Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc và ADN tình yêu

(Tuổi Trẻ https://tuoitre.vn/nha-bao-do-ngoc-va-chuyen-dan-ba-trong-and-tinh-yeu-20170921083911506.htm)

TTO - 73 tản văn và nhiều hình ảnh đẹp gói trong 205 trang in của 'ADN tình yêu', nhà báo - nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc đã cho người đọc một góc nhìn khác về ½ thế giới còn lại.


Những chuyện chị cảm và viết tưởng như vặt vãnh và rất đàn bà ấy lại gợi cho người đọc những cảm xúc rất sâu, thậm chí là chảy nước mắt trước một dấu chấm câu lơ lửng.
Những câu chuyện về đàn bà, và phần lớn là đàn bà như Vẻ đẹp đàn bà, Bến đàn bà, Đàn bà, đàn ông, Đàn bà đi chơi, Chuyện đàn bà, Đàn bà và xe hơi, Phụ nữ và bóng đá, Đàn bà liêu xiêu, Đàn bà thích chụp hình, Đàn bà nhẹ dạ...qua cái nhìn rất hóm hỉnh và đầy yêu thương, sẻ chia của Đỗ Ngọc, người đọc là đàn bà có lúc cười thả ga và cũng có lúc khóc vì thương, vì thấy có bóng dáng mình trong đó.
Chuyện về đàn bà là câu chuyện không bao giờ cũ và xuyên suốt trong cách viết của Đỗ Ngọc, bởi lẽ với chị không chỉ có Đàn bà liêu xiêu (in chung năm 2014) hay ADN tình yêu ( NXB Phụ nữ - tháng 8-2017 ) mà sẽ còn tiếp tục với Những chuyến xe đàn bà (sắp in). 
Và chị tâm sự với nhân vật và người đọc của mình rằng "Nếu ví cuộc đời như một dòng sông, thì mỗi phụ nữ là một bến bờ bên dòng chảy êm đềm hay dữ dội của cuộc sống, với bao câu chuyện, nỗi niềm. Bến bờ cho những thương yêu neo đậu, để ngóng đợi, trở về và hy vọng." 
Đỗ Ngọc nói với những nhân vật trong ADN tình yêu, trong đó hơn 1/3 là câu chuyện của chị và gia đình nhỏ của mình với lời lẽ đầy yêu thương.
Và người đọc ADN tình yêu nếu là phụ nữ sẽ thấy yêu thương mình hơn. Còn đàn ông đọc ADN tình yêu để hiểu hơn, yêu hơn một nửa thế giới yếu mềm và mạnh mẽ . 
Bởi" Phía sau một người đàn ông thành công thường là một người phụ nữ và ngược lại. Cũng phía sau không ít phụ nữ, là... chính họ. Họ là điểm tựa cho mình và cho những người họ thương yêu".
KIM EM

ADN tình yêu - Mắt thương nhìn cuộc đời

(Báo Giáo dục TP.HCM)
“ADN tình yêu” là cuốn tạp văn của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dona Đỗ Ngọc (ảnh). Xuyên suốt chiều dài 206 trang viết chất chứa cái nhìn giản dị, đầy yêu thương, trân trọng về phụ nữ, về cuộc đời.

“ADN tình yêu” tập hợp những lát cắt, đôi khi vụn vặt, đời thường nhưng chạm được vào trái tim của nhiều người, đặc biệt là phái nữ bởi họ tìm được sự đồng cảm, sẻ chia xen lẫn niềm thích thú, bất ngờ. Như bất kỳ người phụ nữ hiện đại và năng động nào, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dona Đỗ Ngọc cũng bị cuốn vào dòng xoáy của công việc và trăm ngàn những mối lo rất “đàn bà” nhưng sự bản lĩnh, tỉnh táo và trái tim đa cảm đã giúp chị cân bằng lại để luôn giữ được đôi mắt thương nhìn cuộc đời.
Nếu nói “văn là người”, những tản văn trong “ADN tình yêu” phác họa nên con người thú vị của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dona Đỗ Ngọc. Đôi khi người đọc bắt gặp ở đó sự thâm trầm, sâu sắc, đầy trải nghiệm của người phụ nữ ở tuổi trung niên nhưng cũng có lúc người đọc cảm nhận được sự tinh nghịch, hài hước, trong trẻo như một cô gái tuổi đôi mươi. Ở góc độ nào, ngòi bút của chị cũng mang đến cho người đọc một tinh thần lạc quan để có thể vượt qua những áp lực của công việc và những bộn bề trong cuộc sống.
Đọc “ADN tình yêu”, độc giả sẽ khám phá ra một chân dung khác của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dona Đỗ Ngọc. Đó là hình ảnh một người mẹ, một người vợ tinh tế và cũng hết sức dịu dàng. Chất nữ tính thấm đẫm qua từng trang tự sự của chị. Khi chị giữ vai trò người mẹ thủ thỉ với con về những bài học, những sẻ chia cùng con trong cuộc sống. Khi chị lại là người nội trợ dịu dàng, cặm cụi trong căn bếp nhỏ để nấu những món ngon cho chồng và các con.
“ADN tình yêu” còn chứa đầy cái nhìn rất bao dung về một nửa thế giới “yếu mềm và mạnh mẽ”. Trong “Ảnh dịch vụ”, chị có viết: “Vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ là “mắt bồ câu, lông mày lá liễu”, mà chính là thần thái, sức sống, sự tỏa sáng của vẻ đẹp nội tâm... có sức truyền cảm với người khác”. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dona Đỗ Ngọc đã truyền cảm hứng đến phái nữ để họ biết yêu thương, trân trọng chính mình. Đó cũng là cách để họ yêu thương cuộc đời, cố gắng sống tử tế vì mình và vì những người xung quanh.
Những chuyến đi, những cung đường có mưa, có nắng, một góc ảnh ghi lại vẻ đẹp đàn bà, sự tử tế dành cho nhau... được tác giả góp nhặt trên đường đời và đưa vào “ADN tình yêu”. Cuốn sách lan tỏa tin yêu, nhắn nhủ phái nữ hãy an nhiên mà sống, hãy yêu thương đến tận cùng để thấy cuộc sống vẫn còn vô vàn những điều tốt đẹp.
Yên Hà
http://www.giaoduc.edu.vn/adn-tinh-yeu-mat-thuong-nhin-cuoc-doi.htm

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Tình yêu cũng có ADN

(báo Pháp Luật TP ngày 30/10/2017)

(PLO)- Nhà báo từng làm việc tại báo Phụ Nữ - nhiếp ảnh gia nữ quen thuộc Đỗ Ngọc vừa cho ra mắt một tác phẩm đậm chất phụ nữ-đàn bà với cái tên ADN tình yêu.


Tác giả Đỗ Ngọc và những người bạn đàn bà của chị trong buổi
ra mắt sách sáng 29-10 tại đường sách.

Sách gồm 200 trang phần lớn viết về đàn bà như: Vẻ đẹp đàn bà, Bến đàn bà, Đàn bà, đàn ông, Đàn bà đi chơi, Chuyện đàn bà, Đàn bà và xe hơi, Phụ nữ và bóng đá, Đàn bà liêu xiêu, Đàn bà thích chụp hình, Đàn bà nhẹ dạ...

