Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

* Tôi cũng muốn có...vợ

I am đàn bà? Hẳn rồi. Nhưng vì sao tôi lại muốn có...vợ?



- Có vợ, tôi mặc nhiên là ...Chúa. Người ta chẳng nói "chồng chúa, vợ tôi" là gì. Đương nhiên tôi cũng đứng tên chủ hộ trong hộ khẩu. Dù nếu là chồng, chưa chắc tôi đã là trụ cột gia đình, nhưng dù sao với xã hội, việc này cũng giải quyết được...khâu oai cho đàn ông.

- Có vợ, tôi sẽ yên tâm vợ (phải) chung thủy. Còn tôi tha hồ trăng gió, xao lòng, hoặc...động lòng mà chẳng hoặc ít bị lên án hơn vợ. Chuyện nhăng nhít được nhiều đàn ông coi như  "chiến công" hiển hách, để hoênh hoang, chứng tỏ bản lĩnh. Đàn ông ngoại tình dễ được bỏ qua, kiểu "đàn ông ấy mà"...Còn vợ, chả dám ngoại tình vì dư luận xã hội sẽ đâm chém, moi móc, xỉa xói nàng. Nếu nghi ngờ vợ xao lòng, tôi có thể thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với nàng chứ tía tôi cũng chả dám đi tìm tình địch để gây sự. Có khi vừa mất vợ, lại vừa mất mạng. Thôi, thà mất vợ.

- Có vợ, tôi có chỗ để xả sì trét, quát lác mỗi khi bực bội chuyện cơ quan. Về nhà cứ trút vào đầu vợ con, mà nàng chả dám hó hé. Ở cơ quan, quát mắng lại sếp thế quái nào được. Có mà bị đì xói đầu.

- Có vợ, tôi chả mất công đi học "bí kíp" với lại kĩ năng làm mẹ, làm vợ. Chả phải đọc sách dạy phụ nữ "Nghệ thuật làm vợ", "Bí quyết giữ chồng", "Làm gì khi người thứ ba xuất hiện?" ...cũng chả cần tìm đến chuyên gia tư vấn hay bạn bè để khóc lóc, chia những nỗi niềm bất mãn chồng. Thế quái nào mà sách "dạy" phụ nữ phải thế này thế kia quá trời, trong khi chẳng có mấy cuốn hay khóa học dạy đàn ông cách giữ vợ, cách chinh phục phụ nữ, làm gì để đáp ứng...sinh thái cho vợ, chẳng hạn. Thế cũng thấy ưu điểm và nhược điểm của mỗi bên. Ai mới khiến xã hội phải mất công giáo dục? 

- Có vợ, vợ phải luôn ...đẹp trong mắt tôi, từ lúc yêu cho đến lúc tôi chán. Nàng không được đầu bù tóc rối, mặt phải luôn tươi cười niềm nở. Hihi, và nàng phải đầu tư trí tuệ để tìm mua những áo ngủ mấy lại nội y sexy để quyến rũ tôi. Mà nói thật (hơ hơ) đàn ông lúc "lâm trận" để ý quái gì đến quần với chả áo. Rõ dở hơi. Còn tôi, tha hồ quần đùi, ở trần nhỏng nhảnh đi lại trong nhà, chân gác lên bàn ghế hớ hênh thế nào cũng chả lo ai oánh giá "không đoan trang". Nếu vợ phát tướng hay ...tốt bụng, tôi có thể chê trách, dè bỉu không ngượng mồm, đây cũng là cớ hay để tôi đi kiếm hoa thơm, cỏ lạ. Còn đàn ông bụng trống chầu cỡ nào, hết xí quách cũng ...chả sao. Có bà vợ nào li dị chồng với lí do bụng to không? Gớm, đàn bà họ kiên định nhẹ nhàng, tế nhị lắm. Ra tòa, họ chỉ nói "không hợp nhau", rồi khóc một mình hoặc cùng lắm ...khóc với nhau. Lắm khi bà được chia sẻ còn khóc to hơn bà chia sẻ.

- Trong công cuộc bảo vệ và giữ gìn hạnh phúc gia đình, vợ phải luôn chú ý và tút tát lại nhan sắc cho vừa mắt chồng, để chồng không lạc lòng. Chẳng những khi nhan sắc hao sụt, mà ngay khi nhan sắc còn ngời ngợi vợ cũng luôn chăm chỉ bồi đắp, bảo trì, kết quả lắm khi làm cho nó...tổn thất hơn. Đến tuổi mất tự tin, vợ sẽ đi tìm sự hỗ trợ của dao kéo, mũi bỗng cao vút trời xanh, mông, ngực bỗng vĩ đại khác thường khiến chồng phải bối rối hiện tượng "vợ lạ". Ôi cha, còn bao căng thẳng, lỡ iêu bạo lực tí thì của nả dễ méo mó, xộc xệch. 

