Tản mạn (HTV số 13/11)
Không ai nhớ
chính xác chợ hẻm gần khu nhà tôi ở hình thành từ khi nào. Người nói chợ có từ
mười mấy năm, người nói gần chục năm. Con hẻm nhỏ, rộng chưa tới 3 mét, ngoằn
ngoèo quanh co trên vùng đất sình lầy ngày xưa, gần khu vực cầu Hàn một thời nổi
tiếng tệ nạn, giờ chở thành chợ hẻm của hàng trăm hộ dân và cả các khu dân cư
khang trang bên cạnh.
Ngoại trừ
vài hộ là dân địa phương sống lâu năm ở con hẻm này mở gian hàng buôn bán tại
nhà, hầu hết các hộ, người buôn bán lẻ còn lại đều là dân nhập cư đến từ nhiều
địa phương trong cả nước. Chợ thường họp từ 5 giờ sáng. Các hộ lần lượt mở cửa
bán hàng sau khi đã lấy hàng ở chợ đầu mối từ rạng sáng. Chợ đông nhất vào tầm
6 đến 7 giờ sáng, thời điểm các bà nội trợ mua thực phẩm trước khi đi làm, đưa
con đến trường. Người ta chọn lựa những con cá, ký tôm tươi, rau xanh đủ loại vừa
được lấy về từ vựa, chợ đầu mối tập trung hàng từ miền Đông, miền Tây.
Đoạn đầu hẻm
có vài hộ “chuyên trị” bán hàng “sạch” từ miền Tây, thu hút đông khách hàng kén
chọn, ngại rau trái xịt thuốc sâu, heo, tôm cá sử dụng thuốc tăng trọng. Những
con cá lóc đồng quẫy trong thau, những con tôm xanh búng càng tanh tách hay rổ
tép nhỏ lao xao… người bán người mua trò chuyện vui vẻ, có khi chỉ dẫn cho nhau
cách làm món ngon. Tiếng chào mời đon đả, mặc cả, dặn dò làm rộn con hẻm nhỏ buổi
sáng. Chợ hẻm nhỏ nhưng thực phẩm rất tươi ngon. Thịt heo lấy từ lò mổ lúc rạng
sáng, có đóng dấu thú y. Thịt ba rọi, sườn cốt lết, sườn non, xương đuôi trông
thật tươi ngon bắt mắt. Những trái cà chua chín ưng ửng, dưa leo nhỏ trái, rau
nhút còn bám nguyên rong rêu hút hàng nhất. Người mua thực phẩm cho vài ba ngày
đỡ mất công đi chợ vì bận, công nhân hay sinh viên chỉ mua mớ rau, con cá hay một
trái cà chua nấu canh đều được đáp ứng
vui vẻ. Hầu như ai mua hàng đều được “cho” thêm vài trái ớt, ít hành ngò. Người
mua thiếu tiền còn cho nợ, bữa khác trả. Mà nếu quên “bị” nhắc nợ hai bên đều cười
xoà vui vẻ. Mua hàng quên nhận tiền thối hay để quên hàng không đem về nhà lại
được người bán bỏ công đi xe máy tìm tận nhà để đưa vì “nghe nói cô ở khu bên cạnh”.
Cái tình chợ
hẻm, niềm vui khi đi chợ hẻm kéo người mua người bán gần nhau hơn, xưng hô dì cậu
con cháu như trong gia đình. Mớ rau con cá trao nhau luôn kèm những câu hỏi
thăm “bữa hổm mua xương về nấu cháo cho con bịnh ăn đỡ chưa”, “nhớ bữa hổm mua
5 khúc cá thu ăn chưa hết sao mà hôm nay chỉ mua rau?”. Khu hàng ăn cũng chộn rộn
với bánh mì kẹp xíu mại, chả cá vừa vớt khỏi chảo dầu sôi sùng sục, chè chuối,
sương sâm hột lựu nước cốt dừa…món ngon bình dân hấp dẫn nhiều hạng khách, giá lại
vừa với nhiều túi tiền công nhân viên chức hay học sinh.
Vui nhất là
mùa nước nổi, cá linh, bông so đũa, điên điển, kèo nèo và đủ loại rau tập tàng
được đem về chợ hẻm. Có khi chưa kịp bày bán đã hết vì một nửa số hàng được giao
cho người đặt, người này mua dùm người kia. Còn dặn dò, hẹn tuần sau, tháng
sau, mùa nước nổi năm sau đem rau cá lên nhớ nhắn chị nghe. Mùa nào thức ấy, miền
Tây, miền Đông, miền Trung như gần lại qua những sản vật của các địa phương mỗi
ngày, mỗi mùa về chợ.
Chợ hẻm như
một bức tranh phản ảnh đời sống thị dân với gam màu nhiều sắc độ, sáng tối. Bà
Tư với gian hàng bán tại nhà đã nuôi sống gia đình có năm, sáu đứa con ăn học. Vợ
chồng trẻ năm nào mới vô thành phố còn nghèo rớt mồng tơi, xin đặt nhờ tấm vải
nhựa trước nhà bà Hai để bán rau, nay ra dáng ăn nên làm ra. Vợ mau miệng chào
mời lễ phép, chồng lanh tay cân hàng cho khách. Gần 10 năm buôn bán chăm chỉ, thức
khuya dậy sớm, dành dụm, giờ họ đã mua được căn nhà nhỏ mười mấy mét vuông
trong hẻm, tường chưa tô, mái lợp tôn nhưng có chỗ ra vào trú mưa nắng riêng của
mình. Ngày xưa còn nghèo đặt nhờ tấm trải bán hàng, nay làm ăn được, vợ chồng
xin trả tiền thuê trước cửa nhà người ơn tháng 500 ngàn đồng, gọi là người có
cơm người có cháo. Mấy sinh viên miền Tây thuê nhà trọ, bán rau cá của nhà kiếm
thêm tiền học mà rồi cũng qua 4 năm dùi mài kinh sử. Ra trường, những cô cậu cử
bịn rịn đi một lượt chào hàng xóm “con về quê làm việc”. Nhiều ngôi nhà mới
khang trang mọc lên trong hẻm, thay dần những ngôi nhà tôn, nhà tường tạm bợ
xưa. Có đôi vợ chồng Việt kiều mỗi năm đều trở về nhà cha mẹ, nơi ông bà lớn
lên và ra đi từ con hẻm nghèo lầy lội này. Bà vợ bị liệt hai chân, ngồi trên xe
lăn chồng đẩy dạo chợ mỗi sáng. Bà thích thú nói chồng đẩy xe vào từng quầy, sạp,
hớn hở chọn từng ổ bánh mì, mớ rau, con cá. Không khí chợ hẻm, những lời hỏi
thăm ân tình của bà con trong hẻm nhỏ quê nhà khiến gương mặt bà rạng rỡ niềm
vui.
Siêu thị,
trung tâm mua sắm tiện nghị, hiện đại ngày càng nhiều, với đủ mọi loại thức phẩm
được bày biện trong những gian hàng, tủ kính, quầy đông lạnh sang trọng, sạch sẽ,
nhưng những “ngôi chợ” hiện đại này không thể thay thế hay đẩy lùi được những
ngôi chợ truyền thống, chợ hẻm bình dân. Theo thời gian, thói quen mua sắm,
tiêu dùng đã thay đổi nhiều, nhưng hơn cả một thói quen hay sự bảo thủ, chợ
truyền thống, đi chợ là một trong những sinh hoạt, một giá trị văn hoá - đời sống
đã in sâu vào tâm thức của bao người, không dễ gì thay đổi.
Đỗ Ngọc (DIÊN VỸ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.