngược lại. Giản dị, không cần phải phân tích, trăn trở.

Đến một ngày nào đấy, ta gặp nhau, câu chuyện ko đầu ko cuối với những lời lẽ mà ai cũng biết là cố nhẹ nhàng, tránh né.
Sáng nay đến thăm chị, "bà lão" kiên cường nằm trên giường bệnh, đầu không còn sợi tóc, mặt xanh xao, ánh mắt vẫn tinh anh nhưng đầy mỏi mệt. Và cả sự thản nhiên. Nhìn nhau, nắm tay, không biết có phải là lần cuối. Vẫy tay chào, mà mắt ướt. Bước vội ra vẫn kịp thấy chị lảng đi, nhìn vào bức tường trắng. Đứa nào cũng khóc lúc xuống cầu thang. Câu hỏi "BS nói thế nào anh?", ko được trả lời, chỉ bàn tay rót trà run rẩy.

Để quý hơn những tháng năm ta sống, những vui buồn và cảm nhận vẫn còn đây bên nhau, gần hay xa không phải là khoảng cách. Để biết xót thương chính mình và tình thương yêu của mình...

@Nghĩ, trong một phút...yếu đuối :)
Biểu tượng cảm xúc smile

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

XẤU lạ, BÉO ngạc nhiên? :))

Đành rằng, trẻ đã là đẹp. Nhưng không còn trẻ mà đẹp mới đáng giá. Đành rằng, như thế nào là đẹp còn tuỳ thuộc vào mắt nhìn, quan niệm thẩm mỹ mỗi người, mỗi thời.
Đành rằng, đến một tuổi nào đó, phụ nữ nên chú trọng trang điểm. Bản chất của trang điểm là làm cho mình đẹp hơn, hoặc tôn thêm vẻ đẹp sẵn có của mình. Trừ khi bạn trang điểm cho mình xấu bớt để tránh cho người theo đuổi mình đau khổ vì không được bạn yêu lại, với niềm an ủi “Ôi dào, nàng ấy cũng xấu ỉn chứ báu bổ gì”. :))

Không ít người có tài năng làm mình… xấu đi khi trang điểm, thật vậy. Tôi có người bạn đẹp không thốt nên lời nếu cô ấy không trang điểm gì cả. Nhìn thần thái cô ấy toát lên vẻ yêu đời, khoẻ mạnh, thông minh…đã làm nên sắc đẹp cô ấy. Vài lần cần phải trang điểm khi đi đám (not ma), sự kiện, chao ôi, cô ấy làm ngành trang điểm tổn thương nghiêm trọng. :))
Đừng mặc cảm khi mình không còn trẻ. Đành rằng khi không còn trẻ da mặt kém mịn màng, thân hình không còn mảnh mai như thưở thanh xuân, ánh nhìn không còn hồn nhiên vô tư sáng trong… Nhưng vẻ đẹp của bạn là hành trình sống, những gì đã trải in dấu trên gương mặt bình thản, ánh nhìn đằm thắm, điềm tĩnh và tự tin. Rằng, ta đã đi qua nhiều chặng đường, cung bậc gập ghềnh của đời sống, nội tâm. Ta sẵn sàng đón nhận mọi niềm vui, nỗi buồn. Và không gì làm cho ta chao đảo, suy sụp, dằn vặt nữa. Nếu tự biết mình không đẹp, ta chẳng việc gì cúi đầu, lảng tránh cái nhìn của mọi người. Uh thì tôi xấu đấy, có ảnh hưởng ai hem? Nên nhìn thẳng vào người đối diện hay đi vào giữa đám đông với dáng thẳng thớm, cái nhìn tự tin và nụ cười kiểu “tôi xấu lạ, tôi xấu một cách tự tin và…tươi tắn”. Kết quả là sau ấn tượng “xấu” bạn gây ra khiến ai cũng phải chú ý một cách…ngạc nhiên thì cái "nhìn ra" của mọi người sau đó mới thú vị. Sau cái xấu phải có cái …rất gì chứ.
Đành rằng, khi không còn trẻ thì dáng vóc ta không còn mảnh mai, thậm chí rất béo nữa. Nhưng béo thì đã sao?. Nhìn chung khi ta béo, da dẻ mịn màng hơn, ít cơ hội cho nếp nhăn gầy dựng cơ sở. Chưa kể, ôm người béo rất êm và mềm mại. Nhưng đừng che giấu sự béo của mình bằng cách mặc đồ bó gọn, kết quả chỉ gây ra hình ảnh của giò thủ, chả lụa và bánh tét…, phô ra hết cơ quan đoàn thể quá màu mỡ mà thôi.
Tôi có người bạn rất béo, sau vài nỗ lực gầy ko kết quả. Nhưng cô ấy…béo lạ. Cô ấy không hề mắc cỡ hay thiếu tự tin về dáng vẻ của mình. Cô ấy lại hay mặc đầm dây sát nách, nói chung là phô hết sự “quá khổ” của mình, kiểu “uh, tớ béo đấy, thì sao?”. Cô ấy …thách thức và đẩy câu hỏi về phía những cái nhìn, để họ tự…giải quyết. Bởi vì bạn biết đấy, sự che giấu luôn khơi gợi tò mò, tìm hiểu. Ồi, ta cứ phơi bày ra hết luôn thể, cũng là thu hút sự chú ý. Sau ấn tượng béo choáng ngợp ban đầu, bạn sẽ nhận ra cô ấy có nụ cười rất xinh, da dẻ hồng hào, mắt sáng long lanh, đầy tự tin. Cô ấy đã dạy cho chúng tôi một bài học, về tinh thần vui sống, sự tự tin, yêu đời và biết yêu luôn bản thân béo của mình. :))
Và, bất chấp bạn béo thế nào vẫn có một người đàn ông yêu bạn tha thiết, thì câu chuyện mảnh mai hay mặt đẹp như yêu tinh liệu có ý nghĩa gì? 

Nhưng thật ý nghĩa, khi con bạn thỏ thẻ “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhất trên đời, một tình yêu béo ú á mẹ!”

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

* Có những ngày như thế (2)

Giữa những ngày thất nghiệp lang thang, một hôm Khoa Văn, Trường ĐH tổng hợp gọi tôi về, nhờ chụp ảnh cho đoàn sinh viên nước ngoài đang học tiếng Việt tại trường đi tham quan Đà Lạt.
Trong chuyến đi, tôi quen và hay trò chuyện vơi chị L, giúp chị trau dồi tiếng Việt. Biết tôi đang thất nghiệp, chị đã giới thiệu, xin cho tôi chân nhiếp ảnh và kỹ thuật viên video tại cơ quan chị có người bạn thân đang là phó giám đốc. Có việc làm, lương khá, tạm biệt những ngày khó khăn, mua được xe máy đi làm, túi rủng rỉnh. Được một gia đình cho ở trông nhà, tôi tạm thời ko còn lang bạt. Làm việc và làm việc, yên ổn được gần 2 năm thì cơ quan này giải thể, rút về nước, nhân viên người Việt chúng tôi tan tác mỗi đứa một nơi.

Phần lớn nhân viên được FOSCO (Cty dịch vụ cơ quan nước ngoài của VN) rút về, bố trí việc tại các cơ quan nước ngoài khác, như các Công ty, lãnh sự quán, văn phòng đại diện của châu Âu, tổ chức của Liên Hiệp Quốc…Còn khoảng vài người không bố trí được, trong đó có tôi- nghề nghiệp chẳng cơ quan nào cần. Thậm chí, nhân viên văn phòng, lái xe và tạp vụ còn dễ có việc hơn. Một lần nữa, tôi lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Vào những năm cuối 80, đầu 90 ấy, hộ khẩu là barie đáng sợ (hộ khẩu gốc của tôi ở Vĩnh Long), tấm bằng cử nhân văn chương chưa bao giờ độc lập xin được việc mà chỉ làm vai trò “bia kèm mồi” phụ thêm cho chuyên môn nhiếp ảnh ko bằng cấp, thì tôi mới xin được việc. Nghĩ đến những ngày khó khăn sắp tới, lại ko muốn trở về gia đình ở Vĩnh Long vì sợ ba mẹ buồn, nên tôi lên Fosco xin Ban giám đốc cho làm …tạp vụ ở cty nước ngoài, cầm cự qua ngày. Thuở ấy, lương tạp vụ cho cơ quan nước ngoài cao gấp đôi lương kỹ sư “quốc doanh”.
Anh T. phó giám đốc FOSCO gọi tôi lên, bảo: “Rất tiếc, cty không bố trí việc cho em được. Các anh không nỡ để một cử nhân đi quét dọn, lau chùi nhà cửa…Mà em ạ, em làm tạp vụ cũng không thể bằng các cô tạp vụ chuyên nghiệp được”. Tôi rời công ty mà tái tê, đến lau nhà, nấu nước cũng bị từ chối.
Vài tháng sau, tôi thành phóng viên ảnh (CTV thường trực) của Saigon Times group do NTK Minh Hạnh giới thiệu. Một mình chụp cho 3 tờ, suốt ngày bận rộn. Làm việc ở đây gần 2 năm thì được Tổng biên tập Thế Thanh "rủ rê", tôi đầu quân về báo PN làm PV viết mảng Chính trị-Xã hội. Và làm việc ở nơi này suốt 22 năm sau đó.
Ngày xưa ấy, nếu tôi trở về với gia đình ở Vĩnh Long, có thể tôi đã lấy một anh nông dân nào đấy, có một bầy con đông đúc. Hoặc nếu được Fosco bố trí chân tạp vụ, thì nay hẳn tôi đã lau nhà, quét sân, nấu nước ngon lành hơn. :))
Lại nói, vài năm sau khi bị từ chối chân tạp vụ, tôi trở lại FOSCO phỏng vấn anh T. Phó GĐ cho một bài báo. Anh cười: “May mà Cty từ chối, không bố trí cho em chân …tạp vụ, để bây giờ em là nhà báo, nếu không em đã là bà…tạp vụ lành nghề rồi”.
Cuộc đời có những câu chuyện, những mối duyên có yếu tố kỳ lạ của số phận. Trong rủi có may hay ngược lại. Tôi đã đi qua con đường đời không hề bằng phẳng, nhưng luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp và chưa bao giờ tuyệt vọng...

