Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

* Lợi ích của FB :)))

Ông anh hỏi "Bà xã sắp dìa hiu, anh rầu ghê. Trước bà tối mắt tối mũi vì công việc, quen với áp lực đầu tàu. Giờ về, làm gì thì chưa biết, nhưng anh sợ rảnh quá chưa quen lại shock, tâm trạng... Ở không lại nhòm ngó anh làm gì, ở đâu, thì chết".

Mình tư vấn ông ở đây luôn: trước hết anh tặng bả cái ipad, lập cho bà một tài khoản Facebook, nickname càng mơ hồ lộng lẫy càng tốt. FB để làm gì anh biết ko, lợi ích thần thánh lắm, giết thời gian hữu hiệu, chả khác gì ma tuý.
Bả sẽ suốt ngày trên FB, post cái gì đấy ví dụ mặc áo đầm mới làm album chừng 15 ảnh. Post album lên rồi thì năm, mười ngàn người like, còm khen chê. Nội trả nhời 20% đó là hết ngày. Anh biết đấy, người ta like thì phải cảm ơn, người ta khen thì khiêm tốn "em chã", đẹp sao bằng người khen. Chả may có ai chê thì chao ôi là thảm hoạ, bả sẽ mất ăn mất ngủ tức tối nghiến răng kèn kẹt "đồ ganh tỵ", "nhỏ mọn", "dìm hàng"... Với phụ nữ, ko có sự xúc phạm nào bằng khen họ béo tốt, thân hình họ phúc hậu...thế nào họ cũng nghĩ bị móc lò, chửi cha một cách tinh vi. Mà tất cả những điều trên anh phải đồng cảm, chia sẻ với chị. Anh phải like còm đều đặn dù ngoài đời anh ghét cay hận đắng bả. Chồng không like mắc chi thiên hạ like. Thiên hạ không like không sao chứ anh không like là nhức xương lắm.
FB cũng giúp chị thể hiện đẳng cấp, tự do bộc lộ quan điểm. Bả có thể nhảy lên cao chụp ảnh tự sướng theo kiểu cảm giác rất yomost, bả có thể làm vài câu thơ tình yêu cho một anh nào đấy (mà anh đừng ghen, chỉ là bả thể hiện tâm hồn hoang hoải chưa mãn thanh mà thôi), ko sợ đứa nào ý kiến ý cò kiểm điểm cuối năm. Bình thường khó chửi đứa nào ngoài đời thì trên phây, bả có thể chửi tất tần tật, từ các cơ quan đoàn thể, chính thể đến bạn bè chồng con mà mọi người chỉ hoang mang "nó chửi mình bằng chửi ...bố nó". Thik nhất là bả có thể bóng gió mát mẻ trên mạng, đôi khi bêu riếu cả anh mà anh lại tưởng nói ...thằng nào.
Bả là người năng động, hướng ngoại, sẽ chú ý đến các vấn đề dân sinh, xã hội, nhất là các vụ án. Bả sẽ chứng tỏ sự thông tuệ, tinh thần hay phản biện qua các ý kiến. Ví dụ, vụ án Bình Phước mới đây cho thấy người ta có thể can dự tất. Bả có thể bộc lộ thái độ kinh sợ, lên án tội ác. Có thể lên án công an ở đâu mà ko điều tra ra tội ác tày trời. Công an chưa bắt được thủ phạm thì kêu bất tài, ăn hại; bắt được nghi can thì chửi bới "bắt gì nhanh thế, kịch bản dở thế, ép cung, bị áp lực, coi chừng án oan...". Nói chung bả có thể lập luận, suy luận tài tình, hơn đứt cơ quan điều tra. Nói chung, thích nhất là có thể nói đủ thứ mà chả lo chịu trách nhiệm...
Vậy đấy, với cái ipad và một tài khoản FB, anh có thể yên tâm không lo bà để ý đến mình. Chừng anh về hiu thì vợ chồng tha hồ có thời gian like còm lẫn nhau, cùng nhau nói xấu một số đứa là bạn bè thân. Thích lắm anh ạ! :)))
Haha

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

* Album cũ

(Đăng tạp chí HTV số 25/7)

Soạn lại tủ sách, bắt gặp những cuốn album ảnh, vài cuốn đã ố vàng. Hơn 20 năm, kể từ bức ảnh đầu tiên được lồng vào. Lòng bồi hồi khi lần giở từng trang album, mỗi bức ảnh là một câu chuyện nhắc nhớ những kỷ niệm, những sự kiện, chặng đường đời đã qua trải dài theo năm tháng.

