Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Mẹ đi lấy chồng

(đã đăng tạp chí Lao Động và Đời sống số tháng 9/2016)

Nhà nó chộn rộn từ sáng sớm, mọi người tấp nập vào ra chuẩn bị đón nhà trai làm lễ rước dâu. Mẹ nó thức dậy từ sáng sớm, tất bật vào ra với áo quần thay nọ đổi kia. Bà ngoại thì như nữ tướng, hét chỗ này, quát chỗ kia, chỉ huy mọi người ai vào việc nấy. Hôm nay mẹ nó lên xe hoa, lần thứ hai.



Nó nôn nao từ hôm qua, rộn rang nhảy chân sáo vì được đi dự đám cưới mẹ. Tuần trước mẹ đã dẫn nó đi nhiều cửa hàng để sắm cho nó bộ đồ vest, cà vạt, giày da rất đẹp, để nó “đẹp như chú rể”, mẹ nó nói. Không ít lần từng nói “Lớn lên con sẽ cưới mẹ làm vợ”, giờ mẹ nói nó sẽ là chú rể trong lòng mẹ, nó vui lắm, nhảy chân sáo, lý lắc khoe với mọi người trong nhà “sáng mai con là phụ rể nè”. Cả nhà, ông bà ngoại và các cậu, dì ai cũng vui cười với nó mà mắt cứ rưng rưng. Suốt đêm qua, mẹ nó ôm nó vào lòng, thỉnh thoảng lại vuốt tóc, hôn nhẹ vào má nó. Có lúc thấy má mình ướt nóng, nó sờ mặt mẹ “Mẹ khóc à?”. “Không, chỉ là mẹ bị cay mắt vì hồi tối thái hành nhiều quá!”.

Nó cùng gia đình bên ngoại đến khách sạn, nơi tổ chức lễ cưới của mẹ sớm nhất. Nó chạy nhảy khắp nơi, say sưa ngắm tháp rượu sâm panh, bánh cưới to đùng lần đầu tiên nó thấy trong đời. Quan khách lần lượt đến. Mọi người nói cười, hỉ hả chúc tụng cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc và quay qua xoa đầu nó, khen nó ngoan. Khi mẹ nó cùng chú rể (cha dượng nó) nắm tay nhau, sánh đôi bước vào khán phòng, mặt nó sáng rỡ, reo vui, hoan hô hồn nhiên. Từ xa, bà ngoại lặng lẽ nhìn nó và quay đi chùi nước mắt. Sáng nay bà đã dặn nó “Con phải ngoan, ăn nhiều trong đám cưới thì mẹ con mới vui, hạnh phúc”
Nó không có khái niệm về bố. Sau ngày cưới nửa năm, khi đang mang thai nó 3 tháng, ba mẹ nó chia tay, mẹ nó trở về nhà ngoại sống, đi làm ở Phường và nuôi con một mình. Năm nay nó 9 tuổi, sống yên ổn vui vẻ với mẹ và nhà ngoại. Mẹ là người thân yêu nhất của nó, sau bà ngoại. Ai cũng thương yêu, chiều chuộng như để đền bù sự thiếu thốn tình cảm bố của nó. Bao lần nó hỏi “Bố đâu, sao nhà mình không có bố?”, thì mẹ nó đều ngậm ngùi “Bố đi công tác rất xa, khi nào Quang Anh 15 tuổi thì bố về”. Thỉnh thoảng nó vẫn được mẹ hay bà ngoại đưa cho một món quà, bảo là quà bố nó gửi. Nó vui lắm. mong mau lớn để gặp bố, có bố trong nhà bà ngoại và mẹ nó đỡ vất vả, nó sẽ được bố dẫn đi chơi, đưa đón ở trường như bao bạn bè.

Các cô bạn của mẹ hỏi nó dự đám cưới mẹ có vui không? Nó bảo vui lắm, nó muốn có ba, trong nhà có ba thì vui lắm, vì trẻ con nào cũng có ba mà. Nó chỉ phàn nàn "Đám cưới mẹ ai cũng có giấy mời, con thì hông có". Cô dâu chú rể đi chào bàn, mẹ nó đứng ngay sau lưng con. Nó quay lại vòng tay ôm eo mẹ, dúi đầu vào hông mẹ âu yếm. Sự âu yếm "cuối cùng" của thời kỳ "mẹ con độc thân". Tối nay mẹ nó về nhà chồng, nó ở lại sống cùng bà ngoại. Các ông bà, cô chú ai cũng mủi lòng, mẹ nó quay đi mắt chớp chớp. Nó được giải thích là nhà bố mới chật chội, lại có ông bà nội ốm đau nên chỉ mình mẹ nó về nhà chồng, còn nó ở với ngoại, mẹ sẽ về thăm, đưa đón nó đi học mỗi ngày.

Trong bàn mọi người quan sát thái độ vui vẻ, hớn hở của nó, thì thầm với nhau thương nó quá. Nhìn nó ăn uống khí thế (cho mẹ được hạnh phúc), một chị bùi ngùi: "Đàn ông đi lấy vợ thì tung tăng, đàn bà thì lắm nỗi, nhất là nỗi con". Anh ngồi kế bên như nói với chính mình "Thương yêu là thương tất cả những gì người yêu có". 


Được thế, sẽ vơi đi những Nỗi đàn bà...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.