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

* Có những ngày như thế...

Hôm nay đi qua chung cư trên đường Lý Tự Trọng, nguyên là nhà tập thể của cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ đoàn cải lương Nam bộ. Mình ghé, đứng mãi ở cửa nhìn vào rồi lại tựa cửa nhìn ra đường. Bồi hồi...

25 năm trước, mình từng có đêm đứng trước cửa sắt nhà chung cư này gọi với lên lầu 2, nhà anh chị nghệ sĩ Văn Thành-Tú Lệ, để anh chị xuống mở cổng cho mình lên tá túc qua đêm. Đó là những ngày ko nơi trú thân, có bữa ko có gì ăn đúng nghĩa. Có đêm, anh Văn Thành xuống mở cửa nhưng cậu bảo vệ lại khoá cửa đi nhậu chưa về. Anh đứng trong, em đứng ngoài ko biết phải làm sao, rồi mình lại đạp xe lang thang tiếp, vừa đi vừa nghĩ "đến nhà ai ngủ nhờ được đêm nay?"
Đó là những ngày thất nghiệp, bị giãn biên chế vì ko có hộ khẩu TP, dù đã tốt nghiệp ĐH và làm việc 5 năm tại xưởng phim; ko nơi trú thân vì người ta lấy lại căn phòng tập thể mình ở nhờ người bạn, bạn đi lấy chồng phải trả nhà. Lang thang, tìm việc, ở nhờ nhà này nhà kia. Bạn cưu mang chứa chấp mình trong căn hộ tập thể chật hẹp cùng gia đình bạn. Những khi ko có tiền đưa bạn góp thêm cho bữa ăn vì bạn còn nuôi con nhỏ, mẹ già, mình thường lấy lí do "được mời ăn" để tránh những bữa cơm nhà bạn. Tối về phải bịa khi bạn hỏi đi chơi vui ko, ăn gì. Đêm đói, bụng sôi, bò dậy lục tủ lạnh nhà bạn lấy hai miếng bánh biscuit ăn rồi uống li nước lớn dằn lòng. Gần như đêm nào mình cũng khóc thầm. Có lần trong đêm mẹ bạn quờ tay sang hỏi "Cháu khóc à?". Mình vừa khóc vừa dạ, cháu ko biết ngày nào đó, tất cả những khó khăn, buồn khổ hôm nay sẽ qua đi ko. "Sẽ qua hết cháu ạ, ko ai khổ mãi. Nhất định ngày nào đó, cháu sẽ vượt qua tất cả và thành công. Tin lời bác đi."

Có những khúc, những quãng đời gập ghềnh khó khăn, sự tin tưởng, những lời an ủi chân thành thật quan trọng, như chắp thêm cánh cho ta. Có những người mà có họ, ở bên họ, ta thấy mình được sẻ chia, mình có giá trị, có thêm động lực để bước tiếp.
Ngày bác khuất núi, giữa rất nhiều vòng hoa "thành kính phân ưu", "chia buồn cùng gia đình" là vòng hoa của tôi với dòng chữ "Vĩnh biệt bác". Và bác đã kịp thấy những "ngày mới" của tôi...

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

* Tôi cũng muốn có...vợ

I am đàn bà? Hẳn rồi. Nhưng vì sao tôi lại muốn có...vợ?



- Có vợ, tôi mặc nhiên là ...Chúa. Người ta chẳng nói "chồng chúa, vợ tôi" là gì. Đương nhiên tôi cũng đứng tên chủ hộ trong hộ khẩu. Dù nếu là chồng, chưa chắc tôi đã là trụ cột gia đình, nhưng dù sao với xã hội, việc này cũng giải quyết được...khâu oai cho đàn ông.

- Có vợ, tôi sẽ yên tâm vợ (phải) chung thủy. Còn tôi tha hồ trăng gió, xao lòng, hoặc...động lòng mà chẳng hoặc ít bị lên án hơn vợ. Chuyện nhăng nhít được nhiều đàn ông coi như  "chiến công" hiển hách, để hoênh hoang, chứng tỏ bản lĩnh. Đàn ông ngoại tình dễ được bỏ qua, kiểu "đàn ông ấy mà"...Còn vợ, chả dám ngoại tình vì dư luận xã hội sẽ đâm chém, moi móc, xỉa xói nàng. Nếu nghi ngờ vợ xao lòng, tôi có thể thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với nàng chứ tía tôi cũng chả dám đi tìm tình địch để gây sự. Có khi vừa mất vợ, lại vừa mất mạng. Thôi, thà mất vợ.

- Có vợ, tôi có chỗ để xả sì trét, quát lác mỗi khi bực bội chuyện cơ quan. Về nhà cứ trút vào đầu vợ con, mà nàng chả dám hó hé. Ở cơ quan, quát mắng lại sếp thế quái nào được. Có mà bị đì xói đầu.

- Có vợ, tôi chả mất công đi học "bí kíp" với lại kĩ năng làm mẹ, làm vợ. Chả phải đọc sách dạy phụ nữ "Nghệ thuật làm vợ", "Bí quyết giữ chồng", "Làm gì khi người thứ ba xuất hiện?" ...cũng chả cần tìm đến chuyên gia tư vấn hay bạn bè để khóc lóc, chia những nỗi niềm bất mãn chồng. Thế quái nào mà sách "dạy" phụ nữ phải thế này thế kia quá trời, trong khi chẳng có mấy cuốn hay khóa học dạy đàn ông cách giữ vợ, cách chinh phục phụ nữ, làm gì để đáp ứng...sinh thái cho vợ, chẳng hạn. Thế cũng thấy ưu điểm và nhược điểm của mỗi bên. Ai mới khiến xã hội phải mất công giáo dục? 

- Có vợ, vợ phải luôn ...đẹp trong mắt tôi, từ lúc yêu cho đến lúc tôi chán. Nàng không được đầu bù tóc rối, mặt phải luôn tươi cười niềm nở. Hihi, và nàng phải đầu tư trí tuệ để tìm mua những áo ngủ mấy lại nội y sexy để quyến rũ tôi. Mà nói thật (hơ hơ) đàn ông lúc "lâm trận" để ý quái gì đến quần với chả áo. Rõ dở hơi. Còn tôi, tha hồ quần đùi, ở trần nhỏng nhảnh đi lại trong nhà, chân gác lên bàn ghế hớ hênh thế nào cũng chả lo ai oánh giá "không đoan trang". Nếu vợ phát tướng hay ...tốt bụng, tôi có thể chê trách, dè bỉu không ngượng mồm, đây cũng là cớ hay để tôi đi kiếm hoa thơm, cỏ lạ. Còn đàn ông bụng trống chầu cỡ nào, hết xí quách cũng ...chả sao. Có bà vợ nào li dị chồng với lí do bụng to không? Gớm, đàn bà họ kiên định nhẹ nhàng, tế nhị lắm. Ra tòa, họ chỉ nói "không hợp nhau", rồi khóc một mình hoặc cùng lắm ...khóc với nhau. Lắm khi bà được chia sẻ còn khóc to hơn bà chia sẻ.

- Trong công cuộc bảo vệ và giữ gìn hạnh phúc gia đình, vợ phải luôn chú ý và tút tát lại nhan sắc cho vừa mắt chồng, để chồng không lạc lòng. Chẳng những khi nhan sắc hao sụt, mà ngay khi nhan sắc còn ngời ngợi vợ cũng luôn chăm chỉ bồi đắp, bảo trì, kết quả lắm khi làm cho nó...tổn thất hơn. Đến tuổi mất tự tin, vợ sẽ đi tìm sự hỗ trợ của dao kéo, mũi bỗng cao vút trời xanh, mông, ngực bỗng vĩ đại khác thường khiến chồng phải bối rối hiện tượng "vợ lạ". Ôi cha, còn bao căng thẳng, lỡ iêu bạo lực tí thì của nả dễ méo mó, xộc xệch. 

- Có vợ, nếu vợ thất nghiệp thì vợ lo lắng, còn tôi sẽ được thể lên mặt đàn ông "ở nhà anh nuôi". Gỉa dụ có nuôi không nổi, cũng dễ mắng chửi hay coi thường vợ phụ thuộc mà vợ chỉ im thít. Nếu tôi thất nghiệp, tôi chỉ việc trầm tư, còn vợ phải tế nhị trong lời ăn, tiếng nói không để chồng phải mặc cảm. Có khi vợ lại vui mừng vì bỗng dưng nàng có giá, thêm yên tâm chồng "không tiền đố con nào rớ".

- Có vợ, tan sở tôi có thể đi làm vài ve cùng chúng bạn mà chả bận tâm vì đã có vợ lo cho con, nếu mình say xỉn, về nhà ói mửa đã có người dọn. Lại còn được pha cho ly nước chanh uống giã rượu. Có nhiều bài báo tư vấn các bà vợ cách chăm sóc chồng say xỉn. Có vợ, tôi chả cần phải giỏi việc nhà, chả cần phải làm gì cũng có cơm bưng nước rót. Tôi chỉ cần...tắm cho tôi, để khỏi phiền vợ toàn tập là xong.