                                                            Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng 4/2015


Bức ảnh chụp với nhóm bạn cùng lớp thời sinh viên năm thứ nhất dưới gốc cây ngọc lan trước giảng đường. Những cô cậu mười mười tám, mười chín mắt sáng lòng trong, nụ cười thanh xuân rạng rỡ.  Nhớ đám con gái thường tụ chuyện trò vui vẻ dưới bóng ngọc lan phút giải lao, liếc quanh dè chừng thì thầm hỏi nhau: "Cậu đã hôn bao giờ chưa?", rồi cười rúc rích. Có cô bẽn lẽn: "Lần đầu tiên hôn mình mắc cỡ quá, không dám nhìn vào mắt người yêu. Về nhà soi gương, nhìn chăm chú xem miệng mình...có khác không. Hihi". 

Này là ảnh bốn cô bạn thân cùng có người yêu năm thứ hai đại học - bốn chàng trai là kỹ sư, sinh viên trường khác. Các cặp đã hẹn nhau sẽ cưới cùng một ngày, có con sẽ làm sui với nhau... Ra trường, chỉ một cặp cưới được nhau, c   òn lại đã chia tay, mỗi người một hướng, để 20 năm sau gặp lại vẫn bồi hồi nhắc chuyện xưa mình đã yêu thế nào, ngớ ngẩn và đánh mất nhau ra sao...Vài tấm ảnh thời đi làm ở cơ quan đầu tiên sau khi ra trường. Hình ảnh những chuyến đi, những vất vả, khổ nhọc trong công việc không dập tắt được những nụ cười vui tươi cùng bạn đồng nghiệp. Những nơi đã qua, những người đã gặp, những dự án đã thực hiện... nhật ký hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp, những chân dung trong từng thời kỳ, thỉnh thoảng xen vào nét ưu tư, ánh nhìn đã có màu nghĩ suy, nhưng vẫn mạnh mẽ một sức sống, nghị lực để vượt qua thời gian khó với đồng lương ít ỏi, cuộc sống còn nhiều khó khăn. 

Ảnh chụp cùng người yêu, là chồng sau đó không lâu. Ánh mắt anh trìu mến, sâu lắng của sự tin cậy, yên bình, hạnh phúc có nhau sau bao giông bão cuộc đời. Lại nhớ, ta đã gặp nhau ra sao, không nói lời yêu sao cũng nên duyên, và những lần hờn giận tưởng sẽ chia xa mãi mãi. Đứa con đầu tiên ra đời gợi bao cảm hứng, mềm lòng, tràn ngập thương yêu dịu dàng. Đứa con bé bỏng mắt trong veo, cười hồn nhiên trong vòng tay ấm áp mạnh mẽ của cha. 15 năm sau nhìn lại, vẫn mềm lòng, trào dâng cảm giác hạnh phúc được làm mẹ. Những đứa con đem lại cho chúng ta niềm vui, giá trị, ý nghĩa về bản thân, cuộc sống, gạch nối yêu thương làm nên gia đình. Đứa con bé bỏng ngày nào giờ là cậu thiếu niên tuổi 15, cao lớn hơn cha, hôm qua mắt lấp lánh niềm vui "Mẹ ơi, con đã được chọn vào đội tuyển bóng rổ của trường..." 

Niềm vui trong căn nhà đầu tiên ta sở hữu, tổ ấm đẹp hơn, ấm hơn từng ngày. Nơi có những bông hoa bé nhỏ khiêm nhường toả hương bên cửa sổ, không gian thoảng mùi cà phê những sáng cuối tuần thảnh thơi cùng nhau dưới hiên nhà. Và tràng cười giòn tan con trẻ lưu dấu ở những bức ảnh với những miệng xinh cười hết "khẩu độ"... Trong số những hình ảnh lưu album, nhiều nhất vẫn là những hình ảnh gia đình, những đứa con lớn lên trong từng giai đoạn. 

Đó là một trưa mù sương trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Mây và sương mù tràn đèo núi, thung lũng. Xe bò trong mây mù với tầm nhìn chưa tới 10m, đường và vực sâu ngăn cách bằng những đám lau sậy, cỏ dại. Phía trước có bóng đàn bà liêu xiêu. Nhảy vội ra khỏi xe, bắt kịp khoảnh khắc ngoái lại. Tối nay xem lại ảnh đã chụp được trong chuyến đi, chợt dừng lại rất lâu trước bức ảnh này. Nhớ lại ý nghĩ mình lúc ấy, một cảm giác buồn buồn, đơn côi trên đỉnh mù sương, từ hình ảnh ấy. Những người đàn bà bước đi trong vô định, buồn đau luôn ngoái lại. Dù bước ra khỏi một gia đình hay một cuộc tình…

Một tấm ảnh mình chụp hai nhà báo nỗi tiếng: Nick Út – phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP (Mỹ) và nhà báo Đoàn Công Tính – phóng viên ảnh của báo Quân Đội Nhân Dân, tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM. Hai nhà báo, một thời đưa tin từ hai chiến tuyến, hai người bạn thân sau chiến tranh nắm tay nhau tươi cười trong nắng, phía sau là những chiếc xe tăng của quân đội Mỹ, chiến lợi phẩm ngày nào. Mọi điều rồi sẽ nguôi ngoai, những đau thương mất mát, bi kịch, chiến tranh… sẽ chỉ tồn tại trong ký ức  lịch sử, con người như một vết thương nhắc nhớ những nỗi đau không bao giờ phải lặp lại…Rằng, cuộc sống hoà bình, sinh mệnh con người, sự yên bình và độc lập của một quốc gia là điều cần được trân quý, tôn trọng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. 

Những bức ảnh kể câu chuyện cuộc đời, ở đó ẩn chứa niềm vui, nỗi buồn, những đoạn đời với sắc màu khác nhau, làm nên bảng màu cuộc sống. Những bức ảnh từ thưở tóc xanh đến tóc đã điểm bạc. Ký ức hình ảnh lung linh sinh động về cuộc đời ta đã trải, hôm nay bỗng sống động, bồi hồi...
                                                                                             DIÊN VỸ (Đỗ Ngọc)

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

* Trở lại thành phố tình yêu

(đăng An Ninh Thế giới 15/7)

Tôi trở lại Paris lần thứ ba, đúng 20 năm kể từ lần đầu đến đây vào năm 1995, lần thứ hai vào năm 2008. 20 năm, thời gian đủ cho một con người sinh ra và lớn lên ở thời đoạn đẹp nhất của đời người. Còn tôi, hôm nay trở lại thành phố ánh sáng, thành phố của tình yêu này với một tâm thái khác, một cuộc tìm về.

“Paris có gì lạ không em?”

Paris - thủ đô của nước Pháp - là một trong những thành phố đẹp và lãng mạn nhất thế giới, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm. Nói về Paris, là nói đến đại lộ Champs - Élysées, Khải Hoàn Môn, quảng trường Concorde, tháp Effel, bảo tàng Louvre, vườn hoa Luxembourg…đặc biệt sông Seine với 37 cây cầu nối liền đôi bờ làm nên vẻ đẹp độc đáo, thơ mộng của thủ đô hoa lệ này.


Cũng chẳng có gì lạ. Sông Seine vẫn êm đềm chảy dưới chân cầu, những chiếc tàu du lịch vẫn ngược xuôi trên sông, du khách hát vang vui vẻ, các đôi lứa tay trong tay, hôn nhau say đắm hai bên bờ sông Seine. Bảo tàng Louvre vẫn tấp nập du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng những cổ vật và tuyệt tác nghệ thuật sống mãi với thời gian. Những chiếc xe du lịch hai tầng màu sắc sặc sỡ đầy kín du khách vẻ mặt hân hoan, nối đuôi nhau trên phố. Vườn Luxembourg hoa cỏ rực rỡ, người đi dạo, phơi nắng thảnh thơi ngày cuối tuần. Quán cà phê nổi tiếng Les Deux Margots ở quảng trường Sain Germain des Pre’s, nơi giới văn nghệ sĩ bao đời thường gặp gỡ đàm đạo, nơi khởi đầu mối tình của Jean Paul Sartre và Simon De Beauvoir, vẫn đông kín khách…


Chỉ hơi “lạ” là cây cầu Pont des Arts bắc qua sông Seine tưởng đã sạch bóng khoá tình yêu từ ngày 1/6 khi chính quyền TP Paris quyết định dỡ bỏ khỏi cầu vì sức nặng của hàng trăm ngàn chiếc khoá của các đôi lứa đến từ khắp nơi trên thế giới móc vào hàng rào mắt cáo thành cầu, khiến thành cầu bị gãy, đã được cắt rời và gắn vào bốn cánh của hai đầu cầu. Sự «thất vọng » của du khách về việc những hàng rào khoá tình yêu sẽ biến mất, cuối cùng đã được giải toả, xử lý có hậu. Cầu Pont de Arts với những ổ khoá tình yêu cũng là «tài nguyên» du lịch của thành phố lãng mạn bậc nhất thế giới, sao có thể dỡ bỏ mà không suy tính thiệt hơn. Chính quyền thành phố Paris đã sáng suốt khi có giải pháp hiệu quả và thuyết phục, vẫn lưu giữ tinh thần “lãng mạn” của thành phố hoa lệ và đáp ứng nhu cầu “hoa hồng” của du khách, qua đó thu hút và níu chân du khách.

Và những ngày này, cầu Pont des Arts càng nổi tiếng, trở thành một điểm đến “phải đến” của hầu hết du khách quốc tế, như một cách kiểm chứng thú vị câu chuyện “khoá tình yêu”.
Hầu hết du khách đều vui mừng khi hàng chục ngàn ổ khoá tình yêu vẫn tồn tại, đan móc vào nhau tạo thành bức mành khoá độc đáo. Nhiều du khách vừa xuống sân bay đã kéo valise ra thẳng Cầu tình yêu dạo chơi trong khi chờ nhận phòng buổi trưa.

Du khách dạo chơi nườm nượp trên cầu Pont des Arts. Nhiều nhóm bạn trẻ vui đùa, đàn hát, chụp ảnh kỷ niệm. Nhiều cặp đôi móc khoá tình yêu của mình vào bức mành mới ở đầu cầu. Những cặp khác đi tìm lại khoá tình yêu của mình đã móc vào thành cầu một vài năm hay nhiều năm trước. Đương nhiên những mành khoá hiện còn không đầy đủ khoá như trước, nhưng việc tìm thấy khoá tình yêu xưa của mình vẫn còn cũng là niềm hạnh phúc của không ít cặp uyên ương, dù có thể tình yêu của họ không thành. Đôi bạn trẻ Sarah và Philips đến từ Anh đã reo lên sung sướng khi tìm thấy ổ khoá tình yêu của họ vẫn còn ở mành khoá mới, một ổ khoá xinh xinh màu hồng có khắc tên hai người. “Chúng tôi vừa tổ chức đám cưới và chuyến đi trăng mật này cũng để kỷ niệm ba năm chúng tôi yêu nhau và gắn chiếc khoá tình yêu ở cây cầu này. Tôi hy vọng, ngày nào đó con cháu chúng tôi đến Paris du lịch sẽ tìm thấy chiếc khoá lưu dấu tình yêu của cha mẹ. Đó là câu chuyện rất thú vị, phải không?” - Sarah nói.


Đi một vòng cầu Pont des Arts, từ bên này sang bờ bên kia sông Seine để ngắm nhìn sự vui tươi hớn hở của các cặp đôi và hàng ngàn chiếc khoá tình yêu hẳn ai cũng cảm thấy niềm vui, niềm tin vào con người và đời sống tinh thần đẹp như được thăng hoa, lan toả. Những ổ khoá đủ kiểu dáng, ngôn ngữ, màu sắc, với những chữ khắc tênđan móc vào nhau tạo thành “mạng tình yêu” ngộ nghĩnh. Từ những ổ khoá đồng truyền thống đơn giản cỡ bao diêm, hay nhỏ xíu như con sò, con cua với hai chiếc càng khoá cánh cung đến vòng xích lớn, hay kiểu khoá càng bánh xe đạp… Mà nói vui thì như trái tim nhiều kích cỡ, yêu đương nhiều nhiệt độ, ổ khoá cũng đa dạng để buộc chặt hay “giam giữ” nhau không chia lìa. Dù cuộc đời thực tế có gian khó, khắc nghiệt thế nào thì khi trong men say tình yêu, đôi lứa nào cũng mơ mộng đẹp đẽ với niềm tin và mong ước gắn bó không bao giờ cũ.

“Tình yêu là chìa khoá”