Tác giả đã tự nhận xét về tác phẩm của mình như sau: "Nhìn chung, trong sách là những "chuyện vặt đàn bà", viết về đàn bà và cho đàn bà. Những "chuyện vặt" cho thấy những vấn đề lớn hơn, mối quan hệ trong tình yêu, hôn nhân gia đình, nuôi dạy con cái, những nỗi niềm đàn bà... và sau những câu chuyện ấy là bóng dáng người đàn ông của mỗi người. Đọc để hiểu, chia sẻ và yêu thương phụ nữ hơn".
Có lẽ do vậy mà buổi ra mắt sách ADN tình yêu của tác giả Đỗ Ngọc có rất nhiều đàn bà là bạn bè của chị và độc giả nữ đến tham dự. Có người khen Đỗ Ngọc mạnh mẽ, có người bảo chị tinh tế và mạnh mẽ trong cuộc sống lẫn trang viết của mình. Có người khen chị viết hóm hỉnh nhưng giàu yêu thương, chia sẻ khiến người đọc là đàn bà có lúc cười thả ga và cũng có lúc khóc vì thương, vì thấy có bóng dáng mình trong đó.
Còn tác giả thì tâm sự: "Nếu ví cuộc đời như một dòng sông thì mỗi phụ nữ là một bến bờ bên dòng chảy êm đềm hay dữ dội của cuộc sống, với bao câu chuyện, nỗi niềm. Bến bờ cho những thương yêu neo đậu, để ngóng đợi, trở về và hy vọng. AND tình yêu là những góc khuất, chuyện vặt đàn bà, những lặng thầm trong dòng sông chảy trôi. Đọc để trôi. Đọc để hiểu, chia sẻ và yêu thương hơn phụ nữ. Nhìn, cảm và nghĩ từ cuộc sống. Cuốn sách này là món quà tôi dành tặng mình và những người phụ nữ thương yêu, nửa thế giới yếu mềm và mạnh mẽ". 
HÒA BÌNH
http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/tinh-yeu-cung-co-adn-736452.html

Đàn bà viết về đàn bà

(Bài phỏng vấn của Đinh Thu Hiền, Báo Phụ Nữ Việt Nam tháng 10/2017
http://phunuvietnam.vn/song-cham/chuyen-dan-ba-trong-adn-tinh-yeu-cua-do-ngoc-post32803.html) 



1. Là những câu chuyện đàn bà, vẫn xoay quanh tình yêu, những vui buồn trong tình yêu, hẳn ADN Tình yêu đã được chị ghi nhận như 1 dạng Nhật ký hành trình?
  • Có thể nói đó là những cảm nhận, nghĩ suy về con người, cuộc đời trên hành trình sống - những nơi tôi qua, những người tôi gặp. Nhìn chung, đó là những "chuyện vặt đàn bà", viết về đàn bà và cho đàn bà. Những "chuyện vặt" cho thấy những vấn đề lớn hơn, mối quan hệ trong tình yêu, hôn nhân gia đình, nuôi dạy con cái, những nỗi niềm đàn bà...và sau những câu chuyện ấy là bóng dáng người đàn ông của mỗi người. Đọc để hiểu, chia sẻ và yêu thương phụ nữ hơn.
2. Đang làm ở báo Phụ Nữ, Đỗ Ngọc nghỉ ngang để được sống với những "dọc ngang gió bụi" của mình. Chị đã làm những công việc cụ thể gì trong mấy năm qua?
  • Tôi không nghỉ ngang mà...nghỉ hưu non - sớm 3 năm so với quy định. Thật không dễ để quyết định nghỉ hưu, bước ra ngoài sống và làm việc như một free lance. Nhưng tôi mong muốn được nghỉ hưu sớm để có thời gian chăm sóc gia đình và theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh, thú vui tôi đã theo đuổi với trên 30 năm cầm máy. Tôi lập gia đình muộn, những đứa con tuổi teen rất cần mẹ gần gũi, chăm sóc, công việc ở toà soạn báo thì luôn bận rộn, đầy áp lực. Mỗi ngày mười mấy giờ làm việc trên laptop (lúc ấy tôi phụ trách bộ phận online), nhiều năm không thể đi đâu sáng tác một cách thảnh thơi, có lúc lu bu với công việc, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và tự hỏi "bao giờ mình được nghỉ hưu?". Không phải vì tôi muốn nhàn nhã, thảnh thơi mà tôi chỉ muốn rảnh rang để quay lại với nhiếp ảnh càng nhanh càng tốt, có thời gian cho gia đình, sau 30 năm lao động cần cù, trong đó có 24 năm làm báo. Và một ngày cuối năm 2014, tôi quyết định xin nghỉ hưu sớm và đã được toại nguyện. Ba năm qua tôi đã làm được nhiều việc ý nghĩa, chăm sóc gia đình, gần gũi con nhiều hơn. Con trai lớn đã đi du học đầu năm nay, cũng là do quyết tâm và nỗ lực của hai mẹ con. Tôi đã ra được hai cuốn sách, một in chung (Đàn bà liêu xiêu) và tập sách cá nhân: ADN tình yêu vừa ra mắt. Tôi vẫn cộng tác viết bài và làm trang cho các báo, thỉnh thoảng đi dạy học (nhiếp ảnh) và làm phototour, đưa mọi người đi du lịch -chụp ảnh. Tôi đang được sống những ngày hạnh phúc: Sống như mình muốn, làm những gì mình thích và tiếp tục theo đuổi đam mê nhiếp ảnh.
3. Làm báo, sáng tác ảnh - nhân vật là phụ nữ đều tràn ngập trong các tác phẩm của chị. Nhưng thiếu đàn ông thì sao có thể cùng xây nên tình yêu? Vì sao chị lại "tiết kiệm" các câu chữ về đàn ông hơn đàn bà?
  • Câu hỏi rất hay. Không trực tiếp nói nhiều về đàn ông, nhưng qua đàn bà, những câu chuyện của đàn bà, bóng dáng đàn ông nói chung, đàn ông của mỗi phụ nữ nói riêng vẫn hiển hiện phía sau. Không thể nói về tình yêu, hạnh phúc hay bất hạnh mà thiếu vắng đàn ông - một nửa thành tố làm nên câu chuyện, "tiểu thuyết đàn bà". Phụ nữ hạnh phúc hay bất hạnh, đều liên quan đến đàn ông, một nửa ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Và còn vì, là phụ nữ, tôi hiểu và chia sẻ với phụ nữ, biết họ cần gì, mong muốn gì. Viết về họ, cho họ, cũng là tôi được trải lòng với một nửa thương yêu yếu mềm và mạnh mẽ. Và tất nhiên, tôi mong ngững người đàn ông đọc được cuốn sách này, để hiểu và yêu thương hơn người phụ nữ của mình. Có câu nói "Hãy nhìn đàn ông qua đàn bà" hay "Đàn ông là nhan sắc của đàn bà"...
4. Các chặng đường chị đã đồng hành cùng với rất nhiều chị em phụ nữ để thực hiện fototour chắc chắn mang lại nhiều kỷ niệm. Thương thì đương nhiên rồi, nhưng cũng đôi khi có giận, phải không?
  • Có thể nói, những chuyến fototour tôi thực hiện là những chuyến "đi chơi-chụp ảnh" vui vẻ. Thế giới đàn bà mà, gặp nhau, đi chơi lang thang cùng nhau là vui vẻ nhí nhố, khác hẳn đầu bù tóc rối, mệt mỏi, áp lực việc nước việc nhà hằng ngày. Tôi luôn vui và cảm động khi nhìn bạn bè vui vẻ hồn nhiên đi chơi với nhau. Họ mặc đẹp, cười tươi, không vướng bận. Đó cũng là cách họ nạp năng lượng cho những ngày sống mới. Là đầu tàu dẫn dắt của gia đình, họ cũng biết thưởng thức niềm vui, vẻ đẹp của cuộc sống, biết chăm sóc bản thân mình, ý thức được giá trị của mình trong gia đình, xã hội để có tinh thần sống tích cực hơn. Và sau cùng, những chuyến fototour không chỉ là đi chơi vui, nạp năng lượng, mà còn lưu lại hình ảnh, vẻ đẹp một thời của mình không bao giờ trở lại. Còn chuyện buồn, giận thì chỉ chuyện vặt đàn bà, cáu gắt nhau chậm trễ hay chọc ghẹo nhau, đùa giỡn thái quá...nhưng chỉ là vui. Sau mỗi chuyến đi, các du khách đàn bà của tôi lại có thêm nhiều bạn mới, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống.
5. Đỗ Ngọc, chị tự nhận xét giờ chị nghiêng về viết hay sáng tác ảnh?
  • Đời tôi có hai đam mê: viết và chụp ảnh, tôi đều thywjc hiện được và sống trọn vẹn, hết mình với cả hai. Với mỗi đam mê ấy, tôi đều gắn vài chục năm đời mình, tới giờ vẫn viết, vẫn chụp. Và cuốn sách mới ra, ADN tình yêu có nhiều bức ảnh được in kèm.
6. Nghe nói chị cũng sẽ ra sách ảnh trong nay mai?
  • Tôi từng in sách và triển lãm ảnh cá nhân nhiều năm trước. Tôi vẫn đang ấp ủ dự định ra cuốn sách ảnh mới, và thực hiện một cuộc triển lãm ảnh cá nhân nữa. 
  • Tôi vẫn đang âm thầm đi và chụp để thực hiện dự án của mình. 

