Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

* Tạm biệt thương xá TAX...

Gensler and Associates International, một công ty Mỹ đang thực hiện phần thiết kế Tax mới. Ông Đoàn Hoài Minh - Giám đốc dự án của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), đơn vị chủ đầu tư thương xá Tax mới cho biết, những chú gà trống Gaulois sẽ được giữ lại trưng bày ở tòa nhà mới.

 “Tòa nhà Tax mới sẽ phải phù hợp với mô típ và cảnh quan xung quanh như tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố, khách sạn Rex, nhà hát thành phố. Tuy nhiên điều quan trọng là tòa nhà phải mang lại hiệu quả kinh tế” – ông Minh nói. Còn theo bà Trần Thúy Liên, Giám đốc thương xá Tax, tòa nhà mới của Tax phải vừa hiện đại nhưng phải vừa lưu giữ được những di tích lịch sử hơn trăm năm của thương xá này.

Công trình mới có chiều cao 40 tầng với khối đế cao khoảng 6-7 tầng, khối tháp từ 28-34 tầng được thiết kế lùi vào phía trong khối đế. Do thương xá Tax là một công trình có lịch sử lâu đời hơn 100 năm và trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân TP.HCM nên các yếu tố lịch sử sẽ được bảo tồn một phần khi thiết kế. Cụ thể, khối đế sẽ theo phong cách kiến trúc như tòa nhà cũ và có sự cách tân phù hợp.
Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong năm 2015 và hoàn thành vào năm 2019.
(Nguồn: Thanh Niên)
P.S Một công trình nhiều “áp lực”: vừa phù hợp cảnh quan xung quanh, lại “bảo tồn một phần yếu tố lịch sử”  nhưng quan trọng là “phải mang lại hiệu quả kinh tế”. Rồi sẽ ra “gương mặt nào”?
Photo by Đỗ Ngọc 






Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

* Cảm hứng Cần Giờ

Đi, đến một nơi nào đó để chụp ảnh, cũng giống như đi săn hay câu cá vậy. Hên xui may rủi. Có những chuyến đi không "thu hoạch" được gì. Có những chuyến đi ngoài sự mong đợi. Như duyên vậy. Một ngày ở Cần Giờ, lang thang, mải mê chụp bến cá, ngắm nước ròng, bất ngờ nhìn thấy người như sao sa trên sân nghêu mênh mông. Một cảm giác thật khó tả. Chụp và chụp. 

Trưa lang thang một mình dọc theo bờ biển nắng gắt, đi giữa biển trời, cát, sóng, mây đen vần vũ. Hạnh phúc đôi khi chỉ là một cảm giác "gặp". Có lẽ một mình, cô đơn người ta làm được nhiều việc hơn. Nhất là lao động nghệ thuật, không thể chia trí, san sẻ. Chỉ có thể là sau đó... Tôi thường có cảm giác hạnh phúc hơn khi một mình. Vẹn nguyên, out of khỏi những tầm thường, vụn vặt của đời sống thế tục. Như ngày hôm ấy, lang thang với ống kính ...








Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

* Cũ...

Tôi thấy mình quá cũ. Chính là hôm nay, tôi suy nghĩ nghiêm túc về chuyện tôi phải thay đổi. Tìm một con đường, một cách thể hiện khác, nghĩ khác, chụp khác. 

Tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại Sydney 1996.

Có những điều, trường phái, thế giới thực hiện lâu rồi. Ở ta vẫn quẩn quanh, tranh cãi, chê bai nhau do ko hợp vị, do người ta không giống mình, do "chẳng có gì hay ho", "học đòi"... 

Cũng chính hôm nay, suy nghĩ nghiêm túc về lời mời "Chị đã sẵn sàng làm một nghệ sĩ full time chưa? Nếu sẵn sàng, chúng ta cùng thực hiện một dự án". Đã đến lúc đánh thức mình, làm một điều gì đó... Đi để làm gì, xem nhiều, mong muốn nhiều rồi làm được gì? Những bận rộn, vụn vặt, tầm thường, áp lực của đời sống đã nhấn chìm, "giết chết" phần nào con người sáng tạo.  

