Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

* Về quê

(Đăng tạp chí HTV 25/1/2015)

Má bạn nhắn "Tuần qua má gom được hơn kí lô nấm mối, cuối tuần tụi bay về má làm bánh xèo cho ăn". Cả đám háo hức rủ nhau về quê bạn ở miệt vườn Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. 

Xe đi qua những xóm làng yên ả, cây cối xanh tươi. Những vườn sapoche, vú sữa trái chi chít cành. Con đường đất nhỏ vào nhà bạn lát những tấm đan vừa một xe máy đi. Một bên là nhà dân giữa vườn rộng, trồng đủ loại cây trái, nhiều nhất là dừa; một bên là con kênh lớn ven bờ trồng dừa nước. Lục bình lặng lẽ trôi, thỉnh thoảng có chiếc tắc ráng chạy qua, cuộn sóng vào bờ dập dềnh. Khung cảnh làng quê yên bình thong thả.

Má ơi, tụi con đã về đây! Bầy con gái ùa vào nhà bạn, ngôi nhà ba gian có hàng ba rộng, là nơi con cháu hội tụ về những ngày lễ, tết, cuối tuần. Cha mẹ bạn hồ hởi chào đón, hỏi han "Tụi con đi bộ vô nhà mệt không, để má chặt dừa xiêm uống đỡ khát". Ngồi dưới tàng cây mát rượi uống dừa tươi vừa bẻ trên cây, cả bọn xuýt xoa dừa xiêm, dừa lửa ngọt lành giữa thời sự thu hoạch của má "Lúc trước dừa được giá còn bán năm chục ngàn một chục, lóng rày giá rớt chỉ còn hai, ba chục ngàn một chục". Nhà có vài công vườn, chủ yếu trồng dừa, nguồn sống chính của hai người già tuổi bảy mươi, cả đời cặm cụi bươn chải nắng mưa ruộng vườn để nuôi bầy con vào đại học. Những giảng viên, kỹ sư, bác sĩ được sinh ra, lớn lên từ làng quê thanh bình này, từ tình thương yêu tảo tần hôm sớm của cha mẹ, những người nông dân miền Tây chơn chất.



Má lấy ra rổ nấm mối, lượm lặt, nâng niu từng cây nấm trắng xinh má tìm hái dọc theo mương nước vườn nhà. Nấm mối lành ngọt, nấu gì cũng ngon, ngon nhất là làm bánh xèo. Thỉnh thoảng, những hộp nấm mối được má gửi theo xe đò cho con gái ở thành phố dù "con nhỏ" có thể mua hàng chục lọai nấm được bao gói đẹp mắt trong siêu thị. Đời sống miệt vườn đơn giản, nhất là với hai người già. Lúa gặt từ mấy công ruộng trong đồng sâu đủ ăn quanh năm, dư ít gạo ngon thỉnh thoảng gửi cho mấy đứa con thành phố. Chỉ cần gạo khô mắm muối chủ lực, còn thì cá dưới mương, rau lá ngoài vườn, trên cây, hơn chục con gà thả vườn... quơ quào đâu cũng có thức ăn. Vậy mà, kiếm được ít nấm mối sau mưa, hái được nhiều rau tập tàng mé kinh, xoài vào mùa thu hoạch, nhãn chi chít cành, cha mẹ vẫn một lòng để dành cho sắp nhỏ về chơi. 


Bánh xèo nấm mối

Đám con gái tíu tít phụ má đổ bánh xèo, nhặt rau, làm gỏi gà bóp hoa chuối. Vài đứa khác theo cha bạn ra vườn hái bưởi, những trái bưởi da xanh gần 2 kg/ trái lúc lỉu trên cành. Thương lái quen vào tận vườn mua bưởi, cha xin lỗi nói có vài chục bưởi ngon để dành cho tụi nhỏ về chơi, có cái ăn và... chụp hình cho đẹp. Nguồn sống chính của hai ông bà già là dừa và bưởi. Vài cây nhãn, cóc, ổi, xoài... trồng thêm cho con cháu từ thành phố về chơi hưởng thú vui trèo cây, bẻ trái. Dường như với ông bà, tháng ngày nuôi dạy con cái nên người, là mùa vụ gian nan và gặt hái hạnh phúc nhất. Ông bà nhắc lại đứa con gái lớn da trắng tóc dài, những đứa con trai kỹ sư ngày nhỏ theo cha mẹ ra đồng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, còng lưng cấy lúa, bước thấp bước cao gánh lúa từ ruộng về nhà ngày mùa. Trời thương, những đứa con cùi cụi lớn, học hành giỏi dang đỗ đạt vẫn không quên cha mẹ, làng quê và gốc rơm rạ của mình.