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

CHUYỆN CỦA ĐÀN BÀ HẠNH PHÚC

(Bài đăng trên báo Nhân dân hằng tháng 10/2017
http://www.nhandan.com.vn/hangthang/item/34523902-chuyen-cua-dan-ba-hanh-phuc.html)





Có thời khắc, kiểu như sáng thức dậy, giữa ban mai mỏng tênh, thấy bụi hoa tưởng đã khô héo cỗi cằn ở sân thượng trồi lên một nụ mầm xíu xiu...Hay những phút, loạng choạng giữa ngã tư đường, bỗng luống cuống phát hiện ra, cái xe đang tiến tới có ý chạy chậm hẳn, nhường cho mình qua...Những giây phút đó , nhỏ nhoi thôi, bé mọn thôi, nhưng luôn khiến lòng mình ấm lại, chùng xuống, giúp mình cứ reo vui một mình, để rồi lan toả cái hiệu ứng ấy cho nhiều giờ khắc nữa. Đọc tản văn, thực ra là những bài viết ngắn của Dona Đỗ Ngọc, được tập hợp trong tập sách in đẹp ADN tình yêu, do Nhà xuất bản Phụ Nữ vừa phát hành, cũng có cảm giác ấy, dìu dịu, lan man và nhẹ bẫng...
Đỗ Ngọc là nhà báo. Hơn thế nữa, chị còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng. Viết không phải là nhiệm vụ chính của chị, chỉ là cách thảng hoặc, chán ghi lại thần sắc của vạn vật chung quanh bằng ống kính, chị mượn con chữ làm phương tiện chia sẻ chiêm nghiệm về những sự thường tình nhỏ nhoi của cuộc sống, về những vẻ đẹp thoáng qua của ứng xử, những lãng đãng của tình người...đi nhiều, giao tiếp nhiều, biết nhiều, chị có nhiều chất liệu đời thực làm cầu nối chuyển tải các thông điệp tình yêu. Ẩn náu trái tim đàn bà nhạy cảm, "liêu xiêu" trong cái vẻ ngoài xù xì gai góc, Dona Đỗ Ngọc giải mã "bộ gen" tình yêu đơn thuần chỉ là "tình yêu thương, hạnh phúc gia đình không thiếu sự tin tưởng. Đó cũng là một ADN mạnh hơn tất cả" (ADN tình yêu), rồi "Đôi khi tôi tự hỏi 'Cái đẹp có giới tính không?' Rồi tự trả lời: Nhà nhiếp ảnh cảm thụ cái đẹp với tư cách một cá thể giới tính, nhưng thể hiện/sáng tạo dưới ánh sáng chung của lý tưởng: cái đẹp, thuần nhất. Tôi vẫn đang học và nghĩ. Đôi khi lại suy tư "đẹp, rồi sao?". Chẳng sao cả, những vẻ đẹp đi qua ta, đôi khi không cần đến cả thông điệp. Đẹp thôi, đã là một phẩm chất" (Cái đẹp có giới tính không?", nhàn tênh, đúng kiểu đàn bà hạnh phúc, hiểu đời, nhìn gì cũng bao dung và thư thái...
ADN tình yêu đúng là tập sách của đàn bà viết, viết chuyện đàn bà. Chỉ đàn bà mới hay lẩn thẩn mông lung, mới cả nghĩ bà yêu thương nhiều thế, dù yêu lắm khi toàn lạc lối sai đường. Chuyện đàn bà của Dona Đỗ Ngọc lúc nào cũng ấm áp, xoa dịu dù sự tình có buồn bã thê lương đến đâu, và rốt cục cũng thấy, chị thật sự là đàn bà hạnh phúc. 
Có thể bởi thái độ sống, thái độ với cuộc sống không phụ thuộc ở khách quan, mà chính bởi tại khách quan của mỗi người.
"Chúng ta ai rồi cũng sẽ già yếu, bệnh tật. Điều gì giữ chúng ta lại bên người, ai còn lại bên ta ở khúc cuối cuộc đời? Có rất nhiều thái độ, hành vi, cử chỉ, sự chăm sóc ấy có nêm tình yêu thương thật sự hay chỉ là nghĩa vụ/thương hại. Điều ấy cũng phụ thuộc vào tài khoản tình yêu của mỗi người. Ai cũng có tài khoản tình yêu. Sự giàu có trong tài khoản tình yêu của mỗi người phụ thuộc vào "lao động", tình yêu ta cho đi, thật lòng và vô điều kiện, được tích luỹ theo năm tháng. Không có gì là bỗng dưng, cho và nhận" (Tài khoản tình yêu"...

Rốt cục lại, vui buồn, sướng khổ, hạnh phúc hay bất hạnh...của đàn bà, do ông trời nào định đoạt đâu, do mình, do chính mình quyết định cả mà thôi...
                   
