Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

* Tập xe cho con

Lớp 9, chuyển trường về gần nhà, ku anh đi học bằng xe đạp. Được một học kỳ, ba anh mua cho con chiếc xe Chaly 50 phân khối độ lại rất ngầu, xinh. Dắt xe ra, chỉ dẫn, 5 phút sau anh phóng vèo vèo. Ku anh chở ku em đi học, anh 15 tuổi cao 1m81, em 11 tuổi cao 1m65, nặng hơn anh. Từ xa, chả nhìn thấy xe, chỉ thấy người ngồi.
Viết cho Leo nhân sinh nhật con tuổi 12 

Ku em quyết tâm tập xe để tự đi một mình, vì mỗi khi ông anh quạu, giận, lườm nguýt, ông em vẫn phải nhẫn nhục "đi nhờ". Một chiều, mẹ theo đề nghị của Leo ra tập xe cho con. Leo giờ gần 60kg, vốn hơi nhát, lên xe đạp mạnh thì xe nghiêng một bên, con vặn vẹo chưa hết một vòng bánh xe đã té. Con luống cuống ko thể vừa lái vừa điều khiển chân, vừa giữ thăng bằng. Mẹ hướng dẫn, hò hét rồi quát. Từ 5m, 10m rồi hết con hẻm.
Hết hẻm nhỏ, con đi ra hẻm kế, tập làm quen xử lí tình huống đường giao cắt, quay xe, thắng xe...Chiều nào cũng tập xe 30p. Một tháng sau con xin được đạp xe đến trường. Mẹ bảo để mẹ đi kèm con, đường lớn đông xe, giao thông hỗn độn, nguy hiểm. Con một xe mẹ một xe, mẹ đi bên cạnh nhìn trái nhìn phải rồi "chỉ đạo" con sang đường đi, con phải luôn sát lề phải, con phải nhìn trái phải trước sau rồi hẵng rẽ hoặc băng qua. Con lóng ngóng loạng quạng khi qua đường, con rẽ đột ngột khiến người ta ko kịp xử lí suýt đụng con. Mẹ la hét và hung dữ quát cả người đi đường khi thấy trẻ con mà ko nhường, vẫn phóng vèo vèo cúp đầu con, vẫn vượt đèn đỏ tốc độ cao làm con hốt hoảng loạng choạng, thậm chí hét mắng con "đồ ngu" khi hồn vía lên mây nhìn con gần như bị đâm trực diện khi con cố guồng qua đường tránh xe máy đang phóng tới. Nếu người kia ko thắng kịp, chắc chắn tai nạn xảy ra. Cả ngã tư nhìn mẹ, vài người cười thông cảm với bà mẹ dữ dằn đang tập xe cho con.
Lại nhớ những con chim mẹ tập bay cùng con. Những con chim non sợ sệt, run rẩy chấp chới rời tổ bay vào không trung cùng chim mẹ, có khi gặp gió mạnh, cánh mỏi còn rớt xuống đất...Rồi cũng đến ngày chim non vững cánh bay vút vào trời xanh, chao liệng giữa bầu trời tự do.
- Mẹ ơi, mẹ nói con chỉ qua đường khi đèn xanh mới an toàn, nhưng sao người lớn vẫn tỉnh bơ vượt đèn đỏ và xíu đụng con?
- Mẹ ơi, làm sao cùng lúc con có thể nhìn trái, nhìn phải rồi còn nhìn sau?
- Mẹ ơi, sao thấy con đang cuống quýt đạp qua đường cho kịp đèn xanh còn mấy số mà chú kia đã vội vượt đèn đỏ và ko chịu chạy chậm hay thắng lại chờ con đi qua làm con hoảng sợ? Chú vượt đèn đỏ sao còn chửi mẹ khi mẹ nhắc chú?...
Con ạ, đó là những câu hỏi mẹ ko thể trả lời con thấu đáo. Mẹ dạy con điều đúng, điều phải nhưng thực tế cuộc sống luôn phức tạp, ko như ta vẫn nghĩ. Khoảng cách đúng, sai, đường đời sau này cũng không có lằn ranh rõ rệt, được tôn trọng, thực thi. Và con phải làm quen với những điều ấy để ứng xử thích nghi, phù hợp.
- Mẹ, Leo đi xe vững rồi, mai mẹ cho Leo đạp xe đến trường một mình nha?!
- Không, mẹ chưa yên lòng để con đi một mình. Đến khi nào mẹ cảm thấy con có thể đi một mình mẹ sẽ cho.