Cô Hai da trắng tóc dài ra sau nhà gom gáo dừa khô vào nhóm bếp bắc trên ba cục gạch để nướng tôm càng xanh còn búng tanh tách. Tôm càng ướp muối ớt xanh nướng trên than gáo dừa thơm nức một góc vườn. Bữa trưa bày ra, bánh xèo nấm mối cuốn với tôm bạc hấp nước dừa, đọt xoài non, cải bẹ, lá cóc, đinh lăng. Gỏi gà, cháo gà nấu nấm... Đám con gái vừa ăn vừa tấm tắc, lần sau về má lại đổ bánh xèo cho tụi con ăn nghen má...

Ăn xong, đám con gái phụ má rửa chén. Gian bếp khang trang có đủ bồn rửa, nước vòi mà lần nào về chơi, cả đám cũng thích rửa rau rửa chén, hay làm cá làm gà ở sàn nước ngoài vườn, sát con mương. Đứa lấy gàu múc nước đổ lu, đứa rửa chén, úp chén. Vừa làm vừa đùa vui rộn một góc vườn. Má cười: "Mấy đứa con thương, xây cho cái bếp tiện nghi mà má vẫn thích ngồi rửa chén ngoài sàn nước, vẫn thích nấu bếp củi sau nhà. Mấy chục năm quen rồi, mà mùi củi lửa cũng gây nhớ à nghen"...

Chiều ra bờ kinh hái rau, lặng ngắm lục bình trôi, nghe tiếng hát tha thiết của nhạc sĩ Trần Tiến vang ra từ máy hát ngôi nhà kế bên "Ôi đoá hoa tím trôi liu riu, dòng sông nước chảy liu riu, anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương...". Rồi cũng đến lúc chia tay. Ba má sắp cho mỗi đứa một túi trái cây, bánh mứt đem về thành phố. Đưa đám con ra cổng, má cười mà giọng rưng rưng "Tết lại về chơi nha mấy đứa!". Đi xa rồi quay lại vẫn thấy má đứng nhìn theo.

Thương lắm miệt vườn...

Description: https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

* Tin hay không thì tuỳ :)

Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy hai chiếc dép này? Mình nghĩ nó ko gợi bất cứ liên tưởng sắp đặt hay ho nào, trừ câu chuyện thực tế sau đây:
Số là 30p trước mình đi rửa xe. Chờ lâu, mình sang tiệm tóc bên cạnh gội đầu. Bỗng giật mình ko biết phone của mình để đâu, ở nhà hay trong xe. Quay lại, trong xe ko có, chạy về nhà thì thấy phone ngoài hè. Lại tung tăng vui vẻ trở lại tiệm làm tóc. Chồng ngồi ở terrace nhìn theo mình lườm lườm. Mình thoáng nghĩ lão này ko ưa nhìn thấy vợ vui vẻ, hoặc ghen tị mình đẹp chai hơn lão. Vừa phóng xe mình vừa huýt sáo, ngã tư đèn đỏ dừng lại, chờ. Vài người xung quanh nhìn mình lạ lẫm, nhẽ họ thấy mình zà mà cưỡi con Piagio vàng choé 4 số 9999?
Vốn bơ đời, mình tỉnh queo lơ láo trái phải rồi nhìn xuống chân mới rụng rời. Bà mẹ ơi, chân trái mình đi xăng đan, chân phải mình đi dép lê. Sự vội vã vô tích sự khi về nhà tìm phone là tiện chân xỏ dép đi trong nhà ngoài sân sẵn ở thềm nhà. Đã hiểu cái lườm của chồng, là ko chịu ở trong nhà, chứ nếu nhìn thấy mình đi dép lung tung lão đã hét lên rồi.
Đến tiệm tóc kể, đứa nào cũng cười rũ rượi. Cô chủ ngặt nghẽo: "Hôm kia em cũng một phen tưởng bở. Em mặc đầm dây, phóng xe Lead lả lướt, ai cũng nhìn, có người ko dấu đc ánh nhìn hâm mộ. Chắc họ thấy mình đẹp, sành điệu. Một quãng em mới nhận ra khi thắng kiss xe và chống chân xuống đường: chân trái em đi dép xỏ ngón điệu hàng hiệu, chân phải đi dép lào cũ mòn dính đầy sình của ông thợ làm vườn".
Vậy ko chỉ mình ất ơ. Giờ mới hiểu cảm giác cái ông gì thân ko mảnh vải chạy ra đường la "ơ rê ca". Đang nghĩ, làm sao về lại nhà với hai chiếc dép khác hẳn nhau thể loại, giống nòi này. Ko lẽ đi chân ko hay mượn dép ở tiệm. ??? Biểu tượng cảm xúc pacman Biểu tượng cảm xúc pacman Biểu tượng cảm xúc pacman

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

* Bến đàn bà

(Tản mạn, đăng tạp chí HTV số tháng 1/2015)

Thỉnh thoảng, vào những sáng sớm hay chiều cuối tuần, tôi thường đi bộ ra con sông gần nhà để ngắm nhìn dòng sông nước tràn bờ, hoặc phơi đáy cùng dãy nhà sàn ven bờ tạo nên bức tranh đen trắng ấn tượng. Thích nhất là ngắm cảnh mua bán trên bến dưới thuyền ở bờ sông.


