Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

* Nhố nhăng à... :)



Trong mắt tôi nhiều năm dài, em là một quý cô ..."nhố nhăng". Biểu tượng cảm xúc smile
Một "thương hiệu" mà chính em cũng tự nhận và cười như ...đúng rồi. Ai nói sao...kệ cha, vui là được, có gì quan trọng đâu. Chả ai có thể tác động hay ...thay đổi được cô gái hay mặc áo bảng màu xanh đỏ tím vàng, quần jean te tua. Mọi người vẫn cười xấu em "cái kon buồn cười nhỉ, áo đằng áo, quần đàng quần, khăn một nẻo". Chả xi nhê gì, em chấp hoặc... khinh. Bởi em đi đường em, mọi người đi đường mọi người, ai nói ...kệ cha.

Viết mảng hôn nhân gia đình, rồi phụ trách mảng hôn nhân gia đình (online) của Báo, nhưng nghịch lí là em độc thân, dù phản ánh, ta đây khuyên nhủ, định hướng người ta đủ điều về hạnh phúc, tình yêu, tình bạn ... Ai nói gì, trêu chọc gì... kệ cha. Em bình thản đi qua cuộc đời, qua bàn làm việc của tôi mỗi ngày, với cái áo lùng bùng đủ màu, chả cần màu nào đi với màu nào, cái quần sần sùi, túi hộp lung tung, giày thể thao có khi ...rất mốt mà chả ăn nhập với nhau. Em ngồi ngoan cả ngày sau màn hình, lâu lâu lại phát một câu còm đểu cho cả phòng cười chơi, hay vào nhà (FB) người ta dạo một vòng rồi reo lên "A, cho em bài này, em chôm hình kia". Dù sao, em cũng là người tử tế, ăn trộm có báo trước. Em ăn chay trường, ngủ chay hay không thì trời biết; hoặc trước đây quá mặn mà sau này phải ăn năn chay tịnh. Lời lẽ em lại rất đời và sexy, chúng tôi phải gọi bằng ... bà nội.
Em thường nheo nheo mắt, tưởng ko chú ý đến điều gì vì người như em khác gì nữ tu, trừ ánh nhìn đôi khi rất ...nham hiểm của chị Hai băng đảng. Năm nào em cũng đi Ấn Độ vào dịp Xuân. Vào tháng chạp khi mọi người bù đầu chuẩn bị nội dung xuân online thì em bình thản chuẩn bị hết, rồi đi. Cả ban rất ức, ghen tức xỉa xói "Ờ, Tết ai cũng online trên tầng cây số mà nhà cô vô cảm đi chơi một mình. Ờ, Ấn Độ dạo này hay xảy ra tình trạng bạo hành tình dục, coi chừng ...bế em bé về cũng lời". Kệ cha ai nói gì, em chỉ nheo mắt, cười nhếch mép, rồi em đi. Sau 20 ngày vi vu Ấn Độ mỗi mùa xuân, đau xót là em đều lành lặn trở về, cười cười: "Có đi qua đi lại tuyến xe bus xảy ra vụ án hấp diêm tập thể nổi tiếng mà chả bị gì". Tóm lại là em chả bị làm sao. Bạn bè nói đểu: "tội nghiệp, coi như lỗ vé máy bay".
Ở em tập trung mọi nghịch lý: vừa như nữ tu vừa như dân xã hội đen đã tự phục hồi nhân phẩm. Năm tháng qua đi, em lại càng trở nên bình thản, vô ưu, như con rùa đá lim dim buồn ngủ nhưng thấy hết, biết hết.
Cảm ơn cô gái, bạn đồng nghiệp lâu năm của chị. Trong số "tài sản" chị mang theo khi rời chốn ấy, có chiếc đèn đá thạch anh - em đem từ Ấn Độ về tặng chị. Chao ơi, nó nặng lắm. Trọng lượng của nó càng ý nghĩa khi chúng ta tạm xa nhau. Giờ, nó ở đúng vị trí, trong phòng khách nhà chị. Nhìn nó, chị nhớ em, nhớ "bức hoạ chưn dung" em "vẽ" chị dưới đây.
Chúc mừng sinh nhật em, Trường Sơn (Hạnh Nhơn) <3

Chân dung chị, em vẽ:
Mụ DONA Đỗ

Mụ được ban PNO trao danh hiệu “cười đểu”, ( còn đứa hay nói đểu là tôi), thế nhưng mụ khóc rất… thật, rất chân tình. Mụ cười nức nở như liên xô, khóc òa òa…cũng như…liên xô. Bây giờ, chắc mụ cũng chẳng nhớ, mụ khóc vì những chuyện gì, tôi thì nhớ, nhiều lần là chuyện mụ đọc bài trên báo, dính đến trẻ con ( bị đánh đập, tự tử…). Lúc ấy, mụ nữ tính hết biết.

Mụ xinh lắm, tôi còn nhớ ngày đám cưới, “nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo”, thỉnh thoảng tôi nhắc lại, khen mụ xinh, hình như mụ ngượng, mụ liếc tôi “mày cứ nói vớ vẩn…”.
Mụ đi đứng rất đường bệ, đám con trai đồng nghiệp thua xa tính men của mụ. Thế mà mỗi lần mụ đi họp hành, hay đi họp mặt ( chủ yếu gặp toàn các gái), dù rất vội, mụ cũng chạy đến trước gương “quẹt son”, xẹt qua, xẹt lại…thế là có một làn môi ngoan. Tôi thích nhìn mụ lúc ấy, nữ tính yêu kiều lắm…

Mụ viết phây hay cực, nên tôi chôm cả bài lẫn hình. Mụ viết về chồng về con…phải nói cực kỳ đàn bà tinh tế. Ai mới gặp mụ, tưởng mụ không biết nấu cơm, lầm chết, mụ đảm đang khiếp…Mụ đi Đông, đi Tây, chuyện gì thế giới biết hết, nhưng tôi thích nhất mụ kể chuyện chồng, chuyện con…nghe thắm thiết lạ. Phải gọi mụ là người đàn bà đắm đuối.

