Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

* Chiang Mai 1997

Năm ấy tôi 34 tuổi, tham dự khóa học về ảnh báo chí đầu tiên do Qũy tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF, nhà báo Tim Page sáng lập) tổ chức tại Bangkok và Chiang Mai. Khóa học này kéo dài 1 tháng dành cho các nhà báo Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Lớp chỉ có hai nhà báo nữ, tôi và Thaksina của Bangkok Post (sau này bạn làm cho BBC, Reuters).

                              Cả lớp đi thực tập tại vùng núi (Karen village) ở Chiang Mai. Ảnh này lớp
                                            chụp chung với một gia đình Mỹ là chủ trang trại nơi này

Giảng viên của chúng tôi là các PV chiến trường, nhà báo ảnh kì cựu người Anh, người Mỹ. Cái tên Dona của tôi bắt đầu từ đây. Chỉ vì ko thể phát âm chuẩn xác tên tôi, cô chủ nhiệm người Anh Sarah bảo “Đố Ngoo ọc, mỗi lần gọi tên em tôi phải uốn éo người. Gọi em là Dona nhé”.

Các bạn cùng học với tôi đến từ Thông tấn xã Lào, nhật báo Bangkok Post, Cambodia Times, PV ảnh tự do của Myanmar. Việt Nam có 4 nhà báo tham dự. Có một điều tự hào là so với các bạn trong lớp, nhóm Việt Nam khá hơn hẳn về "trình độ" nghề nghiệp (ảnh), nhất là thực hành, dù không hơn các bạn về thiết bị. 

                      Tại một bar đêm ở Chiang Mai, nơi các nghệ sĩ và diễn viên chuyển giới biểu diễn.
                  Hai "kiều nữ" vốn là quý ông,"chuyển"sang phụ nữ, họ có phần...nữ tính hơn tui, nhỉ


Chúng tôi trú tại hotel dành cho sinh viên quốc tế, học tại Trường Đại học Chiang Mai. Ban ngày lên lớp, tối lại đi thực tế chụp ảnh. Các thầy thường ra bài tập là chủ đề tự do, tùy mọi người chọn, đăng kí, lang thang tìm kiếm và về tráng, rọi, chiếu màn hình projector và thảo luận. Ảnh trên, tôi theo thầy Mikel Flame đi tác nghiệp tại bar đêm nổi tiếng, nơi các nghệ sĩ, diễn viên chuyển giới biểu diễn hàng đêm. Họ rất thân thiện. Chúng tôi lặng lẽ quan sát, chụp họ trang điểm, phỏng vấn, biểu diễn… 

Các thầy giảng, truyền đạt những kiến thức nghề nghiệp phong phú và bổ ích qua thực tế công việc, kinh nghiệm mà họ đã trải qua. Chúng tôi học kỹ thuật, kiến thức cơ bản về ảnh báo chí, tráng rọi ảnh đen trắng trong buồng tối. Nhờ đã nhiều năm chơi ảnh, là "thợ" buồng tối ảnh không đến nỗi tồi, tôi được "phong chức" trợ giảng cho các thầy ở chuyên đề "rửa ảnh, tráng phim". Tôi cũng làm các bạn học ...lé mắt khi giúp họ lấy đầu phim bị tuột vào vỏ hộp chỉ bằng kiểu "du kích" là...le lưỡi liếm vào đoạn đầu một cuộn phim khác rồi cho vào cuộn phim đã bị tuột vào trong, cuộn xoáy và giật đầu phim bị tuột ra.

               Tham quan Văn phòng hãng tin AP (Mỹ) tại Bangkok. Lần đầu tiên chúng tôi làm quen
                                với máy digital chuyên nghiệp. David, PV ảnh của AP rất đẹp trai :)

Tôi "vác" theo một cuốn từ điển Anh-Việt to đùng để... phòng thân, vì khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh. Lúc ấy tiếng Anh của tôi đủ dùng cho giao tiếp đời sống thông thường. Học nhiếp ảnh, bạn phải làm quen, phải nghe những từ chuyên biệt của kỹ thuật nhiếp ảnh, báo chí. Nghe giảng, hiểu được, ghi chép để còn thảo luận và tranh luận sau đó. Thầy luôn hỏi thẳng: "Dona có ý kiến gì về điều tôi vừa nói", ví dụ thế. Suốt một tháng chỉ nghe, nói tiếng Anh, như phản xạ sinh tồn, tiếng Anh của tôi khá hẳn, bởi phải nghe, nói trong lớp, gọi đồ ăn trong nhà ăn sinh viên, giao tiếp trên đường phố, sáng mở mắt ra đã chào sang giường bên "Good morning Thaksina, how are you today?", tám chuyện với cô ấy mỗi đêm trước khi ngủ, cả chuyện tình yêu mới ...ghê. hehe.
Thú vị nhất là những lần tác nghiệp-thực hành trên đường phố, chợ, các bản làng vùng cao. Các thầy “thả” chúng tôi vào cuộc sống và quan sát cách chúng tôi nhìn, nắm bắt cuộc sống ra sao qua ống kính.
Những giờ lên lớp, đi thực tế kín ngày, đêm. Mỗi tối trở về khách sạn muộn, tôi thường nằm trong phòng nghe nhạc, trong khi các bạn học đi chơi thâu đêm. Tối nào cô Sarah cũng gọi điện thoại đến phòng tôi, hỏi thăm em ăn tối chưa, khỏe không...kì thực là cô muốn biết các học trò ai đi chơi đêm, ai chưa về khách sạn...có lần, Thaksina đi chơi về, cười cười bảo "Cô Sara khen mày...ngoan, ko đi chơi tối". hehe. Cũng chính ở nơi này tôi tham dự lễ hội té nước Song Kran bên bờ sông Ping cùng hai bạn nhiếp ảnh gia người Mỹ và người yêu của họ - bạn của Thaksina. Tháng 4 năm nay (2013), tôi đã trở lại nơi này, đứng bên dòng kênh, một nhánh của sông Ping, nơi tôi đã có những khoảnh khắc thật vui tươi 16 năm trước...

