Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

phượt cung SÀI GÒN - BUÔN MÊ THUỘT

Bạn có 4 ngày, muốn trải qua một cung đường thơ mộng, nhiều cảm hứng, qua núi, rừng và biển, nơi nhiệt độ từ váy áo mỏng đến áo khoác nhẹ và khăn quàng điệu ...theo tôi, nên chọn hành trình Sài Gòn - Buôn Mê Thuột. Chuyến đi chúng tôi vừa thực hiện tuần qua, với nhiều trải nghiệm thú vị. Review hành trình cung đường này giúp bạn tham khảo thêm.
NGÀY 1: Nếu xuất phát từ Sài Gòn, bạn nên chọn "đi biển, về núi". Lên đường sớm (5:30 AM) lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đón bình minh trên cao tốc (theo tôi là đẹp nhất nước hehe), tím hồng trên những cánh rừng cao su hai bên đường trong sương mờ ảo như tranh lụa.
Đến Phan Thiết, đi về hướng Mũi Né, theo cung ven biển TL716 nhằm hướng Phan Rang thẳng tiến. Khởi từ Mũi Né-Bàu Trắng-Phan Rí, đoạn này tuyệt đẹp. Đường mới rộng rãi phẳng lì, ít xe chạy, hai bên là những cánh rừng tràm mùa đông bắt đầu trụi lá, nhiều loại hoa dại khoe sắc, bờ biển cát trắng yên bình. Có những đoạn như ngang qua "hoang mạc" với tầm nhìn ngút mắt. Đến Phan Rí (qua sông Luỹ, nên nhờ bác Google map) rẽ ra QL1A chạy về hướng Phan Rang. Nếu thích, bạn có thể dừng chân ghé thăm nhà vườn thanh long, trang trại nho ở đoạn này, hoặc chụp ảnh hoa bằng lăng nở tím các sườn đồi ngay bên đường (tháng 8), làng gốm Bàu Trúc...Chúng tôi chạy thẳng ra đảo Bình Hưng (60km từ Phan Rang). Đây là một trong những điểm chính, nên đến. 


 Cung Bàu Trắng (Phan Thiết) đường mới ven biển tuyệt đẹp



 Con đường vào đảo Bình Hưng tuyệt đẹp, qua những cánh đồng (Bình Tiên) chấp chới cánh cò, men theo bên núi bên biển. Đảo Bình Hưng nằm giữa vịnh Vĩnh Hy tĩnh lặng, nên thơ, nước trong xanh, cách bờ khoảng 2km (10p taxi nước) có nhiều nhà lồng bè nuôi cá, nhà hàng nổi trên vịnh. Giá hải sản nơi đây khá mềm: Cá mú 450 ngàn/1kg, bào ngư 450, mực tươi 350, tôm hùm baby 1,2tr, cùng vô số loại ốc giá từ 220ng...Một con cá mú 3kg có thể làm 3 món: nướng muối ớt, hấp cuốn bánh tráng, nấu lẩu chua cho 7 người ăn. Bạn có thể thuê tàu đáy kính 400-500 ngàn cho một tour quanh vịnh 3g ghé thăm bãi trứng, bãi me, ngắm san hô, tham quan làng bè. Ở đây có nhiều dịch vụ: lặn biển, câu cá...thích nhất là ghé hòn Me tắm biển, chỉ mình nhóm bạn, vừa tắm biển, chụp ảnh, nhà tàu mang theo hải sản nướng ngay trên bãi cát phục vụ khách. 


Đảo Bình Hưng, vịnh Vĩnh Hy



Bạn có thể trú đêm trên đảo tại vô số home stay, giá từ 200 - 500ng/đêm, phòng 2-4 người. Hotel Hồng Nhàn mới xây khang trang, "đẳng" nhất, giá 400-500ng/đêm (ok nhất cho gia đình hoặc nhóm bạn 4 người trở lên). Chủ hotel này cũng là chủ nhà hàng bè Hồng Nhàn, có tàu đáy kính nhận chở khách tham quan vịnh. Nên dậy sớm đón bình minh trên đảo, lang thang chụp ảnh bến cá, la cà ăn sáng uống cafe sát biển với nhiều món ngon dân dã: bún chả cá, bánh xèo, sữa đậu nành nóng...lúc tính giá cứ tưởng nghe lầm vì ...rẻ. Nhất thiết phải tham quan Hòn Chút, nơi có ngọn hải đăng trên đảo. Cảnh quan nơi đây tuyệt đẹp, bình minh nơi đây ko thốt nên lời. Đứng từ trên núi nhìn xuống khung cảnh tĩnh lặng phía dưới, thấy lòng thanh thản tuyệt đối. 