Hôm chiều thứ sáu cuối tháng 8, mụ vào tòa soạn dọn đồ và chào tạm biệt. Mụ bắt mấy đứa trong phòng: “ngồi im tại chỗ, không được chạy tới mụ, chỉ nhìn theo thôi”. Mụ đi nhanh, tay vẫy, miệng cười, mắt ướt.…
Mụ nóng hổi, hay ào ào…mà đó là điểm đặc biệt của mụ, chả cần phải đổi thay. Bây giờ, mụ mà nguội đi, chẳng còn là mụ. Mụ nồng nàn với bạn bè, nồng cháy với công việc, nồng nhiệt với cuộc đời này…đến khi mụ thành bà cố, chắc mụ vẫn nóng như thế!

(Chị yêu, xin lỗi đã gọi chị là mụ, nhưng mà thân lắm em mới gọi là mụ đó!)
 — cùng với Đỗ Ngọc Dona
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=275476195974953&set=a.163193107203263.1073741829.100005377234113&type=1&theater

* Buồn

Về thăm ba mẹ ở Vĩnh long, ăn với gia đình bữa cơm tất niên. Ba mẹ già thêm, lưng còng, mắt mờ, tóc trắng xoá mà miệng cười héo hắt rưng rưng.

Ba bảo: "Con mang máy ảnh về không, chụp cho ba cái ảnh bán thân đặng mai này tụi bay làm đám, thờ cũng tiện". Nhất định mặc cái áo quân phục cũ sờn, con phải vá lại cổ áo. Nhìn ngắm ba qua ống kính mà nước mắt con chảy. Cả đời, con đã chụp chân dung bao người, nhiều nhất là các cô gái, những người phụ nữ đẹp. Con bảo họ "Nhìn hút vào mình này, nhìn nồng ấm nhé, rất hiền nhé"... mà hôm nay con nghẹn ngào không nói nên lời. Rồi con bấm máy. Ảnh nét mà mắt con mờ. Con thường tìm lại những người mà con đã chụp họ hàng chục năm trước. Nhưng hôm nay con biết rằng, ngày nào đó con muốn "tìm" cũng không bao giờ gặp được ba nữa. Trong con ba mãi mãi là người cha thương yêu, ấm áp, người dắt con đến trường, người thường an ủi những lúc, những quãng con buồn khổ...

Cuộc đời ngắn ngủi và chúng ta chỉ có một cha mẹ thôi!

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

* Tết miệt vườn

(Bài đăng báo xuân Nhân dân hàng tháng 2015)

Khoảng 20 Tết, đi từ Sài Gòn về miền Tây, đã thấy màu sắc, không khí Tết rộn ràng. Dưa hấu, hoa kiểng, bánh trái được bày bán dọc theo quốc lộ 1, rộn rịp kẻ mua người bán. Hai bên đường, hoa mai vàng hé nụ, bắt đầu khoe sắc trong nắng phương Nam ấm áp.

Ấm áp xuân sum họp

Năm nào, gia đình nhỏ của tôi cũng về ăn Tết ở Vĩnh Long, nơi cha mẹ tôi sinh sống, để vui đón Tết cùng đại gia đình. Tết phương Nam vui, “không khí” nhất lại là những ngày trước Tết. Cả năm lo làm ăn, bận rộn mưu sinh vất vả, ai cũng nôn nao chờ xuân đến Tết về. Tết, với người dân miền Tây Nam bộ vẫn là mùa làm ăn, hy vọng thu hoạch khấm khá sau những tháng ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng ruộng. Là hi vọng một năm mới tốt lành, gia đình quây quần đoàn tụ.


Gần Tết, đặc sản Tết bày bán khắp nơi dọc theo QL1, nhiều nhất là dưa hấu, bánh, mứt trái cây, bánh tráng và đủ loại mắm: mắm tôm chua, mắm lóc, mắm cá linh, cá sặt…Tôi thường ghé mua rượu nếp than và đế Gò Đen - hai đặc sản nổi tiếng của tỉnh Long An, được bày bán nhiều tại địa phận Bến Lức, làm quà cho gia đình. Sản phẩm của làng rượu Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) có hương vị thơm ngon đặc biệt, được cất từ các loại gạo nếp mỡ, nếp hương, nếp than… trồng tại địa phương. Ngày xuân, lai rai ly rượu nếp than đậm đà hay ly đế Gò Đen thơm hương nếp cùng gia đình, bạn bè, bên cạnh những món ngon phương Nam, không gì thú vị bằng.
Đêm trước ngày về quê, các con tôi thường nao nức soạn quần áo mới, những món quà nhỏ để đem về biếu ông bà ngoại và làm quà cho đám trẻ anh chị em họ. Hai đứa còn “diễn kịch” với nhau sẽ chúc ông bà ngoại như thế nào, lời chúc luôn có câu “Kính chúc ông bà mạnh khoẻ, sống lâu trăm tuổi”. Xe dừng trước nhà, chưa kịp xuống xe đã thấy cha mẹ tôi đứng chờ ngay trước cửa, nụ cười rạng rỡ trên hai gương mặt phúc hậu tóc bạc phơ. Những đứa con lớn lên, như chim tung cánh bay xa, mỗi năm vài lần trở về thăm cha mẹ, căn nhà xưa yêu dấu, đông đủ nhất vào dịp Tết.
Nhà cha mẹ tôi nằm bên bờ sông Tiền. Trước Tết hai tuần, cha tôi thường đem bộ lư đồng mấy chục năm tuổi ra đánh sáng choang bằng tro bếp. Ông nói, con người có nguồn cội, bận rộn gì cũng phải chăm nom bàn thờ ông bà tổ tiên, coi trọng mâm cúng ngày giao thừa đặng rước ông bà về vui vầy năm mới cùng con cháu. Vườn mai kiểng trước sân nhà được cha tôi chăm sóc, tưới tắm, cắt cành tỉa lá công phu để hoa nở đúng những ngày Tết. Tết năm nào anh chị em trong nhà cũng đi chợ hoa mua tặng cha mẹ một chậu mai vàng. Năm tháng qua, cha mẹ thêm tuổi, khoảnh sân rộng trước nhà thành vườn mai kiểng mấy chục cội. Mấy chục gốc mai là mấy chục mùa xuân gia đình vui vầy đầm ấm bên nhau.
Mỗi người một tay bày biện, sửa soạn Tết. Đám đàn ông trong nhà dọn dẹp, bày biện lại nhà cửa. Các chị em gái ngào bột làm bánh kẹp, mứt dừa hay gói ít đòn bánh Tét nhân dừa, nhân đậu để ăn ba ngày Tết và đem về thành phố làm quà. Bữa cơm chiều 30 Tết đầy đủ các thành viên trong gia đình. Mỗi người trổ tài làm một món ngon, bữa ăn cuối năm có món gỏi gà xé phay bóp hoa chuối, lẩu vịt nấu chao, cà ri, tôm càng kho tàu, hủ tiếu xào hải sản... Cha tôi luôn là người nâng ly rượu chúc Tết, mong muốn mọi điều tốt lành, hanh thông cho con cháu. Mọi người chúc nhau, con cháu mừng tuổi ông bà, ông bà cậu dì lì xì cho con cháu…ấm áp tình gia đình trong bữa cơm đoàn tụ cuối năm.