- Điều quan trọng, có vợ, có người mang nặng đẻ đau, sản sinh cho dòng họ nhà mình kẻ nối dõi. Còn mình chỉ cần tỏ ra thông cảm với tình trạng của đối tác, chia sẻ vài lời nịnh nọt tôn vinh thiên chức của phụ nữ là xong. Người cho con bú cũng là vợ (may chưa chứ). Con hư thì cũng tại mẹ. Lỡ chẳng may bỏ nhau, con nó cũng đi theo mẹ, mình rộng cẳng đi kiếm tình mới, chỉ phải cấp dưỡng con theo chế độ rẻ bèo, có lỡ quên hay dở chứng stop chu cấp thì vợ vì lòng tự trọng cũng ngậm đắng nuốt cay, ít nhắc nhở.


- Có vợ, vợ hơi heo héo hay về chiều là mình có lí do để chê trách hay xét nét, kiếm ẻm khác. Còn mình tuổi càng cao càng được tiếng phong trần, kinh nghiệm. Đàn ông 80 tuổi vẫn kiếm được em ngon, trẻ trung, tươi mởn và sản xuất được hậu duệ; chứ vợ tuổi 50 (là nói ...ai đó) ôi, thôi nói đến đây thì dừng. Tế nhị tí chứ... HAHA

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

* Mù Cang Chải, mùa gặt

Mùa vàng Tây Bắc đẹp nhất từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10. Bắt đầu từ tuần cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, Mù Cang Chải (huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái) vào vụ gặt. Những ngày này, cung đường lên Tây Bắc dập dìu xe cộ nhằm hướng mùa vàng Mù Cang Chải, nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất nước, là di sản quốc gia.

Ruộng bậc thang mâm xôi ở La Pán Tẩn (photo by DoNgoc)

Xe du lịch có thể vào đến trụ sở xã La Pán Tẩn. Xe máy có thể len lỏi đi theo những con đường đất sỏi ngoằn ngoèo trên lưng chừng đồi núi, trơn trượt nếu trời mưa, để đi vào các bản làng xa hơn, nơi khung cảnh ruộng bậc thang đẹp đến thảng thốt. Gía xe ôm từ trụ sở xã La Pán Tẩn qua Chế Cu Nha và đến một số ruộng mâm xôi sâu bên trong khoảng 150.000đ/khách. Nếu chỉ lên đển đỉnh đèo La Pán Tẩn rồi trở lại, chỉ khoảng 50.000đ/khách.

Không có gì thú vị hơn khi ngồi xe máy leo lên những con dốc cao 45 độ, một bên là vách núi, bên kia là thung lũng, vực sâu, xa hơn là rừng núi hùng vĩ, mây trắng bồng bềnh. Có những đoạn đường đất trơn trợt chỉ rộng một hai, mét sát mép vực, rất nguy hiểm nếu “sẩy” tay lái. Dân địa phương, nhất là các bác tài xe ôm là những chiến binh đường rừng thật sự với tài điều khiển con ngựa sắt được quấn xích bánh xe để vượt đường lầy trơn.



Thung lũng Tú Lệ, nơi có đặc sản gạo nếp nổi tiếng (photo by DoNgoc)


Từ Hà Nội đi Mù Cang Chải khoảng 280km. Nếu đi theo đường quốc lộ 32, trước khi qua đèo Khau Phạ, bạn có thể ghé Tú Lệ chiêm ngưỡng mùa lúa chín. Nơi đây nổi tiếng với đặc sản gạo nếp thơm ngon mềm dẻo. Thung lũng Tú Lệ nằm giữa 3 ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song thuộc lòng chảo Mường Lò (huyện Văn Chấn, giáp Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Con suối Mường Lùng uốn khúc quanh co, từ trên đèo nhìn xuống mềm mại như một dải lụa. Bản của người Thái với những nếp nhà sàn xinh xắn giữa thung lũng tươi tốt, yên bình. Từ đỉnh dốc Hai Bà Cháu nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ mở ra một màu vàng mênh mông. Giữa màu vàng lúa chín là màu váy áo thổ cẩm điểm xuyết như những đốm hoa rực rỡ ngày mùa. Con suối Mường Lùng uốn khúc quanh co, từ trên đèo nhìn xuống mềm mại như một dải lụa. Bản của người Thái với những nếp nhà sàn xinh xắn giữa thung lũng tươi tốt, yên bình. Xa xa là mây núi chập trùng, khung cảnh thật hữu tình. Từ Tú Lệ đi vào khoảng 3 đến 5km, bạn có thể đến bản Lìm Mông, nơi ruộng bậc thang mùa lúa chín đẹp đến nao lòng bên những bản làng yên ả hiền hòa của người Thái và người H’Mông. 

Nếu đi theo đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, bạn có thể đi qua Sapa, vượt đèo Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đèo lừng danh của Việt Nam để sang Mù Cang Chải. Nơi du khách đổ về nhiều nhất để thưởng thức vẻ đẹp của Tây Bắc mùa lúa chín là xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dê Sủng Phìn. Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, thủ phủ Mù Cang Chải chật kín du khách, xe hơi, xe máy đủ loại. Đường vào La Pán Tẩn xe cộ xuôi ngược, thỉnh thoảng kẹt xe từng đoạn vì lượng xe, khách đổ về đây rất đông. Từ lưng đèo La Pán Tẩn nhìn xuống, thung lũng phía dưới như một thảm lúa vàng nhiều cung bậc. Màu lúa, màu váy áo thổ cẩm trên nền trời xanh mây trắng, rừng thẳm phía xa thật nên thơ, hùng vĩ. Những thảm ruộng bậc thang như những lượn sóng duyên dáng, mềm mại. Khắp các con đường nhỏ quanh co, các triền đồi đều có hình bóng du khách với máy ảnh trong tay, hào hứng thưởng lãm phong cảnh và sáng tác, chụp ảnh lưu niệm. Vừa ngắm vẻ đẹp mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang, du khách còn có thể tìm hiểu phong tục, tập quán canh tác của đồng bào Tây Bắc. Mỗi năm, Tây Bắc chỉ trồng được một vụ lúa ruộng bậc thang. Tháng 5 là mùa nước đổ, khi những cơn mưa mùa trút nước xuống từ các đỉnh núi đồi. Nước trời được dẫn vào ruộng bậc thang để gieo trồng vụ mới.

Dọc  theo  triền đồi  thoai thoải là những sóng lúa ruộng bậc thang uốn lượn, màu váy áo thổ cẩm điểm xuyết trên biển sóng lúa vàng thật hữu tình. Hai tuần đầu tháng 10, người dân Mù Cang Chải gặt lúa sau năm, sáu tháng đổ mồ hôi trên đồng ruộng. Mưa thuận gió hòa, sự cần mẫn, nỗ lực với từng vuông đất của dân làng đã được đền bù bằng mùa vàng bội thu. Cả gia đình thường ra ruộng gặt lúa từ sáng sớm, có khi gặt đổi công với những gia đình khác nếu lúa chín rộ. Vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh mùa vàng, du khách cũng có thể len lỏi vào các bản xa để tìm hiểu đời sống người dân. Cuộc sống phát triển, đời sống đồng bào thiểu số khá hơn xưa rất nhiều. Đa số người dân thân thiện, sẵn sàng trò chuyện và chỉ dẫn du khách.


Mùa gặt ở Mù Cang Chải (photo by DoNgoc)
photo by DoNgoc
Mù Cang Chải, mùa lúa chín (photo by DoNgoc)

photo by DoNgoc
Và cũng thú vị không kém, ngoài thưởng lãm vẻ đẹp mùa lúa chín, bạn còn được thưởng thức những món ngon Tây Bắc đặc trưng: lợn cắp nách bảy món, gà đồi xào sả, măng rừng hầm xương, rượu táo mèo thơm ngon mềm môi…

Đỗ Ngọc

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

* Đẹp trong mắt ai?

Sáng, đọc được stt của bạn "Thích nhất hình ảnh của VC Obama và Mark. Người đàn bà đi bên họ mới đẹp làm sao, nhìn vào mắt ông chồng để thấy".
Vợ chồng Mark Zuckerberg
Vợ chồng Obama

Cậu Mark thật "chính chị" khi nhìn vợ tươi cười đan tay mà ko sát khí oai nghiêm như các nguyên thủ, chính trị gia nói chung. Vấn đề là đối với các fan, vợ Mark có phần giừ hơn chồng và ko đẹp lắm. Nhưng hãy nhìn vào ánh mắt và vẻ mặt Mark xem, khối cô đẹp phải tủi thân. Xấu với cả thế giới có nghĩa gì khi ta đẹp trong mắt (ít nhất) một người, một người quan trọng. 

Vấn đề ở đấy, được yêu, đẹp trong mắt tình si yêu thương. Tình yêu, sự trân trọng của người đàn ông (và ngược lại) làm cho người đàn bà đẹp lên rất nhiều. Còn tại sao, làm thế nào để được yêu thương/trân trọng, thì tốt nhất đừng hỏi...tôi. Biết được thì cầm tay tôi là ...Mark rồi Biểu tượng cảm xúc smile
Vợ chồng Obama cũng vậy, hình ảnh họ xuất hiện bên nhau rất tự nhiên, dễ thương, như hai người bạn đồng đội, vui tươi và đầy trìu mến. Tất nhiên, chúng ta đang bàn về hình ảnh mặt trước tấm huy chương. Biểu tượng cảm xúc smile

Nếu mình là người chụp và có quyền chọn ảnh cho công tác truyền thông, mình sẽ chụp/chọn ảnh các nguyên thủ nắm tay hay nhìn vợ âu yếm, ngoài những hình ảnh lễ nghi chính thức rất "nghiêm nghị hoá". Những hình ảnh/cử chỉ ấy rất con người, tự nhiên và gần gũi, được lòng ...cử tri biết bao, hơn bất cứ tuyên truyền nào. Tất nhiên, mình chỉ ...chính chị thôi.