Nhiều tàu, ghe chở trái cây và sản vật của miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố bán, đậu kín một khúc sông. Hàng chục loại trái cây, măng tươi, gà thả vườn, hoa kiểng… được chuyển lên bờ. Đêm xuống, xóm ghe thương hồ le lói ánh đèn dầu, đèn điện bình, các gia đình quay quần bên bữa cơm muộn, thỉnh thoảng bán hàng nếu trên bờ ai đó ới gọi. Có khi là câu hát cải lương, tiếng cười vang lên giữa sông. Có khi là tiếng cãi vã, chửi thề. Cuộc sống như một dòng sông, thầm lặng chảy trong đêm, giữa những tương phản, những nghịch lý sắc màu, sáng tối. Đêm muộn, dòng sông im vắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc tắc ráng hay xà lan chở cát chạy qua, làm gợn lên những lượn sóng cuộn vào bờ dập dềnh.

Giữa bến sông san sát thuyền ghe, tôi để ý đến một người phụ nữ thường đứng một mình tư lự nơi mũi thuyền nhìn lên bờ khi đêm muộn. Có khi chị đứng bất động như thế hồi lâu. Chị ấy đang nghĩ gì? không dưng tôi băn khoăn. Đời thương hồ, chiếc ghe vừa là nhà, vừa là phương tiện vận chuyển, bán hàng. Chỉ năm mười mét vuông trên ghe, nhiều gia đình, cặp đôi đã sống đời lênh đênh rày đây mai đó. Những đứa con cũng được sinh ra và lớn lên từ đó.

Có một lần, nhân lúc mua trái cây, tôi đã làm quen với người đàn bà tư lự. Chị có vẻ đẹp da trắng tóc dài, nụ cười hiền hậu chất phác của phụ nữ miền Tây. Ở vẻ đẹp đó phảng phất nỗi buồn, nỗi buồn như khi ta nhìn những dề lục bình trôi trên sông chiều chập choạng. Một lần thấy chị bán hàng mà mắt sưng mọng, tôi hỏi thăm thì chị nói bị chồng chửi mắng, ổng nhậu suốt. “Tui muốn bỏ đi từ lâu. Có một người thương tui từ lúc chưa lấy chồng giờ vẫn đợi. Mà vì con nên đành…Đời mình coi như bỏ cô à”. Và mỗi đêm, xong hết việc nhà, trên bến dưới thuyền đã ngủ yên, chị lại ra đứng tựa mạn thuyền nhìn lên bờ tư lự.

Tôi không thích hình tượng hòn vọng phu, bởi chỉ thấy ở đó một nỗi buồn vô vọng. Một người đàn bà tựa mạn thuyền, lơ đãng nhìn cuộc sống sắc màu chảy trên phố, gợi nhiều liên tưởng, suy nghĩ hơn. Như hôm nay tôi tựa mạn đời, nhìn ra sông tối thấy người đàn bà ấy, bỗng bâng khuâng. Khoảng sáng cuối thuyền, một người đàn ông ngồi hút thuốc. Người đàn bà ấy đang nghĩ gì? Có bao giờ cuộc sống bình yên, đơn điệu như nước chảy qua cầu kia thôi thúc chị lúc nào đó bỗng muốn lên bờ?

Nhìn người đàn bà tựa mạn thuyền tôi lại nghĩ đến Francesca - nhân vật chính trong bộ phim nổi tiếng của Mỹ “Những cây cầu quận Madison”. Câu chuyện tình yêu chỉ diễn ra trong ba ngày nhưng sống động, thuyết phục qua cách kể, dẫn dắt tài tình câu chuyện đời người cùng nỗi niềm thầm kín của một phụ nữ yên phận với đời sống thôn quê bình lặng, một cuộc hôn nhân buồn tẻ.

