Lâu rồi, mỗi khi nấu canh mình đều thêm một tô nước. Cũng hơi lâu rồi, bàn ăn nhà khuyết một người, ghế trống (gần mình) không ai ngồi. Sau bữa ăn, bàn được dọn, một tô canh mới được đặt lên bàn, đậy lồng bàn, có khi thêm dĩa trái cây. Cho người "khuyết"...
Mỗi năm có vài tháng như thế, khi chồng thực hiện một phim truyền hình dài tập mới. Hai, ba tháng không ăn cơm nhà, thay bằng cơm tô nhựa hay cơm hộp ngoài phim trường nắng gió. Mỗi khuya chồng trở về, mặt xạm đen mệt mỏi, có khi tay cầm túi nilon còn nguyên phần tối được phát, chưa ăn. Dù đã ăn tối hay chưa, chồng đều ngồi xuống chỗ "khuyết" hồi tối của mình và lặng lẽ ăn tô canh được để phần. Dù có ngồi kế bên, người nấu cũng chỉ hỏi thăm vài câu, mắt nhìn TV và thỉnh thoảng liếc người ăn thăm chừng. Thấy, đôi khi sự quan tâm chỉ là im lặng bên nhau, để cho nhau được yên.
Những tô canh hiền, phần lớn nấu với thịt bằm hay tôm khô. Hôm là canh bí đao, hôm rau cải xanh hay mồng tơi hái trong vườn nhà... loại canh dễ ăn, mát, đơn giản khi nước sôi thả rau vào. Tô canh nước trong veo, xanh màu lá với vài con tôm khô vàng rơm. Người ấy thích ăn canh, gấp ba lần các thành viên trong gia đình. Nhiều đêm muộn chỉ còn tô canh chờ trên bàn, ngôi nhà đã say ngủ. Người về lặng lẽ ăn, để mai thức dậy, nơi người nấu dừng mắt đầu tiên là bàn ăn, trống trơn. Canh dành phần đã được ăn, mỗi đêm như thế...
Có một lần, trên bàn ăn đêm về không có canh. Người nấu hôm ấy giận, nên ...nhỏ mọn, không dành phần.
Bát cháo hành Thị Nở hay tô canh Thị Vịt thành phần, hồn cốt có thể khác nhau. Câu chuyện cũng khác, chỉ giống là hai Thị xấu như nhau. Khác nữa là Thị Vịt không bao giờ dám chửi như Thị Nở: "Tiên sư cha thằng Chí, sao mày không ăn hết phần cháo tao đã mất công nấu?!"
Kiểu gì cũng vẹo mặt, ngay và luôn! Biểu tượng cảm xúc pacman Biểu tượng cảm xúc pacman Biểu tượng cảm xúc pacman
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.