Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Biên giới Tây Nam 1979


Năm 1979 ấy, tôi 17 tuổi, vừa tốt nghiệp  lớp 12 tại Trường Trung học phổ thông Lưu Văn Liệt ở Vĩnh Long. Lúc ấy cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang hồi khốc liệt, vài tháng sau khi Trung Quốc xua quân tấn công qua biên giới “dạy cho Việt Nam một bài học” - 17/2/1979.

Đơn vị của cậu tôi và một số đơn vị khác đã được chuyển đường hàng không từ biên giới Tây Nam ra biên giới phía Bắc. Khu gia binh nhà tôi ở, các chú, các anh lính trẻ măng tơ mới nhập ngũ từ phía Bắc vào trước đó đã được đưa xuống biên giới Tây Nam.

Cùng một số bạn ở trường, tôi gia nhập đoàn thanh niên tình nguyện của Thị xã Vĩnh Long đi “phục vụ chiến đấu” ở biên giới Tây Nam 1 tháng. Bấy giờ, ba tôi cùng đơn vị của ông cũng ở chiến trường phía ấy.

Trong đoàn tình nguyện khoảng 40 người, có chừng 20 học sinh trường tôi, còn lại là thanh niên các phường xã. Nơi chúng tôi đến là tỉnh An Giang, huyện Tân Châu, còn xã gì 35 năm trôi qua tôi không còn nhớ chính xác nữa. Chúng tôi hạ trại, cắm lều bạt sát bờ kênh Vĩnh Tế, ngay ngã ba sông. Hai lều bạt lớn cho nam và nữ (có 5 nữ). Bên kia sông là đất Campuchia. Hàng ngày các anh nam đi lên chốt bộ đội để đào công sự, các bạn nữ người ở nhà nấu cơm, người mang cơm ra chốt. Tôi được phân công đi chợ, nấu cơm cùng hai bạn nữ. Hai ba ngày một lần tôi ra bờ sông chờ tàu khách, theo tàu về chợ Tân Châu mua thực phẩm cho đoàn. Vài lần tôi theo mọi người đưa cơm lên chốt (cách trại tình nguyện khoảng 2km). Một đại đội, hầu hết là bộ đội địa phương cắm ở chốt này. Họ sinh hoạt trong những túp lều cây lá nửa nổi nửa chìm dưới mặt đất, nối liền các nhà là hệ thống giao thông hào. Bộ đội dạy chúng tôi bắn súng, kể chuyện đối phó với quân Khmer Đỏ cắn trộm ra sao. Các anh chỉ cho chúng tôi sau khoảnh bụi rậm khoảng 200m kia là chốt quân Khmer Đỏ. Thỉnh thoảng hai bên lại đòm sang phía nhau vài phát.

Những ngày ấy, thỉnh thoảng dưới lòng kênh Vĩnh Tế lại nổi lên những cái xác không đầu hay không chân tay cột dính vào nhau trôi trên sông hoặc tấp vào bờ. Có đêm quân Khmer đỏ đột kích sang đất ta sát hại hơn nửa làng. Có lớp học, cô giáo đang dạy thì chúng xâm nhập giết sạch cả cô lẫn trò. Bộ đội gác đêm canh chừng chặt chẽ phía bờ sông, còn dặn chúng tôi phân công gác đêm chú ý những cụm lục bình trôi ngược nước, tấp bờ bất thường ban đêm…

Được khoảng 2 tuần, tôi nhớ rõ chiều hôm ấy khi một nhóm các anh tình nguyện hớt hải chạy ngược từ chốt biên giới về  “Đụng độ ở biên giới. Đêm nay đánh lớn. Bộ đội mình chết, bị thương nhiều”. Một hồi các anh chạy trở lại chốt tham gia tiếp đạn, tải thương sau khi dặn: “Các em ở lại trông chừng, các anh sẽ trở lại”. Còn lại hai đứa con gái bên ngã ba sông-kênh vắng vẻ, chúng tôi …sợ phát khóc. Hai chị em còn bàn nhau, nếu chốt vỡ, quân Pol Pot tràn sang thì chị em…nhảy xuống kênh Vĩnh Tế. Từ chập tối, tiếng súng vang rền phía biên giới, hai bờ sông pháo nã qua lại sáng một góc trời. Gần nửa đêm, một số anh tình nguyện quần áo tả tơi, ướt sũng lảo đảo trở về trại nằm lăn ra đất, mặt thất thần. Anh Lương, học sinh lớp 12 thẫn thờ: “Thằng Cần chết rồi, bị đạn vào đầu trong lúc tải thương”. Tụi con gái òa khóc như ri. Hôm sau chúng tôi được lệnh trở về thị xã Vĩnh Long. Tôi quên nhiều thứ, nhưng không hiểu sao nhớ rõ tên bạn đã hy sinh: Từ Thanh Cần, học lớp 12 C5. Thi thể bạn được đưa về sau đó, truy điệu ngay tại Trường. Bạn trở thành liệt sĩ ở tuổi 17.

Cũng tuần đó, ba tôi từ biên giới Tây Nam về nhà, ông bị sốt rét nặng. Ông buồn rầu kể: “Chú Vinh hy sinh rồi. Quân Pol Pot tấn công bất ngờ, quân ta đánh trả, chú bắn không còn viên đạn nào. Xác chú được tìm thấy trong công sự, khẩu AK đặt trên ngực”. Sau đó là tin hi sinh của Tại, của Thanh… những chàng lính trẻ miền Bắc chỉ hơn tôi một, hai tuổi, vừa học xong lớp 9, lớp 10, chiều chiều vẫn đi ăn cơm qua nhà tôi trong khu gia binh, vừa đi vừa gõ chén, hát nghêu ngao...

Không hiểu sao, hôm nay lại nhớ rõ chuyện này, sau 35 năm. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc xua quân tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam.

@ Ngày 18/2/2014. Sau một ngày post lên Facebook, note này của tôi đã liên lạc được với vài người bạn. Bạn Đỗ Thành Long đã còm và nhắc tôi: đó là xã Thường Phước. Trận đánh đó, anh Hùng Đại đội trưởng đã hi sinh. Cuộc sống thật thú vị khi những hồi ức từ hiện tại lại nối kết tới quá khứ từ những con người tưởng như chìm vào bóng tối của trí nhớ bỗng sống dậy, sáng rõ một ngày.



3 nhận xét:

  1. Chị ơi, những dòng cảm xúc của chị khiến em cảm thấy cay cay sống mũi! 35 năm chưa phai nhòa trong ký ức về những đau thương mà thế hệ cha, anh, bạn bè đã gửi lại trong chiến dịch biên giới Tây Nam. Bạn em, chia tay em năm 1985 khi anh ấy đang là sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội và không trở lại nữa... 29 năm qua, em cũng vẫn nhớ như im cái ngày chia tay anh ấy hát "Khi chia tay, anh dạo trên bến cảng, biển một bên và em một bên..."

    Trả lờiXóa
  2. Có và còn rất nhiều điều...
    Một trong những trang đau thương vẫn rỉ máu

    Trả lờiXóa
  3. Chân thực và xúc động! Làm sao quên được!

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.