* KHOE HÀNG :)

Sáng nay, mình mở "kho" kiểm đếm... tài sản máy móc. Mất 2 giờ ngắm nghía, lau chùi, thử lại đồ xưa. Mỗi ống kính, mỗi thân máy gắn với câu chuyện mình đã "phải lòng", "chết" chúng ở đâu, ảnh nào được chụp bởi "em" nào. Bùi ngùi với những "em" chụp phim, đó là vào thời kỳ mình độc thân ta bà thế giới cùng các em. 

                                                                 "đồ chơi" còn lại hôm nay

Bộ ba chụp phim

Một thời, làm được bao nhiêu tiền, mình chỉ say sưa sắm máy và ống kính. Bù cho những ngày đầu tủi thân khi bước chân vào CLB NA Hội liên hiệp Thanh Niên yêu dấu thưở nào, chỉ có một máy Nikon FG với ống kính normal, "cùi bắp" nhất hội. Có những lúc khó khăn mình từng "gả" một số em cho bạn bè như bộ Mamiya RB 67 với ba ống kính, một Hassellblad với chỉ một ống kính normal...mỗi bộ trị giá vài cây vàng. Nói vậy để biết rằng những món này cũng nhiều tiền lắm nếu mình "gả" đi luôn hồi ấy, nhưng vẫn giữ bên mình. Còn giờ chẳng bao nhiêu tiền (mấy ai còn chụp phim nữa) nhưng chúng có giá trị với mình về sự gắn bó, một lòng tâm đầu ý hợp thưở nào. 

Khoe tài sản của niềm đam mê, còn lại. Tất cả đều đang sử dụng được. Mình sẽ chụp lại phim đen trắng với những "em yêu" xưa.

Từ 1979 đến nay, mất 35 năm để đi qua: Petri, Canon net, Praktica, Canon AE1; Nikon FG, FM2, N90, 8008, Hassellblad, Mamiya RB67, Rolleiflex, Canon 400D và giờ là 6D. Vài chục loại ống kính cho từng ấy thứ. Chơi thì mê vậy thôi, máy móc cũng chỉ là phương tiện. Vì đã "đi qua" từng ấy "thể loại", nên giờ mới thanh thản nhẹ nhàng đi đâu chỉ cầm theo một Canon 6D và em Lumix bé bé dự phòng. Ko còn vương vấn phải có này kia nữa, chụp gì, thế nào quan trọng hơn...

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

* Tản mạn...cầu cá

Hôm qua về miệt Châu Thành (Tiền Giang) gặp lại chiếc cầu cá ngộ nghĩnh, lại rôm rả chủ đề “nỗi niềm cầu cá”. Cười thôi là cười.


Mình còn nhớ, một trong những nỗi khổ ngày thiếu nữ của mình là chuyện…cầu cá tra. Ba bốn cây tràm làm trụ để quây cái “chuồng”, một hai cây khác bắc từ trong bờ ra “chuồng” thế là thành nơi giải quyết chuyện rất tế nhị là khâu cuối của một quy trình tiêu hóa.

Mình nghĩ, cầu cá miệt vườn cũng là kiểu công trình kiến trúc độc đáo, đầy bản sắc. Nội cái “chuồng” thôi cũng vô cùng phong phú. "Sang” thì quây kín bằng ván, có mái, có cửa, kín đáo. “Hẻo” thì quây bằng vải nhựa, lá dừa nước hay ván ép, chiều cao chỉ 50cm là cùng. Cái chiều cao này là cả một áp lực với những ai e thẹn vì nó chỉ che được đến đầu gối. Người vãng lai có chiều cao đi qua, dễ tò mò “dưới đầu gối có gì?”. Có lần mình còn thấy ở vùng sâu kia có cái cầu cá te tua đến nỗi cái “chuồng” chỉ còn lá dừa che mặt trước, mặt sau thông thống. Nhẽ, mặt trước có sự khác biệt nên phải che chứ phía sau ai cũng giống ai nên ko cần hay sao? Ngộ hơn là mình được chứng kiến cách mọi người lựa chọn trước-sau ở cái cầu này. Người thì ngồi “đúng”- nhìn vào bờ, nghĩa là khuất lấp bộ phận tiền phương. Người khác lại ngồi thế “quay đầu mới là bờ”, nghĩa là show hàng về phía trống hoác, bách đờ lưng quay về bờ. Nghĩ mãi ko ra lý do khác biệt.

