(Tản mạn, đăng tạp chí HTV số tháng 1/2015)
Thỉnh thoảng,
vào những sáng sớm hay chiều cuối tuần, tôi thường đi bộ ra con sông gần nhà để
ngắm nhìn dòng sông nước tràn bờ, hoặc phơi đáy cùng dãy nhà sàn ven bờ tạo nên
bức tranh đen trắng ấn tượng. Thích nhất là ngắm cảnh mua bán trên bến dưới
thuyền ở bờ sông.
Nhiều tàu, ghe
chở trái cây và sản vật của miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố
bán, đậu kín một khúc sông. Hàng chục loại trái cây, măng tươi, gà thả vườn,
hoa kiểng… được chuyển lên bờ. Đêm xuống, xóm ghe thương hồ le lói ánh đèn dầu,
đèn điện bình, các gia đình quay quần bên bữa cơm muộn, thỉnh thoảng bán hàng nếu
trên bờ ai đó ới gọi. Có khi là câu hát cải lương, tiếng cười vang lên giữa
sông. Có khi là tiếng cãi vã, chửi thề. Cuộc sống như một dòng sông, thầm lặng chảy trong đêm, giữa
những tương phản, những nghịch lý sắc màu, sáng tối. Đêm muộn, dòng sông im vắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc tắc
ráng hay xà lan chở cát chạy qua, làm gợn lên những lượn sóng cuộn vào bờ dập dềnh.
Giữa bến sông
san sát thuyền ghe, tôi để ý đến một người phụ nữ thường đứng một mình tư lự
nơi mũi thuyền nhìn lên bờ khi đêm muộn. Có khi chị đứng bất động như thế hồi
lâu. Chị ấy đang nghĩ gì? không dưng tôi băn khoăn. Đời thương hồ, chiếc ghe vừa là nhà, vừa là
phương tiện vận chuyển, bán hàng. Chỉ năm mười mét vuông trên ghe, nhiều gia đình, cặp
đôi đã sống đời lênh đênh rày đây mai đó. Những đứa con cũng được sinh ra và lớn
lên từ đó.
Có một lần, nhân
lúc mua trái cây, tôi đã làm quen với người đàn bà tư lự. Chị có vẻ đẹp da trắng
tóc dài, nụ cười hiền hậu chất phác của phụ nữ miền Tây. Ở vẻ đẹp đó phảng phất
nỗi buồn, nỗi buồn như khi ta nhìn những dề lục bình trôi trên sông chiều chập
choạng. Một lần thấy chị bán hàng mà mắt sưng mọng, tôi hỏi thăm thì chị nói bị
chồng chửi mắng, ổng nhậu suốt. “Tui muốn bỏ đi từ lâu. Có một người thương tui
từ lúc chưa lấy chồng giờ vẫn đợi. Mà vì con nên đành…Đời mình coi như bỏ cô
à”. Và mỗi đêm, xong hết việc nhà, trên bến dưới thuyền đã ngủ yên, chị lại ra
đứng tựa mạn thuyền nhìn lên bờ tư lự.
Tôi không thích hình tượng hòn vọng phu, bởi chỉ thấy ở đó một nỗi buồn
vô vọng. Một người đàn bà tựa mạn thuyền, lơ đãng nhìn cuộc sống sắc màu chảy
trên phố, gợi nhiều liên tưởng, suy nghĩ hơn. Như hôm nay tôi tựa mạn đời, nhìn
ra sông tối thấy người đàn bà ấy, bỗng bâng khuâng. Khoảng sáng cuối thuyền, một
người đàn ông ngồi hút thuốc. Người đàn bà ấy đang nghĩ gì? Có bao giờ cuộc sống
bình yên, đơn điệu như nước chảy qua cầu kia thôi thúc chị lúc nào đó bỗng muốn
lên bờ?
Nhìn người đàn bà tựa mạn thuyền
tôi lại nghĩ đến Francesca - nhân vật chính trong bộ phim nổi tiếng của Mỹ
“Những cây cầu quận Madison”. Câu chuyện tình yêu chỉ diễn ra trong ba ngày
nhưng sống động, thuyết phục qua cách kể, dẫn dắt tài tình câu chuyện đời người
cùng nỗi niềm thầm kín của một phụ nữ yên phận với đời sống thôn quê bình lặng,
một cuộc hôn nhân buồn tẻ.
Hình như có không ít phụ nữ như
Francesca trong câu chuyện phim, mòn mỏi chờ đợi một điều gì đó sẽ đến mà không
bao giờ đến. Mà đến, có khi lại tự giết chết mình để quên đi.
Hình ảnh ấn tượng nhất đọng lại:
Phố mưa mù mịt. Chiếc xe của người yêu - nhiếp ảnh gia chớp đèn nôn nóng chờ
bên kia ngã tư. Ngồi cạnh chồng trong một chiếc xe khác, bàn tay Francesca nắm
chắc chốt cửa xe hơi, chỉ cần một giây cương quyết xoay để bước ra một cuộc đời
khác. Nhưng không, bàn tay cô phân vân rồi khựng lại buông rời. Và những giọt
nước mắt nhạt nhoà như mưa trên kính xe trước mặt. Ánh đèn xe bên kia ngã tư
lập loè tuyệt vọng.
Đôi khi, chúng ta neo đời mình, tình
mình vào một bến bờ, một người nào đó. Bến đục, bến trong , bình yên hay chòng chành sóng khiến ta một lần lên
bờ có thể không muốn trở lại nữa. Có không ít phụ nữ như Francesca, phút cuối chùng
lòng, lưỡng lự, dù rất yêu nhưng tự thắt trái tim mình để tiếp tục sống cuộc
đời bình lặng, buồn tẻ hay cuộn sóng. Hẳn có lí do. Trái tim rung động ngay lần
đầu gặp gỡ, nhưng trái tim cũng tỉnh táo tự cảm và mách bảo.
Rồi cũng trôi qua những lặng thầm
của nỗi buồn mang tên đàn bà…
ĐỖ NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.