Đương nhiên, ở đâu theo đó, còn tuỳ thuộc lễ nghi, văn hoá, quan niệm. Ở ta, ông Thủ hay ông Đầu mà đan tay vợ, nhìn vào mắt thì mạng của Mark dậy sóng rồi đơ luôn vì đủ các thể loại note, stt. Làm bạn Mark phải giật tay ra, hốt hoảng vùng chạy đi xem "Bọn Facebookers VN làm gì mà sập mạng vậy?" :)))

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

* Tặng bọn ế :))

Hôm nay mình đi làm...mai, sắp đặt cho hai đứa ế sưng sỉa gặp nhau. Gặp nhau mà chúng nhìn nhau thờ ơ kiêu kiêu ra vẻ ta đây gạt ra ko hết người mê. Mình nhìn chúng mà...ngứa mắt. Thôi, hai bay ở đó cảnh vẻ chanh leo mới lại mátcha đá bào mùa thu một ngụm, mùa xuân một muỗng đi, tau về.

Chúng tưởng mình ko biết tỏng hoàn cảnh và bụng dạ chúng. Thông cảm với chúng mày lắm á. Hồi trẻ, cô cũng từng khổ sở khi quá băm mà vưỡn một mình đi về. Khổ sở khi thấy cha mẹ nhìn mình tủi thân, thất vọng vì con ế sưng, đã vậy lại suốt ngày ca hát. Cơ quan bạn bè thì xót xa "nó đâu đui què mẻ sứt gì mà phòng không chiếc bóng", "hay là bị ... làm sao?". Ghét nhất là nghi vấn "làm sao" này. Ghét nhất là đi đám giỗ tiệc hay tết nhất hay bị hỏi "Có gì chưa?", "Sao mãi chưa thấy gì", "Chừng nào cho ăn bánh"... Gớm, điên hết cả tiết, muốn ăn bánh thì tôi chở cả xe tải đến cho. Thế rồi bạn bè thân tích cực làm mai, mà mình không biết. Chỉ sau khi mình đi khám ...họng về mới được biết anh bác sĩ là đối tượng chúng mai mối cho mình. Mẹ ơi, nhớ đến cảnh ảnh khám tai mũi họng cho mình, bắt mình ngoác miệng như cá sấu để ảnh nhìn amidan đường ăn ống thở của mình, là mình muốn độn thổ, còn nói gì đến yêu đương. Lần khác, chúng áp giải lai dắt một anh kỹ sư điện lùn chừng mét rưỡi đến nhà mình, an ủi "hơi lùn nhưng bù lại mặt ảnh đẹp và tốt tính". Mình tức tối "Tao thà yêu người xấu tí mà cao ráo, hay xấu tính tí thì về ê đu cây sân lại. Lùn quá đi ngoài đường mắc cỡ"... Bạn bè chán quá, bỏ mặc mình ế. Cơ mà chúng vẫn mừng khi thấy có người gửi hoa chúc mừng sinh nhật mình với lời lẽ khả nghi, kỳ thực là hoa ấy mình ...tự mua tặng mình. Chúng mừng khi thấy mình từ chối gặp mặt bạn bè đêm Noel vì "có hẹn", kỳ thực là mình đắp chăn nằm nhà và nghĩ mãi câu chuyện hẹn hò tưởng tượng để kể, phòng khi chúng hỏi...
Mà thôi, kệ xác chúng mày. Trời sắp đặt hay lắm. Khi bố mẹ tụi bay đã tuyệt vọng rồi thì đùng cái họ sẽ ngất khi được con tỉnh bơ thông báo đám cưới. Ông Trời thường sốt ruột quan sát hai kẻ ngơ ngáo ở chợ tình và ổng thường lôi xềnh xệch hai kẻ đến, xô chúng vào nhau cho... chết cha tụi mày. Cái đó gọi là ...trời hại.
Vậy nên, có trường hợp phỏng vấn "Anh chị đến với nhau như thế nào, chắc rất lãng mạn?", thì câu trả lời có khi trớ trêu "yêu đương lãng mạn mẹ gì, tự nhiên thấy con mẻ nhảy xuống sông tự tử, tui hoảng hồn đứng dòm. Hông hiểu thằng khốn nào xô tui xuống nước rơi trúng mẻ. Không biết bơi nên tui bám vào mẻ, uống một bụng nước rồi mẻ chòi đạp lôi được tui vào bờ. Đoạn sau biết rồi héng!"
@ Ảnh không liên quan, nhẽ bà Dona đi vận động dân bản Cát Cát (Sapa) kế hoạch hoá gia đình? :))
Photo by Huynh Kim Em

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

* "Chào anh, em đi làm"

Tối tối anh chị sóng đôi đi bộ qua nhà tôi. Nhìn anh chị, tôi thường bật cười, có lần chị hiểu tôi "cười đểu tranh đả kích nhà em chứ gì?!". Chả là ông chồng (hơn 50 tuổi) bụng chang bang, mập ú, còn chị vợ mảnh mai xinh xắn. Xóm tôi bình bầu anh chị là cặp hạnh phúc nhất. Ông chồng thuộc loại kinh bang tế thế, một tay làm nên sự nghiệp và cơ ngơi đàng hoàng, chị vợ chỉ là một nhân viên văn phòng. Anh tôn trọng, chiều chuộng vợ con, vui vẻ xởi lởi với xóm giềng. Chị vợ đúng mẫu làm đàn bà cho chồng chiều, bảo bọc.

Đùng cái, nghe tin anh bị ung thư. Chỉ là tình cờ đi khám bệnh, BS phát hiện cancer. Xạ trị, hoá trị làm tóc anh rụng hết, người gầy đét, xanh xao. Cả nhà tập trung chăm sóc, chữa trị cho anh. Sau ca phẫu thuật, anh ngồi xe lăn, tập luyện. Khoẻ hơn chút, có thể đi đứng được anh lại tập tễnh đi bộ cùng vợ, chở vợ đi chợ.
Đùng cái, lại nghe anh đi cấp cứu và giờ ung thư đã di căn xương. Chị nghỉ làm vào bệnh viện chăm chồng. Căn nhà xưa luôn có người đàn bà và bọn trẻ ra vô cười nói, ông chủ nhà luôn niềm nở với hàng xóm, giờ im vắng, ảm đạm.

Rồi xe bệnh viện "trả" anh về. Những cơn đau khiến anh rên rỉ ko ngớt, phải chích morphin. Anh trở nên nóng nảy, cáu bẳn vô cớ, không chịu ai chăm, ngoài vợ. Mỗi khi đau anh chỉ kêu chị, anh ko ăn nếu ko có chị ngồi bên. Chị như một cái neo cho anh bíu vào phút cuối, chị rời đi làm việc nhà anh cũng hoảng hốt. Chị ngồi, nằm luôn bên anh cho anh "dựa". Bạn bè đến thăm, ko cầm lòng được khi nhìn chị nằm bên anh, không khác người bệnh, xanh xao dật dờ. Rồi anh đi...

Ít ai thấy chị sau khi anh mất. Chị âm thầm đi về, chào hàng xóm bằng ánh nhìn héo hắt. Chị bắt đầu làm trụ cột chính, vừa làm mẹ vừa làm cha với bao lo toan cho gia đình, sau nhiều năm làm đàn bà cho chồng chiều chuộng, bảo bọc. Cuộc sống không đầy đủ như xưa, con chị bỏ học từ nước ngoài về đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Thỉnh thoảng tôi gặp chị đi bộ một mình trong đêm, dáng đơn độc, âm thầm. Chị chào, cười với tôi, nụ cười vẫn héo hắt. Hai năm trôi qua, chị đi ra ngoài nhiều hơn. Người đàn bà tiểu thư được cưng chiều xưa giờ bươn bả, tính toán để nuôi sống gia đình. Mọi việc dần ổn. Sang nhà chị chơi, tôi thấy trên bàn thờ anh ngày nào cũng có hoa trái tươi, loại anh thích. Chị đã đánh son môi màu tươi trở lại, mặc áo dài hoa văn nhẹ nhàng đi làm. Trước khi rời nhà, chị nhỏ nhẹ "Chào anh em đi làm" với bức ảnh trên bàn thờ, một người đàn ông có nụ cười tươi, ánh mắt hóm hỉnh.

Tôi cứ nghĩ mãi, phải sống với nhau đầy vơi thế nào, để vẫn tương kính, vẫn còn trong nhau, ngay cả khi đã mất đi rồi...

@ Sài Gòn đang mưa, photo by Dona (iphone) - người liền bà hơi héo úa vì mưa :)))

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

* Ảnh dịch vụ

Thỉnh thoảng, tôi nhận chụp ảnh chân dung/dịch vụ tại Dona studio nhà mình, nơi dành cho thuê quay phim truyền hình, talkshow. 



Giữa những chuyến đi, công việc linh tinh của một freelancer, tôi dành ít thời gian để chụp chân dung, những người tôi chọn sau "interview" trên mạng hay phone, gặp mặt. Phần vì thích "gặp gỡ" những con người thú vị, vì khách hàng tha thiết, phần khác tôi có thể kiếm tiền, tất nhiên.


