(Bài đăng báo xuân Pháp Luật TP.HCM 2015)
Tôi rất quan tâm đến những con
người, nơi chốn tôi từng qua đã thay đổi thế nào sau nhiều năm tháng. Hành
trình tìm người cũ, chốn xưa cũng là hành trình ngược về thời tuổi trẻ nhiều kỷ
niệm. Mùa thu 2014, mười chín năm sau khi chụp bức ảnh “Cô gái H’Mông”, tôi đã
trở lại Sapa tìm người trong ảnh.
Sapa
1995
Đó là một sáng mùa thu năm 1995, tôi cùng các tay máy trong CLB
nhiếp ảnh Hải Âu ghé bản Cát Cát, hành trình cuối của chuyến xuyên Việt dài ngày bằng xe máy.
Trước khi vào bản Cát Cát, chúng tôi đã qua các bản Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van,
ngoại ô Sapa. Ai cũng mê đắm cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng của vùng cao Tây Bắc.
Bản Cát Cát nằm trên đường lên núi Phanxipan – nóc nhà của Đông Dương. Cát Cát
có vài chục nóc nhà nằm dưới thung lũng, xung quanh là núi đồi, ruộng bậc thang
và dòng suối uốn khúc. Đời sống dân bản còn nghèo, người dân (đa số là người
H’Mông) sống bằng nghề trồng lúa, ngô và dệt thổ cẩm. Thu hút ống kính chúng
tôi nhất là cảnh sinh hoạt đời thường, trang phục đầy bản sắc của người H’Mông,
những ngôi nhà trình tường đất, mái lợp bằng những tấm gỗ mỏng, hàng rào đá vây
quanh nhà rất đẹp…
Mã Thị Chú năm 1995Phó nháy và người mẫu năm 1995
Tôi cùng các bạn đi quanh quẩn trong bản để chụp ảnh, khi đi qua
một nương lúa, vườn nhỏ vào sâu trong bản, tôi bất ngờ nhìn thấy một cô gái
ngồi ở thềm nhà. Thấy tôi, cô mỉm cười ngượng nghịu và chào bằng tiếng H’Mông.
Tôi chưa bao giờ gặp một cô gái vùng cao nào đẹp như vậy, da trắng ngần, mắt
to, mũi cao và ánh nhìn rất thông minh. Cô mặc váy áo thổ cẩm màu đen, cổ và
tay viền đỏ, đơn giản mà tuyệt đẹp. Tôi làm quen và xin chụp ảnh cô, cô cười
bẽn lẽn không nói gì nhưng để mặc tôi theo cô “sáng tác” khắp trong nhà, ngoài
sân. Trong nhiều tấm ảnh chụp được, tôi thích nhất bức chụp cô nhìn thẳng vào
ống kính với nụ cười thanh xuân e ấp. Lúc ấy cô đang phơi vải ngoài sân, trước
ngôi nhà mái gỗ, quanh nhà là hàng rào đá, những cây mận trổ bông trắng xoá bên
hiên nhà.
Suốt mấy chục năm cầm máy, “Cô gái H’Mông” – tên bức ảnh là một
trong số ít chân dung tôi ưng ý nhất. Đó còn là một trong những kỉ niệm đẹp
trong đời cầm máy của tôi.
Cuộc gặp gỡ sau 19 năm
Chúng tôi đến Sapa vào một buổi sáng mù sương ngày cuối thu 2014. Mây mù
trôi bãng lãng trên các đỉnh núi, tràn xuống thung lũng. Cảnh vật trầm lặng, mờ
ảo trong sương. Tôi cùng nhóm bạn đi xe vào bản Cát Cát, ai cũng háo hức, chia
sẻ câu chuyện ảnh 19 năm của tôi. Tôi cầm theo cuốn sách ảnh in 17 năm trước của
mình, có ảnh của “nhân vật”, để hỏi thăm phòng khi không tìm được nhà cô ấy.
