Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

* Áo dài tình yêu

Chiếc áo dài tân thời Le Mur này được may năm 1942. Đây là áo dài sính lễ của chú rể Võ Tấn Canh, con trai ông Cai tổng Võ Tấn Miềng (tổng cửu Cư thượng, huyện Thủ Thừa, Long An) đi hỏi vợ là cô Nguyễn Thị Túc, con ông Hương sư Nguyễn Phước Đại và vợ là bà Hồ Thị Liễm ở làng Hoà Khánh, tổng cầu an Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

Cưới nhau được 9 năm thì bà Túc qua đời vì bệnh. Yêu vợ và quá đau buồn, người chồng đã gìn giữ chiếc áo dài kỷ vật dấu yêu này mấy chục năm, kể cả khi chiến tranh ác liệt phải lưu lạc khắp nơi. Sau đó ông trao chiếc áo lại cho người con gái lớn là bà Võ Thị Ngọc (hiện ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi).

72 năm đã trôi qua, chiếc áo dài lụa tơ tằm của tình yêu xưa còn khá nguyên vẹn, chỉ bị rách vài chỗ, hiện được trưng bày tại Bảo tàng áo dài Việt Nam của nhà thiết kế Sĩ Hoàng tại vườn Long Phụng Q.9, TP.HCM.

Giữ chiếc áo của người thương bên mình, cho đến tận lúc chết. Thời nay, mấy người yêu và chung tình thế nhỉ?


 

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đang giới thiệu về lịch sử áo dài Việt tại Bảo tàng áo dài VN của anh
Hai đứa bạn thân từ ngày hai mấy tuổi. Gặp nhau nó bảo: "Tui thích bà bụi bặm như này.
 Bà mặc đồ con gái/nữ tính quá tui hông thích". hehe

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

China, go home!

Sáng nay (10/5/2014), tại Sài Gòn có cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Haiyang 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của VN. Cuộc tuần hành với chủ trương "Đồng hành cùng chính phủ, phản đối Trung Quốc xâm lược", thu hút nhiều người trẻ, đã diễn ra trật tự, an toàn, tôn trọng pháp luật.

Tôi thấy ở đây, một tình yêu Tổ quốc nồng nàn. 
















Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

* Khánh Ly


 Mặc lòng, ai nói gì dè bỉu chê bai…mỗi khi mở nhạc Trịnh Công Sơn mình vẫn sợt Khánh Ly, dù sau bà có những F1,F2, F3 cũng tên tuổi đình đám. Có lần mua một CD Trịnh Công Sơn do một nữ ca sĩ Diva hát, mới nghe được đúng hai bài uốn éo như…ca trù, mình vội tắt máy. Đến giờ vẫn chưa nghe lại đĩa ấy.
Khánh Ly, chiều 4/5/2014 tại Mái ấm Mai Tâm - Ảnh: Cao Trung Hiếu
Với một ca sĩ, điều gì là quan trọng nhất, ngay cả trong một sự kiện đình đám, có thể là show cuối, ở nơi khởi đầu? Mãi mãi vẫn là giọng hát, một sự bện duyên số phận với nhạc sĩ để chinh phục người nghe. Với nhiều khán giả, như tìm/sống lại ký ức-hồi quang về giọng hát một thời.

“Nghe làm gì một giọng ca 70?…”. Không, người ta không mua vé giá cao để nghe bất cứ người đàn bà hát nào, không phải bất cứ giọng ca tuổi 70 nào. Mà là nghe người đàn bà hát Khánh Ly. Bất cứ sự yêu mến, mê đắm nào cũng gắn với kí ức, kỷ niệm, sự đồng cảm, tâm trạng riêng tư nào đó…

Nhạc sang, nhạc sến, nhạc hàn lâm…đều có “thị phần” trong lòng người nghe, dù chưa chắc đã…bình đẳng, rạch ròi. Nhạc sĩ, ca sĩ, ca khúc đi vào lòng người, chinh phục người nghe ở sự thấu cảm, tưởng như bài hát ấy dành cho mình, nói lên tâm trạng mình, thời đại mình, có khi lại như một lời an ủi. Với tôi, nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn, tôi thường nghe những khi cần được an ủi, đừng buồn tôi nhé, gió sẽ cuốn đi tất cả…Và lựa chọn, luôn là Khánh Ly.