Bến cá Bình Hưng, ngư dân đang chế biến cá con, tôm cua nhỏ làm thức ăn cho cá nuôi bè

Đi chơi trên vịnh bằng tàu đáy kính

Hải sản ở Bình Hưng tươi ngon, giá vừa phải

NGÀY 2: Từ Bình Hưng, trở lại đường cũ thẳng hướng Nha Trang, thích thì bạn có thể ngụ lại nơi này 1 đêm để dưỡng sức, dạo biển chiều và cà kê bia bọt ngay trên bãi biển đêm hoặc đi ăn nem Ninh Hoà nổi tiếng (Phan Bội Châu, Lê Lợi) hoặc bún cá sứa ông Beo kế chợ Đầm...


NGÀY 3: đi Buôn Mê Thuột sáng sớm. Bác Gúc luôn dẫn đường đi ngang rẽ tắt, vô tình chọn cho mình đoạn đường đẹp ít ngờ, thoả chí lang thang với vô lăng, hai bên là những đồng lau, mía bạt ngàn, phía xa là mây giăng mờ đỉnh núi, nối với QL 26 đến Buôn Mê Thuột.  

Đoạn từ xã Ea Tu, Ea Knuec (Daklak) có nhiều đồng bắp (ngô) đang mùa thu hoạch, trái dày đặc trên thân cây đã tỉa sạch lá. 35.000 đồng/chục bắp luộc ngon ngọt bên đường. Và dã quỳ vàng rực welcome lữ khách cuối mùa. Bản Đôn là điểm nên đến, từ trung tâm BMT, có thể thăm thú, khám phá cảnh quan, cuộc sống bản làng hai bên đường thú vị hơn. Giá "cưỡi voi dạo chơi" 15p trong bản 150 ngàn/2 người, đi xa hơn, lội sông Serepok đắt hơn. Hệ thống cầu treo mạng nhện phía tây bản dẫn ra hồ nối với sông Serepok, hoàng hôn ngắm nhìn mặt trời lặn bên kia núi rừng và đàn voi lội sông về bản. Làng cafe Trung Nguyên cũng là điểm ...vào được, tham quan bảo tàng, kiến trúc nhà xưa, uống cà phê Ban Mê trong sáng trời lành lạnh cũng thú vị...



 




NGÀY 4: Cung Buôn Mê- Đắc Nông - Bình Phước- Bình Dương, chặng về lý tưởng với đoạn đầu Buôn Mê Thuột - thị xã Gia Nghĩa (AH17/QL14C) đẹp nhất. Đoạn này qua rừng quốc gia Yokdon, khu bảo tồn thiên nhiên Namkar, Namnung...cảnh quan như...trong phim với đường đèo uốn lượn qua đồi núi, thung lũng, những đồng hoa xuyến chi trong mơ (xã Thuận An). Đoạn xã Nâm N'Jang có những rừng thông thơ mộng, phía dưới là những cánh đồng lau bạt ngàn đẹp sững sờ...qua Bình Phước, Bình Dương về đến Sài Gòn khoảng 8g tối là đẹp.





@ Review chỉ dành cho các bạn đi chơi lang thang, riêng cho các bạn đi chụp ảnh sáng tác... tính sau. Và tất nhiên, các điểm/địa danh nêu trên chỉ là điểm "đánh dấu", đích đến, những hay ho, thú vị là trên suốt đường đi.

Thương hiệu phụ nữ

Mình đang lái xe trên đường bỗng bị CSGT thổi còi. Mình bình tĩnh tấp lề điêu luyện, điểm nhanh lỗi gì, thấy nhanh mình ko lỗi gì.

- Chị biết chị vi phạm gì ko?
- Tôi đang định hỏi chú (ngơ ngác), tôi vi phạm gì vậy chú?
- Kiểm định xe chị hết hạn! Lỗi phạt nặng đó.
- Ô thế á, sao...chú biết? (ngơ ngác thấy thương).
- Trời ơi, chị ko biết thiệt hả? Đây nè, tem dán kính xe chị rành rành hết hạn kiểm định tháng 11/2014. Hết hạn gần nửa năm mà ko biết thì chỉ có chị thôi đó. Vậy cũng đòi lái xe!
Mình bối rối gãi đầu, nở nụ cười ngốc nghếch tội nghiệp: "Ôi, tôi đang thán phục làm sao chú biết hay thế, hoá ra tem trên kính. Phụ nữ lái xe hạn chế thế đấy chú ạ, để ý đến cái này thì ko rành cái kia. Tôi vốn cẩn thận, chỉ là hơi lơ mơ tí thôi, chứ ngay bây giờ tôi chạy đến trạm kiểm định liền. (Trong trường hợp này cứ là phải thành thật chứ ko cậy là...phụ nữ, thậm chí phụ nữ mù màu hay mắt kém rồi cãi bay biến, đánh nhau với CS được). Cái chú CSGT cho mình đi: "Thôi, chị đi đi, đi kiểm định liền đi".