Đến Paris lần này, tôi còn có “nhiệm vụ tình yêu”. Một người bạn của tôi nhờ “Nếu có thể, em hãy tìm cho anh chiếc khoá tình yêu khắc tên anh và người yêu cũ, anh đã gắn lên cầu Pont des Arts nhiều năm trước”. Tôi đi qua nhiều mành khoá, tìm kiếm, xem đến hoa mắt nhưng vẫn không tìm được ổ khoá tình yêu theo lời mô tả của bạn tôi. Chỉ là một lời nhờ vả mơ mộng vu vơ mà tôi kiếm tìm rất nghiêm túc, vì vẻ say sưa khi nói về người cũ của bạn. Một cái gì đẹp đẽ, tha thiết qua hồi tưởng mơ màng của người đàn ông ở tuổi 50 về chuyện tình xưa. Trả lời tin nhắn của bạn “Thấy khoá tình yêu của anh chưa?”, tôi nhắn “Em vẫn đang tìm”, và rồi trong lúc đi tìm, tôi đã gặp câu chuyện tình yêu khác. Một cặp đôi khoảng 60 tuổi, đến từ Đức khiến tôi chú ý khi thấy họ săm soi kiếm tình bên cạnh. “Phải khoá này không, màu xanh, tên anh này?”, “Không phải, màu xanh nhưng tên cô ấy có chữ s phía sau!”. Tiếng reo “Oh, đây rồi!” của người đàn ông làm vài người xung quanh chú ý và đến gần chia vui với ông. Điều thú vị là, đó không phải chiếc khoá tình yêu của cặp vợ chồng, mà là ổ khoá tình yêu khắc tên ông và người yêu cũ. Nhìn vẻ mặt hân hoan âu yếm của người vợ khi nhìn chồng đang rất vui, tôi bỗng cảm thấy ấm áp. Tình yêu thật kỳ lạ, đôi khi ngoài mọi dự đoán. Rồi tôi lại nghĩ, hãy để anh bạn tôi giữ mãi những hồi tưởng ấm áp, mơ mộng về người yêu cũ. Cuộc đời bao thử thách, gian truân không ngừng biến đổi, nhưng hình ảnh người tình dừng lại mãi ở khoảnh khắc chia xa. Hãy để cho hình ảnh, vẻ đẹp xưa của người cũ sống mãi trong trái tim mơ mộng của tình nhân.

“Khoá tình yêu”, chỉ là một cách nói. Có loại khoá nào giam cầm, khoá chặt được con tim với lí lẽ riêng?. Ai cũng hiểu thế, nên khi nhìn thấy tấm băng rôn mới có dòng chữ tiếng Anh “Love is the key” - Tình yêu là chìa khoá, chăng trên thành cầu Pont des Arts cuối tháng 6, du khách nào cũng trầm trồ “quá hay!”, “Đúng vậy!”. Đây là một trong những “công trình” của các hoạ sĩ có tiếng và hoạ sĩ tự do sáng tác trên những tấm vải nhựa chăng dài theo hai bên thành cầu thay cho những bức mành khoá nặng trĩu trước đây. Cầu Pont des Arts dường như là sân chơi không chỉ của các hoạ sĩ mà còn của du khách. Ngày ngày, từng nhóm nhạc công đến đàn hát, các hoạ sĩ tự do bày “đồ nghề” vẽ chân dung hay phong cảnh ngay trên cầu, các nhóm trai gái vui chơi, mở nhạc nhảy vui nhộn.


Từ trên những cây cầu thơ mộng bắc ngang sông Seine, du khách có thể ngắm nhìn những góc khác nhau của Paris, có thể thấy tháp Eiffel sừng sững hay những nhà bảo tàng, công trình kiến trúc phong cách Gothic nổi tiếng dọc theo hai bên bờ sông. Ngắm nhìn dòng nước êm đềm chảy dưới chân cầu và nhớ bài  “Cầu Mirabeau” của nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire:

Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Trôi cả tình yêu của anh và em
Không biết anh có còn nên nhớ
Niềm vui đến sẽ theo sau nỗi ưu phiền…

Không chỉ Pont des Arts, trong 37 cây cầu bắc qua sông Seine của Paris, một số cây cầu khác cũng có nhiều ổ khoá tình yêu. Một trong số đó là cầu Pont des Alma, phía dưới cầu là đường hầm, nơi từng xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc năm 1997 làm công nương Diana của nước Anh thiệt mạng cùng người yêu là Dodi Fayed, con trai tỷ phú Mohamed Al- Fayed. Hai bên thành cầu Alma và tượng đài bên kia đầu cầu có gắn nhiều ổ khoá tình yêu. Có nhiều đôi đến Paris, đi tìm một cây cầu để gắn khoá tình yêu; nhiều đôi đi tìm lại khoá tình yêu xưa của mình, hẳn cũng không ít người đến đây một mình dù ngày nào đã gắn khoá tình yêu như một nguyện ước bên nhau mãi mãi.

Và có những du khách như tôi, thong thả dạo chơi ngắm những bạn trẻ hớn hở loay hoay gắn khoá tình yêu mới, nhìn từng chiếc khoá với những dòng chữ biểu lộ đủ sắc thái tình yêu, với một nụ cười hạnh phúc. Tình yêu sống mãi, không gì đẹp hơn, dẫu hiện thực cuộc sống ra sao, thế nào.

Bài và ảnh: ĐỖ NGỌC