Hôm qua mẹ đi chậm lại phía sau, đứng từ bên này ngã tư mẹ nhìn theo dáng con bé bỏng nhìn trái phải rồi dấn bàn đạp băng ngang đường, đầu quay bên phải dè chừng có xe vượt đèn đỏ. Con qua được bên kia đường an toàn một mình và thong thả đạp tiếp, ko biết rằng mẹ dừng lại bên này ngã tư, ko theo con tiếp, để con đi một mình nửa đường còn lại. Mẹ quay về, nhớ đến vẻ bẽn lẽn của con khi đưa mẹ xem bảng kết quả học tập học kỳ 1 của con: học sinh giỏi, tất cả các môn đều trên 8.2, trừ môn Văn 7.2 với lời thanh minh "Kết quả môn Văn có khá hơn xíu rồi đó mẹ!"

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

* Danh sách ý nguyện

Phim xem trên HBO, về ông chủ một bệnh viện giàu có bị phát hiện ung thư, dự đoán sống chỉ 5% sau ca phẫu thuật. Ông nhập viện, nằm cùng phòng với một bệnh nhân da màu, nghèo, cũng ung thư với chẩn đoán sống được 1 năm.

Bên hồ Nhật Nguyệt (Taipei 1/2015)
Những ngày nằm viện, từ chỗ ko ưa nhau, đòi đổi phòng, hai người đàn ông bệnh nhân đã dần thân thiết từ những trao đổi trong sinh hoạt hằng ngày đến chia sẻ cuộc sống, mong muốn riêng. Câu chuyện mỗi ngày luôn là giới hạn sống của họ còn bao lâu nữa, hồi tưởng buồn vui đã qua và mong muốn trong những ngày còn lại. Họ mong muốn gì: muốn được trẻ lại để ...hút thuốc trộm, phóng xe mô tô trên xa lộ, nhảy nhót điên cuồng với chúng bạn, hay học nhảy dù, đi du lịch đến một nơi thú vị...mà quá bận rộn mưu sinh, làm giàu họ đã ko kịp thực hiện. Những mong muốn được hai BN ghi ra giấy với những gạch đầu dòng, trong đó có nhảy dù, hôn một cô gái đẹp... Và họ đã cùng thực hiện những ý nguyện cuối cùng. Ông chủ bệnh viện thuê bao chuyến bay để cùng bạn thực hiện chuyến nhảy dù. Máy bay bay qua, chao liệng trên bầu trời, khung cảnh hùng vĩ, sự khiếp sợ độ cao đã khiến họ chùn lòng nhưng rồi họ cũng nhắm mắt nhảy vào không gian và trải nghiệm cảm giác rơi tự do cùng HLV với bao phấn khích. 
Họ đã có những phút giây chia sẻ cùng nhau về cuộc đời đã qua, những kỉ niệm dại khờ đẹp đẽ thời tuổi trẻ và cười sảng khoái như hai gã "hư hỏng" trong những cuộc nhậu vui vẻ. Đôi khi, chia sẻ được với ai đó những chuyện ko đầu ko cuối, những điều "vớ vẩn" và cùng cười trào nước mắt như hai kẻ "điên" thật cần thiết biết bao. Nghĩa là ta có người chia sẻ, quan tâm đến những điều có khi là nhạt, vô nghĩa với người khác. Những gạch đầu dòng trong Danh sách ý nguyện được lần lượt gạch bỏ "đã thực hiện", kể cả "hôn một cô gái đẹp"... Cuộc sống ngắn ngủi còn lại của hai người đàn ông tràn đầy tiếng cười, ý nghĩa. Chỉ đến khi giới hạn-tài khoản sống được báo trước, người ta sẽ tập trung sống vì điều gì, biết điều gì thực sự quan trọng với mình, ý nghĩa của những điều ta theo đuổi. Ngay những lầm lỗi, dại khờ thuở nào cũng sống lại và có ý nghĩa nào đấy, rằng ta đã từng sống hết mình, từng vui buồn nông nổi, hạnh phúc và thất vọng ra sao...
Hôm trước, bạn - một nữ đạo diễn trẻ đưa mình ra sân bay, ấm ức kể "Em vừa trải qua một trận bị oánh te tua trên mạng sau một stt có câu "sơ hở" về bộ phim của em , tưởng như ko chịu nổi. Thế rồi, cũng qua, bao người đã bên em, bênh vực em".
Mình cười, ngày trẻ chị chào nhưng người ta lạnh nhạt đã phân vân lắm, ai nói móc mỉa tí thì đã đau khổ lắm, phát khóc, ko ngủ được. Đến tuổi chị, các em sẽ bình thản hơn trước nhiều sự...
Cậu bạn lái xe cười "Đến lúc bình thản được thì tiếc là ...đã già rồi chị ạ". Ba chị em phá lên cười. Những trải nghiệm và thời gian đem đến kinh nghiệm, gạn lọc, nhận thức khác nhau. Đó là điều chị muốn nói, tuổi nào có trải nghiệm, nhận thức, buồn vui ...của tuổi/thời ấy. Một lúc nào đó nhìn lại, ta sẽ rưng rưng, để thành ta hôm nay, đã có ta của những thời ngây thơ, trong trắng, cả tin, ngộ nhận, thậm chí hoang tưởng...không ai hoàn hảo, ko ai không vấp váp sai lầm. Vậy thì cứ sống như mình là, mình muốn, mình tin, trung chính. Và tha thứ cả cho mình nếu mình có lúc lầm lỗi. Tha thứ để mỉm cười và bước tới, nhìn người trẻ khác như mình từng trẻ ngày xưa.
Nếu chỉ còn sống một năm nữa, bạn sẽ làm gì, như các nhân vật trong bộ phim? Mình chỉ muốn sống đến khi các con lớn lên và trưởng thành. Một năm hay 30 năm nữa, nhìn đi nhìn lại, lựa chọn thì mình chỉ muốn một lần thực hiện được chuyến chinh phục đỉnh Fanxipan, nóc nhà Đông dương, cao 3.142m. :))