KHÁNH AN

https://www.nhandan.com.vn/hangthang/item/34523902-chuyen-cua-dan-ba-hanh-phuc.html

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Đỗ Ngọc: Ký ức cứ đưa mắt nhìn

(Bài đăng trên An ninh thế giới cuối tháng, số ra ngày 2/4/2017)

Trí nhớ của con người ta, đôi lúc cực kỳ “phản phé”. Có những chuyện cần nhớ, ấy thế, lại quên. Có những chuyện cần quên như ném đi một viên sỏi xuống dòng sông, khổ nổi, âm thanh của nói cứ vang vọng mãi. Sở dĩ lẩn thẩn nghĩ đến chuyện nhớ/quên, bởi sáng nay ngồi vọng tưởng đến dăm ba đồng nghiệp cũ. Nhớ như in. Nhớ từng nụ cười. Nét mặt. Giọng nói. Và chan chứa nhiều kỷ niệm vui buồn. Thế nhưng không thể nhớ, lần đầu tiên gặp nhau là vào lúc nào. Khó có thể tìm ra giây phút tri ngộ ban đầu ấy. Trong số những bè bạn thân thiết, với tôi, có Đỗ Ngọc. Chị là nhà báo. Đúng rồi. Bên cạnh đó, chị còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, tước hiệu A.FIAP (Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế. Đã có nhiều cuộc triển lãm chung và riêng.

Bức ảnh " Cô gái H'Mông" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Ngọc, chụp năm 1995

Có lẽ nổi đình nổi đám nhất, một trong những tác phẩm nhiếp ảnh tạo nên tên tuổi Đỗ Ngọc, phải kể đến Bà cháu, từng đoạt 7 giải thưởng quốc tế và trong nước. Chỉ nhìn thoáng, nhìn kỹ, dù chỉ một lần, người xem tưởng chừng như khó thể quên hai ánh mắt của một già một trẻ. Họ nhìn gì thế? Duy ánh mắt của cô nhóc trong trẻo, thánh thiện và thiên thần quá đi mất. Sự non tơ “trẻ em như búp trên cành” đã tái hiện lại sinh động và khoảnh khắc ấy, chỉ trong một tích tắc đã thu được thần thái của nó.
Mà cũng từ bức ảnh này, đã đem đến cho Đỗ Ngọc nhiều buồn vui lẫn lộn. Đã có nhiều thợ tranh chép bằng sơn dầu, màu nước, thậm chí cả thêu tay nữa nhưng không thèm… ghi tên tác giả. Nếu chỉ dừng lại đó cũng không sao, vì có lần chị cho biết, cứ phớt lờ độ lượng: “Thôi kệ, ai chép ảnh, copy của ảnh của mình cũng được, lịch sự thì cho một cái tên. Ảnh mình chụp có nhiều người thích, muốn nhân bản cũng vui. Miễn đừng nói tác phẩm của họ, kẻo năm tháng trôi qua, mình lại mang tiếng là “phục dựng” ảnh từ tranh, lại có vụ án “tranh có trước hay ảnh có trước?” thì phiền”.
Nhưng rồi, sự việc không dừng lại đó. Năm kia có một “nghệ sĩ” còn chép tranh Bà cháu thành khổ lớn, thông tin ầm ĩ sẽ tổ chức đấu giá tác phẩm của anh ta tại Dinh Thống nhất (TP.HCM), có chữ ký của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tranh, để lấy tiền “giúp đỡ các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng gặp khó khăn trong cuộc sống”. Giá khởi điểm của bức tranh là 2 tỷ đồng. Các đồng nghiệp phẫn nộ liền báo tin cho Đỗ Ngọc. Mọi việc sẽ thế nào? Tất nhiên báo chí lập tức lên tiếng, phê phán về vụ vi phạm tác quyền này. Và trước giờ đấu giá, thư ký của Đại tướng gọi điện thoại vào yêu cầu không tổ chức đấu giá bức tranh có chữ ký của ông.
Tưởng thế là thôi. Nào ngờ, cũng bức ảnh đó, lại còn được một tập đoàn kinh tế đã mua với giá 1 triệu USD, nhằm góp quỹ cho 500 trẻ khuyết tật được phẫu thuật. Khi đọc tin này tên báo, Đỗ Ngọc mới ngớ người ra và tự hỏi: “Ai đã tổ chức đấu giá, lấy ảnh từ nguồn nào mà mình không biết, không hề xin phép hay ít nhất là thông báo cho mình biết? 1 triệu USD? để giúp 500 trẻ khuyết tật được lành lặn, mình mừng lắm, hãnh diện lắm. Nhưng khi tổ chức bán, họ nói ảnh của ai? Làm việc thiện mà đã không thiện thì… thật đáng buồn, thất vọng”.

Trong đời này, có những lúc: khi đứng trong một căn phòng triển lãm, ta thường chăm chú xem tranh/ảnh của bạn mình hơn là của người khác? Khi bước vào một hiệu sách, giữa bạt ngàn là sách, có những tựa, ta vội lướt qua nhưng đã là sách  của bạn thì lại cầm lấy trên tay với một niềm thích thú? Và với tôi, ngoài bức Bà cháu, còn là bức Cô gái H’Mông, Đỗ Ngọc chụp năm 1995 tại bản Cát Cát (Sa Pa). Cô gái này, tên là Mã Thị Chú.


                            Nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Đỗ Ngọc gặp lại nhân vật ảnh Mã Thị Chú tại Sapa
                                                                              19 năm sau khi chụp bức ảnh "Cô gái H'Mông"

Đỗ Ngọc kể: “Khi đi qua một nương lúa, vườn nhỏ vào sâu trong bản, tôi bất ngờ nhìn thấy một cô gái ngồi ở thềm nhà. Thấy tôi, cô mỉm cười ngượng nghịu và chào bằng tiếng H’Mông. Tôi chưa bao giờ gặp một cô gái vùng cao nào đẹp như vậy, da trắng ngần, mắt to, mũi cao và ánh nhìn rất thông minh. Cô mặc váy áo thổ cẩm màu đen, cổ và tay viền đỏ, đơn giản mà tuyệt đẹp. Tôi làm quen và xin chụp ảnh cô, cô cười bẽn lẽn không nói gì nhưng để mặc tôi theo cô “sáng tác” khắp trong nhà, ngoài sân. Trong nhiều tấm ảnh chụp được, tôi thích nhất bức chụp cô nhìn thẳng vào ống kính với nụ cười thanh xuân e ấp. Lúc ấy cô đang phơi vải ngoài sân, trước ngôi nhà mái gỗ, quanh nhà là hàng rào đá, những cây mận trổ bông trắng xoá bên hiên nhà. Suốt mấy chục năm cầm máy, Cô gái H’Mông - tên bức ảnh là một trong số ít chân dung tôi ưng ý nhất. Đó còn là một trong những kỷ niệm đẹp trong đời cầm máy của tôi”.
So với vụ Bà cháu với nhiều vụ vi phạm bản quyền, bức ảnh này lại “có hậu” hơn. Ấm áp tình người. Nói như vậy, vì 19 năm sau, Đỗ Ngọc lại ngược lên Sa Pa đi tìm “người mẫu” của mình. Bấy giờ, Cô gái H’Mông đã phụ nữ, đã là mẹ của 3 đứa con. Chị kể: “Nhìn cô ấy mắt nhiều nếp nhăn, có chiều mệt mỏi nhưng nụ cười vẫn bẽn lẽn như xưa, lòng tôi trào lên niềm thương cảm. Không chỉ thương câu chuyện ảnh, một kỷ niệm gắn bó, mà thương cả cuộc đời người phụ nữ, một nhan sắc”.
Lúc ngồi nói chuyện, bà mẹ của Mã Thị Chú cứ nhìn Đỗ Ngọc tủm tỉm cười, thỉnh thoảng lại cầm tay chị lắc nhẹ: “Quý lắm, chụp ảnh bao nhiêu năm rồi còn trở lại!”. Thật cảm động. Chuyến đi ấy, Đỗ Ngọc nhớ lại: “Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc trong đời tôi”. Hạnh phúc của người nghệ sĩ đôi khi chỉ có thế. Nhẹ nhàng. Ấm áp. Và nhất là tình nghĩa đọng lại ở đàng sau tác phẩm.