Nếu đi đến show diễn với tâm thái kỳ vọng về giọng hát y nguyên ngày nào, có lẽ ta sẽ thất vọng. Nếu đến và “chung thủy” với niềm yêu thích của mình, hẳn ta sẽ ít nhiều ngậm ngùi thương cảm, và trân trọng hơn giọng ca cuối mùa nhan sắc, đã gắn liền tên tuổi với người nhạc sĩ tài danh, mà sau bà chẳng ai có thể so sánh.

Được thế, đã là quá nhiều với một người nghệ sĩ. 

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

* Về cù lao Bình Hoà Phước


Sáng 2/5 định về Sài Gòn, đám bạn lớp 12, Trường trung học Lưu Văn Liệt (Vĩnh Long) ới phone rủ sang cù lao Bình Hoà Phước bên kia sông Tiền chơi. Nhà bạn bên cù lao là anh Đáng, chàng trai vườn vừa xong lớp 12 đã…cưới vợ, về cù lao làm thầy giáo dạy văn sử địa cấp 2. Đây là địa chỉ yêu mến, nơi thường hẹn hò bạn bè vì lòng` hiếu khách, ai cũng khen vợ anh đã đẹp, lại đảm, vui vẻ tiếp đón bạn chồng.

Buổi sáng cả đám hái trái cây trong vườn nhà bạn. Vườn chôm chôm mênh mông vừa ra trái, bạn hẹn phải đến Mùng năm tháng năm (khoảng đầu tháng 6) nhớ về chơi mùa chôm chôm chín đỏ. Bẻ dâu, những cây dâu chi chít trái, xoài xanh trĩu cành, mít dày trái từ gốc đến ngọn…Vợ bạn cứ áy náy: “Về mùa này chỉ có dâu và xoài, tháng sáu nhớ về nữa nhen”.



 










Bữa cơm trưa ở vườn có cháo, gỏi gà xé phay, vịt kho gừng, tôm càng sông vừa gỡ đáy…” còn bám đầy rêu xanh. "Chăm phần chăm” cùng những câu chuyện, kỷ niệm vui, những tràng cười vang hồn hậu của những cô cậu học trò mười sáu, mười bảy ngày nào, giờ có người đã là ông/bà nội, ngoại. Có đi đâu rồi cũng trở về, để thấy ấm áp trong tình bạn, tình người miền Tây.

Tính cách, tình người miền Tây luôn chất phác, hồn hậu. Trên đường đi vào vườn bạn, thấy mấy cây dâu ven đường trĩu trái, mình hớn hở leo cây bẻ. Vợ bạn cười “Cứ hái đi, vườn nhà ông cậu, có gì ổng ra, chị xin cho”. Hái vài chùm dâu, vừa tuột xuống đất thì một bà từ nhà gần đó đi ra, mặt đăm đăm “Hái dâu vườn tui à?”. Mình rụt rè “Dạ, thích quá bác ơi”. Bà: “ĐM, bẻ trộm dâu mà cũng hông biết cách. Hái trái vàng này chua thấy mụ nội. Bẻ trái xanh góc vườn kia cà, ngọt hơn”. Đang thót tim sợ bị chửi mà phát cười haha.

Sao người miền Tây, người cù lao chửi thề ngọt như không thế nhẻ. Còn mình chả chửi được ngon trớn thế. Bực, lỡ lẩm bẩm, bạn nghe thấy giật mình hỏi “Mày chửi thề đấy à?", mình vội chối “Đâu, tao nói …Dona đấy chứ” :v

Giờ, Đô...Na, về Sài Gòn thôi, let's go!