Sắc xuân miệt vườn
Tết nào tôi cũng dạo chợ hoa xuân Vĩnh Long bên bờ sông Tiền. Đây là một trong những chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền quy mô và đẹp nhất vùng đồng bằng Cửu Long. Đoạn bờ sông dài hơn 1km rực rỡ thảm hoa đủ màu sắc. Hoa kiểng từ làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), từ Đồng Phú, Chợ Lách (Bến Tre), từ cù lao An Bình, Bình Hoà Phước theo ghe tấp bến nhộn nhịp. Nào là hoa mai, hoa giấy, cúc đủ loại, vạn thọ, đỗ quyên, quất kiểng cùng nhiều loại bonsai tuyệt đẹp… Nhiều người dân từ các cù lao bên kia sông bơi xuồng về chợ chơi, tiện thể bẻ vài cành mai bán kiếm ít tiền xài Tết hay quần áo, quà Tết cho sắp nhỏ ở nhà. Tiếng chào mời, trả giá rộn một góc đường. Không chỉ mua bán, niềm vui dạo chợ, nhìn ngắm hoa kiểng mùa xuân bừng sáng trên gương mặt mỗi người. Yêu nhất những chiếc xe lôi đạp chở hoa thuê len lỏi giữa phố đông, toả đi các ngả, đưa hoa xuân về nhà người mua. Xuồng, ghe liên tục ra vô, đưa lên bờ hàng chục chậu hoa, kiểng, trái cây các loại. Chợ Tết miền Tây thường bày bán bộ trái cây cúng Tết gồm mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài, thể hiện mong ước “cầu vừa đủ xài”. Niềm hy vọng, lời nguyện cầu ở năm mới của người miền Tây quê tôi giản dị, chân thật thế thôi.



Mùng 2 Tết nào tôi và nhóm bạn học thời cấp 3 cũng qua phà Bắc Cổ Chiên sang cù lao Bình Hoà Phước thăm và chúc Tết bạn bè. Đây cũng là dịp người ở phố thị đi chơi, thăm thú, thưởng thức không khí Tết miệt vườn. Tàu chở khách du lịch trong và ngoài nước rẽ sóng băng băng qua sông, đi sâu vào những con kinh nhỏ của làng quê hiền hoà yên ả. Các điểm du lịch sinh thái, nhà hàng - vườn cây trái, hoa kiểng thu hút đông du khách. Con đường đất ngày xưa, nay là đường bê tông dẫn chúng tôi đi sâu vào miệt vườn trù phú, cây trái xanh tươi, trĩu quả. Hai bên con đường nhỏ, hoa mai vàng rực hàng rào, sân nhà. Chúng tôi gặp lại lớp trưởng, lớp phó nay là hiệu trưởng, nông dân sản xuất giỏi nhà kề bên nhau. Anh kỹ sư nông nghiệp từ cù lao Đồng Phú sang, cô giáo dạy Văn từ chợ Lách chạy xuồng về…bạn bè tay bắt mặt mừng, thăm hỏi, rưng rưng nhìn nhau - những cô cậu học trò mười bảy, mười tám ngày nào tốt nghiệp trung học, giờ tóc đã điểm bạc, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hằn dấu thời gian.

Cả bọn cùng nhau ra vườn hái rau, bẻ trái, trò chuyện ríu rít như thưở học trò. Rau nhà lá vườn đủ loại: lá xoài non, lá cóc, đinh lăng, húng nước, rau troại, rau tập tàng …được các “nữ sinh” hái để cuốn bánh xèo, nấu canh với tôm khô. Các “nam sinh” hùa nhau lấy vợt xúc cá tai tượng hai, ba kg một con dưới mương trong vườn. Vườn nhà bạn rộng cả mẫu, trồng đủ loại cây trái: chôm chôm, bưởi da xanh, nhãn, vú sữa. Ở cù lao này, người dân sống hoàn toàn bằng huê lợi từ vườn cây trái. Nhiều gia đình có đời sống sung túc từ thu hoạch trái cây, bán cây giống, chuyên canh kỹ thuật mới, cho trái nghịch mùa bán giá cao. Vườn nhà này cách nhà kia chỉ một bờ đất hay rào kẽm gai chăng lấy lệ. Nhà ở cách vườn cả cây số, không lo bị trộm cắp hay phá phách. Vợ bạn hẹn đầu tháng 6 mùa chôm chôm chín đỏ, bạn bè nhớ về chơi. Mọi người thích thú bẻ dâu, những cây dâu chi chít trái, xoài xanh giống mới mỗi trái nặng cả ký lô, mít dày trái từ gốc đến ngọn…