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

* Chợ tình

"Kéo” là từ người Dao dùng để chỉ cảnh trai gái xuống chợ thích nhau, phải lòng nhau thì nói qua lời hát. Những lời hát ấy thật đẹp: “Nếu không phải là hoa của ong thì ong không đậu. Nếu không phải là người yêu của nhau thì có nói ngàn lời cũng không ra”. Cô gái đáp lời: “Con ong đã tìm được hoa rồi. Nếu thích hoa thì ong cứ lấy mật của hoa đi”. Nếu từ chối, cô sẽ hát: “Con gà nó khóc rồi, anh đừng khóc theo con gà nữa. Nó khóc cho mọi người, không chỉ khóc cho riêng em”… 
                             Một cặp trai gái người Dao đang "kéo" nhau (photo by DoNgoc)
Khi cô gái có vẻ xiêu lòng thì chàng trai bắt đầu nắm tay cô gái và những ngón tay quấn quýt, đan kết vào nhau trong mắt nhìn say đắm. Rồi chàng trai vừa hát vừa gỡ nhẹ tấm khăn trên vai nàng choàng lên vai mình. Cho đến khi tháo được chiếc vòng bạc trên cổ nàng thì xem như nàng đã thuộc về chàng rồi.

Đêm trôi đi trôi đi, nồng nàn và rạo rực. Có điều gì thật đẹp khi bạn đi trong một đêm như thế, khi bạn nhìn thấy những ánh mắt say đắm, những bàn tay đan nhau và văng vẳng trong gió là những lời thì thầm dịu ngọt. Thoáng nghe một cô gái người Kinh nói với bạn “Tự dưng mình cũng muốn có ai đó nắm tay mình”…
Mình từng đi giữa những đêm chợ tình như thế.

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

* Hương mùi già...

Sáng sang khu vực lân cận đi chợ hẻm. Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo rộng chừng 3 mét phần lớn là dân nhập cư, người nghèo thuê nhà trọ. Trái cây, tôm cá miền Tây, rau củ quả Đà Lạt, Hóc Môn hoặc Gò Vấp được bày bán trước mỗi cửa nhà, lề đường. 