Nếu nhớ không nhầm, Đỗ Ngọc về công tác tại báo Phụ Nữ TP.HCM, lúc ấy đã là tay chụp ảnh chuyên nghiệp. Từ năm 1997, năm ấy, đã 34 tuổi, chị được tham dự khóa học về ảnh báo chí đầu tiên do Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF, nhà báo Tim Page sáng lập) tổ chức tại Bangkok và Chiang Mai. Khóa học này kéo dài 1 tháng dành cho các nhà báo Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Lớp chỉ có hai nhà báo nữ, Đỗ Ngọc và Thaksina của Bangkok Post. Tôi chưa lần nào hỏi, chị đã học được những gì từ khóa học ấy. Chỉ biết rằng, khi thành đồng nghiệp của nhau, Đỗ Ngọc viết nhiều và đi nhiều.
Rồi có lúc, bó chân trong bốn bức tường với công việc “tác chiến” vói từng bài báo thời sự hằng ngày. Có lúc Đỗ Ngọc bạch về nỗi thèm được đi. Sau những địa danh được nhắc đến như Sapa, Mã Pí Lèng, cao nguyên Đồng Văn, Hà Nội, Đà Lạt v.v…Nhưng đây mới là cái thèm lãng mạn hơn cả: “Thèm trở lại Venice. Ở cây cầu ấy, mình đã thả xuống kênh một đồng xu để mong được trở lại nơi này. Nơi quảng trường có hàng ngàn con chim bồ câu dạn dĩ sà xuống tay khách mổ hạt. Nơi mình đã uống một ly cà phê espresso kiểu Ý ngon nhất đời trong quán cà phê thư viện TP. Nơi có những ban công hoa duyên dáng, yêu kiều”.
Nghĩ cho cùng, còn gì sung sướng hơn một khi được vác ba lô trên vai bước ra khỏi nhà. Đi không chỉ để mà đi. Đi với Đỗ Ngọc là thu về những bước ảnh đã chụp được trong một khoảnh khắc nào đó. Và viết.
Không chỉ là những bài báo. Gần đây, Đỗ Ngọc đã khiến nhiêu người ngạc nhiên khi chị cùng Hậu Khảo Cổ, Beo Hồng cùng đứng tên chung trong tạp tùy bút Đàn bà liêu xiêu (NXB Văn hóa Thông tin - 2011). Và bây giờ, Đỗ Ngọc lại có thêm một tập sách mới nữa: AND tình yêu (NXB Văn Học - 2017) đang chờ ra mắt.
Chỉ mưu sinh bằng nghề sử dụng các con chữ, đã hơn nửa đời người, tôi nghiệm ra rằng: với người cầm bút, nếu cần, họ sẽ giấu giếm/che khuất suy nghĩ thật bằng kỹ năng của cái nghề viết lách. Thế nhưng có một hai thể loại, họ lại không thể dễ dàng ném chữ tung tóe trên các trang viết. Tung hỏa mù như mê hồn trận. Dám xác tín, đó chính là thơ và tạp bút/tùy bút/cảm xúc bất chợt… Những thể loại ấy, viết là viết cho chính mình, nỗi lòng, tâm tư của mình ngay thời điểm ấy. Vì thế, nghĩ sao viết vậy. Không cần phải ma mị bạn đọc làm gì. Chính vì thế, tự bản thân thể loại này đã có sực hấp dẫn riêng, tất nhiên, hấp dẫn đến cỡ nào còn tùy thuộc vào tài năng của người viết. 
Tập sách ADN tình yêu của đồng nghiệp Đỗ Ngọc, với tôi, là một sự hài lòng. Hơn cả thế, với nhiều người còn là sự bất ngờ nữa.
Thì ra, câu nói quen thuộc: “Văn là người”, đôi khi phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Đã từng làm việc chung với Đỗ Ngọc, tôi nhận thấy chị là mẫu người quyết đoán, rạch ròi, không “nửa nạc nửa mỡ”, đâu ra đó, không “ba rọi”. Ấy là tính cách của một người mạnh mẽ, xông xáo, trực tính, tất nhiên, phải cứng cỏi, nặng về lý. Tôi đã nhầm to. Nhầm thật đấy chứ. Không ngờ, đọc kỹ những gì chị đã viết, tôi bất ngờ nhận ra trong góc khuất của tâm hồn ấy lại chứa chan một sự đa cảm, nhậy cảm và biết quan sát, có góc nhìn tinh tế lắm.
Những đoản văn, cảm xúc bất chợt, ngẫu hứng trong ADN tình yêu chạm đến nhiều lãnh vực. Không bó khuôn vào nơi một nào cố định. Cảm xúc như nước chảy tràn bờ, việc gì phải “quy hoạch”? Vì lẽ đó, chị đã viết thong dong, thỏai mái nhất, không ngại một ràng buộc nào cả. Nó có nhiều gam màu khác nhau. Đôi lúc, bạn đọc lại cười xòa theo lối đùa nghịch, tếu táo. Nhộn ra phết. Có thể kể đến Tôi cũng muốn có vợ. Nói xấu chồng, Làm gì khi vợ… về hưu. Phụ nũ và… bóng đá, Nghịch lý Adam & Eva v.v…
Và trong lúc đọc, có đôi lúc tôi reo lên một cách khoái trá bởi ghi chép ấy tinh tế lắm, có thể “gia cố” thành một truyện ngắn hay. Chẳng hạn, tình huống: “Một lần âu yếm người yêu, giữa lúc mê đắm cô chợt nhận ra bên hông chàng có vết xăm tên Mỹ Liên”. Phải xóa đi? Đúng thế. Phải xóa sạch. Vêt xóa ấy đã thành sẹo. Nhưng rồi: “giữa phút âu yếm mê đắm của hai người, phải khựng lại khi những ngón tay cô trong lúc vuốt ve đã chạm phải vết sẹo lồi”.
Vết sẹo ấy làm sao có thể phai đi trong nhớ? Nghiệt thật.
Ngoại tình cũng là một tình huống khó quên, đại khái, ở góc đường vắng vẻ nọ, có đôi tình nhân thường hẹn hò lén lút, thiên hạ không thích nhìn thấy cảnh đó. “Chị hàng xóm gần nhà tôi móc máy: “Sao cô để cái thứ mèo mả gà đồng hẹn hò lăng nhăng trước nhà mình cho xui xẻo?”. Tìm cách đẩy họ đi nơi khác? Tất nhiên. Rồi chuyện gì đã xẩy ra khiến tác giả “chốt hạ” bằng một câu bàng hoàng quá đỗi: “Mà tôi, chỉ là người xa lạ”.
Có những cái kết bất ngờ trong tản văn của Đỗ Ngọc, âu cũng là  một thủ pháp neo giữ lại cảm xúc của bạn đọc đấy thôi.
            Chiều nay, lẩn thẩn ngồi sắp xếp lại sách vở bạn bè đã tặng, những trang báo viết về bạn đã lưu giữ. Rất thích đoạn ghi chép này của đồng nghiệp Trần Nguyễn Anh đã ghi lại một chi tiết cảm động: “Đỗ Ngọc kể cho mọi người: “Về thăm ba mẹ ở Vĩnh Long, ăn với gia đình bữa cơm tất niên. Ba mẹ già thêm, lưng còng, mắt mờ, tóc trắng xoá mà miệng cười héo hắt rưng rưng. Ba bảo: "Con mang máy ảnh về không, chụp cho ba cái ảnh bán thân đặng mai này tụi bay làm đám, thờ cũng tiện". Nhất định mặc cái áo quân phục cũ sờn, con phải vá lại cổ áo. Nhìn ngắm ba qua ống kính mà nước mắt con chảy. Cả đời, con đã chụp chân dung bao người, nhiều nhất là các cô gái, những người phụ nữ đẹp. Con bảo họ: "Nhìn hút vào mình này, nhìn nồng ấm nhé, rất hiền nhé"... mà hôm nay con nghẹn ngào không nói nên lời. Rồi con bấm máy. Ảnh nét mà mắt con mờ”.
Chỉ chi tiết ấy, lại càng thêm yêu quý bạn mình - một nghệ sĩ nhiêp ảnh thứ thiệt, đã thành danh.