Ấn tượng của tôi qua lớp học này là IMMF rất có lòng và nghiêm túc khi tổ chức những khóa học bồi dưỡng kiến thức báo chí cho các nhà báo Đông Dương. 20 năm qua, nhiều khóa học được IMMF liên tục tổ chức, tập trung về: Bảo vệ môi trường, nhiếp ảnh, kỹ thuật đưa tin, viết về kinh tế-kinh doanh...nhiều khóa học được tổ chức tại VN. Mọi chi phí của khóa học đều do IMMF chi trả, gồm vé bay, ăn ở cho học viên, chi phí mời giáo viên thỉnh giảng. 

Tôi học được nhiều điều từ khóa học này. Những khóa học rất cần thiết cho các nhà báo Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, nơi "nền" ảnh báo chí sau bao năm vẫn nặng tính minh họa. Đó cũng là một trong những lí do tôi chọn con đường nhà báo viết, rời bỏ nhà báo ảnh. Điều này luôn làm tôi ray rứt khi nghĩ về. Tôi đã không theo đuổi công việc của một phóng viên nhiếp ảnh đến cùng, chỉ giữ được tư cách một “tay chơi” ảnh, đến giờ. 

9 nhận xét:

  1. Oa, trong ảnh đen trắng ở trên chị "ngầu quá!" Chị được chu du nhiều nơi, được học những khóa học phục vụ cho công việc và cho cả thú chơi ảnh của chị nữa. Thật thích.
    Xuất xứ của cái tên Dona khá là hay và hợp lý chị nhỉ. Vậy mà em cứ nhầm là Donan mới chết chứ!!! Hi hi...
    À, em có nghe nói phim và nước rửa ảnh khá độc phải không chị? vậy mà sao chị lại dùng lưỡi để lôi đầu phim bị tuột. Chị không sợ ư?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sorry, hôm nay chị bận, giờ mới vô đọc còm. Lúc trẻ chị đi nhiều.
      Hóa chất tráng rửa ảnh rất độc, phải đi găng ta vào mới làm.
      Còn chị cứu các bạn lấy đầu phim bị tuột vào trong lõi bằng cách...le lưỡi kể trên, ko độc. gì cả. Le lưỡi vào đầu cuộn phim khác rồi luồn vào cuộn bị tuột, xoay lõi cho cuốn vào nhau rồi giật ra, 100 lần được 99 lần, các bạn lé luôn:)

      Xóa
  2. Bác làm em chết thèm vì ghen tị !
    Trong khi bác vi vu khắp đó đây , em ngồi đáy giếng...:(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Muốn đứa nào bất hạnh (đi nhiều) tặng cho nó cái...máy ảnh. Ếch phải bắt đầu từ có máy ảnh đã. hehe

      Xóa
    2. Ui, thế này thì em bất hạnh thật rồi. Chồng em chuyển cho em cái D90 chị ạ. Em dùng nó thay môn đi bộ buổi sáng là chính. Hi hi...

      Xóa
    3. Tình hình là em báo cáo bác dư lày:
      _Giai nhà em 20 năm nay chứng kiến đủ các loại chập cheng của em nên hắn " cấm tiệt" vụ máy ảnh, vì đã có lúc em ẩm ương tha thẩn chơi với các loại chó mèo. chim, vịt trời từ sáng sớm . he he.
      Dưng mừ dạo ni hắn xuôi xuôi rồi, chủ nhật em với Thu Hương hay đi chụp nên chắc sẽ làm một em Canon EOS 450D bác ạ!
      Em chỉ hẻo thế thôi :))

      Xóa
    4. 450 D là amater, hai số thôi thì ok hơn. Nhưng với các em thế là ok rồi

      Xóa
  3. 2 cái ảnh chụp tập thể trông bác xinh nhể! :X
    Còn cái đứng giữa 2 "anh" thì... hãi quá! Bình thường trông cũng... quắc thước mà sao tấm hình đó rúm vào thế không biết!

    Trong đầu em, khi nghĩ đến ĐN là luôn auto đi kèm với từ "Phóng viên ảnh". Cho nên có 1-2 lần gì đó, em đã buột miệng giới thiệu với mọi người chị là phóng viên ảnh, trong khi giờ bác đã làm... quan chức to đùng roài!
    (Nhân có cái bờ lốc này, em nói lời sorry với bác nhá!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, Ngọc photo lấn lướt Ngọc viết. Mọi người chỉ nhớ Ngọc photo (vanh vách nữa cơ).
      Quan chức be bé thôi, khẽ nào:)

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.