Vật đổi sao dời, ai biết được sau từng ấy năm cô và gia đình có còn sinh sống ở
bản Cát Cát hay không.
Tôi đứng ngẩn ngơ ở đầu bản. Cát Cát đổi thay quá nhiều. Bản làng thưa thớt
chỉ vài chục nóc nhà dưới thung lũng xưa, giờ là địa chỉ du lịch thu hút nhiều
du khách trong và ngoài nước, cuộc sống phát triển hơn rất nhiều. Đường chính
trong bản đã đổ bê tông, nhiều ngôi nhà xây nền cao, có nhà lợp tôn, ngói.
Dường như mỗi ngôi nhà ở trục đường chính của bản đều là một cửa hàng bán thổ
cẩm, quà lưu niệm. Đi gần ráp vòng bản, tôi vẫn không tìm ra “ngôi nhà xưa”,
nơi tôi đã gặp “người mẫu”. Đưa bức ảnh, tôi hỏi thăm dân bản có ai biết cô,
nhà cô ở đâu không. Ai cũng chăm chú xem ảnh rồi lắc đầu “không biết”.
Tôi ôm cuốn sách ảnh, đứng ngơ ngác giữa bản, thất vọng biết tìm cô ấy ở
đâu bây giờ. 19 năm rồi, nay cô ấy khoảng 40 tuổi. Đời sống vùng cao vất vả đã
biến cô gái xinh tươi “của tôi” thành người đàn bà lam lũ nào, để không ai còn
nhận ra cô ấy nữa. Các bạn tôi cũng phụ hỏi thăm. Đang nản thì một thanh niên
chỉ bà già người H'Mông ngồi trước cửa hàng thổ cẩm: "Hỏi bà ấy đi, bà ấy
sống ở đây từ khi sinh ra, chắc biết". Vừa nhìn ảnh cô gái, bà già cười
hồn hậu: “Tao biết nó. Nó lấy chồng ở xã khác. Cậu nó bán hàng dưới kia”. Cả
nhóm mừng rỡ đi ngay xuống cuối bản, gặp cậu ruột cô gái, một người đàn ông
khoảng 60 tuổi. Ông nói ngay khi vừa nhìn ảnh: "Đúng là con Mã Thị Chú,
cháu tao. Nó đang sống ở Sa Pả bên nhà chồng". Ông dẫn tôi đến nhà mẹ cô
gái, ngôi nhà vách đất mái gỗ xưa tôi đã đến, giờ được đúc nền xi măng cao ngay
dốc xuống thung lũng.
Mẹ cô gái, một phụ nữ H.Mông đẹp lão, đón tôi ở cửa với nụ cười hiền. Được
em trai giới thiệu tôi và mục đích chuyến đi của tôi, nhìn bức ảnh con gái bà
xác nhận: "Con bà đó, giờ nó già lắm rồi". Nghe lời khẩn thiết của
tôi: "Cháu muốn gặp lại cô ấy, tặng cô ấy cuốn sách ảnh này, chụp lại ảnh
cô ấy sau 19 năm", bà liền gọi điện thoại di động cho con gái đang ở Sa
Pả, cách Sa Pa 8 km. Không hiểu bà nói gì mà sau đó quay sang tôi, cười vui vẻ:
"Con gái bà sẽ đến". Tôi vui sướng chờ đợi, ngắm nhìn ngôi nhà xưa,
giờ khá khang trang với mặt tiền là cửa hàng, khung cửi dệt thổ cẩm. Trong nhà
có gian bếp chứa nhiều loại rau củ, ngô giống, có gác, có TV đang phát sóng
chương trình của VTV… 40 phút sau, người mẫu của tôi - Vàng Thị Chú, đến với
chồng, một người đàn ông H'Mông trắng trẻo đẹp trai, thư sinh. Tôi nhận ra cô
ấy ngay, vẫn nụ cười bẽn lẽn xưa, dù nhan sắc phần nào héo hắt, mệt mỏi. Cô
thích thú ngắm nhìn chân dung mình trong cuốn sách ảnh của tôi rồi cười ngượng
nghịu thanh minh “Cuộc sống vất vả, mình già và xấu lắm rồi".