Những cô cậu học trò lớp 12A3 thưở nào của tôi

Dọc  đường quê, thường gặp cảnh “độ nhậu” tưng bừng. Các gia đình thường bày bàn ăn trước hàng ba mấy ngày Tết. Ai đến thăm, chúc Tết hay người thân quen đi qua đều có thể nhập cuộc, được tiếp đãi nồng hậu, chân tình. Có những gia đình vừa tổ chức nhậu vừa đờn ca cải lương hay hát karaoke. Ở miệt vườn mà không nhậu, nhất là ngày Tết không uống với nhau một ly, không “dô trăm phần trăm” coi như không thiệt tình, dễ…xa nhau. Cả năm làm lụng vất vả, Tết là dịp mọi người được thảnh thơi, vui vẻ “xả hơi”. Món ăn đãi khách ngày Tết ở miệt vườn thường có thịt heo kho hột vịt, khổ qua nhồi thịt hầm, cháo, gỏi gà, bánh tét, giò thủ... Miệt vườn còn nhiều món ngon khác, như lươn um lá nhàu, cá lóc hấp bầu, vịt nấu chao. Bữa trưa của những người bạn học cũ có thêm món tôm càng sông vừa dỡ đáy nướng muối ớt, cá tai tượng chiên xù cuốn với gần chục loại rau nhà lá vườn, khô cá khoai nướng than dừa chấm mắm me... Những câu chuyện, kỷ niệm vui thời học trò được nhắc lại giữa tiếng cười hồn hậu của những cô cậu học trò thưở mười bảy đôi mươi ngày nào, xen tiếng “dô, trăm phần trăm”… Có đi đâu rồi cũng trở về, để thấy ấm áp trong tình bạn, tình người miền Tây. “Tháng sáu nhớ về nghen, mình chờ!”, bạn nắm tay hẹn hò lúc chia tay, mọi người xuống ghe về lại bờ bên kia phố thị.

Những ngày Tết quê rồi cũng qua mau, ai nấy lại trở về cuộc sống, công việc thường ngày. Mỗi lần chào cha mẹ trở lại thành phố, tôi lại cảm thấy nao lòng khi nghe câu hỏi của ông bà: “Chừng nào bây lại về?”. Rưng rưng nhìn mái tóc cha mẹ bạc phơ, ánh mắt đục dần theo năm tháng nhìn hút theo những đứa con đang xa dần. Lại sợ, ngày nào đó những mùa Tết thương yêu đầm ấm của đại gia đình bên cha mẹ sẽ chỉ còn trong kí ức…

Bài và ảnh: Đỗ Ngọc

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Du ngoạn miền Tây ngày Tết

Nhiều người cho rằng, thời gian cận Tết, niềm vui náo nức chờ đón cái Tết cổ truyền đang đến mới thực sự thú vị. Cũng vậy, đi du lịch Tết đang trở thành xu hướng, mà tuyến miền Tây Nam bộ luôn là sự lựa chọn của nhiều du khách.  

Chợ hoa xuân Vĩnh Long

Miền Tây luôn thu hút khách bởi bản sắc riêng độc đáo. Đến với miền Tây là đến với vùng đồng bằng trù phú, vựa lúa của cả nước bên dòng Cửu Long hiền hoà, để thưởng thức vẻ đẹp của đời sống sông nước miệt vườn, những vườn cây trái bạt ngàn, những vườn hoa kiểng có tiếng…Hơn thế, không khí chờ đón Tết, cả năm sống cho một mùa Tết ở miền Tây mới thực sự rộn ràng, với những sắc màu độc đáo sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm đặc biệt, không giống với bất cứ vùng nào.

Từ TP.HCM, chỉ chưa đầy hai giờ xe, du khách có thể đặt chân tới thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), cù lao Thới Sơn – điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng. Chuyến du ngoạn tàu thủy trên sông Tiền đưa du khách qua bốn cù lao Long, Lân, Qui, Phụng. Tàu lướt qua những căn nhà lá đơn sơ, những vườn cây trái trĩu quả, những bè cá, những đứa trẻ bơi lội, vui đùa rộn bến sông… Bạn có thể tham quan những làng nghề ven sông, trại nuôi mật ong, những cơ sở sản xuất bánh kẹo, thưởng thức tại chỗ trà mật ong, bánh cốm, kẹo dừa vừa ra lò nóng hổi, thơm nức. Thưởng thức trái cây tươi ngon, những bữa ăn miệt vườn với cá lóc đồng, tôm càng nướng, cháo gỏi ngó sen gà vườn… được dọn dưới bóng mát vườn cây, trong tiếng đờn ca tài tử Nam bộ, cảm xúc thật tuyệt. Sau bữa trưa, du khách có thể nằm võng đu đưa, mơ màng nghe chim hót; hay dạo quanh làng bằng xe đạp, ngắm cảnh sông nước, những giề lục bình trôi trong hoàng hôn mênh mang tím…

Du ngoạn một vòng tham quan chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) Cái Răng (Cần Thơ) những ngày cận Tết, chuyến đi của bạn thêm thú vị, hoàn hảo. Chợ nổi mùa cận Tết nhộn nhịp hơn hẳn chợ phiên ngày thường, lượng hàng hoá về chợ tang mạnh. Tiếng máy ghe tàu, tiếng người mua bán mặc cả rộn một khúc sông. Tàu hàng đến, ghe xuồng đi, đưa các loại hàng hoá, nông sản phục vụ Tết về khắp các làng quê. Nhìn ngắm quang cảnh mua bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, bạn còn có cơ hội mua sắm nhiều sản vật, rau trái của đồng bằng sông Cửu Long cho những ngày Tết của gia đình mình.

