(Bài đăng tạp chí Cẩm nang chăm sóc gia đình/Tư vấn tiêu&dùng, số tháng 12/2014)
1. Câu chuyện thứ nhất
Sáng nay trên đường đi bộ quanh khu nhà
mình, tôi lại gặp họ, lần thứ 5 trong 5 năm qua. Đó là đôi vợ chồng Việt kiều,
mỗi năm dịp gần Tết họ lại trở về VN.
Chapeau bài viết
Lần đầu tiên tôi gặp họ vào năm 2008,
cũng dịp cận Tết. Trên đường đi bộ sáng, tôi gặp một người đàn ông khoảng 55
tuổi đẩy xe lăn cho một bà già. Bà ngồi dúm dó trên xe lăn, đầu ngoẹo sang bên,
miệng méo, khuôn mặt xấu xí biến dạng được son phấn quá mức, làm ai nhìn cũng
ái ngại. Tôi nghĩ, ông này có hiếu ghê, đẩy xe lăn cho mẹ đi chơi mỗi sáng. Và
tôi hơi…buồn cười khi thấy “bà mẹ già” luôn mặc đầm rực rỡ, đội nón rộng vành kiểu
công nương Diana.
Năm thứ ba, tôi gặp ông đẩy xe lăn cho
mẹ ở hẻm nhỏ gần đó mua bánh mì. Hẻm lầy lội ngày mưa, ông cúi xuống âu yếm nói
“Mẹ chọn bánh đi” rồi trả tiền và tiếp tục đẩy xe đưa bà đi chơi trong hẻm, cái
hẻm toàn dân nhập cư chẳng hợp với một “công nương” già bệnh tật rất diện ngồi
xe lăn. Hình như đời sống thị dân hẻm nhỏ đem lại cho bà niềm vui khám phá, cảm
giác đang được sống. Tôi bỗng giật mình khi nghe bà bán bánh mì nói: “Trần đời
không thấy ai thương vợ như ông Việt kiều này. Bả bịnh tật, già yếu vậy mà ổng
thương yêu, chiều chuộng như công chúa. Có lúc tui thấy bả nóng nảy to tiếng mà
ổng vẫn nhẹ nhàng. Thiệt là bà này có phước”. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo họ, hoá
ra...
Những cư dân trong hẻm kể: Ngày xưa bà
rất đẹp. Một cơn đột qụy khiến bà bán thân bất toại. Mỗi năm ông đưa bà về VN
sống vài tháng. Tình thương yêu, sự kiên nhẫn đẩy xe, dìu vợ tập đi từng bước
của ông…đã khiến bà thỉnh thoảng có thể bước đi trên đường, tựa vào ông và xe
lăn. Giờ mỗi lần gặp họ, tôi thường đứng lại, mỉm cười chào ông bà. Thấy vui vì
còn có những câu chuyện đẹp, tình đẹp, và đặc biệt một người đàn ông rất đẹp.
Chúng ta ai rồi cũng sẽ già yếu bệnh
tật. Điều gì giữ chúng ta lại bên người, ai còn lại bên ta ở khúc cuối cuộc
đời? Có rất nhiều thái độ, hành vi, cử chỉ, sự chăm sóc khiến ta được an ủi. Chúng
ta cũng sẽ cảm nhận sâu sắc giữa những hành vi, cử chỉ , sự chăm sóc ấy…có nêm
tình thương yêu thật sự hay nghĩa vụ/thương hại. Điều ấy cũng phụ thuộc vào tài
khoản tình yêu.
2. Câu chuyện thứ hai
Một buổi tối, tôi nhận được cú điện thoại của người bạn thân. Thỉnh thoảng,
chúng tôi vẫn “buôn chuyện” qua điện thoại với nhau hàng tiếng đồng hồ. Những
câu chuyện của chúng tôi thường là “nói xấu” chồng con rồi cười haha, một bài
hát cả hai cùng thích hay có khi là vừa trồng hoa gì trong vườn, sáng nay cà
phê ở quán đẹp… Bạn hỏi thăm đôi ba chuyện rồi giọng bỗng ngập ngừng: “Mình có
một chuyện quan trọng cần giúp đỡ, mình nghĩ ngay đến cậu. Có thể mình sẽ…ra
đi, nếu thế cậu sẽ là người thay mình giải quyết một số chuyện”.