Mã Thị Chú 2014Người mẫu và phó nháy gặp lại sau 19 năm
Mã Thị Chú và chồng tại nhà mẹ cô ở bản Cát Cát
Ở tuổi 40, Mã Thị Chú giờ có ba con, con gái đầu đã lấy chồng. Như vừa hôm
qua thôi, sau 19 năm, tôi lại say sưa chụp ảnh cô ở góc sân với những dải vải
đũi vừa nhuộm phơi ngang sân. Nhìn cô ấy mắt nhiều nếp nhăn, có chiều mệt mỏi
nhưng nụ cười vẫn bẽn lẽn như xưa, lòng tôi trào lên niềm thương cảm. Không chỉ
thương câu chuyện ảnh, một kỷ niệm gắn bó, mà thương cả cuộc đời người phụ nữ,
một nhan sắc...
Vợ chồng Chú mặc quần áo mới, trang phục như đi hội làng bản. Họ rất đẹp
đôi. Ngắm họ nhìn nhau, cư xử với nhau, tôi cảm nhận được hạnh phúc của vợ
chồng họ. Seng cho biết, anh là người chồng thứ hai của Chú. 19 năm trước khi
tôi chụp ảnh, Chú đang sống với người chồng đầu tiên. Hai năm sau cô li dị
người chồng đầu mà chưa kịp có con. Sau đó cô kết hôn với Seng. Anh kém vợ ba
tuổi, con gái lớn vừa lấy chồng, hai đứa sau đang đi học. Vợ chồng Seng sống
bằng nghề làm nương, đủ ăn. Ngồi nói chuyện mà mẹ Chú cứ nhìn tôi cười, thỉnh
thoảng lại cầm tay tôi lắc nhẹ: “Quý lắm, chụp ảnh bao nhiêu năm rồi còn trở
lại!”. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh sự đổi thay của bản Cát Cát, cuộc
sống của người dân, thăm hỏi nhau về gia đình, con cái…Rồi cũng đến lúc ra về.
Tôi tặng cho Chú và mẹ cô chút quà, chia tay họ với lời hẹn ngày nào trở lại
Sapa, tôi sẽ gọi điện thoại cho cô. Chú đùa: "Hai mươi năm nữa lại gặp để
chụp ảnh, mình thành bà cụ già lắm rồi". Chồng cô chở tôi bằng xe máy ra
đầu bản để về lại Sapa. Dọc đường, tôi khen vợ chồng anh đẹp đôi, Seng mắc
cỡ: “Cái vợ nó đẹp thôi, mình chỉ tàm tạm”. Anh ân cần dặn tôi lần sau trở lại
nhớ gọi điện thoại trước, vợ chồng anh sẽ đón tôi về nhà ở Sa Pả chơi. Tôi đùa:
“Chăm sóc vợ nhé, đừng làm cô ấy buồn mà xấu đi. Lần sau tôi trở lại cô ấy vẫn
đẹp và vui, để chụp ảnh cho đẹp nhé!”. Seng cười: “Chị đừng để hai mươi năm mới
trở lại nhé. Hôm nay vợ mình vui lắm đấy. Thế nào tối về cũng khoe khắp bản
cuốn sách ảnh của chị!”.
Trời đổ mưa phùn, tôi chia tay Seng, bước đi mà thấy lòng ấm áp. Đi xa rồi
quay lại nhìn, tôi vẫn thấy Seng đứng nhìn theo ở con dốc đầu bản.
Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc đi và chụp trong đời tôi...
Bài
và ảnh: ĐỖ NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.