Sầu riêng Cai Lậy

Chợ Lách (Bến Tre) là một trong những điểm đến thú vị của miệt vườn Tây Nam bộ. Nổi tiếng với nhiều loại trái cây tươi ngon, nơi đây còn được biết đến với những làng hoa kiểng đẹp nức tiếng, những nghệ nhân uốn kiểng độc đáo. Từ 20 Tết, đi dọc theo các con đường thuộc địa phận huyện Chợ Lách, bạn sẽ bắt gặp những vườn hoa kiểng rực rỡ, những người nông dân đang hối hả tưới cây, cắt cành, vô chậu, vận chuyển lên xe đưa về các vùng, thành phố để bán Tết. Ngoài hoa kiểng, bạn cũng có thể mua sắm trái cây cho mâm ngũ quả chưng bàn thờ ngày Tết. Chợ Lách nổi tiếng về sản xuất cây giống, có những vườn chuyên canh các loại trái đặc sản như sầu riêng, xoài, mận, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh...

Đến Đồng Tháp, du khách không thể bỏ qua Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), cảnh quan thiên nhiên còn sót lại của Đồng Tháp Mười, điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Tràm Chim là nơi sinh sống của trên 130 loài thực vật bậc cao, có hơn 200 loài chim, trong đó có 16 loài quý hiếm như ô tác, già đẩy, te vàng, đặc biệt là sếu đầu đỏ, thường bay về Tràm Chim cư trú từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5.

Khu du lịch Gáo Giồng (Đồng Tháp)


Khu du lịch Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) cũng là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, được mệnh danh là "Đồng Tháp Mười thu nhỏ",  nơi sinh sống của nhiều loài thực động vật đặc trưng, phong phú  của vùng Đồng Tháp Mười. Từ đài quan sát cao 18m, du khách có thể ngắm toàn cảnh khu du lịch Gáo Giồng với màu xanh bạt ngàn của rừng tràm, những dòng kênh xanh in bóng thân tràm lung linh. Thú vị nhất là ngồi xuống ba lá đi dọc theo những con kênh len lỏi giữa rừng tràm, những đồng lúa ma, năn, súng…ngắm cảnh từng đàn chim, cò chấp chới cánh bay về tổ lúc hoàng hôn tím sẫm.  Món cá lóc cuốn lá sen nướng chui, canh chua cá linh nấu với bông điên điển, cá rô đồng kho tộ…chiêu cùng rượu nếp cẩm là những món ngon nơi đây sẽ làm thực khách nhớ mãi. 
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê (còn gọi là nhà Người tình, TP Sa Đéc) gắn với tác phẩm cùng tên - cuộc tình nổi tiếng của cô gái Pháp, đồng thời là tác giả cuốn sách – Marguerite Duras và chàng công tử con nhà giàu Huỳnh Thủy Lê, từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà đã được trùng tu, vẫn giữ nguyên nhiều vật dụng gốc như ảnh tư liệu, máy hát, bộ ngựa, đồng hồ treo tường, tủ bàn của thời “người tình” – ông Huỳnh Thủy Lê  sinh sống. Dạo quanh nhà, uống chén trà lài ở chiếc bàn đen sẫm dấu thời gian giữa không gian trầm cổ xưa, du khách tưởng như người tình công tử sẽ bước ra chào khách và kể về mối tình với cô gái Pháp yêu kiều thưở nào…
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê (Sa Đéc)

Rời nhà Người tình, bạn hãy đến thăm làng hoa kiểng Sa Đéc - một trong những làng hoa kiểng lớn nhất Việt Nam với hàng trăm ngàn loại hoa khoe sắc chào đón Tết, một trong những điểm đến thú vị, mỗi năm chỉ rực rỡ nhất một lần, vào thời điểm cận Tết. Đừng quên  ghé thăm vườn quýt hồng Lai Vung,  một trong những trái cây đặc sản của Đồng Tháp. Bạn sẽ không thấy ở đâu những cây quýt trái chi chít nhiều hơn lá, chín đỏ cành…

Làng quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

Nơi có cảnh mùa xuân trên bến dưới thuyền đặc trưng, đậm bản sắc Nam bộ nhất  là chợ hoa xuân Vĩnh Long. Chợ hoa xuân Vĩnh Long thường nhóm họp từ 23 Tết, bên bờ sông Tiền lộng gió. Có lẽ đây là một trong những chợ hoa xuân quy mô nhất ở miền Tây Nam bộ, thu hút đông đảo khách tham quan, thưởng lãm, được giới thiệu trên nhiều website và sách hướng dẫn du lịch.
Chợ hoa trên bến dưới thuyền ở Vĩnh Long



Tọa lạc tại trung tâm thành phố, kéo dài khoảng 1km dọc theo bờ kè sông Tiền, chợ hoa xuân (phường 1,TP Vĩnh Long) như một bến xuân rực rỡ sắc màu. Cả một khúc sông rộn ràng ghe tàu chở hoa cập bến, rời bến. Ghe chở hoa từ làng hoa Sa Đéc, Bến Tre, từ các cù lao Bình Hoà Phước, An Bình, Đồng Phú…đổ về chợ. Nhiều chiếc ghe nhỏ chỉ chở vài cành mai, dăm chậu hoa cúc, vạn thọ…là cây hoa vườn nhà được người dân đem bán nhân chuyến đi chơi chợ, lấy tiền mua chút quà Tết cho sắp nhỏ ở nhà, mua các loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài… để làm mâm cúng “cầu vừa đủ xài” đặt trên bàn thờ tổ tiên ngày giao thừa, cầu một năm mới no ấm, an bình cho gia đình.
Đây cũng là chợ hoa mà người mua có thể rảo xe máy xuôi dọc, dựng xe rồi lựa hoa hoặc yêu cầu người bán chất hoa lên xe cho mình. Những chiếc “xe hoa” đan nhau, tỏa đi các ngả với những nụ cười lấp lánh, những chiếc xe lôi đạp ba bánh chất đầy hoa rời chợ về nhà. Hoa đến, hoa đi trong tiếng nói cười rộn rã một bến xuân…

ĐỖ NGỌC



Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Món quà yêu thương dành cho phụ nữ

(Bài đăng tạp chí Người Đẹp số xuân 2015)


Bài viết trên tạp chí Người Đẹp xuân 2015

Khoảng đầu tháng 12-2014, facebook Đỗ Ngọc Dona và Thao Safari tràn đầy màu sắc của những chiếc khăn lụa xinh xắn có in ở góc khăn “photo by Do Ngoc” cùng những lời chúc mừng thương mến của bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Mọi người chia vui cùng đôi bạn thân, nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc và nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo, vì đã “thai nghén” và thực hiện thành công những chiếc khăn lụa độc đáo in nguyên vẹn các bức ảnh do Đỗ Ngọc chụp.