Còn nhớ năm thứ hai đại học, lớp Văn mình đi thực tập ở Hà Tiên cùng với các lớp năm ba và bốn. Chia nhau ở trong nhà dân. Nhà mình ở cùng hai bạn có một cầu cá. Khổ nhất là cầu cá này ngay bên đường. Mỗi sáng, bọn mình thậm thụt chạy ra chạy vào mấy lượt vẫn chưa hoàn thành điệp vụ vì người qua lại rất đông. Có khi vào “vị trí” rồi thì ngượng chín người khi dân làng đi qua…ngừng lại chào, hỏi thăm “Mấy đứa còn ở đây bao lâu?”, “Rảnh sang nhà qua chơi”; tái tê nhất là có anh trai làng lại nhiệt tình dừng lại hỏi có cần nước xài thì anh xách qua cho…

Thú vị là có những địa phương cả xóm có khu cầu cá công cộng từ vài ba ngăn đến cả chục ngăn. Chao ôi là chào hỏi, chuyện trò râm ran mỗi sáng, từ phàn nàn nhức tay, khen nhau xấu đẹp, đến to nhỏ đủ chuyện trên đời. Lại còn đợi nhau cùng về, chia nhau ít nhựt trình tình thương mến thương. Vậy mới có chuyện hai ông nọ cùng đi cầu cá buổi sáng. Một ông thì mặt bần thần như ngỗng ị, một ông thì rào rào cá quẫy tung hoa. Ông ngỗng rầu rầu nói với ông rào rào “Thấy anh đi mà tui bắt thèm”. 

Lại có đôi buổi tối đưa nhau ra bờ ao tâm sự, thề yêu nhau suốt đời “Không lấy được anh thì em sẽ chết”, bỗng giật nảy mình khi nghe giọng ông già nóng nảy giữa ao “Không ị được thì tao cũng chết”…:))))



Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

* Tôi ủng hộ triển lãm Cải cách ruộng đất!

Tôi ở Sài Gòn, không xem được cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất của Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc triển lãm chưa “mở” đã đóng chỉ sau một vài ngày khai mạc, có lẽ ảnh hưởng từ phản ứng “ném đá” của dư luận, nhất là trên mạng.

Với riêng tôi, tôi quan tâm và muốn được xem cuộc triển lãm trưng bày gì, cách trưng bày như thế nào và hình ảnh, hiện vật có gì mới so với những gì tôi đã được biết (nguồn chính thống và trên mạng). Và từ chính câu chuyện của gia đình mình, nạn nhân của cuộc cải cách khủng khiếp 60 năm trước.


Ngoại ô thị xã ngày đó (TP Thanh Hóa hiện nay) là nơi gia đình ngoại tôi sinh sống. “Câu chuyện” cải cách ruộng đất ấy tôi được nghe từ chính mẹ mình, vài lần trong những ngày thơ bé, những đoạn chắp nối tùy lúc, tùy chuyện liên quan được bà nhắc tới để dạy dỗ con, để con cái biết ông bà, mẹ và các cậu dì đã trải qua một quãng, những ngày khốn khó, đau thương như thế nào. Ngày mà hàng xóm láng giềng và ngay người con cả của ông ngoại tôi đã đứng lên đấu tố cha. Người ta trói ông, áp giải ra nơi đấu tố khí thế sục sôi. Người ta gọi ông là mày, xỉa xói, thi nhau vạch tội ông cường hào ác bá, bóc lột (ông có vài căn nhà phố cho cô đầu thuê, có ruộng cho nông dân thuê, nhưng không nhiều), có hai vợ (bà ngoại tôi là vợ hai của ông)... Sau cả ngày bị trói, nhẫn nhục đứng ngoài trời nắng hứng mưa đấu tố, cô Th là du kích - bạn thân của mẹ tôi, giải ông ngoại về nơi giam giữ. Vừa đi, cô vừa quát mắng ông: “Thằng địa chủ này, mày có đi nhanh không!”

Và sau đó là những ngày khốn khổ, chia lìa. Nhà cửa tan hoang, đồ đạc, của cải bị tịch thu, ông ngoại tôi bị giam giữ, bà ngoại phải tạm lánh về nhà người em út, dì và cậu tôi phải tá túc ở nhà hai ông cậu khác. Mẹ tôi lúc ấy 14 tuổi còn lại một mình, phải đi mót lúa trên cánh đồng (nhà mình) về nấu cháo với rau muống để ăn, nuôi ông ngoại bị giam. Các bác hàng xóm (tá điền) sau này kể với tôi, thương mẹ tôi con “địa chủ” vốn ăn trắng mặc trơn giờ lôi thôi lếch thếch, lấm lem đi mót từng cọng lúa trên ruộng, trong khi gặt họ đã cố tình “để sót” lúa nhiều hơn cho mẹ tôi lượm. Nông dân, hàng xóm không dám hỏi han, gần gũi, người ta sợ…

Rồi sau đó là xin lỗi, sửa sai, quy lại thành phần, ÔNG NGOẠI TÔI KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊA CHỦ!

Mẹ tôi là một người đàn bà kín đáo, âm thầm. 10 tuổi, tôi đã thấy mẹ tôi, một người phụ nữ 30 tuổi 4 con, thường ngồi lại ở mâm cơm tối với chai rượu trắng, uống một mình lặng lẽ. Bà cần mẫn làm việc, nhẫn nại đi qua một cuộc đời vất vả, một nách 5 con khi chồng trong quân ngũ, cả đời xa nhà. Đôi khi tôi hỏi mẹ có thù hận không. Bà trầm ngâm rồi nói không, nhưng các con cần phải biết, mọi người cần phải biết cuộc sống/cuộc đời cha mẹ đã trải qua, những ẩn khuất thăng trầm của đất nước mình. Có ích gì khi nuôi dưỡng mãi những đau thương, mất mát, sự hận thù của cá nhân trước những lớn lao hơn là sự phát triển, đổi mới thật sự của đất nước. Dù đâu dễ để quên những kí ức đau thương ấy. Lại nói về cô Th. Cô du kích, bạn thân của mẹ, sau sự kiện ấy họ không còn là bạn nữa. Mẹ tôi thường tránh mặt cô hoặc chào hỏi xã giao, nhưng bà luôn dặn chúng tôi phải chào hỏi cô lễ phép.

Chúng ta mong muốn/đòi hỏi “giải mật”, muốn biết sự thật về những ẩn khuất, sai lầm một thời. Một cuộc triển lãm, về một “câu chuyện”/giai đoạn đau thương của lịch sử VN được tổ chức/trưng bày bởi Bảo tàng lịch sử Việt Nam – quá đúng nơi, đúng chỗ, mà bị “ném đá” thì chẳng khác nào chúng ta tự sập cánh cửa “muốn biết” mới bắt đầu của chính mình. Nhiều bạn cho rằng “Sao lại gợi lại đau thương, kích động dư luận làm gì với cuộc triển lãm ấy?” Tôi thì cho rằng, sao lại không nên nhìn thẳng vào sự thật, lại không hé lộ (dần dần) vết thương ngày cũ để đời nay, đời sau đừng bao giờ dẫm vào vết chân sai lầm trước (với kiểu cách, hình thức khác)?.

Vấn đề là thái độ, cách nhìn, tiếp nhận “cực đoan” của chúng ta đã góp phần đóng cửa một cơ hội - không thể chỉn chu ngay lần đầu. Như mẹ tôi đã nói với tôi qua điện thoại tối qua, sau 60 năm, lấy đâu mà có đầy đủ hình ảnh, hiện vật mô tả được một phần nhỏ chứ đừng nói toàn bộ sự kiện cải cách ruộng đất. Mà có “đầy đủ” thế nào cũng không phản ánh được toàn bộ sự thật câu chuyện mà bà đã trải qua!

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

* Đời thường miền Tây

Miền Tây luôn quyến rũ tôi bởi màu sắc đời sống, con người chân thật, giản dị. Ngoài hợp "tạng", có lẽ còn lí do tôi luôn có tình cảm yêu thương, thuộc về nơi này. Một nửa tôi được sinh ra từ một người miền Tây chánh hiệu.

Ngồi văn phòng quá lâu, những lúc thu xếp được, tôi thường vác máy đi về phía miền Tây. Chỉ lang thang, nhìn ngắm và thu vào ống kính những hình ảnh đời thường. Hôm kia ngồi trên tàu dạo chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), người lái tàu nói: "Miền Tây vào mùa nước nổi rồi đó. Mùa này cá linh ngon nhứt. Cá linh tươi nấu lẩu mắm với các loại bông súng, so đũa, điên điển, kèo nèo... ngon nhức răng à nha".

                                                           Đêm, bến Ninh Kiều, Cần Thơ

                         Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Các bạn Tây thuê xuồng máy ba lá dạo chợ,
                                                                  cách trung tâm TP 15p tàu

Chợ nhóm họp từ ba, bốn giờ sáng, bán đủ loại trái cây, sản vật vườn. Mọi giao dịch
 đều trên sông, ghe đến tàu đi 
                   Xem hàng, thỏa thuận giá và sang hàng qua ghe đi về các chợ đầu mối
                                                                       hay vựa rau, trái

                                                       Được mùa dưa hấu, chờ bạn hàng 

                                               Ghe bán bánh mì dạo tại chợ nổi Cái Răng 

                                Du xuồng trên sông Hậu, một kiểu dạo gondola ở "Venice khác" 

                                                                Bán vé số dạo trên sông 

                                                Màu sắc chợ Tân An, bến Ninh Kiều 

                                                               Thủy, hải sản tươi ngon

                        Đủ loại rau, lá miệt vườn dành ăn sống, cuốn với bánh tráng, bách xèo 

                                            Các "cô gái" Sài Gòn mê mẩn miền Tây

                                    Cô gái này như chim sổ lồng trên sông nước miền tây :)) 


                                           Cô ấy vui sướng mỗi khi được bụi đời như này :))

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

* Đừng ném đá Hào Anh nữa!

Một số tin, bài trên các báo về vụ Hào Anh (cậu bé bị ngược đãi, bạo hành khủng khiếp tại trại tôm ở Cà Mau năm nào) đập phá đồ đạc, đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà … đang bị “ném đá” nặng nề. Dư luận thất vọng sau khi em đã được giải cứu, được nhiều người quan tâm, thương yêu chia sẻ tinh thần, vật chất, giờ lại "sống dậy" một Hào Anh hung bạo, tiêu tiền như rác, hỗn láo với cha mẹ, uổng công giải cứu, giúp gần 1 tỷ đồng để làm gì…


Ảnh Hào Anh tại bệnh viện sau khi được giải cứu 

Nhìn bề nổi thì vậy. Nhưng chúng ta thử nhìn lại: Một cậu bé có hoàn cảnh cha bỏ nhà ra đi, mẹ bỏ em lại trại tôm lấy chồng khác, bị bạo hành, ngược đãi khủng khiếp không còn là một con người…Những chấn thương tâm lý, cơ thể ấy bao giờ nguôi quên, ngay ở một người lớn?. Đoạn đời cơ cực ấy đã biến em thành một đứa bé bất bình thường, hiện vẫn đang uống thuốc điều trị bệnh thần kinh.