Khách hàng của tôi đa số tuổi từ 40 đến 55. Và họ đương nhiên/không hiểu sao, hầu hết là phụ nữ. Họ tìm đến tôi với yêu cầu "muốn được bạn/chị chụp cho vài ảnh chân dung để lưu giữ". Hầu hết họ khi đến chụp ảnh đều có chút ...mặc cảm, như có lỗi rằng họ không còn trẻ, không còn đẹp. Điều ấy làm tôi thương biết bao. Những người phụ nữ trí thức hay bình dân, trang phục sành điệu hay giản dị, xấu hay đẹp... phần lớn đã qua thời xinh tươi, vất vả cực nhọc. Để khi sực nhớ đến bản thân, muốn lưu lại hình ảnh của mình thì ngại ngần rằng đã muộn...


Tôi luôn nói cho họ biết, không hề an ủi chút nào rằng: Vẻ đẹp của họ chính là những quãng đời đã qua, lưu dấu trên gương mặt, ánh mắt, phản chiếu nội tâm họ. Cái nhìn họ sâu lắng, tha thiết hơn sau những trải nghiệm một đời. Không có gì là vô ích. Thời gian nghiệt ngã, nhưng chính thời gian đã sáng tạo/gọt giũa viên ngọc nhận thức, tâm hồn, sự hiểu biết, lòng bao dung... Họ không biết rằng ở họ có những khoảnh khắc đẹp, như một ánh chớp có khi không kịp nắm bắt trong một phần năm mươi giây. Và vẻ đẹp của một người phụ nữ không chỉ là "mắt bồ câu, lông mày lá liễu", mà chính là thần thái, sức sống, sự toả sáng của vẻ đẹp nội tâm...

Tối nay, tôi giao 22 tấm ảnh cho một khách hàng, lựa chọn trong hơn 200 files ảnh chụp nửa ngày, cả hai đều mướt mồ hôi. Cô ấy ngắm ảnh mình, rất vui và đề nghị "Em muốn trả thêm tiền, vì chị vất vả quá!". Tôi trả lời, làm việc gì dù nhỏ bé mà mình yêu thích, tôi thường làm rất "vất vả". Niềm vui của tôi hôm nay là đã mang lại niềm vui cho một người phụ nữ rất bình thường, người ít ai biết đến và có thể lẫn giữa muôn người...

Hay nhiều người biết cô ấy, còn tôi thì không? :)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

* Sợ...

Tối qua ở bàn ăn, Lou (HS lớp 10) hỏi "Ba mẹ có biết chuyện gì xảy ra sáng nay không?". 


Con kể, sáng con chở em (Leo, lớp 6) bằng xe đạp điện đến trường cùng hai bạn hàng xóm (các bạn đi xe máy và xe đạp). Cả bọn đi qua ngã tư đông đúc, rẽ vào đường nhỏ hơn về phía trường, từ ngã tư kế cận, một chiếc taxi bất ngờ phóng ra với tốc độ cao và đâm sầm vào bạn P. đi xe máy phía trước con. "Như trong phim mẹ ạ, bạn P ngã xoài xuống đường, lảo đảo đứng lên thì lại ngã sấp xuống đường. Bạn ngất đi, tay ra nhiều máu"... Bạn P được mang vào phòng y tế trường (có BS) cấp cứu. May, bạn ko bị gãy hay chấn thương gì, chỉ mất nhiều máu từ vết thương ở tay. Chiếc taxi đã bỏ chạy ngay sau khi gây ra tai nạn, đường nhỏ, vắng, tụi nhóc run cầm cập ko kịp nhìn số xe.

Nghe chuyện, ba mẹ xanh mặt, còn Lou vẫn bàng hoàng. Năm học này chuyển trường về gần nhà (cách 1km), Lou bắt đầu đi xe đạp điện và chở em, chiều mẹ đến trường đón về, cho yên tâm một nửa. Đường phố xe cộ tấp nập, hỗn loạn, chạy ẩu, tai nạn ngày càng nhiều. Mỗi sáng mẹ đứng nhìn theo anh chở em đi mà luôn bất an. Mà đâu thể đưa đón mãi, để các con ko biết đi xe, ko thể tự đi, tự bơi và biết cẩn thận trong biển xe cộ đầy bất trắc kia. Vì cuộc đời sau này còn biết bao lối ngặt, ngã tư, ngã năm, ổ voi ổ gà nghiệt ngã... Chỉ còn đặt cược vào sự may mắn, phù hộ của Trời. Không mong con đi được trên thuỷ tinh, chỉ mong sáng tiễn con đến trường, chiều mở cổng đón con về vui vẻ, bình yên.

Như sáng nay càng bất an khi nhận tin một nhà báo đã qua đời vì tai nạn giao thông trên đường chở con đi học... :((

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

* "Để nhớ một thời ta đã xinh"... :))

Cho tôi trở lại ngày 30, cặm cụi, mướt mồ hôi vừa làm báo vừa làm thợ ảnh trong studio của mình "kiếm thêm". Chụp những bức ảnh 20.000đ/kiểu, giữa muôn mặt "khách hàng", vẫn đọng lại những khoảnh khắc đặc biệt. Những bức chân dung chụp theo phong cách cổ điển, ánh sáng tự nhiên hắt vào từ cửa sổ. Dù khách thế nào, "đạo diễn" cũng dỗ dành "nhìn dịu dàng nhé, mềm mại nhé, say đắm nhé" để chỉ tập trung vào ánh mắt. Cô này la oai oái "Nhìn chị, làm sao em ...say đắm được?!" :))

Một năm sau, studio ấy biến ngay và luôn khi cô chủ bị tổng biên tập Thế Thanh phê bình trước cuộc họp cơ quan vì "thống kê cả quý chỉ có 5 bài". Biểu tượng cảm xúc pacman
Nếu không có một năm làm ăn ấy, đến cuối đời vẫn ngộ nhận mình có ... tài kinh doanh. Những mua bán, nhập hàng, giao hàng (kèm chụp ảnh), những tối khuya còn kiểm tiền thu, chi... làm cô chủ mụ mẫm (vì dốt toán). Ngày khai trương studio/cửa hàng vui hớn hở, thì ngày khai tử nó còn...sung sướng hơn. :))
Niềm vui của mình bên cạnh những rong ruổi lượm lặt hình ảnh cuộc sống, còn là những khoảnh khắc chân dung bạn bè. Để vài/mươi năm sau, những ai đó nhìn lại khoảnh khắc họ đã đẹp với niềm vui và thoáng bồi hồi...

(Photo by DoNgoc, bạn Kẻ Học Hầu Chuyện - Nông Thanh Vân, người trong ảnh).

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

* Vân

Ảnh này mình chụp năm 1995, lúc cô ý 30 tuổi. Cô ý "mở hàng" Ann photostudio & Design của mình gần Đài truyền hình, một căn nhà thuê nhỏ xíu mặt tiền đường XVNT. Studio của mình ngày ấy khá đắt show, khách đăng ký hẹn ngày chụp, toàn các bà các cô, đôi lứa. Phòng chụp trên lầu chật chội, có dàn đèn nhập từ Mỹ nhưng mình ít khi sử dụng, chỉ chụp với ánh sáng chếch tự nhiên từ cửa sổ.


Chỉ là ảnh...dịch vụ photo by tôi - thợ ảnh :)

Nhìn lại, "hồ sơ" ảnh chân dung của mình toàn các bà các cô tuổi 30 trở lên đến gần ...100. Không hoặc rất ít các cô trẻ măng. Trẻ thì tất nhiên đã là đẹp, như ta nhìn ngắm chụp một bông hồng tươi tắn thanh xuân. Thế thôi. Còn những người đàn bà 30 trở lên, gương mặt họ là một câu chuyện mà bạn được thẩm đọc và kể lại qua ống kính, với rất nhiều cảm hứng. Có thể ví họ như một cành violet, tím ngọt, mỏng manh, lặn vào trong vẻ đẹp thầm kín sau quá trình thẩm thấu, dãi dầu mưa nắng gió sương. Chính là trải qua ngọt bùi cay đắng, hạnh phúc khổ đau...mới tạo nên trầm tích vẻ đẹp đàn bà. Ở đó đã có sự hiểu đời, chín chắn, bao dung, an nhiên tự tại. Hay ngược lại, là nỗi buồn câm nín, vẻ khắc khổ, đau đáu nỗi gì... qua vẻ mặt, ánh mắt. 




1995. Ảnh sáng tác duy nhất trong series 30 ảnh chụp Vân, tôi giữ lại cho mình.
Sau 20 năm phim vẫn trong 

Tôi thích đọc những gương mặt người. Và cảm nhận đầu tiên với tôi thường rất quan trọng, luôn gắn với sự tin cậy trực giác. Chút gì còn băn khoăn sẽ bộc lộ/hiểu hơn vào ngày nào đó. Để chụp ảnh thôi, đã là sự kỳ công của đủ thứ giác quan, cảm nhận :D, huống hồ là gắn bó, phải trải qua quá trình tương tác xa gần nhuốm màu vui buồn đời sống.

Có khi cũng tự hỏi, sao trong "photo hồ sơ" không có nhiều ảnh chân dung đàn ông? Cũng tự trả lời được. Chụp đàn ông chẳng dễ. Có lần chụp một khách nam, chỉ vừa nhìn qua ống kính, chưa kịp đọc thì đã cảm, lăn quay ra chết. Hôn mê sâu 9 năm. Lần khác, chả đọc chả cảm, chết hồi nào không hay, đến giờ vẫn chưa tỉnh. :)))

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

* Cà phê

Sự thanh thả của nàng gói gọn trong những sáng cuối tuần. Mở tất cả cửa cho ánh sáng lọt vào. Căn phòng thoảng mùi bánh mì và cà phê. An nhiên hơn với Bình yên do Trần Thu Hà hát.



Ngày chưa chồng, nàng không uống được cà phê, chỉ vài ngụm đủ làm tim đập như trống cả ngày, có lần phát bịnh. Lấy chồng, mỗi sáng nàng đều đặn pha cà phê cho chồng. Nhiều năm như thế, cà phê pha rồi nhưng chưa bỏ đường, đá, chồng vẫn đợi. Mỗi lần pha cà phê xong, nàng luôn ...nếm một miếng trước khi đưa cho chồng, kiểm tra xem được không. Mỗi sáng một hớp mà thành nghiện lúc nào không hay, cho đến khi chồng ly vợ ly rồi vợ...hai ly những khi cần tỉnh táo làm việc. Nhẽ có mở quán cafe, nàng cũng không chắc có nhịn được nếm một hớp trước khi đưa cho khách hay không, vì nàng pha cà phê với tất cả sự chú tâm tận tuỵ. Rồi nàng tự chế "công thức" cà phê cho nhà mình sau thời gian dài uống và thẩm nhận. Nàng thường đến hàng bán cà phê hạt rang xay gần nhà. Ngắm những thùng cà phê đã rang, nàng chọn 300gr hạt robusta, 300gr arabica, 400gr hạt Buôn Mê Thuột, yêu cầu trộn chung và xay nhuyễn rồi bỏ vào bịch mang về. 

Theo thời gian nàng cũng tự rút kinh nghiệm hạt xay cỡ nào để không lớn quá khiến nước lọt qua phin ào ào, loãng loe. Đừng xay nhuyễn quá để bột cà phê lọt qua phin uống lợn cợn. Nước sôi pha cà phê  vừa phải, sôi già cà phê có mùi hơi khét. Rồi khó uống cà phê ở hàng quán, sau khi đã trải qua đủ hương vị cà phê có mùi vani, nước hoa, uống mà nhận biết mình đang uống cà phê bắp, cà phê đậu nành, rang với bơ hay mỡ gà, thậm chí ướp toàn bộ hương liệu cà phê bán ở chợ Kim Biên, cà phê nêm chút hạt cau, thuốc súng hay nước mắm (như nghe nói về "công nghệ" sản xuất cà phê). Có khi hẹn bạn uống cà phê ở quán xịn, biết là xay-pha máy hay phin cà phê hạt 100%, thi thoảng nàng vẫn mang theo bình cà phê pha ở nhà, lén lút đem ra uống sau khi gọi một ly cà phê cho mình.

Bạn bè đến nhà chơi đều được nàng đãi cà phê nhà pha. Ai cũng khen ngon, vài đứa "nịnh" cà phê nhà mày ngon quá!. Có đứa inbox "Nhớ cà phê N pha, nhớ terace chúng ta ngồi uống cà phê, ước gì được nằm đó đọc sách". Hẳn một số bạn bè đến nhà uống cà phê nàng pha, ko thấy ngon nhưng chả nỡ chê (hehe). Vấn đề cũng chỉ là khẩu vị mà thôi.

Để thích, gắn kết với loại cà phê nào đó, cũng cần có thời gian, trải qua tất cả các loại cà phê ngon dở. Mà không nhất thiết phải lấy chồng, phải không. Để rồi nhận ra,
những gì ta đã uống chỉ gọi là cà phê, với quá trình "tinh vi" của biến tấu công thức hương liệu, rang xay, pha... Để thấy, cuối cùng cà phê phải là và chỉ là cà phê thôi, mộc, đậm đà chân thật...
Mỗi người ta "uống", gắn kết, cũng tựa như ta thưởng thức cà phê vậy, mà chẳng cần phải lấy chồng. Vấn đề vẫn là khẩu vị, thói quen mà thôi, nhỉ.

PS. Tiểu thuyết ngoa tình. Không nhất thiết "nàng" là mụ quắc thước, vụng về :)))

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

* Món ăn thất kinh :)

Trưa, cả đoàn dừng dưới chân đèo Sapa ăn trưa tại quán gần thác nước. Nhìn bảng đề: Ở đây có cháo chó, cơm chó, lợn cắp nách, gà tự do... Mình ngại quá, nói nhỏ với cô bạn người Hoà Bình. Cô ấy cười hí hí. Ông anh Hà Nội giải thích "Ấy là viết tắt cơm cháo thịt chó, chứ ko phải cơm cho chó!". Còn gà tự do là gà thả...núi.


Trên đèo Ô Quy Hồ

Nhóm khác vào quán, một ông dõng dạc kêu "Cho một đĩa bành trướng, một dĩa máu luồn, mới lại thêm hai bát máu". Mình chả hiểu gì cả, mắt tròn mắt dẹt, lạ là chủ quán lại hiểu. Chả hỏi lại, cứ thế ông ấy làm món ăn răm rắp. Mình mắc cỡ hỏi các ông đoàn mình "Món gì mà tên kinh thế?". Mấy ông giải thích: "Món bành trướng là mặt lợn. Máu luồn là dồi lợn, là huyết lợn dồn ruột heo. Hai bát máu là hai bát tiết canh!". Ôi chà chà, mình cười rũ rượi như con điên.

Cười như hoá rồ nữa là khi làm xong mấy dĩa thức ăn, ông chủ quán hỏi "Mấy anh chị ăn hành Thái hay hành phổ thông?". Các ông bảo "hành phổ thông". Mình ngơ ngác hỏi "hành phổ thông là hành gì?". Các lão trả lời hành người Kinh trồng, là hành... :))

Lên xe đi tiếp đến đèo Ô Quy Hồ, một ông chép miệng "Riêng heo với lợn cũng phức tạp. Hoa cứt lợn chứ ai nói hoa cứt heo. Gió heo may chứ không thể nói gió lợn may, nhỉ". Xuống xe ở đỉnh đèo, say sưa ngắm hoa dại bên bờ vực, mình chép miệng, nghe thoảng trong gió lợn may hương mùa thu đã về... :))

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

* Lợi ích của FB :)))

Ông anh hỏi "Bà xã sắp dìa hiu, anh rầu ghê. Trước bà tối mắt tối mũi vì công việc, quen với áp lực đầu tàu. Giờ về, làm gì thì chưa biết, nhưng anh sợ rảnh quá chưa quen lại shock, tâm trạng... Ở không lại nhòm ngó anh làm gì, ở đâu, thì chết".

Mình tư vấn ông ở đây luôn: trước hết anh tặng bả cái ipad, lập cho bà một tài khoản Facebook, nickname càng mơ hồ lộng lẫy càng tốt. FB để làm gì anh biết ko, lợi ích thần thánh lắm, giết thời gian hữu hiệu, chả khác gì ma tuý.
Bả sẽ suốt ngày trên FB, post cái gì đấy ví dụ mặc áo đầm mới làm album chừng 15 ảnh. Post album lên rồi thì năm, mười ngàn người like, còm khen chê. Nội trả nhời 20% đó là hết ngày. Anh biết đấy, người ta like thì phải cảm ơn, người ta khen thì khiêm tốn "em chã", đẹp sao bằng người khen. Chả may có ai chê thì chao ôi là thảm hoạ, bả sẽ mất ăn mất ngủ tức tối nghiến răng kèn kẹt "đồ ganh tỵ", "nhỏ mọn", "dìm hàng"... Với phụ nữ, ko có sự xúc phạm nào bằng khen họ béo tốt, thân hình họ phúc hậu...thế nào họ cũng nghĩ bị móc lò, chửi cha một cách tinh vi. Mà tất cả những điều trên anh phải đồng cảm, chia sẻ với chị. Anh phải like còm đều đặn dù ngoài đời anh ghét cay hận đắng bả. Chồng không like mắc chi thiên hạ like. Thiên hạ không like không sao chứ anh không like là nhức xương lắm.
FB cũng giúp chị thể hiện đẳng cấp, tự do bộc lộ quan điểm. Bả có thể nhảy lên cao chụp ảnh tự sướng theo kiểu cảm giác rất yomost, bả có thể làm vài câu thơ tình yêu cho một anh nào đấy (mà anh đừng ghen, chỉ là bả thể hiện tâm hồn hoang hoải chưa mãn thanh mà thôi), ko sợ đứa nào ý kiến ý cò kiểm điểm cuối năm. Bình thường khó chửi đứa nào ngoài đời thì trên phây, bả có thể chửi tất tần tật, từ các cơ quan đoàn thể, chính thể đến bạn bè chồng con mà mọi người chỉ hoang mang "nó chửi mình bằng chửi ...bố nó". Thik nhất là bả có thể bóng gió mát mẻ trên mạng, đôi khi bêu riếu cả anh mà anh lại tưởng nói ...thằng nào.
Bả là người năng động, hướng ngoại, sẽ chú ý đến các vấn đề dân sinh, xã hội, nhất là các vụ án. Bả sẽ chứng tỏ sự thông tuệ, tinh thần hay phản biện qua các ý kiến. Ví dụ, vụ án Bình Phước mới đây cho thấy người ta có thể can dự tất. Bả có thể bộc lộ thái độ kinh sợ, lên án tội ác. Có thể lên án công an ở đâu mà ko điều tra ra tội ác tày trời. Công an chưa bắt được thủ phạm thì kêu bất tài, ăn hại; bắt được nghi can thì chửi bới "bắt gì nhanh thế, kịch bản dở thế, ép cung, bị áp lực, coi chừng án oan...". Nói chung bả có thể lập luận, suy luận tài tình, hơn đứt cơ quan điều tra. Nói chung, thích nhất là có thể nói đủ thứ mà chả lo chịu trách nhiệm...
Vậy đấy, với cái ipad và một tài khoản FB, anh có thể yên tâm không lo bà để ý đến mình. Chừng anh về hiu thì vợ chồng tha hồ có thời gian like còm lẫn nhau, cùng nhau nói xấu một số đứa là bạn bè thân. Thích lắm anh ạ! :)))
Haha

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

* Album cũ

(Đăng tạp chí HTV số 25/7)

Soạn lại tủ sách, bắt gặp những cuốn album ảnh, vài cuốn đã ố vàng. Hơn 20 năm, kể từ bức ảnh đầu tiên được lồng vào. Lòng bồi hồi khi lần giở từng trang album, mỗi bức ảnh là một câu chuyện nhắc nhớ những kỷ niệm, những sự kiện, chặng đường đời đã qua trải dài theo năm tháng.