Từ ước mơ của nàng phó nhòm lãng mạn:

Hẹn gặp Đỗ Ngọc, nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM Online, chị tâm sự, sau nhiều năm cầm máy, hiện kho tư liệu của chị chứa hàng vạn ảnh. Xem lại, nhiều khi chị cứ tiếc nuối "Những file ảnh này để làm gì? Mình như kẻ lang thang đi lượm lặt, góp nhặt cái đẹp. Đẹp, rồi sao, để làm gì?". Một ngày chị chợt nghĩ "Cái đẹp cần được chia sẻ, cần được ứng dụng vào đời sống", khi nửa đêm xem lại những bức ảnh "gió mây hoa cỏ" chụp khắp bốn phương của mình. Xem đến các ảnh chụp mặt nước Hồ Gươm hồi cuối tháng 10-2014, trong đầu chị loé lên ý tưởng "Sao mình không thực hiện bộ khăn lụa hoa và mặt nước Hồ Gươm". “Chuyến đi Hà Nội vào mùa thu vừa rồi tôi cứ đứng lặng ngắm những đóa lộc vừng rơi rụng, trôi lững lờ trên mặt hồ gợn sóng lăn tăn, những cành cây khô khẳng khiu lung linh bóng nước và tôi đã ao ước giá mà làm được một chiếc khăn lụa từ hình ảnh mặt nước này". Câu chuyện khăn ảnh “photo by Do Ngoc” khởi đầu như thế.

Về đến Sài Gòn, chị Đỗ Ngọc đã chia sẻ ngay mong muốn này với người bạn thân - nhà thiết kế thời trang Hồ Trần Dạ Thảo- chủ thương hiệu thời trang TSafari. Thảo hưởng ứng ngay: "Chị chuyển các file ảnh cho em, phần còn lại để em lo ". Đỗ Ngọc như được tiếp thêm sự hưng phấn, chị cặm cụi mấy đêm để xử lí, ép màu trên file ảnh để cho ra những bản demo trên laptop.

Khi giấc mơ trở thành hiện thực:

Chỉ một tuần sau khi 2 người bạn- 2 niềm đam mê nhiếp ảnh và thiết kế thời trang gặp nhau, những chiếc khăn lụa gửi gắm niềm yêu thương và đậm tính lãng mạn đã ra đời. “Tôi vui sướng nâng niu từng chiếc khăn, cái đẹp tôi tìm kiếm đã không còn vô dụng và nằm mãi trong folder ảnh, nó đã thành vẻ đẹp hiện thực trên đôi vai người phụ nữ”, chị kể.

Bộ sưu tập đầu tiên mang tên “Nước và hoa” có 6 mẫu, gồm 5 mẫu mặt nước Hồ Gươm và 1 mẫu hoa trà chị chụp tại Nhật Bản. 60 khăn lụa được sản xuất đợt đầu đã được bạn bè, khách hàng đón nhận nồng nhiệt.  3 mẫu “hút hàng” nhất là khăn màu xanh cốm, đỏ lộc vừng và màu cà rốt.
Chị Nguyễn Phạm Khánh Vân, một khách hàng của Tsafari nhận xét: “Những chiếc khăn bằng lụa mềm mại, xinh xắn này không đơn thuần là khăn quàng cổ để giữ ấm. Đến với những chiếc khăn lụa - ảnh này, bạn đã choàng lên vai một vẻ đẹp, một tác phẩm nghệ thuật”. Hay chị Phương Duy rất ưng ý với mẫu khăn hoa lộc vừng đa sắc: “Lâu nay mình thích những bức ảnh thiên nhiên của chị Đỗ Ngọc lắm và mình cũng khoái phong cách thiết kế hiện đại pha lẫn nét văn hóa, truyền thống hài hòa, duyên dáng của chị Hồ Trần Dạ Thảo, nên sở hữu chiếc khăn này xem như có một kỷ niệm đẹp giữa 2 người bạn quý”.

Riêng hình hoa trà được Đỗ Ngọc chụp ở một ngôi đền nhỏ tại Nagasaki (Nhật Bản), chị và Thảo đã thực hiện 1 bộ gồm khăn và áo đầm. Mẫu mới ra đã được một khách hàng đề nghị mua độc quyền. Khi bộ sản phẩm mới này vừa post lên mạng đã được bạn bè khen ngợi. " Với quan điểm cái đẹp nên được chia sẻ, tôi đã thương lượng để người mua độc quyền cho nhân bản thêm vài copy cho những bạn khác cũng được sở hữu, giá độc quyền ban đầu giảm chỉ còn 30%”, chị Đỗ Ngọc cho biết.


Hoa trà chụp tại Nagasaki


Và áo đầm từ ảnh hoa trà


Mẫu khăn mới, mặt nước Hồ Gươm

Say sưa với "dự án trò chơi mới" đầy hứng thú này, nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc và nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo mơ ước sẽ tiếp tục thực hiện những tấm khăn trải bàn, áo thun, áo gối thành những tác phẩm thời trang nghệ thuật, “sự kết hợp ngọt ngào và quyến rũ” giữa lĩnh vực nhiếp ảnh và thời trang. Nói là làm liền, chị Đỗ Ngọc vừa khoe tác giả bài viết này tấm khăn trải bàn in hình phong cảnh chị chụp tại Hồ Tràm, rất ấn tượng, vừa nghệ thuật vừa giàu tính ứng dụng. 

Ảnh chụp dòng kênh xanh tại Hồ Tràm Santuary và ...
Sản phẩm

Hai cô nàng đam mê nghệ thuật này đang chuẩn bị ra mắt bộ sưu tập khăn lụa ảnh thứ 2 là hoa trà, hoa đào, hoa tulip, hoa hải đường và bộ sưu tập thứ 3 là vẻ đẹp vùng Tây Bắc.

Nếu muốn ngắm nhìn những chiếc khăn lụa được tạo ra từ niềm đam mê và tình yêu dành cho phụ nữ này, hãy dành chút thời gian ghé Cửa hàng thời trang TSafari, số 3A Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM bạn nhé.


NGỌC HƯỜNG     

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

* Tìm người trong ảnh, 19 năm sau

(Bài đăng báo xuân Pháp Luật TP.HCM 2015)

Tôi rất quan tâm đến những con người, nơi chốn tôi từng qua đã thay đổi thế nào sau nhiều năm tháng. Hành trình tìm người cũ, chốn xưa cũng là hành trình ngược về thời tuổi trẻ nhiều kỷ niệm. Mùa thu 2014, mười chín năm sau khi chụp bức ảnh “Cô gái H’Mông”, tôi đã trở lại Sapa tìm người trong ảnh.
Sapa 1995
Đó là một sáng mùa thu năm 1995, tôi cùng các tay máy trong CLB nhiếp ảnh Hải Âu ghé bản Cát Cát, hành trình cuối của chuyến xuyên Việt dài ngày bằng xe máy. Trước khi vào bản Cát Cát, chúng tôi đã qua các bản Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, ngoại ô Sapa. Ai cũng mê đắm cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng của vùng cao Tây Bắc. Bản Cát Cát nằm trên đường lên núi Phanxipan – nóc nhà của Đông Dương. Cát Cát có vài chục nóc nhà nằm dưới thung lũng, xung quanh là núi đồi, ruộng bậc thang và dòng suối uốn khúc. Đời sống dân bản còn nghèo, người dân (đa số là người H’Mông) sống bằng nghề trồng lúa, ngô và dệt thổ cẩm. Thu hút ống kính chúng tôi nhất là cảnh sinh hoạt đời thường, trang phục đầy bản sắc của người H’Mông, những ngôi nhà trình tường đất, mái lợp bằng những tấm gỗ mỏng, hàng rào đá vây quanh nhà rất đẹp…
                                                              Mã Thị Chú năm 1995
Phó nháy và người mẫu năm 1995

Tôi cùng các bạn đi quanh quẩn trong bản để chụp ảnh, khi đi qua một nương lúa, vườn nhỏ vào sâu trong bản, tôi bất ngờ nhìn thấy một cô gái ngồi ở thềm nhà. Thấy tôi, cô mỉm cười ngượng nghịu và chào bằng tiếng H’Mông. Tôi chưa bao giờ gặp một cô gái vùng cao nào đẹp như vậy, da trắng ngần, mắt to, mũi cao và ánh nhìn rất thông minh. Cô mặc váy áo thổ cẩm màu đen, cổ và tay viền đỏ, đơn giản mà tuyệt đẹp. Tôi làm quen và xin chụp ảnh cô, cô cười bẽn lẽn không nói gì nhưng để mặc tôi theo cô “sáng tác” khắp trong nhà, ngoài sân. Trong nhiều tấm ảnh chụp được, tôi thích nhất bức chụp cô nhìn thẳng vào ống kính với nụ cười thanh xuân e ấp. Lúc ấy cô đang phơi vải ngoài sân, trước ngôi nhà mái gỗ, quanh nhà là hàng rào đá, những cây mận trổ bông trắng xoá bên hiên nhà.
Suốt mấy chục năm cầm máy, “Cô gái H’Mông” – tên bức ảnh là một trong số ít chân dung tôi ưng ý nhất. Đó còn là một trong những kỉ niệm đẹp trong đời cầm máy của tôi.
Cuộc gặp gỡ sau 19 năm
Chúng tôi đến Sapa vào một buổi sáng mù sương ngày cuối thu 2014. Mây mù trôi bãng lãng trên các đỉnh núi, tràn xuống thung lũng. Cảnh vật trầm lặng, mờ ảo trong sương. Tôi cùng nhóm bạn đi xe vào bản Cát Cát, ai cũng háo hức, chia sẻ câu chuyện ảnh 19 năm của tôi. Tôi cầm theo cuốn sách ảnh in 17 năm trước của mình, có ảnh của “nhân vật”, để hỏi thăm phòng khi không tìm được nhà cô ấy. Vật đổi sao dời, ai biết được sau từng ấy năm cô và gia đình có còn sinh sống ở bản Cát Cát hay không.
Tôi đứng ngẩn ngơ ở đầu bản. Cát Cát đổi thay quá nhiều. Bản làng thưa thớt chỉ vài chục nóc nhà dưới thung lũng xưa, giờ là địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, cuộc sống phát triển hơn rất nhiều. Đường chính trong bản đã đổ bê tông, nhiều ngôi nhà xây nền cao, có nhà lợp tôn, ngói. Dường như mỗi ngôi nhà ở trục đường chính của bản đều là một cửa hàng bán thổ cẩm, quà lưu niệm. Đi gần ráp vòng bản, tôi vẫn không tìm ra “ngôi nhà xưa”, nơi tôi đã gặp “người mẫu”. Đưa bức ảnh, tôi hỏi thăm dân bản có ai biết cô, nhà cô ở đâu không. Ai cũng chăm chú xem ảnh rồi lắc đầu “không biết”.
Tôi ôm cuốn sách ảnh, đứng ngơ ngác giữa bản, thất vọng biết tìm cô ấy ở đâu bây giờ. 19 năm rồi, nay cô ấy khoảng 40 tuổi. Đời sống vùng cao vất vả đã biến cô gái xinh tươi “của tôi” thành người đàn bà lam lũ nào, để không ai còn nhận ra cô ấy nữa. Các bạn tôi cũng phụ hỏi thăm. Đang nản thì một thanh niên chỉ bà già người H'Mông ngồi trước cửa hàng thổ cẩm: "Hỏi bà ấy đi, bà ấy sống ở đây từ khi sinh ra, chắc biết". Vừa nhìn ảnh cô gái, bà già cười hồn hậu: “Tao biết nó. Nó lấy chồng ở xã khác. Cậu nó bán hàng dưới kia”. Cả nhóm mừng rỡ đi ngay xuống cuối bản, gặp cậu ruột cô gái, một người đàn ông khoảng 60 tuổi. Ông nói ngay khi vừa nhìn ảnh: "Đúng là con Mã Thị Chú, cháu tao. Nó đang sống ở Sa Pả bên nhà chồng". Ông dẫn tôi đến nhà mẹ cô gái, ngôi nhà vách đất mái gỗ xưa tôi đã đến, giờ được đúc nền xi măng cao ngay dốc xuống thung lũng.
Mẹ cô gái, một phụ nữ H.Mông đẹp lão, đón tôi ở cửa với nụ cười hiền. Được em trai giới thiệu tôi và mục đích chuyến đi của tôi, nhìn bức ảnh con gái bà xác nhận: "Con bà đó, giờ nó già lắm rồi". Nghe lời khẩn thiết của tôi: "Cháu muốn gặp lại cô ấy, tặng cô ấy cuốn sách ảnh này, chụp lại ảnh cô ấy sau 19 năm", bà liền gọi điện thoại di động cho con gái đang ở Sa Pả, cách Sa Pa 8 km. Không hiểu bà nói gì mà sau đó quay sang tôi, cười vui vẻ: "Con gái bà sẽ đến". Tôi vui sướng chờ đợi, ngắm nhìn ngôi nhà xưa, giờ khá khang trang với mặt tiền là cửa hàng, khung cửi dệt thổ cẩm. Trong nhà có gian bếp chứa nhiều loại rau củ, ngô giống, có gác, có TV đang phát sóng chương trình của VTV… 40 phút sau, người mẫu của tôi - Vàng Thị Chú, đến với chồng, một người đàn ông H'Mông trắng trẻo đẹp trai, thư sinh. Tôi nhận ra cô ấy ngay, vẫn nụ cười bẽn lẽn xưa, dù nhan sắc phần nào héo hắt, mệt mỏi. Cô thích thú ngắm nhìn chân dung mình trong cuốn sách ảnh của tôi rồi cười ngượng nghịu thanh minh “Cuộc sống vất vả, mình già và xấu lắm rồi".
                                                                    Mã Thị Chú 2014
                                             Người mẫu và phó nháy gặp lại sau 19 năm
Mã Thị Chú và chồng tại nhà mẹ cô ở bản Cát Cát