Nước mía lau, rễ tranh, mùi già...
Mua bánh mì nóng lò vừa chuyển đến để trong cần xé ủ bao tải. Mua một mớ lá mát gồm rễ tranh, mía lau, râu bắp, mã đề, lá dứa, mùi già... về nấu nước mát; lá sương sáo, sương sâm về vò nấu ăn với nước đường phèn, hột é, 3kg cam sành mọng nước, nửa kg tép đồng còn lao xao trong rổ. Đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm, bà bán cá kêu từ xa kèm theo cái lườm nguýt môi xìa "cả tuần rồi hông mua hàng tui hén". Cô bán rau quen ới "sao hai tuần rồi cô ko mua rau cho cháu", phải nói dối nhà còn mình cô nên ít đi chợ. Kỳ thực là đã "ngoại tình" chuyển sang mua rau củ của mẹ con bà mới đến trọ cuối hẻm. Hai mẹ con vẻ lam lũ, cô con gái vừa sinh con đến khu này thuê nhà trọ, lấy rau vựa về bán sạp trước nhà. Những khi cô con bận với đứa cháu, bà mẹ ra bán, luôn bị khách mua gắt, hối vì chậm. Có hôm mình bảo "bà tính tiền lại đi, tính gì kỳ", bà luống cuống phân bua "đây này, tôi tính lại cô coi, ko ăn gian đâu". Bả bấm ngón tay rồi ngẩn mặt ra cười "ừ nhỉ, tính lộn cho chị 12 ngàn, may mà chị nói chứ ko tôi thiệt". Mình ...lườm "Nhỏ kia ra bán cho mẹ đi, để bả tính tiền toàn tính lợi cho người mua ko hà". Mấy chị bên cạnh cũng chen lời "Ờ, đúng rồi, bán ký rau lời một hai ngàn, tính trật lấy gì ăn". Thương nết chậm, thật thà mà nhiều người "chịu khó" xuống cuối hẻm mua rau cho mẹ con bà. 

Sương sáo hột é
Mua bưởi, trả tiền xong mình vừa quay xe thì chị bán hớt hải ới theo "Cô ơi, cô trả tiền gì kỳ vậy?". Theo phản xạ, mình bực dọc quay lại "Chị đếm kỹ lại đi, chị nói 28 ngàn tui đưa đúng vậy còn kêu gì?!". Chị bán bưởi giơ mớ tiền ra đếm "Chèn ơi, tui nói 24 ngàn chứ 28 hồi nào, trả lại cô 4 ngàn nè". Vội vàng dịu ngay, cười xin lỗi, đã điếc lại còn... trấn áp người ta. Bảo, thôi chị cầm luôn 4 ngàn đi, đáng gì. Chị ấy xua tay "Ai làm dzậy, bán hàng giá nhiêu lấy nhiêu chứ đi xin đâu". Thương chưa chứ. Chị dân miền Tây, có con gái học đại học trọ hẻm này, mỗi cuối tuần chị lên SG hoặc chuyển nhờ ghe hàng ít trái cây, mớ tôm cá đồng cho con bán lấy tiền phụ thêm tiền ăn học. Chợ hẻm, người mua người bán đều biết, thậm chí rành gia cảnh nhau. Mua đồ thiếu tiền còn cho nợ dù ko biết nhà ở đâu. Người mua người bán thân thiết, một ngày nghe nói người bán đã về quê sinh sống, hay đi trọ nơi khác rồi...cũng thấy thiêu thiếu điều gì, cũng nhớ người luôn thêm hành ngò ớt, luôn làm tròn số thiệt về mình, đon đả cười nói chân tình và khiến giật mình khi nghe "Một tuần rồi ko thấy chị đi chợ". Mà biết bao người bán, người mua. Vậy nên thương, nên nhớ chợ nghèo, người bán với mớ rau con tôm con cá chơn chất, những nụ cười và câu chuyện quê trất thiệt thà...

Tóm lại là sáng ni lên cơn siêng năng, chị ấy (mình á) đã làm một nồi khổ qua nhồi thịt hầm, một nồi sương sáo hột é, một nồi nước mát mía lau rễ tranh. Rung động với hương mùi già lan toả dịu dàng khắp nhà trong một ngày Sài Gòn nắng đẹp, nhẹ nhàng ...hihi