Tôi như tê
liệt cảm xúc, im lặng suốt câu chuyện của bạn sau đó. Hoá ra, mới đây bác sĩ
phát hiện bạn bị bệnh hiểm nghèo ở não. Bác sĩ cho biết cần phải phẫu
thuật gấp, vì bạn có thể tử
vong bất cứ lúc nào. Mà phẫu thuật bạn cũng chỉ có cơ may 50% sống, có thể tử vong trên bàn
mổ, nhẹ thì liệt, sống đời thực vật, giảm sút trí nhớ… Ca mổ của bạn được thực
hiện ở nước ngoài. Chính vì vậy mà bạn muốn tôi thay mặt bạn, là một trong những người tham gia cùng luật sư giải quyết những việc có liên quan đến tài sản của bạn. Điều này cũng
được ghi trong di chúc bạn để lại trước khi lên bàn mổ. Tôi lặng đi hồi lâu
trước vấn đề sinh tử bất ngờ của bạn, đau buồn trước nguy cơ mình có thể mất đi
người bạn sau nhiều năm tháng kết thân, chia sẻ cùng nhau bao buồn vui của cuộc
sống, đời người. “Cậu sẽ sống, tin mình đi. Sao… lại di chúc, sao lại là
mình…?” - tôi lập cập hỏi. Bạn bảo, chuyện gì cũng có thể xảy ra, sau cơn sốc
bạn đã bình tĩnh “thu xếp” đời mình, bạn chọn tôi vì “Mình chỉ có cậu là thân
thiết nhất, tin tưởng nhất”… Một tháng sau, bạn từ nước ngoài trở về sau ca
phẫu thuật. Bạn gần như mất 80% kí ức và khả năng ngôn ngữ, không nhớ tên cả
hàng xóm, bạn bè, trừ một số người thân, trong đó có tôi. Ca phẫu thuật cứu sống bạn nhưng biến
“bộ nhớ” của não thành “ổ cứng” gần như trắng với nhiều dữ liệu bị xoá. Ai nói
thì bạn hiểu nhưng hoàn toàn không thể
trả lời hay đối thoại. Và bạn phải…học phát âm từ đầu như một đứa trẻ. Một năm sau, khả năng nói - giao tiếp của bạn được phục hồi 50%, với
những từ đơn giản, cần thiết. Những tháng ngày ấy, mỗi lần gặp nhau, tôi như “cô giáo” dạy bạn phát âm từng chữ, là người giúp bạn “thực tập”
ngôn ngữ giao tiếp trở lại. Chúng tôi gần gũi hơn, tôi luôn nghĩ về bạn, vì cảm nhận sâu sắc chúng ta có thể mất đi người bạn thân nhất bất cứ lúc
nào bởi lưỡi hái của số phận. Chỉ đến sự cố của bạn, tôi mới nhận thức được
chúng tôi thân thiết, yêu quý nhau thế nào. Tình bạn sâu nặng thêm sau những
trải nghiệm, sự gắn bó, những ân nghĩa tình bạn, tình người.
Sinh nhật mới đây, tôi nhận được thiệp chúc mừng bằng chữ viết tay nắn nót
của bạn: “Bạn bè là những người đặc biệt trong đời ta, tình bạn là kho báu của
cuộc sống chúng ta. Cảm ơn bạn đã là bạn của mình, đã đến trong đời mình và
luôn bên mình những lúc buồn, vui, đau khổ!”. Tôi rất vui khi nhận được tấm
thiệp của bạn, dù đã thân thiết thì không cần ngôn từ. Không phải là
bạn, mà chính tôi phải cảm ơn bạn vì bạn đã cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn giá
trị, vị trí của tôi trong trái tim bạn, vẻ đẹp của tình bạn.
Mỗi người có một tài khoản tình yêu. Sự giàu có trong tài khoản tình yêu của
mỗi người phụ thuộc vào “lao động”, tình yêu ta cho đi, thật lòng và vô điều
kiện, được tích luỹ theo năm tháng.
Không có gì là bỗng dưng, cho và nhận…
DIÊN VỸ (ĐỖ NGỌC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.