Mình đến trạm kiểm định xe ở Huỳnh Tấn Phát. Mình rất có cảm tình với trạm này. Nhân viên nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, quy trình rất khoa học. Mình sắp hàng chừng 20p thì lái xe vào dây chuyền kiểm định. Qua cửa thứ nhất đo ống xả, máy, gầm..., đến cửa thứ hai là đo gì nữa máy móc, đèn xe. Ông kỹ thuật viên (đẹp trai, rất đàn ông) cười: "Làm phụ nữ cho người ta hầu, lái xe chi cho cực". Mình cười: "Lái xe cũng có niềm vui anh ạ", suýt nữa thật thà bảo tôi còn mang xe của chồng đi bảo dưỡng, đi thay phụ tùng nữa cơ. Ông KTV bảo: "Nào giờ mới nghe phụ nữ nói lái xe là niềm vui, thế xe pan giữa đường chị có thay được vỏ xe ko?". Mình bảo chuyện nhỏ, vài lần rồi, cũng ổn. Nom mình ngớ ngẩn thật thà sao đó, mà sau khi lái xe ra khỏi dây chuyền, ông kia còn theo ra sân si nhan cho mình len lỏi giữa bãi xe đông kín tìm chỗ đậu chờ dán tem kiểm định. Mình cảm ơn ông, cười với ông thật tươi, cảm kích quá trời, định nói thêm "Anh thật đẹp trai, thật đàn ông, sáng nay tôi thấy mình thật phụ nữ". Mà ko dám.

PHỤ NỮ là một thương hiệu mạnh. Thỉnh thoảng đàn ông phụ xách đồ, nhường đường, nhường cả sự quá quắt đanh đá, kiểu không thèm chấp phái yếu, dở hơi. Có một lần mình và một ông chạm xe nhau trong bãi xe siêu thị. Ông ấy nhảy xuống xem cản xe ông ấy rồi hất hàm bảo "Biết lái xe ko?". Mình bảo: "Biết lái cả...chồng, xe nhằm gì?". Lão nhìn mình, mắt loé lên rồi dịu giọng: "Ko nể chị là phụ nữ là tôi...oánh rồi". Mình tức khí nhìn lão từ đầu đến chân, rồi bình tĩnh nói: "Với tư cách là...đàn ông (ex thèm là phụ nữ khuyết tật nữa), tôi thách anh đánh tôi!". Lão khựng lại xíu rồi cười ha hả giữa bãi xe, phải dựa vào xe của lão, vừa ho vừa nói: "Này em, chưa thấy ai chướng như em. Vì cái sự chướng này, cho anh mời em uống cafe nhé". Thế là mình cũng phì cười. Cái bắt tay nhau rồi đường ai nấy đi vui vẻ.

Cũng phải thật thà thú nhận là sau khi kiểm định xe, mình rẽ trái lái về phía Phú Mỹ Hưng, mơ màng thế nào rẽ nhầm vào đường lên cầu Phú Mỹ sang quận 2, nhận ra thì quá muộn. Đành đi qua cầu, total gần 5km mới vòng lại được chỗ cũ là 10. :))

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Mẹ đi lấy chồng

(đã đăng tạp chí Lao Động và Đời sống số tháng 9/2016)

Nhà nó chộn rộn từ sáng sớm, mọi người tấp nập vào ra chuẩn bị đón nhà trai làm lễ rước dâu. Mẹ nó thức dậy từ sáng sớm, tất bật vào ra với áo quần thay nọ đổi kia. Bà ngoại thì như nữ tướng, hét chỗ này, quát chỗ kia, chỉ huy mọi người ai vào việc nấy. Hôm nay mẹ nó lên xe hoa, lần thứ hai.



Nó nôn nao từ hôm qua, rộn rang nhảy chân sáo vì được đi dự đám cưới mẹ. Tuần trước mẹ đã dẫn nó đi nhiều cửa hàng để sắm cho nó bộ đồ vest, cà vạt, giày da rất đẹp, để nó “đẹp như chú rể”, mẹ nó nói. Không ít lần từng nói “Lớn lên con sẽ cưới mẹ làm vợ”, giờ mẹ nói nó sẽ là chú rể trong lòng mẹ, nó vui lắm, nhảy chân sáo, lý lắc khoe với mọi người trong nhà “sáng mai con là phụ rể nè”. Cả nhà, ông bà ngoại và các cậu, dì ai cũng vui cười với nó mà mắt cứ rưng rưng. Suốt đêm qua, mẹ nó ôm nó vào lòng, thỉnh thoảng lại vuốt tóc, hôn nhẹ vào má nó. Có lúc thấy má mình ướt nóng, nó sờ mặt mẹ “Mẹ khóc à?”. “Không, chỉ là mẹ bị cay mắt vì hồi tối thái hành nhiều quá!”.

Nó cùng gia đình bên ngoại đến khách sạn, nơi tổ chức lễ cưới của mẹ sớm nhất. Nó chạy nhảy khắp nơi, say sưa ngắm tháp rượu sâm panh, bánh cưới to đùng lần đầu tiên nó thấy trong đời. Quan khách lần lượt đến. Mọi người nói cười, hỉ hả chúc tụng cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc và quay qua xoa đầu nó, khen nó ngoan. Khi mẹ nó cùng chú rể (cha dượng nó) nắm tay nhau, sánh đôi bước vào khán phòng, mặt nó sáng rỡ, reo vui, hoan hô hồn nhiên. Từ xa, bà ngoại lặng lẽ nhìn nó và quay đi chùi nước mắt. Sáng nay bà đã dặn nó “Con phải ngoan, ăn nhiều trong đám cưới thì mẹ con mới vui, hạnh phúc”
Nó không có khái niệm về bố. Sau ngày cưới nửa năm, khi đang mang thai nó 3 tháng, ba mẹ nó chia tay, mẹ nó trở về nhà ngoại sống, đi làm ở Phường và nuôi con một mình. Năm nay nó 9 tuổi, sống yên ổn vui vẻ với mẹ và nhà ngoại. Mẹ là người thân yêu nhất của nó, sau bà ngoại. Ai cũng thương yêu, chiều chuộng như để đền bù sự thiếu thốn tình cảm bố của nó. Bao lần nó hỏi “Bố đâu, sao nhà mình không có bố?”, thì mẹ nó đều ngậm ngùi “Bố đi công tác rất xa, khi nào Quang Anh 15 tuổi thì bố về”. Thỉnh thoảng nó vẫn được mẹ hay bà ngoại đưa cho một món quà, bảo là quà bố nó gửi. Nó vui lắm. mong mau lớn để gặp bố, có bố trong nhà bà ngoại và mẹ nó đỡ vất vả, nó sẽ được bố dẫn đi chơi, đưa đón ở trường như bao bạn bè.

Các cô bạn của mẹ hỏi nó dự đám cưới mẹ có vui không? Nó bảo vui lắm, nó muốn có ba, trong nhà có ba thì vui lắm, vì trẻ con nào cũng có ba mà. Nó chỉ phàn nàn "Đám cưới mẹ ai cũng có giấy mời, con thì hông có". Cô dâu chú rể đi chào bàn, mẹ nó đứng ngay sau lưng con. Nó quay lại vòng tay ôm eo mẹ, dúi đầu vào hông mẹ âu yếm. Sự âu yếm "cuối cùng" của thời kỳ "mẹ con độc thân". Tối nay mẹ nó về nhà chồng, nó ở lại sống cùng bà ngoại. Các ông bà, cô chú ai cũng mủi lòng, mẹ nó quay đi mắt chớp chớp. Nó được giải thích là nhà bố mới chật chội, lại có ông bà nội ốm đau nên chỉ mình mẹ nó về nhà chồng, còn nó ở với ngoại, mẹ sẽ về thăm, đưa đón nó đi học mỗi ngày.

Trong bàn mọi người quan sát thái độ vui vẻ, hớn hở của nó, thì thầm với nhau thương nó quá. Nhìn nó ăn uống khí thế (cho mẹ được hạnh phúc), một chị bùi ngùi: "Đàn ông đi lấy vợ thì tung tăng, đàn bà thì lắm nỗi, nhất là nỗi con". Anh ngồi kế bên như nói với chính mình "Thương yêu là thương tất cả những gì người yêu có". 


Được thế, sẽ vơi đi những Nỗi đàn bà...