Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

* Nói xấu...chồng :))

Thường thì tui thích đi bộ một mình sớm tối trong khu nhà đang sống, theo những  con đường bàn cờ yên tĩnh, nhiều hoa lá. Thỉnh thoảng gặp các bà các cô trong khu cũng đi bộ, chào hỏi hay dừng lại đôi ba chuyện đàn bà con gái, hàng xóm láng giềng.

Các câu chuyện chủ yếu là hỏi thăm chồng con, bếp núc, nhận xét nhan sắc béo gầy của nhau. Và chuyện …nói xấu chồng khá phổ biến. Như: “Lão nhà chị, mua cho bao nhiêu quần áo ko thèm mặc, toàn mặc đồ cũ xấu xí, bụi đời. Sợ hàng xóm bảo chị ăn diện hết phần của lão”; “Cha nhà em đi đông đi tây, gác tay gác chân quen rồi mà vẫn thích vợ hầu. Sáng ra, mình pha cà phê rồi mà chưa bỏ đường, bỏ đá đặt trước mặt thì chả cứ ngồi đợi. Tức thế chứ”; “Ông nhà tôi á, coi vợ chả ra gì chứ đội con lên đầu. Mình nhờ gì cũng ừ hử chứ con ho một tiếng là quắn đít. Đi nhậu vợ gọi tắt máy, ko trả lời, chứ con gái a lô thỏ thẻ câu là về ngay…”; “Trời ơi, chồng em …ở dơ bà cố. Đi ngủ mà chân bẩn ko thèm rửa, có khi nhắc mãi mới quánh răng”…bla bla.  Sau mỗi chuyện, các bà thường nhận xét, phân tích, mỗi người một ý rất thông hiểu. Cuối cùng luôn là “Ôi, đàn ông thế cả ấy mà”; “Đàn ông hổ báo, VIP ở đâu chứ về nhà vừa lười, vừa đoảng”; “Đàn ông như thằng bé to xác, khác gì …con mình”…

Nói xấu chồng nhưng mặt bà nào cũng hào hứng, mắt long lanh.

Sáng nay, gặp hai chị cách nhà hai ô đường. Một chị phàn nàn: “Tủi thân thiệt. Sinh nhật mà chồng ko thèm tặng hoa. Bóng gió thì ổng quạu: Tiền đưa về cả đống thích gì tự đi mua đi”. Cô kia an ủi: “Đàn ông họ không chu đáo, chi tiết như chị em mình đâu chị, buồn làm chi. May chồng em còn nhớ tặng hoa cho vợ”. “Cô thiệt có phước, chứ chồng chị dùi đục mắm tôm nào giờ. Lấy nhau gần 20 năm nhưng chưa bao giờ nói hay nhắn tin được lời ngọt ngào với vợ. Đi công tác cũng ko gọi về, gọi hỏi thì gắt gỏng là xong việc thì về, chết thì người ta đưa xác về chứ lo gì. Hic hic”. “Thương chị quá, sống bên nhau cả đời mà không được quan tâm, dù nhỏ nhặt cũng buồn chị nhỉ. Hay chị check xem anh ấy có…cô nào không? Lúc này em thấy ảnh mặc đồ bảnh tỏn…”

-      - Này, cô nói gì lạ thế. Tui tâm sự với cô chút xíu mà cô tăng áp, nói xấu chồng tui là sao. Nói vậy thôi, chồng tui tuy cục mịch nhưng siêng năng, đỡ đần vợ việc nhà, chăm con chu đáo, lương đưa hết về cho vợ, không rượu chè be bét, tốt gấp vạn cha khác … (Quay đi một nước).


Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

* Những ân tình...

* Đọc được trên stt của bạn trên điện thoại khi đang loay hoay đứng trên sân thượng Rex chụp sang thương xá TAX. 