Tiền các tổ chức, xã hội giúp đỡ đã được dùng phần lớn mua cho Hào Anh một căn nhà, mẹ và cha dượng em đã về ở cùng con. Và “câu chuyện” cuối cùng khiến em bị "ném đá" là đi chơi về em xin tiền nhưng mẹ không cho vì hồi sáng đã cho, khiến Hào Anh tức tối đập phá đồ đạc, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà. Theo lời mẹ em (cung cấp cho nhà báo) em đã thay xe 4 lần, 10 lần đuổi mẹ ra khỏi nhà, em trở thành người khác từ khi có người yêu, mua sắm đủ thứ cho người yêu… 

Với một quá khứ nặng nề, ám ảnh như vậy, cộng với tình trạng bệnh (thần kinh), Hào Anh ko là người "bình thường" với những ứng xử "bình thường". Những ám ảnh nặng nề xưa ko bao giờ phai nhoà, sẽ trở đi trở lại trong cuộc sống, nếu em ko được yêu thương, dẫn dắt thật sự để dịu đi. Ngược lại, sự hận đời, tính hung bạo sẽ "thức dậy" và bùng nổ khi có điều gì ko như ý... Tôi cứ băn khoăn: Cha mẹ về ở với em, được giúp 1 tỷ đồng là “coi như” cậu bé được giải cứu từ địa ngục sẽ nghiễm nhiên trở thành một người tốt, người bình thường? 

"Ném đá" Hào Anh mà ko nhìn thấy hết những điều trên thì cũng chỉ là góp thêm một hòn đá bạo hành kiểu khác mà thôi!

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

* Mụ DONA Đỗ

Copy từ nhà Trường Sơn :)


Mụ được ban PNO trao danh hiệu “cười đểu”, ( còn đứa hay nói đểu là tôi), thế nhưng mụ khóc rất… thật, rất chân tình. Mụ cười nức nở như liên xô, khóc òa òa…cũng như…liên xô. Bây giờ, chắc mụ cũng chẳng nhớ, mụ khóc vì những chuyện gì, tôi thì nhớ, nhiều lần là chuyện mụ đọc bài trên báo, dính đến trẻ con ( bị đánh đập, tự tử…). Lúc ấy, mụ nữ tính hết biết.

Mụ xinh lắm, tôi còn nhớ ngày đám cưới, “nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo”, thỉnh thoảng tôi nhắc lại, khen mụ xinh, hình như mụ ngượng, mụ liếc tôi “mày cứ nói vớ vẩn…”.
Mụ đi đứng rất đường bệ, đám con trai đồng nghiệp thua xa tính men của mụ. Thế mà mỗi lần mụ đi họp hành, hay đi họp mặt ( chủ yếu gặp toàn các gái), dù rất vội, mụ cũng chạy đến trước gương “quẹt son”, xẹt qua, xẹt lại…thế là có một làn môi ngoan. Tôi thích nhìn mụ lúc ấy, nữ tính yêu kiều lắm…

Mụ viết phây hay cực, nên tôi chôm cả bài lẫn hình. Mụ viết về chồng về con…phải nói cực kỳ đàn bà tinh tế. Ai mới gặp mụ, tưởng mụ không biết nấu cơm, lầm chết, mụ đảm đang khiếp…Mụ đi Đông, đi Tây, chuyện gì thế giới biết hết, nhưng tôi thích nhất mụ kể chuyện chồng, chuyện con…nghe thắm thiết lạ. Phải gọi mụ là người đàn bà đắm đuối.

Hôm chiều thứ sáu cuối tháng 8, mụ vào tòa soạn dọn đồ và chào tạm biệt. Mụ bắt mấy đứa trong phòng: “ngồi im tại chỗ, không được chạy tới mụ, chỉ nhìn theo thôi”. Mụ đi nhanh, tay vẫy, miệng cười, mắt ướt...

Mụ nóng hổi, hay ào ào…mà đó là điểm đặc biệt của mụ, chả cần phải đổi thay. Bây giờ, mụ mà nguội đi, chẳng còn là mụ. Mụ nồng nàn với bạn bè, nồng cháy với công việc, nồng nhiệt với cuộc đời này…đến khi mụ thành bà cố, chắc mụ vẫn nóng như thế!

(Chị yêu, xin lỗi đã gọi chị là mụ, nhưng mà thân lắm em mới gọi là mụ đó!)
— với Đỗ Ngọc Dona.