Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

* Tôi ủng hộ triển lãm Cải cách ruộng đất!

Tôi ở Sài Gòn, không xem được cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất của Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc triển lãm chưa “mở” đã đóng chỉ sau một vài ngày khai mạc, có lẽ ảnh hưởng từ phản ứng “ném đá” của dư luận, nhất là trên mạng.

Với riêng tôi, tôi quan tâm và muốn được xem cuộc triển lãm trưng bày gì, cách trưng bày như thế nào và hình ảnh, hiện vật có gì mới so với những gì tôi đã được biết (nguồn chính thống và trên mạng). Và từ chính câu chuyện của gia đình mình, nạn nhân của cuộc cải cách khủng khiếp 60 năm trước.


Ngoại ô thị xã ngày đó (TP Thanh Hóa hiện nay) là nơi gia đình ngoại tôi sinh sống. “Câu chuyện” cải cách ruộng đất ấy tôi được nghe từ chính mẹ mình, vài lần trong những ngày thơ bé, những đoạn chắp nối tùy lúc, tùy chuyện liên quan được bà nhắc tới để dạy dỗ con, để con cái biết ông bà, mẹ và các cậu dì đã trải qua một quãng, những ngày khốn khó, đau thương như thế nào. Ngày mà hàng xóm láng giềng và ngay người con cả của ông ngoại tôi đã đứng lên đấu tố cha. Người ta trói ông, áp giải ra nơi đấu tố khí thế sục sôi. Người ta gọi ông là mày, xỉa xói, thi nhau vạch tội ông cường hào ác bá, bóc lột (ông có vài căn nhà phố cho cô đầu thuê, có ruộng cho nông dân thuê, nhưng không nhiều), có hai vợ (bà ngoại tôi là vợ hai của ông)... Sau cả ngày bị trói, nhẫn nhục đứng ngoài trời nắng hứng mưa đấu tố, cô Th là du kích - bạn thân của mẹ tôi, giải ông ngoại về nơi giam giữ. Vừa đi, cô vừa quát mắng ông: “Thằng địa chủ này, mày có đi nhanh không!”

Và sau đó là những ngày khốn khổ, chia lìa. Nhà cửa tan hoang, đồ đạc, của cải bị tịch thu, ông ngoại tôi bị giam giữ, bà ngoại phải tạm lánh về nhà người em út, dì và cậu tôi phải tá túc ở nhà hai ông cậu khác. Mẹ tôi lúc ấy 14 tuổi còn lại một mình, phải đi mót lúa trên cánh đồng (nhà mình) về nấu cháo với rau muống để ăn, nuôi ông ngoại bị giam. Các bác hàng xóm (tá điền) sau này kể với tôi, thương mẹ tôi con “địa chủ” vốn ăn trắng mặc trơn giờ lôi thôi lếch thếch, lấm lem đi mót từng cọng lúa trên ruộng, trong khi gặt họ đã cố tình “để sót” lúa nhiều hơn cho mẹ tôi lượm. Nông dân, hàng xóm không dám hỏi han, gần gũi, người ta sợ…

Rồi sau đó là xin lỗi, sửa sai, quy lại thành phần, ÔNG NGOẠI TÔI KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊA CHỦ!

Mẹ tôi là một người đàn bà kín đáo, âm thầm. 10 tuổi, tôi đã thấy mẹ tôi, một người phụ nữ 30 tuổi 4 con, thường ngồi lại ở mâm cơm tối với chai rượu trắng, uống một mình lặng lẽ. Bà cần mẫn làm việc, nhẫn nại đi qua một cuộc đời vất vả, một nách 5 con khi chồng trong quân ngũ, cả đời xa nhà. Đôi khi tôi hỏi mẹ có thù hận không. Bà trầm ngâm rồi nói không, nhưng các con cần phải biết, mọi người cần phải biết cuộc sống/cuộc đời cha mẹ đã trải qua, những ẩn khuất thăng trầm của đất nước mình. Có ích gì khi nuôi dưỡng mãi những đau thương, mất mát, sự hận thù của cá nhân trước những lớn lao hơn là sự phát triển, đổi mới thật sự của đất nước. Dù đâu dễ để quên những kí ức đau thương ấy. Lại nói về cô Th. Cô du kích, bạn thân của mẹ, sau sự kiện ấy họ không còn là bạn nữa. Mẹ tôi thường tránh mặt cô hoặc chào hỏi xã giao, nhưng bà luôn dặn chúng tôi phải chào hỏi cô lễ phép.

Chúng ta mong muốn/đòi hỏi “giải mật”, muốn biết sự thật về những ẩn khuất, sai lầm một thời. Một cuộc triển lãm, về một “câu chuyện”/giai đoạn đau thương của lịch sử VN được tổ chức/trưng bày bởi Bảo tàng lịch sử Việt Nam – quá đúng nơi, đúng chỗ, mà bị “ném đá” thì chẳng khác nào chúng ta tự sập cánh cửa “muốn biết” mới bắt đầu của chính mình. Nhiều bạn cho rằng “Sao lại gợi lại đau thương, kích động dư luận làm gì với cuộc triển lãm ấy?” Tôi thì cho rằng, sao lại không nên nhìn thẳng vào sự thật, lại không hé lộ (dần dần) vết thương ngày cũ để đời nay, đời sau đừng bao giờ dẫm vào vết chân sai lầm trước (với kiểu cách, hình thức khác)?.

Vấn đề là thái độ, cách nhìn, tiếp nhận “cực đoan” của chúng ta đã góp phần đóng cửa một cơ hội - không thể chỉn chu ngay lần đầu. Như mẹ tôi đã nói với tôi qua điện thoại tối qua, sau 60 năm, lấy đâu mà có đầy đủ hình ảnh, hiện vật mô tả được một phần nhỏ chứ đừng nói toàn bộ sự kiện cải cách ruộng đất. Mà có “đầy đủ” thế nào cũng không phản ánh được toàn bộ sự thật câu chuyện mà bà đã trải qua!

2 nhận xét:

  1. Biết thêm về một giai đoạn lịch sử . Không ngờ cái đau thương ấy lại nằm ngay trong chính gia đình Nhiếp ảnh gia.

    Trả lờiXóa
  2. Vâng, lão ạ. Gia đình đã khép lại trang đen tối ấy. Khác với các gia đình khác là cuối cùng, ông ngoại... ko phải địa chủ, dù trải qua "quy trình" đấu tố địa chủ.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.