"Cộng tác (gửi bài trực tiếp đến) với bạn phải con số hơn 10 năm, đủ thể loại chuyên mục từ xã hội, gia đình, truyện ngắn, du lịch.... tình thương, mến thương tùy vào trang bạn phụ trách. Email rồi hỏi bài, rồi nhắn tin, rồi những lần gặp gỡ chuyện trò... Không nghĩ đến một ngày chia tay, dù đã biết chắc chắn là sẽ chia tay. 
Bạn gọi, 1/9 em chính thức nghỉ. Gửi vào email bạn mấy bài kết lại tháng 8 và kết lại thông tin hai chiều của hai hộp thư chỉ chuyên bài vở với hai thao tác: send - reply. 
Chúc bạn tìm được niềm vui trên con đường mới và vẫn luôn vui vẻ, chân tình như đã bao năm bạn vẫn luôn vui vẻ, chân tình". (ĐTTT)


* Nửa đêm, bạn inbox: 

"Em vẫn nhớ 50.000đ nhuận ảnh chị cho em , khi em bị "bao vây kinh tê"... Nhớ chị hát "Chiếc vòng cầu hôn" trong kỳ thi Karaoke mà em là Từ Hải trên sân khẩ́u.. Nhớ chị trên đường về Vĩnh Long dự đám tang bạn gái mà vẫn ĐỌC TIN QUA ĐIỆN THOẠI để em đánh máy- nộp Tòa soạn…" (TT) 

@ Những chi tiết này lâu rồi, ở tuổi 40, ko còn nhớ nữa :)

Bạn bè "chiến đấu"tặng quà, những món quà mình yêu thích, hợp với mình, sẽ theo mình trong những chuyến đi sáng tác.


Trang phục lính, khăn rằn và ba lô của phi công quân sự


Thanks những chân tình


Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

* Bữa nay ăn gì?

Đó là câu đầu tiên chiều nào hai ku con cũng hỏi khi mẹ đến đón. Những khi ông bố vắng nhà, mẹ trả lời “ăn cơm” hay “ăn hàng để về kịp học bài” thì hai ku reo lên “ăn quán đi mẹ”. Nhưng khi mẹ trả lời “Hôm nay ba ở nhà”, thì y như rằng hai ku thất vọng: “Lại ăn cơm rồi, biết ngay”. Ku em còn làu bàu: “Ba không có nhà còn được ăn hàng. Ba có nhà là phải ăn cơm. Chán!”

Ba không có nhà thì trẻ con thường được ăn hàng (nên trẻ con thích), mẹ thì rảnh rang hơn khi chỉ ăn quấy quá cho xong bữa, có hôm không ăn gì. Sau một dự án, ba có thời gian ở nhà thì mặc nhiên các con…ăn cơm nhà gần như suốt tuần. Có ông bố ở nhà bà mẹ “vất vả” hơn, đi chợ, bữa ăn phải có món mặn, món rau luộc hay xào, canh. Nấu nướng cũng cầu kỳ hơn, cơm dọn ra bàn ăn với bát đĩa tinh tươm. Vì thế, cũng mất thời gian chăm chút hơn. Những khi mệt, bận, bà mẹ thường càu nhàu, ra điều “mệt với…chúng mày thế”. Chẳng “thằng” nào nói gì, có vẻ áy náy, biết bà chỉ càu nhàu thế thôi, chứ ko có cha con lấy ai cho bà ta đây có “giá trị”. Đàn ông là trụ cột trong nhà còn ở ý nghĩa, để người đàn bà của họ có động lực, lí do “chính đáng” để chăm chút bữa cơm gia đình, đủ đầy.

Những khi dự án kéo dài ba, bốn tháng, ông bố đi từ sáng đến tối khuya mới về. Ăn hàng, những bữa cơm quấy quá, thiếu vắng mãi cũng chán. Không ra một gia đình. Có những chiều mẹ con về nhà, bàn ăn bày sẵn. Ông bố vừa kết thúc dự án đã đi chợ và nấu cơm, có món mực xào ku lớn thích, hay món bún ốc lần nào ăn ku út cũng khen “ngon quá”. Như để đền bù, như  để “sửa chữa” định kiến của con, rằng ba không chỉ …nấu cơm.

Nhân thời gian chồng ở nhà, thỉnh thoảng mụ vợ đùn việc nấu nướng cho lão. Như: “Mẹ vừa mua cá lăng, ba làm món chả cá Lã Vọng ngon hơn thì làm dùm đi”. Thế là cả nhà được bữa ngon. Xong thì mụ vợ chịu khó rửa chén tí sau khi khen “Ba làm món này ngon thật”. Ý là, lần sau cứ thế phát huy nha. 

