(Bài đăng báo xuân Nhân dân hàng tháng 2015)
Khoảng 20 Tết,
đi từ Sài Gòn về miền Tây, đã thấy màu sắc, không khí Tết rộn ràng. Dưa hấu,
hoa kiểng, bánh trái được bày bán dọc theo quốc lộ 1, rộn rịp kẻ mua người bán.
Hai bên đường, hoa mai vàng hé nụ, bắt đầu khoe sắc trong nắng phương Nam ấm áp.
Ấm áp xuân sum họp
Năm nào, gia
đình nhỏ của tôi cũng về ăn Tết ở Vĩnh Long, nơi cha mẹ tôi sinh sống, để vui
đón Tết cùng đại gia đình. Tết phương Nam vui, “không khí” nhất lại là những
ngày trước Tết. Cả năm lo làm ăn, bận rộn mưu sinh vất vả, ai cũng nôn nao chờ
xuân đến Tết về. Tết, với người dân miền Tây Nam bộ vẫn là mùa làm ăn, hy vọng thu
hoạch khấm khá sau những tháng ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng ruộng. Là hi
vọng một năm mới tốt lành, gia đình quây quần đoàn tụ.
Gần Tết, đặc sản Tết bày bán khắp
nơi dọc theo QL1, nhiều nhất là dưa hấu, bánh, mứt trái cây, bánh tráng và đủ
loại mắm: mắm tôm chua, mắm lóc, mắm cá linh, cá sặt…Tôi thường ghé mua rượu nếp
than và đế Gò Đen - hai đặc sản nổi tiếng của tỉnh Long An, được bày bán nhiều
tại địa phận Bến Lức, làm quà cho gia đình. Sản phẩm của làng rượu Gò Đen (xã
Phước Lợi, huyện Bến Lức) có hương vị thơm ngon đặc
biệt, được cất từ các loại gạo nếp mỡ, nếp hương, nếp than… trồng tại địa
phương.
Ngày xuân, lai rai ly rượu nếp than đậm đà hay ly đế Gò Đen thơm hương nếp cùng
gia đình, bạn bè, bên cạnh những món ngon phương Nam, không gì thú vị bằng.
Đêm trước ngày về quê, các con tôi thường nao
nức soạn quần áo mới, những món quà nhỏ để đem về biếu ông bà ngoại và làm quà
cho đám trẻ anh chị em họ. Hai đứa còn “diễn kịch” với nhau sẽ chúc ông bà
ngoại như thế nào, lời chúc luôn có câu “Kính chúc ông bà mạnh khoẻ, sống lâu
trăm tuổi”. Xe dừng trước nhà, chưa kịp xuống xe đã thấy cha mẹ tôi đứng chờ
ngay trước cửa, nụ cười rạng rỡ trên hai gương mặt phúc hậu tóc bạc phơ. Những
đứa con lớn lên, như chim tung cánh bay xa, mỗi năm vài lần trở về thăm cha mẹ,
căn nhà xưa yêu dấu, đông đủ nhất vào dịp Tết.
Nhà cha mẹ tôi nằm bên bờ sông Tiền. Trước Tết hai
tuần, cha tôi thường đem bộ lư đồng mấy chục năm tuổi ra đánh sáng choang bằng
tro bếp. Ông nói, con người có nguồn cội, bận rộn gì cũng phải chăm nom bàn thờ
ông bà tổ tiên, coi trọng mâm cúng ngày giao thừa đặng rước ông bà về vui vầy
năm mới cùng con cháu. Vườn mai kiểng trước sân nhà được cha tôi chăm sóc, tưới
tắm, cắt cành tỉa lá công phu để hoa nở đúng những ngày Tết. Tết năm nào anh chị
em trong nhà cũng đi chợ hoa mua tặng cha mẹ một chậu mai vàng. Năm tháng qua, cha mẹ thêm tuổi, khoảnh sân rộng trước
nhà thành vườn mai kiểng mấy chục cội. Mấy chục gốc mai là mấy chục mùa
xuân gia đình vui vầy đầm ấm bên nhau.
Mỗi người một tay bày biện, sửa soạn Tết.
Đám đàn ông trong nhà dọn dẹp, bày biện lại nhà cửa. Các chị em gái ngào bột
làm bánh kẹp, mứt dừa hay gói ít đòn bánh Tét nhân dừa, nhân đậu để ăn ba ngày
Tết và đem về thành phố làm quà. Bữa cơm chiều 30 Tết đầy đủ các thành viên
trong gia đình. Mỗi người trổ tài làm một món ngon, bữa ăn cuối năm có món gỏi
gà xé phay bóp hoa chuối, lẩu vịt nấu chao, cà ri, tôm càng kho tàu, hủ tiếu
xào hải sản... Cha tôi luôn là người nâng ly rượu chúc Tết, mong muốn mọi điều
tốt lành, hanh thông cho con cháu. Mọi người chúc nhau, con cháu mừng tuổi ông
bà, ông bà cậu dì lì xì cho con cháu…ấm áp tình gia đình trong bữa cơm đoàn tụ
cuối năm.
Sắc xuân
miệt vườn
Tết nào tôi cũng dạo chợ hoa xuân Vĩnh Long bên bờ sông Tiền. Đây là một trong những chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền quy mô và đẹp nhất
vùng đồng bằng Cửu Long. Đoạn bờ sông dài hơn 1km rực rỡ thảm hoa đủ màu sắc.
Hoa kiểng từ làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), từ Đồng Phú, Chợ Lách (Bến Tre), từ
cù lao An Bình, Bình Hoà Phước theo ghe tấp bến nhộn nhịp. Nào là hoa mai, hoa
giấy, cúc đủ loại, vạn thọ, đỗ quyên, quất kiểng cùng nhiều loại bonsai tuyệt
đẹp… Nhiều người dân từ các cù lao bên kia sông bơi xuồng về chợ chơi, tiện thể
bẻ vài cành mai bán kiếm ít tiền xài Tết hay quần áo, quà Tết cho sắp nhỏ ở
nhà. Tiếng chào mời, trả giá rộn một góc đường. Không chỉ mua bán, niềm vui dạo
chợ, nhìn ngắm hoa kiểng mùa xuân bừng sáng trên gương mặt mỗi người. Yêu nhất những
chiếc xe lôi đạp chở hoa thuê len lỏi giữa phố đông, toả đi các ngả, đưa hoa xuân về nhà người
mua. Xuồng, ghe liên tục ra vô, đưa lên bờ hàng chục chậu hoa, kiểng, trái cây
các loại. Chợ Tết miền Tây thường bày bán bộ trái cây cúng Tết gồm mãng cầu,
dừa xiêm, đu đủ, xoài, thể hiện mong ước “cầu vừa đủ xài”. Niềm hy vọng, lời nguyện
cầu ở năm mới của người miền Tây quê tôi giản dị, chân thật thế thôi.
Mùng 2 Tết nào
tôi và nhóm bạn học thời cấp 3 cũng qua phà Bắc Cổ Chiên sang cù lao Bình Hoà
Phước thăm và chúc Tết bạn bè. Đây cũng là dịp người ở phố thị đi chơi, thăm
thú, thưởng thức không khí Tết miệt vườn. Tàu chở khách du lịch trong và ngoài
nước rẽ sóng băng băng qua sông, đi sâu vào những con kinh nhỏ của làng quê
hiền hoà yên ả. Các điểm du lịch sinh thái, nhà hàng - vườn cây trái, hoa kiểng
thu hút đông du khách. Con đường đất ngày xưa, nay là đường bê tông dẫn chúng
tôi đi sâu vào miệt vườn trù phú, cây trái xanh tươi, trĩu quả. Hai bên con
đường nhỏ, hoa mai vàng rực hàng rào, sân nhà. Chúng tôi gặp lại lớp trưởng,
lớp phó nay là hiệu trưởng, nông dân sản xuất giỏi nhà kề bên nhau. Anh kỹ sư
nông nghiệp từ cù lao Đồng Phú sang, cô giáo dạy Văn từ chợ Lách chạy xuồng
về…bạn bè tay bắt mặt mừng, thăm hỏi, rưng rưng nhìn nhau - những cô cậu học
trò mười bảy, mười tám ngày nào tốt nghiệp trung học, giờ tóc đã điểm bạc, nụ
cười rạng rỡ trên gương mặt hằn dấu thời gian.
Cả bọn cùng
nhau ra vườn hái rau, bẻ trái, trò chuyện ríu rít như thưở học trò. Rau nhà lá
vườn đủ loại: lá xoài non, lá cóc, đinh lăng, húng nước, rau
troại, rau tập tàng …được các “nữ sinh” hái để cuốn bánh xèo, nấu canh với tôm
khô. Các “nam sinh” hùa nhau lấy vợt xúc cá tai tượng hai, ba kg một con dưới
mương trong vườn. Vườn nhà bạn rộng cả mẫu, trồng đủ loại cây trái: chôm chôm,
bưởi da xanh, nhãn, vú sữa. Ở cù lao này, người dân sống hoàn toàn bằng huê lợi
từ vườn cây trái. Nhiều gia đình có đời sống sung túc từ thu hoạch trái cây,
bán cây giống, chuyên canh kỹ thuật mới, cho trái nghịch mùa bán giá cao. Vườn
nhà này cách nhà kia chỉ một bờ đất hay rào kẽm gai chăng lấy lệ. Nhà ở cách
vườn cả cây số, không lo bị trộm cắp hay phá phách. Vợ bạn hẹn đầu tháng
6 mùa chôm chôm chín đỏ, bạn bè nhớ về chơi. Mọi người thích thú bẻ dâu, những
cây dâu chi chít trái, xoài xanh giống mới mỗi trái nặng cả ký lô, mít dày trái
từ gốc đến ngọn…
Dọc đường quê, thường gặp cảnh “độ nhậu” tưng
bừng. Các gia đình thường bày bàn ăn trước hàng ba mấy ngày Tết. Ai đến thăm,
chúc Tết hay người thân quen đi qua đều có thể nhập cuộc, được tiếp đãi nồng hậu,
chân tình. Có những gia đình vừa tổ chức nhậu vừa đờn ca cải lương hay hát
karaoke. Ở miệt vườn mà không nhậu, nhất là ngày Tết không uống với nhau một ly,
không “dô trăm phần trăm” coi như không thiệt tình, dễ…xa nhau. Cả năm làm lụng
vất vả, Tết là dịp mọi người được thảnh thơi, vui vẻ “xả hơi”. Món ăn đãi khách
ngày Tết ở miệt vườn thường có thịt heo kho hột vịt, khổ qua nhồi thịt hầm,
cháo, gỏi gà, bánh tét, giò thủ... Miệt vườn còn nhiều món ngon khác, như lươn um lá
nhàu, cá lóc hấp bầu, vịt nấu chao. Bữa trưa của những người bạn học cũ có thêm
món tôm càng sông vừa dỡ đáy nướng muối ớt, cá tai tượng chiên xù cuốn với gần
chục loại rau nhà lá vườn, khô cá khoai nướng than dừa chấm mắm me... Những câu
chuyện, kỷ niệm vui thời học trò được nhắc lại giữa tiếng cười hồn hậu của những
cô cậu học trò thưở mười bảy đôi mươi ngày nào, xen tiếng “dô, trăm phần trăm”…
Có đi đâu rồi cũng trở về, để thấy ấm áp trong tình bạn, tình người miền Tây. “Tháng
sáu nhớ về nghen, mình chờ!”, bạn nắm tay hẹn hò lúc chia tay, mọi người xuống
ghe về lại bờ bên kia phố thị.
Những ngày Tết
quê rồi cũng qua mau, ai nấy lại trở về cuộc sống, công việc thường ngày. Mỗi
lần chào cha mẹ trở lại thành phố, tôi lại cảm thấy nao lòng khi nghe câu hỏi
của ông bà: “Chừng nào bây lại về?”. Rưng rưng nhìn mái tóc cha mẹ bạc phơ, ánh
mắt đục dần theo năm tháng nhìn hút theo những đứa con đang xa dần. Lại sợ,
ngày nào đó những mùa Tết thương yêu đầm ấm của đại gia đình bên cha mẹ sẽ chỉ
còn trong kí ức…
Bài và ảnh:
Đỗ Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.