                                                            Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng 4/2015


Bức ảnh chụp với nhóm bạn cùng lớp thời sinh viên năm thứ nhất dưới gốc cây ngọc lan trước giảng đường. Những cô cậu mười mười tám, mười chín mắt sáng lòng trong, nụ cười thanh xuân rạng rỡ.  Nhớ đám con gái thường tụ chuyện trò vui vẻ dưới bóng ngọc lan phút giải lao, liếc quanh dè chừng thì thầm hỏi nhau: "Cậu đã hôn bao giờ chưa?", rồi cười rúc rích. Có cô bẽn lẽn: "Lần đầu tiên hôn mình mắc cỡ quá, không dám nhìn vào mắt người yêu. Về nhà soi gương, nhìn chăm chú xem miệng mình...có khác không. Hihi". 

Này là ảnh bốn cô bạn thân cùng có người yêu năm thứ hai đại học - bốn chàng trai là kỹ sư, sinh viên trường khác. Các cặp đã hẹn nhau sẽ cưới cùng một ngày, có con sẽ làm sui với nhau... Ra trường, chỉ một cặp cưới được nhau, c   òn lại đã chia tay, mỗi người một hướng, để 20 năm sau gặp lại vẫn bồi hồi nhắc chuyện xưa mình đã yêu thế nào, ngớ ngẩn và đánh mất nhau ra sao...Vài tấm ảnh thời đi làm ở cơ quan đầu tiên sau khi ra trường. Hình ảnh những chuyến đi, những vất vả, khổ nhọc trong công việc không dập tắt được những nụ cười vui tươi cùng bạn đồng nghiệp. Những nơi đã qua, những người đã gặp, những dự án đã thực hiện... nhật ký hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp, những chân dung trong từng thời kỳ, thỉnh thoảng xen vào nét ưu tư, ánh nhìn đã có màu nghĩ suy, nhưng vẫn mạnh mẽ một sức sống, nghị lực để vượt qua thời gian khó với đồng lương ít ỏi, cuộc sống còn nhiều khó khăn. 

Ảnh chụp cùng người yêu, là chồng sau đó không lâu. Ánh mắt anh trìu mến, sâu lắng của sự tin cậy, yên bình, hạnh phúc có nhau sau bao giông bão cuộc đời. Lại nhớ, ta đã gặp nhau ra sao, không nói lời yêu sao cũng nên duyên, và những lần hờn giận tưởng sẽ chia xa mãi mãi. Đứa con đầu tiên ra đời gợi bao cảm hứng, mềm lòng, tràn ngập thương yêu dịu dàng. Đứa con bé bỏng mắt trong veo, cười hồn nhiên trong vòng tay ấm áp mạnh mẽ của cha. 15 năm sau nhìn lại, vẫn mềm lòng, trào dâng cảm giác hạnh phúc được làm mẹ. Những đứa con đem lại cho chúng ta niềm vui, giá trị, ý nghĩa về bản thân, cuộc sống, gạch nối yêu thương làm nên gia đình. Đứa con bé bỏng ngày nào giờ là cậu thiếu niên tuổi 15, cao lớn hơn cha, hôm qua mắt lấp lánh niềm vui "Mẹ ơi, con đã được chọn vào đội tuyển bóng rổ của trường..." 

Niềm vui trong căn nhà đầu tiên ta sở hữu, tổ ấm đẹp hơn, ấm hơn từng ngày. Nơi có những bông hoa bé nhỏ khiêm nhường toả hương bên cửa sổ, không gian thoảng mùi cà phê những sáng cuối tuần thảnh thơi cùng nhau dưới hiên nhà. Và tràng cười giòn tan con trẻ lưu dấu ở những bức ảnh với những miệng xinh cười hết "khẩu độ"... Trong số những hình ảnh lưu album, nhiều nhất vẫn là những hình ảnh gia đình, những đứa con lớn lên trong từng giai đoạn. 

Đó là một trưa mù sương trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Mây và sương mù tràn đèo núi, thung lũng. Xe bò trong mây mù với tầm nhìn chưa tới 10m, đường và vực sâu ngăn cách bằng những đám lau sậy, cỏ dại. Phía trước có bóng đàn bà liêu xiêu. Nhảy vội ra khỏi xe, bắt kịp khoảnh khắc ngoái lại. Tối nay xem lại ảnh đã chụp được trong chuyến đi, chợt dừng lại rất lâu trước bức ảnh này. Nhớ lại ý nghĩ mình lúc ấy, một cảm giác buồn buồn, đơn côi trên đỉnh mù sương, từ hình ảnh ấy. Những người đàn bà bước đi trong vô định, buồn đau luôn ngoái lại. Dù bước ra khỏi một gia đình hay một cuộc tình…

Một tấm ảnh mình chụp hai nhà báo nỗi tiếng: Nick Út – phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP (Mỹ) và nhà báo Đoàn Công Tính – phóng viên ảnh của báo Quân Đội Nhân Dân, tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM. Hai nhà báo, một thời đưa tin từ hai chiến tuyến, hai người bạn thân sau chiến tranh nắm tay nhau tươi cười trong nắng, phía sau là những chiếc xe tăng của quân đội Mỹ, chiến lợi phẩm ngày nào. Mọi điều rồi sẽ nguôi ngoai, những đau thương mất mát, bi kịch, chiến tranh… sẽ chỉ tồn tại trong ký ức  lịch sử, con người như một vết thương nhắc nhớ những nỗi đau không bao giờ phải lặp lại…Rằng, cuộc sống hoà bình, sinh mệnh con người, sự yên bình và độc lập của một quốc gia là điều cần được trân quý, tôn trọng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. 

Những bức ảnh kể câu chuyện cuộc đời, ở đó ẩn chứa niềm vui, nỗi buồn, những đoạn đời với sắc màu khác nhau, làm nên bảng màu cuộc sống. Những bức ảnh từ thưở tóc xanh đến tóc đã điểm bạc. Ký ức hình ảnh lung linh sinh động về cuộc đời ta đã trải, hôm nay bỗng sống động, bồi hồi...
                                                                                             DIÊN VỸ (Đỗ Ngọc)

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

* Trở lại thành phố tình yêu

(đăng An Ninh Thế giới 15/7)

Tôi trở lại Paris lần thứ ba, đúng 20 năm kể từ lần đầu đến đây vào năm 1995, lần thứ hai vào năm 2008. 20 năm, thời gian đủ cho một con người sinh ra và lớn lên ở thời đoạn đẹp nhất của đời người. Còn tôi, hôm nay trở lại thành phố ánh sáng, thành phố của tình yêu này với một tâm thái khác, một cuộc tìm về.

“Paris có gì lạ không em?”

Paris - thủ đô của nước Pháp - là một trong những thành phố đẹp và lãng mạn nhất thế giới, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm. Nói về Paris, là nói đến đại lộ Champs - Élysées, Khải Hoàn Môn, quảng trường Concorde, tháp Effel, bảo tàng Louvre, vườn hoa Luxembourg…đặc biệt sông Seine với 37 cây cầu nối liền đôi bờ làm nên vẻ đẹp độc đáo, thơ mộng của thủ đô hoa lệ này.


Cũng chẳng có gì lạ. Sông Seine vẫn êm đềm chảy dưới chân cầu, những chiếc tàu du lịch vẫn ngược xuôi trên sông, du khách hát vang vui vẻ, các đôi lứa tay trong tay, hôn nhau say đắm hai bên bờ sông Seine. Bảo tàng Louvre vẫn tấp nập du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng những cổ vật và tuyệt tác nghệ thuật sống mãi với thời gian. Những chiếc xe du lịch hai tầng màu sắc sặc sỡ đầy kín du khách vẻ mặt hân hoan, nối đuôi nhau trên phố. Vườn Luxembourg hoa cỏ rực rỡ, người đi dạo, phơi nắng thảnh thơi ngày cuối tuần. Quán cà phê nổi tiếng Les Deux Margots ở quảng trường Sain Germain des Pre’s, nơi giới văn nghệ sĩ bao đời thường gặp gỡ đàm đạo, nơi khởi đầu mối tình của Jean Paul Sartre và Simon De Beauvoir, vẫn đông kín khách…


Chỉ hơi “lạ” là cây cầu Pont des Arts bắc qua sông Seine tưởng đã sạch bóng khoá tình yêu từ ngày 1/6 khi chính quyền TP Paris quyết định dỡ bỏ khỏi cầu vì sức nặng của hàng trăm ngàn chiếc khoá của các đôi lứa đến từ khắp nơi trên thế giới móc vào hàng rào mắt cáo thành cầu, khiến thành cầu bị gãy, đã được cắt rời và gắn vào bốn cánh của hai đầu cầu. Sự «thất vọng » của du khách về việc những hàng rào khoá tình yêu sẽ biến mất, cuối cùng đã được giải toả, xử lý có hậu. Cầu Pont de Arts với những ổ khoá tình yêu cũng là «tài nguyên» du lịch của thành phố lãng mạn bậc nhất thế giới, sao có thể dỡ bỏ mà không suy tính thiệt hơn. Chính quyền thành phố Paris đã sáng suốt khi có giải pháp hiệu quả và thuyết phục, vẫn lưu giữ tinh thần “lãng mạn” của thành phố hoa lệ và đáp ứng nhu cầu “hoa hồng” của du khách, qua đó thu hút và níu chân du khách.

Và những ngày này, cầu Pont des Arts càng nổi tiếng, trở thành một điểm đến “phải đến” của hầu hết du khách quốc tế, như một cách kiểm chứng thú vị câu chuyện “khoá tình yêu”.
Hầu hết du khách đều vui mừng khi hàng chục ngàn ổ khoá tình yêu vẫn tồn tại, đan móc vào nhau tạo thành bức mành khoá độc đáo. Nhiều du khách vừa xuống sân bay đã kéo valise ra thẳng Cầu tình yêu dạo chơi trong khi chờ nhận phòng buổi trưa.

Du khách dạo chơi nườm nượp trên cầu Pont des Arts. Nhiều nhóm bạn trẻ vui đùa, đàn hát, chụp ảnh kỷ niệm. Nhiều cặp đôi móc khoá tình yêu của mình vào bức mành mới ở đầu cầu. Những cặp khác đi tìm lại khoá tình yêu của mình đã móc vào thành cầu một vài năm hay nhiều năm trước. Đương nhiên những mành khoá hiện còn không đầy đủ khoá như trước, nhưng việc tìm thấy khoá tình yêu xưa của mình vẫn còn cũng là niềm hạnh phúc của không ít cặp uyên ương, dù có thể tình yêu của họ không thành. Đôi bạn trẻ Sarah và Philips đến từ Anh đã reo lên sung sướng khi tìm thấy ổ khoá tình yêu của họ vẫn còn ở mành khoá mới, một ổ khoá xinh xinh màu hồng có khắc tên hai người. “Chúng tôi vừa tổ chức đám cưới và chuyến đi trăng mật này cũng để kỷ niệm ba năm chúng tôi yêu nhau và gắn chiếc khoá tình yêu ở cây cầu này. Tôi hy vọng, ngày nào đó con cháu chúng tôi đến Paris du lịch sẽ tìm thấy chiếc khoá lưu dấu tình yêu của cha mẹ. Đó là câu chuyện rất thú vị, phải không?” - Sarah nói.


Đi một vòng cầu Pont des Arts, từ bên này sang bờ bên kia sông Seine để ngắm nhìn sự vui tươi hớn hở của các cặp đôi và hàng ngàn chiếc khoá tình yêu hẳn ai cũng cảm thấy niềm vui, niềm tin vào con người và đời sống tinh thần đẹp như được thăng hoa, lan toả. Những ổ khoá đủ kiểu dáng, ngôn ngữ, màu sắc, với những chữ khắc tênđan móc vào nhau tạo thành “mạng tình yêu” ngộ nghĩnh. Từ những ổ khoá đồng truyền thống đơn giản cỡ bao diêm, hay nhỏ xíu như con sò, con cua với hai chiếc càng khoá cánh cung đến vòng xích lớn, hay kiểu khoá càng bánh xe đạp… Mà nói vui thì như trái tim nhiều kích cỡ, yêu đương nhiều nhiệt độ, ổ khoá cũng đa dạng để buộc chặt hay “giam giữ” nhau không chia lìa. Dù cuộc đời thực tế có gian khó, khắc nghiệt thế nào thì khi trong men say tình yêu, đôi lứa nào cũng mơ mộng đẹp đẽ với niềm tin và mong ước gắn bó không bao giờ cũ.

“Tình yêu là chìa khoá”


Đến Paris lần này, tôi còn có “nhiệm vụ tình yêu”. Một người bạn của tôi nhờ “Nếu có thể, em hãy tìm cho anh chiếc khoá tình yêu khắc tên anh và người yêu cũ, anh đã gắn lên cầu Pont des Arts nhiều năm trước”. Tôi đi qua nhiều mành khoá, tìm kiếm, xem đến hoa mắt nhưng vẫn không tìm được ổ khoá tình yêu theo lời mô tả của bạn tôi. Chỉ là một lời nhờ vả mơ mộng vu vơ mà tôi kiếm tìm rất nghiêm túc, vì vẻ say sưa khi nói về người cũ của bạn. Một cái gì đẹp đẽ, tha thiết qua hồi tưởng mơ màng của người đàn ông ở tuổi 50 về chuyện tình xưa. Trả lời tin nhắn của bạn “Thấy khoá tình yêu của anh chưa?”, tôi nhắn “Em vẫn đang tìm”, và rồi trong lúc đi tìm, tôi đã gặp câu chuyện tình yêu khác. Một cặp đôi khoảng 60 tuổi, đến từ Đức khiến tôi chú ý khi thấy họ săm soi kiếm tình bên cạnh. “Phải khoá này không, màu xanh, tên anh này?”, “Không phải, màu xanh nhưng tên cô ấy có chữ s phía sau!”. Tiếng reo “Oh, đây rồi!” của người đàn ông làm vài người xung quanh chú ý và đến gần chia vui với ông. Điều thú vị là, đó không phải chiếc khoá tình yêu của cặp vợ chồng, mà là ổ khoá tình yêu khắc tên ông và người yêu cũ. Nhìn vẻ mặt hân hoan âu yếm của người vợ khi nhìn chồng đang rất vui, tôi bỗng cảm thấy ấm áp. Tình yêu thật kỳ lạ, đôi khi ngoài mọi dự đoán. Rồi tôi lại nghĩ, hãy để anh bạn tôi giữ mãi những hồi tưởng ấm áp, mơ mộng về người yêu cũ. Cuộc đời bao thử thách, gian truân không ngừng biến đổi, nhưng hình ảnh người tình dừng lại mãi ở khoảnh khắc chia xa. Hãy để cho hình ảnh, vẻ đẹp xưa của người cũ sống mãi trong trái tim mơ mộng của tình nhân.

“Khoá tình yêu”, chỉ là một cách nói. Có loại khoá nào giam cầm, khoá chặt được con tim với lí lẽ riêng?. Ai cũng hiểu thế, nên khi nhìn thấy tấm băng rôn mới có dòng chữ tiếng Anh “Love is the key” - Tình yêu là chìa khoá, chăng trên thành cầu Pont des Arts cuối tháng 6, du khách nào cũng trầm trồ “quá hay!”, “Đúng vậy!”. Đây là một trong những “công trình” của các hoạ sĩ có tiếng và hoạ sĩ tự do sáng tác trên những tấm vải nhựa chăng dài theo hai bên thành cầu thay cho những bức mành khoá nặng trĩu trước đây. Cầu Pont des Arts dường như là sân chơi không chỉ của các hoạ sĩ mà còn của du khách. Ngày ngày, từng nhóm nhạc công đến đàn hát, các hoạ sĩ tự do bày “đồ nghề” vẽ chân dung hay phong cảnh ngay trên cầu, các nhóm trai gái vui chơi, mở nhạc nhảy vui nhộn.


Từ trên những cây cầu thơ mộng bắc ngang sông Seine, du khách có thể ngắm nhìn những góc khác nhau của Paris, có thể thấy tháp Eiffel sừng sững hay những nhà bảo tàng, công trình kiến trúc phong cách Gothic nổi tiếng dọc theo hai bên bờ sông. Ngắm nhìn dòng nước êm đềm chảy dưới chân cầu và nhớ bài  “Cầu Mirabeau” của nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire:

Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Trôi cả tình yêu của anh và em
Không biết anh có còn nên nhớ
Niềm vui đến sẽ theo sau nỗi ưu phiền…

Không chỉ Pont des Arts, trong 37 cây cầu bắc qua sông Seine của Paris, một số cây cầu khác cũng có nhiều ổ khoá tình yêu. Một trong số đó là cầu Pont des Alma, phía dưới cầu là đường hầm, nơi từng xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc năm 1997 làm công nương Diana của nước Anh thiệt mạng cùng người yêu là Dodi Fayed, con trai tỷ phú Mohamed Al- Fayed. Hai bên thành cầu Alma và tượng đài bên kia đầu cầu có gắn nhiều ổ khoá tình yêu. Có nhiều đôi đến Paris, đi tìm một cây cầu để gắn khoá tình yêu; nhiều đôi đi tìm lại khoá tình yêu xưa của mình, hẳn cũng không ít người đến đây một mình dù ngày nào đã gắn khoá tình yêu như một nguyện ước bên nhau mãi mãi.

Và có những du khách như tôi, thong thả dạo chơi ngắm những bạn trẻ hớn hở loay hoay gắn khoá tình yêu mới, nhìn từng chiếc khoá với những dòng chữ biểu lộ đủ sắc thái tình yêu, với một nụ cười hạnh phúc. Tình yêu sống mãi, không gì đẹp hơn, dẫu hiện thực cuộc sống ra sao, thế nào.

Bài và ảnh: ĐỖ NGỌC