Đây, món chả cá ổng làm :))


Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Con gà và cầu thang ở thương xá Tax

Khi xem loạt ảnh về thương xá Tax tôi post lên hôm qua, chị bạn đang sống ở nước ngoài bảo xem hình chị ấy nhớ Sài Gòn quá. Tôi trả lời, tôi ở Sài Gòn mà cũng nhớ … Sài Gòn. Sống giữa Sài Gòn mà hàng ngày chỉ đi qua Sài Gòn. Cho đến khi…

Hôm nay, khi tôi đang lay hoay chụp khu vực cầu thang thương xá Tax, một phụ nữ cứ đứng nhìn tôi hồi lâu, nụ cười chị rụt rè, hiền hậu. Mãi chị mới ngại ngần nhờ tôi chụp dùm chị một tấm ảnh kỷ niệm với Tax lần cuối, vì tuổi thơ của chị, cả gia đình chị gắn bó với Sài Gòn, với nơi này. Phong cách chị nền nã, đôn hậu, giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp…rất Sài Gòn, một Sài Gòn của những năm 50, 60. Chị bảo bình thường mấy khi đến đây, nghe nói Tax sẽ không còn nữa, chị phải ra nhìn lại nơi này lần cuối. Nhìn chị cứ tần ngần nhìn ngắm, đi tới đi lui, thấy thương và phần nào hiểu nỗi lòng của chị, một phụ nữ Sài Gòn, một người gốc Sài Gòn chánh hiệu.

Chụp nhiều góc, nhiều hình ảnh của Tax, thu hút tôi nhất lại là khu vực cầu thang và những con gà bằng đồng. Đẹp, tinh tế đến từng chi tiết hoa văn uốn lượn dọc cầu thang, nẹp bậc thang, gạch lát…Không hiểu sao, tôi rất chú ý đến biểu cảm trên “gương mặt” những con gà bằng đồng. Tôi chụp và lưu giữ tư liệu về Sài Gòn ở tuổi sau 300, còn những hiện vật của toà nhà 130 tuổi ai/nơi nào sẽ lưu giữ? Nếu chẳng may, hoặc may hơn là…

Tax được phục dựng như nguyên bản ban đầu (1880), với 4 đến 5 tầng hầm (như Vincom đã làm), để giải quyết “nỗi khát” diện tích của nhà đầu tư. Sao lại không?









Chị An Thuỵ, một phụ nữ Sài Gòn chánh hiệu

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

* Thương xá TAX, những hình ảnh cuối cùng…

Toà nhà Vincom mọc lên thay cho Eden cũ xưa, hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi bị chặt hạ để xây ga metro…như mọi người, tôi buồn tiếc. Nhưng nghĩ, sự phát triển luôn phải đánh đổi, mất đi điều gì đó. Cho đến khi câu chuyện Thương xá Tax -  Les Grands Magazins Charner, được xây dựng từ năm 1880 sẽ bị “xoá sổ” hoàn toàn, nhường chỗ cho cao ốc thương mại 40 tầng nay mai thì tôi cảm thấy mất mát hẫng hụt.

Tôi xem lại ảnh tư liệu đã chụp bao năm làm báo, hoá ra không ít. Đặc biệt, dịp năm mới, vào thời khắc giao thừa, khi đứng trên tầng 5 của Rex hotel chụp xuống ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, khung cảnh đón chào năm mới rực rỡ luôn có Tax, một phần đẹp đẽ duyên dáng.

Những ngày này, tôi lang thang xung quanh Tax, chụp những hình ảnh Tax và không gian xung quanh mà cứ thấy bần thần, nuối tiếc. Bần thần cả khi ngắm dòng người xếp hàng dài, chen nhau để mua hàng xả giảm giá cho kịp ngày giao mặt bằng.  

Tôi ước, toà cao ốc 40 tầng không được xây, thay vào đó nó được phục hồi trở lại nguyên bản đầu tiên, rất đẹp, rất duyên dáng (ảnh tư liệu kèm). Chiều nay khi đứng trên sân thượng khách sạn Rex chụp xuống, tôi hốt hoảng nhận ra, có lẽ sau Tax, một số toà nhà như cao ốc văn phòng của Saigontourist đối diện Tax và dãy nhà kiến trúc Pháp liền kề (đường Nguyễn Huệ), dãy nhà liền kề bên phải Tax (đường Lê Lợi) liệu có thoát được số phận bị xoá sổ? Bởi vì so với một số toà cao ốc xung quanh, những dãy nhà kiến trúc Pháp còn lại bỗng …lạc lõng. Khi mà sự đan xen các cao ốc bê tông – kính lừng lững với các toà nhà kiểu Pháp xưa cũ trở thành bức tranh luôm nhuôm, chỏi, không ăn nhập gì với nhau. Khi mà đất khu trung tâm là kim cương chứ không chỉ vàng, khi nhà đầu tư luôn đặt điều kiện phải được xây cao tầng thì mới “làm”. Khi mà, nếu xây thấp tầng thì phải cho xây tầng ngầm nhưng “phức tạp” đường điện nước, cáp ngầm bao năm rối tinh rối mù…

