Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

* Sợ...

Tối qua ở bàn ăn, Lou (HS lớp 10) hỏi "Ba mẹ có biết chuyện gì xảy ra sáng nay không?". 


Con kể, sáng con chở em (Leo, lớp 6) bằng xe đạp điện đến trường cùng hai bạn hàng xóm (các bạn đi xe máy và xe đạp). Cả bọn đi qua ngã tư đông đúc, rẽ vào đường nhỏ hơn về phía trường, từ ngã tư kế cận, một chiếc taxi bất ngờ phóng ra với tốc độ cao và đâm sầm vào bạn P. đi xe máy phía trước con. "Như trong phim mẹ ạ, bạn P ngã xoài xuống đường, lảo đảo đứng lên thì lại ngã sấp xuống đường. Bạn ngất đi, tay ra nhiều máu"... Bạn P được mang vào phòng y tế trường (có BS) cấp cứu. May, bạn ko bị gãy hay chấn thương gì, chỉ mất nhiều máu từ vết thương ở tay. Chiếc taxi đã bỏ chạy ngay sau khi gây ra tai nạn, đường nhỏ, vắng, tụi nhóc run cầm cập ko kịp nhìn số xe.

Nghe chuyện, ba mẹ xanh mặt, còn Lou vẫn bàng hoàng. Năm học này chuyển trường về gần nhà (cách 1km), Lou bắt đầu đi xe đạp điện và chở em, chiều mẹ đến trường đón về, cho yên tâm một nửa. Đường phố xe cộ tấp nập, hỗn loạn, chạy ẩu, tai nạn ngày càng nhiều. Mỗi sáng mẹ đứng nhìn theo anh chở em đi mà luôn bất an. Mà đâu thể đưa đón mãi, để các con ko biết đi xe, ko thể tự đi, tự bơi và biết cẩn thận trong biển xe cộ đầy bất trắc kia. Vì cuộc đời sau này còn biết bao lối ngặt, ngã tư, ngã năm, ổ voi ổ gà nghiệt ngã... Chỉ còn đặt cược vào sự may mắn, phù hộ của Trời. Không mong con đi được trên thuỷ tinh, chỉ mong sáng tiễn con đến trường, chiều mở cổng đón con về vui vẻ, bình yên.

Như sáng nay càng bất an khi nhận tin một nhà báo đã qua đời vì tai nạn giao thông trên đường chở con đi học... :((

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

* "Để nhớ một thời ta đã xinh"... :))

Cho tôi trở lại ngày 30, cặm cụi, mướt mồ hôi vừa làm báo vừa làm thợ ảnh trong studio của mình "kiếm thêm". Chụp những bức ảnh 20.000đ/kiểu, giữa muôn mặt "khách hàng", vẫn đọng lại những khoảnh khắc đặc biệt. Những bức chân dung chụp theo phong cách cổ điển, ánh sáng tự nhiên hắt vào từ cửa sổ. Dù khách thế nào, "đạo diễn" cũng dỗ dành "nhìn dịu dàng nhé, mềm mại nhé, say đắm nhé" để chỉ tập trung vào ánh mắt. Cô này la oai oái "Nhìn chị, làm sao em ...say đắm được?!" :))

Một năm sau, studio ấy biến ngay và luôn khi cô chủ bị tổng biên tập Thế Thanh phê bình trước cuộc họp cơ quan vì "thống kê cả quý chỉ có 5 bài". Biểu tượng cảm xúc pacman
Nếu không có một năm làm ăn ấy, đến cuối đời vẫn ngộ nhận mình có ... tài kinh doanh. Những mua bán, nhập hàng, giao hàng (kèm chụp ảnh), những tối khuya còn kiểm tiền thu, chi... làm cô chủ mụ mẫm (vì dốt toán). Ngày khai trương studio/cửa hàng vui hớn hở, thì ngày khai tử nó còn...sung sướng hơn. :))
Niềm vui của mình bên cạnh những rong ruổi lượm lặt hình ảnh cuộc sống, còn là những khoảnh khắc chân dung bạn bè. Để vài/mươi năm sau, những ai đó nhìn lại khoảnh khắc họ đã đẹp với niềm vui và thoáng bồi hồi...

(Photo by DoNgoc, bạn Kẻ Học Hầu Chuyện - Nông Thanh Vân, người trong ảnh).

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

* Vân

Ảnh này mình chụp năm 1995, lúc cô ý 30 tuổi. Cô ý "mở hàng" Ann photostudio & Design của mình gần Đài truyền hình, một căn nhà thuê nhỏ xíu mặt tiền đường XVNT. Studio của mình ngày ấy khá đắt show, khách đăng ký hẹn ngày chụp, toàn các bà các cô, đôi lứa. Phòng chụp trên lầu chật chội, có dàn đèn nhập từ Mỹ nhưng mình ít khi sử dụng, chỉ chụp với ánh sáng chếch tự nhiên từ cửa sổ.


Chỉ là ảnh...dịch vụ photo by tôi - thợ ảnh :)

Nhìn lại, "hồ sơ" ảnh chân dung của mình toàn các bà các cô tuổi 30 trở lên đến gần ...100. Không hoặc rất ít các cô trẻ măng. Trẻ thì tất nhiên đã là đẹp, như ta nhìn ngắm chụp một bông hồng tươi tắn thanh xuân. Thế thôi. Còn những người đàn bà 30 trở lên, gương mặt họ là một câu chuyện mà bạn được thẩm đọc và kể lại qua ống kính, với rất nhiều cảm hứng. Có thể ví họ như một cành violet, tím ngọt, mỏng manh, lặn vào trong vẻ đẹp thầm kín sau quá trình thẩm thấu, dãi dầu mưa nắng gió sương. Chính là trải qua ngọt bùi cay đắng, hạnh phúc khổ đau...mới tạo nên trầm tích vẻ đẹp đàn bà. Ở đó đã có sự hiểu đời, chín chắn, bao dung, an nhiên tự tại. Hay ngược lại, là nỗi buồn câm nín, vẻ khắc khổ, đau đáu nỗi gì... qua vẻ mặt, ánh mắt. 




1995. Ảnh sáng tác duy nhất trong series 30 ảnh chụp Vân, tôi giữ lại cho mình.
Sau 20 năm phim vẫn trong 

Tôi thích đọc những gương mặt người. Và cảm nhận đầu tiên với tôi thường rất quan trọng, luôn gắn với sự tin cậy trực giác. Chút gì còn băn khoăn sẽ bộc lộ/hiểu hơn vào ngày nào đó. Để chụp ảnh thôi, đã là sự kỳ công của đủ thứ giác quan, cảm nhận :D, huống hồ là gắn bó, phải trải qua quá trình tương tác xa gần nhuốm màu vui buồn đời sống.

Có khi cũng tự hỏi, sao trong "photo hồ sơ" không có nhiều ảnh chân dung đàn ông? Cũng tự trả lời được. Chụp đàn ông chẳng dễ. Có lần chụp một khách nam, chỉ vừa nhìn qua ống kính, chưa kịp đọc thì đã cảm, lăn quay ra chết. Hôn mê sâu 9 năm. Lần khác, chả đọc chả cảm, chết hồi nào không hay, đến giờ vẫn chưa tỉnh. :)))

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

* Cà phê

Sự thanh thả của nàng gói gọn trong những sáng cuối tuần. Mở tất cả cửa cho ánh sáng lọt vào. Căn phòng thoảng mùi bánh mì và cà phê. An nhiên hơn với Bình yên do Trần Thu Hà hát.



Ngày chưa chồng, nàng không uống được cà phê, chỉ vài ngụm đủ làm tim đập như trống cả ngày, có lần phát bịnh. Lấy chồng, mỗi sáng nàng đều đặn pha cà phê cho chồng. Nhiều năm như thế, cà phê pha rồi nhưng chưa bỏ đường, đá, chồng vẫn đợi. Mỗi lần pha cà phê xong, nàng luôn ...nếm một miếng trước khi đưa cho chồng, kiểm tra xem được không. Mỗi sáng một hớp mà thành nghiện lúc nào không hay, cho đến khi chồng ly vợ ly rồi vợ...hai ly những khi cần tỉnh táo làm việc. Nhẽ có mở quán cafe, nàng cũng không chắc có nhịn được nếm một hớp trước khi đưa cho khách hay không, vì nàng pha cà phê với tất cả sự chú tâm tận tuỵ. Rồi nàng tự chế "công thức" cà phê cho nhà mình sau thời gian dài uống và thẩm nhận. Nàng thường đến hàng bán cà phê hạt rang xay gần nhà. Ngắm những thùng cà phê đã rang, nàng chọn 300gr hạt robusta, 300gr arabica, 400gr hạt Buôn Mê Thuột, yêu cầu trộn chung và xay nhuyễn rồi bỏ vào bịch mang về. 

Theo thời gian nàng cũng tự rút kinh nghiệm hạt xay cỡ nào để không lớn quá khiến nước lọt qua phin ào ào, loãng loe. Đừng xay nhuyễn quá để bột cà phê lọt qua phin uống lợn cợn. Nước sôi pha cà phê  vừa phải, sôi già cà phê có mùi hơi khét. Rồi khó uống cà phê ở hàng quán, sau khi đã trải qua đủ hương vị cà phê có mùi vani, nước hoa, uống mà nhận biết mình đang uống cà phê bắp, cà phê đậu nành, rang với bơ hay mỡ gà, thậm chí ướp toàn bộ hương liệu cà phê bán ở chợ Kim Biên, cà phê nêm chút hạt cau, thuốc súng hay nước mắm (như nghe nói về "công nghệ" sản xuất cà phê). Có khi hẹn bạn uống cà phê ở quán xịn, biết là xay-pha máy hay phin cà phê hạt 100%, thi thoảng nàng vẫn mang theo bình cà phê pha ở nhà, lén lút đem ra uống sau khi gọi một ly cà phê cho mình.

Bạn bè đến nhà chơi đều được nàng đãi cà phê nhà pha. Ai cũng khen ngon, vài đứa "nịnh" cà phê nhà mày ngon quá!. Có đứa inbox "Nhớ cà phê N pha, nhớ terace chúng ta ngồi uống cà phê, ước gì được nằm đó đọc sách". Hẳn một số bạn bè đến nhà uống cà phê nàng pha, ko thấy ngon nhưng chả nỡ chê (hehe). Vấn đề cũng chỉ là khẩu vị mà thôi.

Để thích, gắn kết với loại cà phê nào đó, cũng cần có thời gian, trải qua tất cả các loại cà phê ngon dở. Mà không nhất thiết phải lấy chồng, phải không. Để rồi nhận ra,
những gì ta đã uống chỉ gọi là cà phê, với quá trình "tinh vi" của biến tấu công thức hương liệu, rang xay, pha... Để thấy, cuối cùng cà phê phải là và chỉ là cà phê thôi, mộc, đậm đà chân thật...
Mỗi người ta "uống", gắn kết, cũng tựa như ta thưởng thức cà phê vậy, mà chẳng cần phải lấy chồng. Vấn đề vẫn là khẩu vị, thói quen mà thôi, nhỉ.

PS. Tiểu thuyết ngoa tình. Không nhất thiết "nàng" là mụ quắc thước, vụng về :)))

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

* Món ăn thất kinh :)

Trưa, cả đoàn dừng dưới chân đèo Sapa ăn trưa tại quán gần thác nước. Nhìn bảng đề: Ở đây có cháo chó, cơm chó, lợn cắp nách, gà tự do... Mình ngại quá, nói nhỏ với cô bạn người Hoà Bình. Cô ấy cười hí hí. Ông anh Hà Nội giải thích "Ấy là viết tắt cơm cháo thịt chó, chứ ko phải cơm cho chó!". Còn gà tự do là gà thả...núi.


Trên đèo Ô Quy Hồ

Nhóm khác vào quán, một ông dõng dạc kêu "Cho một đĩa bành trướng, một dĩa máu luồn, mới lại thêm hai bát máu". Mình chả hiểu gì cả, mắt tròn mắt dẹt, lạ là chủ quán lại hiểu. Chả hỏi lại, cứ thế ông ấy làm món ăn răm rắp. Mình mắc cỡ hỏi các ông đoàn mình "Món gì mà tên kinh thế?". Mấy ông giải thích: "Món bành trướng là mặt lợn. Máu luồn là dồi lợn, là huyết lợn dồn ruột heo. Hai bát máu là hai bát tiết canh!". Ôi chà chà, mình cười rũ rượi như con điên.

Cười như hoá rồ nữa là khi làm xong mấy dĩa thức ăn, ông chủ quán hỏi "Mấy anh chị ăn hành Thái hay hành phổ thông?". Các ông bảo "hành phổ thông". Mình ngơ ngác hỏi "hành phổ thông là hành gì?". Các lão trả lời hành người Kinh trồng, là hành... :))

Lên xe đi tiếp đến đèo Ô Quy Hồ, một ông chép miệng "Riêng heo với lợn cũng phức tạp. Hoa cứt lợn chứ ai nói hoa cứt heo. Gió heo may chứ không thể nói gió lợn may, nhỉ". Xuống xe ở đỉnh đèo, say sưa ngắm hoa dại bên bờ vực, mình chép miệng, nghe thoảng trong gió lợn may hương mùa thu đã về... :))