Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

* Đâu rồi, những âm bản quý?

Đôi khi tôi băn khoăn: Những ảnh tư liệu quý, đặc biệt là phim âm bản trong gần một thế kỷ qua của các nhà nhiếp ảnh, nhất là những cây đại thụ của nhiếp ảnh Việt Nam hiện đang ở đâu, được bảo quản ra sao?”. “Xa” về trước thì có NSNA Võ An Ninh (tác giả của nhiều bộ ảnh có giá trị lịch sử/nhiếp ảnh VN), Nguyễn Cao Đàm (một trong những sáng lập viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, nổi tiếng về ảnh/nhiều bộ ảnh đen trắng), Trần Cao Lĩnh (tay tổ ảnh/kỹ thuật phòng tối đen trắng, chủ tiệm ảnh Đống Đa nổi tiếng ở Sài Gòn)…”. Ở mảng ảnh tư liệu/báo chí thì có NSNA Minh Trường, Lâm Tấn Tài, Vũ Ba, Đoàn Công Tính…(sorry, ko thể nhắc hết tên).


Đỗ Ngọc thăm nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm tại Úc năm 1996
Ông mất năm 2001

Sử chép tay triệu trang không bằng ngàn hình ảnh trực quan. Những hình ảnh lưu lại qua ống kính không chỉ là tài sản/trải nghiệm riêng của nhà nhiếp ảnh với cuộc sống mà còn là những tư liệu quý giá về đời sống xã hội, những chặng đường lịch sử của một dân tộc.

Phim negative tráng rửa cẩn thận có thể lưu trữ được vài trăm năm. Nhưng vấn đề là ai lưu trữ, giữ được? Những nhà nhiếp ảnh đam mê, tâm huyết với lao động của mình, với trách nhiệm xã hội sẽ nâng niu, lưu giữ phim gốc rất cẩn thận. Nhưng khi họ qua đời, thì “tài sản hình ảnh” một đời của họ được con cháu giữ gìn ra sao, bảo quản thế nào? Nếu không được bảo quản tốt, những âm bản ấy sẽ hư hỏng… Biết bao hình ảnh/phim gốc đã thất lạc trong chiến tranh, di dân, phần không nhỏ là mất mát do không được quan tâm.

Hội nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa thông tin đã từng in nhiều sách ảnh giá trị như 100 tác phẩm ảnh VN, Ảnh VN thế kỷ 20…Nhưng những cuốn sách và không ít hình ảnh sẽ dần hư hỏng theo thời gian, kể cả được bảo quản tốt. Cụ thể, toàn bộ phim tư liệu của hai nhà nhiếp ảnh/phóng viên chiến trường Lê Minh Trường, Lâm Tấn Tài hiện ở đâu, được lưu giữ/tương lai thế nào?

Tôi nghĩ, ngoài gia đình, người thân của các nhà nhiếp ảnh (đã mất) có ý thức lưu trữ, giữ gìn phim gốc của họ (nên scan toàn bộ để lưu dự phòng), hoặc hiến cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia (chẳng hạn), thì nhà nước (Bộ Văn hóa, chẳng hạn) cũng nên mua những bộ ảnh, những phim gốc - tư liệu quý, có giá trị văn hóa/lịch sử…để lưu giữ, trưng bày.

Tư liệu/hình ảnh quý cũng là di sản quốc gia, cần được lưu giữ, bảo tồn cẩn trọng  Và nhà nhiếp ảnh chính là người góp phần chép sử bằng hình.

Một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ lại đặt câu hỏi “Đâu rồi những digital photo files?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.