Sao không nỗ lực giữ gìn và bảo tồn những di sản của Sài Gòn 300 năm? Tax (mới) và nhiều dự án tương tự hoàn toàn có thể xây dựng ở trung tâm thành phố mới (đã có quy hoạch) bên phía quận 2, Thủ Thiêm?


34 năm sống tại TP này, nhận ra mình đã yêu thương Sài Gòn biết bao… 

Photos by Đỗ Ngọc

 Thương xá Tax -  Les Grands Magazins Charner được xây dựng năm 1880


 Tax nhìn từ Rex hotel

Tax ngay góc giao lộ trung tâm


Không gian kiến trúc rất luôm nhuôm

Những dãy nhà kiến trúc Pháp lân cận liệu có bị xoá sổ?

Công trường xây dựng ga metro

Hàng người xếp dài chờ mua hàng giảm giá


Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

* Ai? và ngon...

Bầu trời tối sầm, mưa rừng rỉ rả. Nước suối tràn qua đường rừng hòa vào dòng chảy xiết của dòng sông gầm gào mùa lũ. Nước suối lạnh buốt, mưa run vai trần, đôi chân dò dẫm trong làn nước  không nhìn thấy đáy…


Thôi em ạ, kéo áo lại, ta về. Có lặn lội, có dầm mưa run rẩy lạnh cũng chẳng để làm gì. Một bức ảnh nude, qua mắt người cũng chỉ là ảnh không mặc gì, và “Ai?” luôn là điều quan tâm đầu tiên. 

Thôi, ta về. Ống kính mù hơi nước, mắt nhòe mưa, áo nilon mỏng không che được thương xót thân trần, nỗi tủi thân của người gắn nơ tình yêu vào cái đẹp làm quà tặng. Có lẽ chỉ đổi được một lời “ngon”…

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

* Lời bạn đồng nghiệp

Note bạn viết từ ngày 3/8 mà hôm nay tình cờ có người "mách" mình mới biết để đọc. 


"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bạn ấy chia tay với nghề vì lý do sức khoẻ. 
Tôi gặp bạn, hồi ấy bạn xông xáo và thẳng thắn...cá tính thẳng thắn khiến nhiều người không thích, nhưng tôi lại thấy quý bạn. Bây giờ bạn đã qua 22 năm trong nghề...bạn đã từng làm việc ngày đêm, trên từng cây số, trang báo phụ nữ chủ nhật đã có những ngày tháng vinh quang với số trang quảng cáo đỉnh điểm, tôi biết và nhớ rằng thành công ấy với nhiều người trong đó có bạn đóng góp không nhỏ.
Chúc những ngày tháng tới của bạn thật bình yên, tràn đầy hạnh phúc bên gia đình và bạn sẽ làm được những gì mà bạn thích". (từ FB Suong Bui)

Cảm ơn TS, bạn đồng nghiệp, Trưởng ban CTXH ngày nào, giờ đã cách xa một đại dương. Cảm ơn bạn đã nghĩ tốt về mình, đã luôn là người thẳng thắn và trung thực. 
Lứa chúng mình dần "khuất bóng", thời nào cũng mắt thẳng, lòng trong, không ám bẩn khói bụi của đời sống, tâm địa lòng người, cần mẫn cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa nhọc nhằn. 

Mình rời nghề, trở lại với "tình xưa" nhiếp ảnh - niềm đam mê cả đời, với tâm thái thanh thản, hạnh phúc của người vừa cày xong thửa ruộng, gặt xong vụ mùa của đời mình, sau đúng 30 năm lao động miệt mài, trong đó có 22 năm góp sức dựng xây ngôi nhà thân yêu của chúng ta: Báo Phụ Nữ. 

Mình vui và ấm áp khi nghĩ về bạn!

https://www.facebook.com/suong.bui.520/posts/769334616452187?comment_id=776817315703917&notif_t=like

Chết cười comments của bạn bè dưới stt: