Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

* Có những ngày như thế (2)

Giữa những ngày thất nghiệp lang thang, một hôm Khoa Văn, Trường ĐH tổng hợp gọi tôi về, nhờ chụp ảnh cho đoàn sinh viên nước ngoài đang học tiếng Việt tại trường đi tham quan Đà Lạt.
Trong chuyến đi, tôi quen và hay trò chuyện vơi chị L, giúp chị trau dồi tiếng Việt. Biết tôi đang thất nghiệp, chị đã giới thiệu, xin cho tôi chân nhiếp ảnh và kỹ thuật viên video tại cơ quan chị có người bạn thân đang là phó giám đốc. Có việc làm, lương khá, tạm biệt những ngày khó khăn, mua được xe máy đi làm, túi rủng rỉnh. Được một gia đình cho ở trông nhà, tôi tạm thời ko còn lang bạt. Làm việc và làm việc, yên ổn được gần 2 năm thì cơ quan này giải thể, rút về nước, nhân viên người Việt chúng tôi tan tác mỗi đứa một nơi.

Phần lớn nhân viên được FOSCO (Cty dịch vụ cơ quan nước ngoài của VN) rút về, bố trí việc tại các cơ quan nước ngoài khác, như các Công ty, lãnh sự quán, văn phòng đại diện của châu Âu, tổ chức của Liên Hiệp Quốc…Còn khoảng vài người không bố trí được, trong đó có tôi- nghề nghiệp chẳng cơ quan nào cần. Thậm chí, nhân viên văn phòng, lái xe và tạp vụ còn dễ có việc hơn. Một lần nữa, tôi lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Vào những năm cuối 80, đầu 90 ấy, hộ khẩu là barie đáng sợ (hộ khẩu gốc của tôi ở Vĩnh Long), tấm bằng cử nhân văn chương chưa bao giờ độc lập xin được việc mà chỉ làm vai trò “bia kèm mồi” phụ thêm cho chuyên môn nhiếp ảnh ko bằng cấp, thì tôi mới xin được việc. Nghĩ đến những ngày khó khăn sắp tới, lại ko muốn trở về gia đình ở Vĩnh Long vì sợ ba mẹ buồn, nên tôi lên Fosco xin Ban giám đốc cho làm …tạp vụ ở cty nước ngoài, cầm cự qua ngày. Thuở ấy, lương tạp vụ cho cơ quan nước ngoài cao gấp đôi lương kỹ sư “quốc doanh”.
Anh T. phó giám đốc FOSCO gọi tôi lên, bảo: “Rất tiếc, cty không bố trí việc cho em được. Các anh không nỡ để một cử nhân đi quét dọn, lau chùi nhà cửa…Mà em ạ, em làm tạp vụ cũng không thể bằng các cô tạp vụ chuyên nghiệp được”. Tôi rời công ty mà tái tê, đến lau nhà, nấu nước cũng bị từ chối.
Vài tháng sau, tôi thành phóng viên ảnh (CTV thường trực) của Saigon Times group do NTK Minh Hạnh giới thiệu. Một mình chụp cho 3 tờ, suốt ngày bận rộn. Làm việc ở đây gần 2 năm thì được Tổng biên tập Thế Thanh "rủ rê", tôi đầu quân về báo PN làm PV viết mảng Chính trị-Xã hội. Và làm việc ở nơi này suốt 22 năm sau đó.
Ngày xưa ấy, nếu tôi trở về với gia đình ở Vĩnh Long, có thể tôi đã lấy một anh nông dân nào đấy, có một bầy con đông đúc. Hoặc nếu được Fosco bố trí chân tạp vụ, thì nay hẳn tôi đã lau nhà, quét sân, nấu nước ngon lành hơn. :))
Lại nói, vài năm sau khi bị từ chối chân tạp vụ, tôi trở lại FOSCO phỏng vấn anh T. Phó GĐ cho một bài báo. Anh cười: “May mà Cty từ chối, không bố trí cho em chân …tạp vụ, để bây giờ em là nhà báo, nếu không em đã là bà…tạp vụ lành nghề rồi”.
Cuộc đời có những câu chuyện, những mối duyên có yếu tố kỳ lạ của số phận. Trong rủi có may hay ngược lại. Tôi đã đi qua con đường đời không hề bằng phẳng, nhưng luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp và chưa bao giờ tuyệt vọng...

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

* Có những ngày như thế...

Hôm nay đi qua chung cư trên đường Lý Tự Trọng, nguyên là nhà tập thể của cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ đoàn cải lương Nam bộ. Mình ghé, đứng mãi ở cửa nhìn vào rồi lại tựa cửa nhìn ra đường. Bồi hồi...

25 năm trước, mình từng có đêm đứng trước cửa sắt nhà chung cư này gọi với lên lầu 2, nhà anh chị nghệ sĩ Văn Thành-Tú Lệ, để anh chị xuống mở cổng cho mình lên tá túc qua đêm. Đó là những ngày ko nơi trú thân, có bữa ko có gì ăn đúng nghĩa. Có đêm, anh Văn Thành xuống mở cửa nhưng cậu bảo vệ lại khoá cửa đi nhậu chưa về. Anh đứng trong, em đứng ngoài ko biết phải làm sao, rồi mình lại đạp xe lang thang tiếp, vừa đi vừa nghĩ "đến nhà ai ngủ nhờ được đêm nay?"
Đó là những ngày thất nghiệp, bị giãn biên chế vì ko có hộ khẩu TP, dù đã tốt nghiệp ĐH và làm việc 5 năm tại xưởng phim; ko nơi trú thân vì người ta lấy lại căn phòng tập thể mình ở nhờ người bạn, bạn đi lấy chồng phải trả nhà. Lang thang, tìm việc, ở nhờ nhà này nhà kia. Bạn cưu mang chứa chấp mình trong căn hộ tập thể chật hẹp cùng gia đình bạn. Những khi ko có tiền đưa bạn góp thêm cho bữa ăn vì bạn còn nuôi con nhỏ, mẹ già, mình thường lấy lí do "được mời ăn" để tránh những bữa cơm nhà bạn. Tối về phải bịa khi bạn hỏi đi chơi vui ko, ăn gì. Đêm đói, bụng sôi, bò dậy lục tủ lạnh nhà bạn lấy hai miếng bánh biscuit ăn rồi uống li nước lớn dằn lòng. Gần như đêm nào mình cũng khóc thầm. Có lần trong đêm mẹ bạn quờ tay sang hỏi "Cháu khóc à?". Mình vừa khóc vừa dạ, cháu ko biết ngày nào đó, tất cả những khó khăn, buồn khổ hôm nay sẽ qua đi ko. "Sẽ qua hết cháu ạ, ko ai khổ mãi. Nhất định ngày nào đó, cháu sẽ vượt qua tất cả và thành công. Tin lời bác đi."

Có những khúc, những quãng đời gập ghềnh khó khăn, sự tin tưởng, những lời an ủi chân thành thật quan trọng, như chắp thêm cánh cho ta. Có những người mà có họ, ở bên họ, ta thấy mình được sẻ chia, mình có giá trị, có thêm động lực để bước tiếp.
Ngày bác khuất núi, giữa rất nhiều vòng hoa "thành kính phân ưu", "chia buồn cùng gia đình" là vòng hoa của tôi với dòng chữ "Vĩnh biệt bác". Và bác đã kịp thấy những "ngày mới" của tôi...