Ở tuổi 40, Mã Thị Chú giờ có ba con, con gái đầu đã lấy chồng. Như vừa hôm qua thôi, sau 19 năm, tôi lại say sưa chụp ảnh cô ở góc sân với những dải vải đũi vừa nhuộm phơi ngang sân. Nhìn cô ấy mắt nhiều nếp nhăn, có chiều mệt mỏi nhưng nụ cười vẫn bẽn lẽn như xưa, lòng tôi trào lên niềm thương cảm. Không chỉ thương câu chuyện ảnh, một kỷ niệm gắn bó, mà thương cả cuộc đời người phụ nữ, một nhan sắc...
Vợ chồng Chú mặc quần áo mới, trang phục như đi hội làng bản. Họ rất đẹp đôi. Ngắm họ nhìn nhau, cư xử với nhau, tôi cảm nhận được hạnh phúc của vợ chồng họ. Seng cho biết, anh là người chồng thứ hai của Chú. 19 năm trước khi tôi chụp ảnh, Chú đang sống với người chồng đầu tiên. Hai năm sau cô li dị người chồng đầu mà chưa kịp có con. Sau đó cô kết hôn với Seng. Anh kém vợ ba tuổi, con gái lớn vừa lấy chồng, hai đứa sau đang đi học. Vợ chồng Seng sống bằng nghề làm nương, đủ ăn. Ngồi nói chuyện mà mẹ Chú cứ nhìn tôi cười, thỉnh thoảng lại cầm tay tôi lắc nhẹ: “Quý lắm, chụp ảnh bao nhiêu năm rồi còn trở lại!”. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh sự đổi thay của bản Cát Cát, cuộc sống của người dân, thăm hỏi nhau về gia đình, con cái…Rồi cũng đến lúc ra về. Tôi tặng cho Chú và mẹ cô chút quà, chia tay họ với lời hẹn ngày nào trở lại Sapa, tôi sẽ gọi điện thoại cho cô. Chú đùa: "Hai mươi năm nữa lại gặp để chụp ảnh, mình thành bà cụ già lắm rồi". Chồng cô chở tôi bằng xe máy ra đầu bản để về lại Sapa. Dọc đường, tôi khen vợ chồng anh đẹp đôi, Seng mắc cỡ: “Cái vợ nó đẹp thôi, mình chỉ tàm tạm”. Anh ân cần dặn tôi lần sau trở lại nhớ gọi điện thoại trước, vợ chồng anh sẽ đón tôi về nhà ở Sa Pả chơi. Tôi đùa: “Chăm sóc vợ nhé, đừng làm cô ấy buồn mà xấu đi. Lần sau tôi trở lại cô ấy vẫn đẹp và vui, để chụp ảnh cho đẹp nhé!”. Seng cười: “Chị đừng để hai mươi năm mới trở lại nhé. Hôm nay vợ mình vui lắm đấy. Thế nào tối về cũng khoe khắp bản cuốn sách ảnh của chị!”.
Trời đổ mưa phùn, tôi chia tay Seng, bước đi mà thấy lòng ấm áp. Đi xa rồi quay lại nhìn, tôi vẫn thấy Seng đứng nhìn theo ở con dốc đầu bản.
Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc đi và chụp trong đời tôi...

                                                                                                          Bài và ảnh: ĐỖ NGỌC