Nhà báo, nhà thơ LÊ MINH QUỐC

http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nghe-si-nhiep-anh-nha-bao-Do-Ngoc-Ky-uc-cu-dua-mat-nhin-434203/










Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

* KHÚC CUỐI


(Sẽ in trong cuốn Bến đàn bà sắp ra)

Đó là một trưa mù sương trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Mây và sương mù tràn đèo núi, thung lũng. Chiếc xe hơi của chúng tôi bò trong mây mù với tầm nhìn chưa tới 10m, đường và vực sâu ngăn cách bằng những vạt lau sậy, cỏ dại.


photo by Đỗ Ngọc

Chàng lái xe phàn nàn, tự trách mình chủ quan mùa này mát mẻ mà quên mang theo áo, hôm nay trời trở lạnh bất ngờ, cóng cả hai bàn tay đang lái xe. Cô người yêu của anh, lấy trong túi ra chiếc áo khoác dày “Anh mặc vào cho ấm. Em đang mặc áo dài tay và quàng khăn cũng đỡ lạnh”. Anh dừng xe, lấy áo người yêu mặc vào, rồi im lặng lái xe tiếp. Từ hôm qua, mọi người như bị ảnh hưởng những lời đối thoại không đầu không cuối của cặp đôi và “không khí” bực bội tỏa ra từ mối quan hệ của họ. Họ yêu nhau đã lâu, chuẩn bị làm đám cưới. Trước chuyến đi, cô gái phàn nàn “Không hiểu sao gần đây ảnh hay cáu gắt với em, suy tư, khó hiểu. Hình như ảnh hết thương em hay sao!”.
...

"Nhầm đường rồi, thay vì chát chít gì đó, em làm ơn gu gồ đường dùm anh cái!”, chàng lái xe bực bội. Xe tiếp tục nhích từng đoạn trong mây mù, có khúc tôi phải xuống đi bộ phía trước dẫn đường. Vừa ra khỏi khúc quanh, xe bị đụng gầm mạnh, chàng trai hoảng hốt xuống xe xem xét rồi cáu bẳn “Mẹ kiếp, không nhìn thấy hòn đá to giữa đường. Em làm gì mà không căng mắt nhìn đường phụ anh?”. Cô gái nhìn chàng trai vẻ sững sờ. Tôi và anh bạn nhìn về thung lũng mù sương phía xa, không ai nói lời nào.
Sang bên kia đèo, chàng trai tấp xe vào vách núi "Cho em hút điếu thuốc, thèm quá!”. Cả bọn ra khỏi xe, ngắm nhìn mây núi, thung lũng mờ xa. Tôi lần mò xuống thung lũng chụp những vạt hoa tam giác mạch. Lúc trở lên, thấy cô gái đứng bên cửa xe, áo thun ngắn tay, mặt tái xanh vì lạnh. Chàng trai của cô đứng ở đầu xe đang hút thuốc, co ro trong chiếc áo ấm dày của người yêu, lơ đãng ngắm nhìn mây núi. Cái nhìn lơ đãng của anh lướt qua cô gái, kiểu nhìn mà không thấy. Mắt cô gái và tôi gặp nhau. Môi cô run, tím tái. Tôi quay đi nhìn về dòng Nho Quế phía xa, thở dài. Lát sau quay lại, vẫn thấy cô gái so vai gầy, run rẩy, mắt chớp chớp, tôi vội cởi chiếc áo trùm đầu của mình, đưa cho cô, không hiểu sao lại gằn giọng "Mặc vào!". Cậu người yêu quay nhìn, bực tức: “Phong phanh thế kia, sao không ở trong xe mà ra ngoài làm gì cho lạnh?”.

Chính giây phút ấy, trong tôi trào lên nỗi buồn thương. Tình yêu còn là sự xót xa nhau, ngay cả khi tình cạn. Khi nhìn mà không thấy nữa, thì hết rồi. Đường đèo quanh co, u uẩn. Trong xe không ai nói với ai lời nào.

(Trích bài in báo Lao Động & Đời sống, số ra ngày 23/2/2017)

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

DẪN ĐƯỜNG

Trước Tết mình mua một thiết bị dẫn đường của Vietmap gắn trên xe hơi. Mình hay đi khắp nơi và luôn phải hỏi đường mỗi khi đi xa, thậm chí đi gần nhà.



Thật thần thánh. Từ lúc gắn thiết bị trong xe, mình cảm thấy như có bạn đồng hành chu đáo khi cái máy sau khi kết nối vệ tinh luôn nhắc nhở "Theo làn đường trái để qua cầu", "350m phía trước rẽ trái theo hướng dẫn", "Lưu ý tốc độ 50km/h, quan sát đường và nhớ lái xe cẩn thận"... Giọng nữ lúc Bắc, khi Nam. Mình ngẩn ngơ sao nhỏ bằng bàn tay trẻ con mà máy tài thế, nhắc chính xác từng 50m cùng mũi tên xanh thẳng cong trái phải linh hoạt. Mình đi sai hay cố tình đi theo thói quen, ko theo hướng dẫn thì máy phát âm thanh òm ọp như tức giận nhưng ngay sau đó lại kiên nhẫn dẫn đường theo lối mình chọn.

Có hôm đi theo đường quen bị CSGT thổi còi, mình ngơ ngác khi được biết giao lộ này đã cấm xe quẹo trái 4 tháng, trong khi hôm qua hôm kia và trước đó mình vẫn quẹo mà ko biết. Xem lại biển báo mới thì hoá ra nó cách giao lộ hơn 50m và ẩn trong đám lá cây bên đường. Lúc ấy mình ước cái máy phát giọng cựu bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La # đanh thép "nhổ biển báo cắm gần giao lộ, ko làm thì người phải ra đi". Rồi mình lại ước cái máy có thể cảnh báo "350m phía trước có bóng áo vàng núp lùm, cố gắng đừng lấn tuyến đè vạch"... thì hay quá.
Có hôm xe mình chở đám bạn gái thân, chúng cười nói cãi nhau ỏm tỏi, mình lại ước giá cái máy quát lên "Các khách nữ nói đủ nghe thôi, để tài xế lái xe và phát huy quyền duy nhất được nói to". Có đứa nói vừa to vừa dai, giá cái máy chì chiết dùm mình "đồ đàn bà có duyên, ko thấy người nghe điếc tai hết rồi sao". Thấy bọn gái trong xe kể chuyện tình cũ tình mới, khóc cười như ma làm, mình lại ước giá các nhà khoa học phát minh ra thiết bị "dẫn đường tình" gắn vào tai quý bà để cảnh báo họ "Cuộc tình đang đi vào vùng thời tiết xấu. Mặt người tình đang đần thối vì một bông dâm bụt", "350m phía trước đang có một sở khanh núp lùm, cầm túi tiền cho chắc", "Rẽ trái theo hướng dẫn, tránh nguy cơ mất lái ở ổ gà ngoại tình phía trước", hoặc "Qua cầu, 200 mét gặp bùng binh, nghe anh kia ngỏ lời yêu phải gật ngay ko anh ấy chối" ...Đại loại thế.

Đang nghĩ đến đây thì bỗng rụng rời khi nghe tiếng quát "Đi ngu thế, ĐM". Tưởng cái máy chửi mình, hoá ra ông kia chửi bà nọ rẽ trái mà ko xi nhan. 

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

phượt cung SÀI GÒN - BUÔN MÊ THUỘT

Bạn có 4 ngày, muốn trải qua một cung đường thơ mộng, nhiều cảm hứng, qua núi, rừng và biển, nơi nhiệt độ từ váy áo mỏng đến áo khoác nhẹ và khăn quàng điệu ...theo tôi, nên chọn hành trình Sài Gòn - Buôn Mê Thuột. Chuyến đi chúng tôi vừa thực hiện tuần qua, với nhiều trải nghiệm thú vị. Review hành trình cung đường này giúp bạn tham khảo thêm.
NGÀY 1: Nếu xuất phát từ Sài Gòn, bạn nên chọn "đi biển, về núi". Lên đường sớm (5:30 AM) lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đón bình minh trên cao tốc (theo tôi là đẹp nhất nước hehe), tím hồng trên những cánh rừng cao su hai bên đường trong sương mờ ảo như tranh lụa.
Đến Phan Thiết, đi về hướng Mũi Né, theo cung ven biển TL716 nhằm hướng Phan Rang thẳng tiến. Khởi từ Mũi Né-Bàu Trắng-Phan Rí, đoạn này tuyệt đẹp. Đường mới rộng rãi phẳng lì, ít xe chạy, hai bên là những cánh rừng tràm mùa đông bắt đầu trụi lá, nhiều loại hoa dại khoe sắc, bờ biển cát trắng yên bình. Có những đoạn như ngang qua "hoang mạc" với tầm nhìn ngút mắt. Đến Phan Rí (qua sông Luỹ, nên nhờ bác Google map) rẽ ra QL1A chạy về hướng Phan Rang. Nếu thích, bạn có thể dừng chân ghé thăm nhà vườn thanh long, trang trại nho ở đoạn này, hoặc chụp ảnh hoa bằng lăng nở tím các sườn đồi ngay bên đường (tháng 8), làng gốm Bàu Trúc...Chúng tôi chạy thẳng ra đảo Bình Hưng (60km từ Phan Rang). Đây là một trong những điểm chính, nên đến. 


 Cung Bàu Trắng (Phan Thiết) đường mới ven biển tuyệt đẹp



 Con đường vào đảo Bình Hưng tuyệt đẹp, qua những cánh đồng (Bình Tiên) chấp chới cánh cò, men theo bên núi bên biển. Đảo Bình Hưng nằm giữa vịnh Vĩnh Hy tĩnh lặng, nên thơ, nước trong xanh, cách bờ khoảng 2km (10p taxi nước) có nhiều nhà lồng bè nuôi cá, nhà hàng nổi trên vịnh. Giá hải sản nơi đây khá mềm: Cá mú 450 ngàn/1kg, bào ngư 450, mực tươi 350, tôm hùm baby 1,2tr, cùng vô số loại ốc giá từ 220ng...Một con cá mú 3kg có thể làm 3 món: nướng muối ớt, hấp cuốn bánh tráng, nấu lẩu chua cho 7 người ăn. Bạn có thể thuê tàu đáy kính 400-500 ngàn cho một tour quanh vịnh 3g ghé thăm bãi trứng, bãi me, ngắm san hô, tham quan làng bè. Ở đây có nhiều dịch vụ: lặn biển, câu cá...thích nhất là ghé hòn Me tắm biển, chỉ mình nhóm bạn, vừa tắm biển, chụp ảnh, nhà tàu mang theo hải sản nướng ngay trên bãi cát phục vụ khách. 


Đảo Bình Hưng, vịnh Vĩnh Hy



Bạn có thể trú đêm trên đảo tại vô số home stay, giá từ 200 - 500ng/đêm, phòng 2-4 người. Hotel Hồng Nhàn mới xây khang trang, "đẳng" nhất, giá 400-500ng/đêm (ok nhất cho gia đình hoặc nhóm bạn 4 người trở lên). Chủ hotel này cũng là chủ nhà hàng bè Hồng Nhàn, có tàu đáy kính nhận chở khách tham quan vịnh. Nên dậy sớm đón bình minh trên đảo, lang thang chụp ảnh bến cá, la cà ăn sáng uống cafe sát biển với nhiều món ngon dân dã: bún chả cá, bánh xèo, sữa đậu nành nóng...lúc tính giá cứ tưởng nghe lầm vì ...rẻ. Nhất thiết phải tham quan Hòn Chút, nơi có ngọn hải đăng trên đảo. Cảnh quan nơi đây tuyệt đẹp, bình minh nơi đây ko thốt nên lời. Đứng từ trên núi nhìn xuống khung cảnh tĩnh lặng phía dưới, thấy lòng thanh thản tuyệt đối. 

Bến cá Bình Hưng, ngư dân đang chế biến cá con, tôm cua nhỏ làm thức ăn cho cá nuôi bè

Đi chơi trên vịnh bằng tàu đáy kính

Hải sản ở Bình Hưng tươi ngon, giá vừa phải

NGÀY 2: Từ Bình Hưng, trở lại đường cũ thẳng hướng Nha Trang, thích thì bạn có thể ngụ lại nơi này 1 đêm để dưỡng sức, dạo biển chiều và cà kê bia bọt ngay trên bãi biển đêm hoặc đi ăn nem Ninh Hoà nổi tiếng (Phan Bội Châu, Lê Lợi) hoặc bún cá sứa ông Beo kế chợ Đầm...


NGÀY 3: đi Buôn Mê Thuột sáng sớm. Bác Gúc luôn dẫn đường đi ngang rẽ tắt, vô tình chọn cho mình đoạn đường đẹp ít ngờ, thoả chí lang thang với vô lăng, hai bên là những đồng lau, mía bạt ngàn, phía xa là mây giăng mờ đỉnh núi, nối với QL 26 đến Buôn Mê Thuột.  

Đoạn từ xã Ea Tu, Ea Knuec (Daklak) có nhiều đồng bắp (ngô) đang mùa thu hoạch, trái dày đặc trên thân cây đã tỉa sạch lá. 35.000 đồng/chục bắp luộc ngon ngọt bên đường. Và dã quỳ vàng rực welcome lữ khách cuối mùa. Bản Đôn là điểm nên đến, từ trung tâm BMT, có thể thăm thú, khám phá cảnh quan, cuộc sống bản làng hai bên đường thú vị hơn. Giá "cưỡi voi dạo chơi" 15p trong bản 150 ngàn/2 người, đi xa hơn, lội sông Serepok đắt hơn. Hệ thống cầu treo mạng nhện phía tây bản dẫn ra hồ nối với sông Serepok, hoàng hôn ngắm nhìn mặt trời lặn bên kia núi rừng và đàn voi lội sông về bản. Làng cafe Trung Nguyên cũng là điểm ...vào được, tham quan bảo tàng, kiến trúc nhà xưa, uống cà phê Ban Mê trong sáng trời lành lạnh cũng thú vị...



 




NGÀY 4: Cung Buôn Mê- Đắc Nông - Bình Phước- Bình Dương, chặng về lý tưởng với đoạn đầu Buôn Mê Thuột - thị xã Gia Nghĩa (AH17/QL14C) đẹp nhất. Đoạn này qua rừng quốc gia Yokdon, khu bảo tồn thiên nhiên Namkar, Namnung...cảnh quan như...trong phim với đường đèo uốn lượn qua đồi núi, thung lũng, những đồng hoa xuyến chi trong mơ (xã Thuận An). Đoạn xã Nâm N'Jang có những rừng thông thơ mộng, phía dưới là những cánh đồng lau bạt ngàn đẹp sững sờ...qua Bình Phước, Bình Dương về đến Sài Gòn khoảng 8g tối là đẹp.





@ Review chỉ dành cho các bạn đi chơi lang thang, riêng cho các bạn đi chụp ảnh sáng tác... tính sau. Và tất nhiên, các điểm/địa danh nêu trên chỉ là điểm "đánh dấu", đích đến, những hay ho, thú vị là trên suốt đường đi.

Thương hiệu phụ nữ

Mình đang lái xe trên đường bỗng bị CSGT thổi còi. Mình bình tĩnh tấp lề điêu luyện, điểm nhanh lỗi gì, thấy nhanh mình ko lỗi gì.

- Chị biết chị vi phạm gì ko?
- Tôi đang định hỏi chú (ngơ ngác), tôi vi phạm gì vậy chú?
- Kiểm định xe chị hết hạn! Lỗi phạt nặng đó.
- Ô thế á, sao...chú biết? (ngơ ngác thấy thương).
- Trời ơi, chị ko biết thiệt hả? Đây nè, tem dán kính xe chị rành rành hết hạn kiểm định tháng 11/2014. Hết hạn gần nửa năm mà ko biết thì chỉ có chị thôi đó. Vậy cũng đòi lái xe!
Mình bối rối gãi đầu, nở nụ cười ngốc nghếch tội nghiệp: "Ôi, tôi đang thán phục làm sao chú biết hay thế, hoá ra tem trên kính. Phụ nữ lái xe hạn chế thế đấy chú ạ, để ý đến cái này thì ko rành cái kia. Tôi vốn cẩn thận, chỉ là hơi lơ mơ tí thôi, chứ ngay bây giờ tôi chạy đến trạm kiểm định liền. (Trong trường hợp này cứ là phải thành thật chứ ko cậy là...phụ nữ, thậm chí phụ nữ mù màu hay mắt kém rồi cãi bay biến, đánh nhau với CS được). Cái chú CSGT cho mình đi: "Thôi, chị đi đi, đi kiểm định liền đi".



Mình đến trạm kiểm định xe ở Huỳnh Tấn Phát. Mình rất có cảm tình với trạm này. Nhân viên nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, quy trình rất khoa học. Mình sắp hàng chừng 20p thì lái xe vào dây chuyền kiểm định. Qua cửa thứ nhất đo ống xả, máy, gầm..., đến cửa thứ hai là đo gì nữa máy móc, đèn xe. Ông kỹ thuật viên (đẹp trai, rất đàn ông) cười: "Làm phụ nữ cho người ta hầu, lái xe chi cho cực". Mình cười: "Lái xe cũng có niềm vui anh ạ", suýt nữa thật thà bảo tôi còn mang xe của chồng đi bảo dưỡng, đi thay phụ tùng nữa cơ. Ông KTV bảo: "Nào giờ mới nghe phụ nữ nói lái xe là niềm vui, thế xe pan giữa đường chị có thay được vỏ xe ko?". Mình bảo chuyện nhỏ, vài lần rồi, cũng ổn. Nom mình ngớ ngẩn thật thà sao đó, mà sau khi lái xe ra khỏi dây chuyền, ông kia còn theo ra sân si nhan cho mình len lỏi giữa bãi xe đông kín tìm chỗ đậu chờ dán tem kiểm định. Mình cảm ơn ông, cười với ông thật tươi, cảm kích quá trời, định nói thêm "Anh thật đẹp trai, thật đàn ông, sáng nay tôi thấy mình thật phụ nữ". Mà ko dám.

PHỤ NỮ là một thương hiệu mạnh. Thỉnh thoảng đàn ông phụ xách đồ, nhường đường, nhường cả sự quá quắt đanh đá, kiểu không thèm chấp phái yếu, dở hơi. Có một lần mình và một ông chạm xe nhau trong bãi xe siêu thị. Ông ấy nhảy xuống xem cản xe ông ấy rồi hất hàm bảo "Biết lái xe ko?". Mình bảo: "Biết lái cả...chồng, xe nhằm gì?". Lão nhìn mình, mắt loé lên rồi dịu giọng: "Ko nể chị là phụ nữ là tôi...oánh rồi". Mình tức khí nhìn lão từ đầu đến chân, rồi bình tĩnh nói: "Với tư cách là...đàn ông (ex thèm là phụ nữ khuyết tật nữa), tôi thách anh đánh tôi!". Lão khựng lại xíu rồi cười ha hả giữa bãi xe, phải dựa vào xe của lão, vừa ho vừa nói: "Này em, chưa thấy ai chướng như em. Vì cái sự chướng này, cho anh mời em uống cafe nhé". Thế là mình cũng phì cười. Cái bắt tay nhau rồi đường ai nấy đi vui vẻ.

Cũng phải thật thà thú nhận là sau khi kiểm định xe, mình rẽ trái lái về phía Phú Mỹ Hưng, mơ màng thế nào rẽ nhầm vào đường lên cầu Phú Mỹ sang quận 2, nhận ra thì quá muộn. Đành đi qua cầu, total gần 5km mới vòng lại được chỗ cũ là 10. :))