Hình như có không ít phụ nữ như Francesca trong câu chuyện phim, mòn mỏi chờ đợi một điều gì đó sẽ đến mà không bao giờ đến. Mà đến, có khi lại tự giết chết mình để quên đi.
Hình ảnh ấn tượng nhất đọng lại: Phố mưa mù mịt. Chiếc xe của người yêu - nhiếp ảnh gia chớp đèn nôn nóng chờ bên kia ngã tư. Ngồi cạnh chồng trong một chiếc xe khác, bàn tay Francesca nắm chắc chốt cửa xe hơi, chỉ cần một giây cương quyết xoay để bước ra một cuộc đời khác. Nhưng không, bàn tay cô phân vân rồi khựng lại buông rời. Và những giọt nước mắt nhạt nhoà như mưa trên kính xe trước mặt. Ánh đèn xe bên kia ngã tư lập loè tuyệt vọng.

Đôi khi, chúng ta neo đời mình, tình mình vào một bến bờ, một người nào đó. Bến đục, bến trong , bình yên hay chòng chành sóng khiến ta một lần lên bờ có thể không muốn trở lại nữa. Có không ít phụ nữ như Francesca, phút cuối chùng lòng, lưỡng lự, dù rất yêu nhưng tự thắt trái tim mình để tiếp tục sống cuộc đời bình lặng, buồn tẻ hay cuộn sóng. Hẳn có lí do. Trái tim rung động ngay lần đầu gặp gỡ, nhưng trái tim cũng tỉnh táo tự cảm và mách bảo.


Rồi cũng trôi qua những lặng thầm của nỗi buồn mang tên đàn bà…

ĐỖ NGỌC

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

* Khăn, áo từ photo by Đỗ Ngọc

Hàng vạn files ảnh trong kho tư liệu của tôi. Xem lại, nhiều khi tôi cứ tiếc nuối "Những files ảnh này để làm gì? Ta như kẻ lang thang đi lượm lặt, góp nhặt cái đẹp. Đẹp, rồi sao, để làm gì?". Một ngày tôi nung nấu ý nghĩ "Cái đẹp phải được chia sẻ, phải được ứng dụng vào đời sống", khi nửa đêm xem lại những bức ảnh "vớ vẩn gió mây hoa cỏ" của mình. Đến cái ảnh chụp mặt nước Hồ Gươm, trong đầu tôi bỗng loé lên ý tưởng "phải thực hiện bộ khăn lụa hoa và mặt nước Hồ Gươm". Có một lần, tôi đứng lặng ngắm nhìn những đoá lộc vừng rơi rụng, trôi trên mặt hồ gợn sóng lăn tăn, những cành khô khẳng khiu lung linh bóng nước. Lúc ấy tôi ước: "Gía mà làm được một chiếc khăn lụa từ mặt nước này". Đó là khởi đầu câu chuyện khăn ảnh.

Tôi chia sẻ mong muốn này với người bạn thân thiết - nhà thiết kế thời trang Hồ Trần Dạ Thảo: "Em hãy thực hiện những chiếc khăn lụa từ ảnh của chị". Thảo hưởng ứng ngay "Chị chuyển files ảnh cho em". Tôi cặm cụi vài đêm xử lí, ép màu trên files ảnh để cho ra những bản demo trên laptop. Một tuần sau, sản phẩm đã ra đời. Tôi vui sướng nâng niu từng chiếc khăn, cái đẹp tôi tìm kiếm không vô dụng nằm mãi trong folder, nó đã thành vẻ đẹp hiện thực trên vai người phụ nữ. Không chỉ là khăn, với những chiếc khăn lụa-ảnh này, bạn đã choàng lên vai một vẻ đẹp.

Nguyên tháng qua tôi say sưa với "dự án trò chơi mới" đầy hứng thú này. Sản phẩm ra mắt được bạn bè đón nhận, vài mẫu đã bán hết trên mạng trước khi ra mắt, trong đó có hai mẫu rất hot :). Hôm qua, chúng tôi đã cho ra mắt bộ khăn áo thực hiện từ hoa trà Nhật Bản, tôi chụp được ở Nagasaki. Bộ sản phẩm mới này vừa post lên mạng đã được bạn bè khen ngợi, nó đã được mua độc quyền. "Cái đẹp phải được chia sẻ", tôi đã thương lượng để người mua độc quyền cho nhân bản thêm vài copy cho những bạn khác cũng được sở hữu, giá "độc quyền ban đầu" giảm chỉ còn 30%.

Đây, những sản phẩm từ photos by Đỗ Ngọc:

Mặt nước Hồ Gươm - photo by DoNgoc


Hoa lộc vừng trên mặt nước Hồ Gươm

Khăn lụa từ photo by DoNgoc (được xử lí ép màu)

Người mẫu, nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo và khăn lụa photos by DoNgoc







Hoa trà Nhật Bản và khăn, áo đầm thực hiện từ photos by DoNgoc



Kênh xanh - photo by DoNgoc

Thành khăn trải bàn từ ảnh

Khăn lụa, mẫu mới nhất từ photo by DoNgoc