- Có vợ, nếu vợ thất nghiệp thì vợ lo lắng, còn tôi sẽ được thể lên mặt đàn ông "ở nhà anh nuôi". Gỉa dụ có nuôi không nổi, cũng dễ mắng chửi hay coi thường vợ phụ thuộc mà vợ chỉ im thít. Nếu tôi thất nghiệp, tôi chỉ việc trầm tư, còn vợ phải tế nhị trong lời ăn, tiếng nói không để chồng phải mặc cảm. Có khi vợ lại vui mừng vì bỗng dưng nàng có giá, thêm yên tâm chồng "không tiền đố con nào rớ".

- Có vợ, tan sở tôi có thể đi làm vài ve cùng chúng bạn mà chả bận tâm vì đã có vợ lo cho con, nếu mình say xỉn, về nhà ói mửa đã có người dọn. Lại còn được pha cho ly nước chanh uống giã rượu. Có nhiều bài báo tư vấn các bà vợ cách chăm sóc chồng say xỉn. Có vợ, tôi chả cần phải giỏi việc nhà, chả cần phải làm gì cũng có cơm bưng nước rót. Tôi chỉ cần...tắm cho tôi, để khỏi phiền vợ toàn tập là xong.

- Điều quan trọng, có vợ, có người mang nặng đẻ đau, sản sinh cho dòng họ nhà mình kẻ nối dõi. Còn mình chỉ cần tỏ ra thông cảm với tình trạng của đối tác, chia sẻ vài lời nịnh nọt tôn vinh thiên chức của phụ nữ là xong. Người cho con bú cũng là vợ (may chưa chứ). Con hư thì cũng tại mẹ. Lỡ chẳng may bỏ nhau, con nó cũng đi theo mẹ, mình rộng cẳng đi kiếm tình mới, chỉ phải cấp dưỡng con theo chế độ rẻ bèo, có lỡ quên hay dở chứng stop chu cấp thì vợ vì lòng tự trọng cũng ngậm đắng nuốt cay, ít nhắc nhở.


- Có vợ, vợ hơi heo héo hay về chiều là mình có lí do để chê trách hay xét nét, kiếm ẻm khác. Còn mình tuổi càng cao càng được tiếng phong trần, kinh nghiệm. Đàn ông 80 tuổi vẫn kiếm được em ngon, trẻ trung, tươi mởn và sản xuất được hậu duệ; chứ vợ tuổi 50 (là nói ...ai đó) ôi, thôi nói đến đây thì dừng. Tế nhị tí chứ... HAHA

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

* Mù Cang Chải, mùa gặt

Mùa vàng Tây Bắc đẹp nhất từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10. Bắt đầu từ tuần cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, Mù Cang Chải (huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái) vào vụ gặt. Những ngày này, cung đường lên Tây Bắc dập dìu xe cộ nhằm hướng mùa vàng Mù Cang Chải, nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất nước, là di sản quốc gia.

Ruộng bậc thang mâm xôi ở La Pán Tẩn (photo by DoNgoc)

Xe du lịch có thể vào đến trụ sở xã La Pán Tẩn. Xe máy có thể len lỏi đi theo những con đường đất sỏi ngoằn ngoèo trên lưng chừng đồi núi, trơn trượt nếu trời mưa, để đi vào các bản làng xa hơn, nơi khung cảnh ruộng bậc thang đẹp đến thảng thốt. Gía xe ôm từ trụ sở xã La Pán Tẩn qua Chế Cu Nha và đến một số ruộng mâm xôi sâu bên trong khoảng 150.000đ/khách. Nếu chỉ lên đển đỉnh đèo La Pán Tẩn rồi trở lại, chỉ khoảng 50.000đ/khách.

Không có gì thú vị hơn khi ngồi xe máy leo lên những con dốc cao 45 độ, một bên là vách núi, bên kia là thung lũng, vực sâu, xa hơn là rừng núi hùng vĩ, mây trắng bồng bềnh. Có những đoạn đường đất trơn trợt chỉ rộng một hai, mét sát mép vực, rất nguy hiểm nếu “sẩy” tay lái. Dân địa phương, nhất là các bác tài xe ôm là những chiến binh đường rừng thật sự với tài điều khiển con ngựa sắt được quấn xích bánh xe để vượt đường lầy trơn.



Thung lũng Tú Lệ, nơi có đặc sản gạo nếp nổi tiếng (photo by DoNgoc)


Từ Hà Nội đi Mù Cang Chải khoảng 280km. Nếu đi theo đường quốc lộ 32, trước khi qua đèo Khau Phạ, bạn có thể ghé Tú Lệ chiêm ngưỡng mùa lúa chín. Nơi đây nổi tiếng với đặc sản gạo nếp thơm ngon mềm dẻo. Thung lũng Tú Lệ nằm giữa 3 ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song thuộc lòng chảo Mường Lò (huyện Văn Chấn, giáp Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Con suối Mường Lùng uốn khúc quanh co, từ trên đèo nhìn xuống mềm mại như một dải lụa. Bản của người Thái với những nếp nhà sàn xinh xắn giữa thung lũng tươi tốt, yên bình. Từ đỉnh dốc Hai Bà Cháu nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ mở ra một màu vàng mênh mông. Giữa màu vàng lúa chín là màu váy áo thổ cẩm điểm xuyết như những đốm hoa rực rỡ ngày mùa. Con suối Mường Lùng uốn khúc quanh co, từ trên đèo nhìn xuống mềm mại như một dải lụa. Bản của người Thái với những nếp nhà sàn xinh xắn giữa thung lũng tươi tốt, yên bình. Xa xa là mây núi chập trùng, khung cảnh thật hữu tình. Từ Tú Lệ đi vào khoảng 3 đến 5km, bạn có thể đến bản Lìm Mông, nơi ruộng bậc thang mùa lúa chín đẹp đến nao lòng bên những bản làng yên ả hiền hòa của người Thái và người H’Mông. 

Nếu đi theo đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, bạn có thể đi qua Sapa, vượt đèo Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đèo lừng danh của Việt Nam để sang Mù Cang Chải. Nơi du khách đổ về nhiều nhất để thưởng thức vẻ đẹp của Tây Bắc mùa lúa chín là xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dê Sủng Phìn. Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, thủ phủ Mù Cang Chải chật kín du khách, xe hơi, xe máy đủ loại. Đường vào La Pán Tẩn xe cộ xuôi ngược, thỉnh thoảng kẹt xe từng đoạn vì lượng xe, khách đổ về đây rất đông. Từ lưng đèo La Pán Tẩn nhìn xuống, thung lũng phía dưới như một thảm lúa vàng nhiều cung bậc. Màu lúa, màu váy áo thổ cẩm trên nền trời xanh mây trắng, rừng thẳm phía xa thật nên thơ, hùng vĩ. Những thảm ruộng bậc thang như những lượn sóng duyên dáng, mềm mại. Khắp các con đường nhỏ quanh co, các triền đồi đều có hình bóng du khách với máy ảnh trong tay, hào hứng thưởng lãm phong cảnh và sáng tác, chụp ảnh lưu niệm. Vừa ngắm vẻ đẹp mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang, du khách còn có thể tìm hiểu phong tục, tập quán canh tác của đồng bào Tây Bắc. Mỗi năm, Tây Bắc chỉ trồng được một vụ lúa ruộng bậc thang. Tháng 5 là mùa nước đổ, khi những cơn mưa mùa trút nước xuống từ các đỉnh núi đồi. Nước trời được dẫn vào ruộng bậc thang để gieo trồng vụ mới.

Dọc  theo  triền đồi  thoai thoải là những sóng lúa ruộng bậc thang uốn lượn, màu váy áo thổ cẩm điểm xuyết trên biển sóng lúa vàng thật hữu tình. Hai tuần đầu tháng 10, người dân Mù Cang Chải gặt lúa sau năm, sáu tháng đổ mồ hôi trên đồng ruộng. Mưa thuận gió hòa, sự cần mẫn, nỗ lực với từng vuông đất của dân làng đã được đền bù bằng mùa vàng bội thu. Cả gia đình thường ra ruộng gặt lúa từ sáng sớm, có khi gặt đổi công với những gia đình khác nếu lúa chín rộ. Vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh mùa vàng, du khách cũng có thể len lỏi vào các bản xa để tìm hiểu đời sống người dân. Cuộc sống phát triển, đời sống đồng bào thiểu số khá hơn xưa rất nhiều. Đa số người dân thân thiện, sẵn sàng trò chuyện và chỉ dẫn du khách.


Mùa gặt ở Mù Cang Chải (photo by DoNgoc)
photo by DoNgoc
Mù Cang Chải, mùa lúa chín (photo by DoNgoc)

photo by DoNgoc
Và cũng thú vị không kém, ngoài thưởng lãm vẻ đẹp mùa lúa chín, bạn còn được thưởng thức những món ngon Tây Bắc đặc trưng: lợn cắp nách bảy món, gà đồi xào sả, măng rừng hầm xương, rượu táo mèo thơm ngon mềm môi…

Đỗ Ngọc