Tác giả: Trần Thị Vĩnh Tường (Pháp Luật online 9/11/2014)
Cho tới bây giờ, hai ngành kiến trúc và mỹ thuật phương Tây ít nhắc tới Mosaic. Mãi đến năm 1970, Tây phương mới tò mò tìm hiểu và khám phá những ý niệm toán hình học nơi Mosaic trong kiến trúc Islam. Ban đầu cho rằng chỉ có tính trang trí như Mosaic phương Tây.
Tại sao từ kinh thành Fes?
Fes là kinh đô triều đại Idrisis từ 789, tiếp tục là kinh đô xứ Maroc cho đến năm 1912 bị Pháp đô hộ và lấy lại độc lập năm 1956. Fes, Maroc, châu Phi... có lẽ không gợi trong tưởng tượng của người Việt điều chi. Không hay rằng nơi rất xa ấy bền bỉ gửi đến cho đời những món quà nghệ thuật như từ trời rớt xuống. Đại học al-Karaouine ở Fes xây năm 859, UNESCO công nhận là đại học đầu tiên trên thế giới. Lúc đó Fes đã có gạch Mosaic, như ảnh dưới. Suốt từ đó tới nay, Fes là nơi duy nhất làm Tessera bằng tay cho thế giới Muslim ở châu Phi.
Theo tờ Les Potins de Paris ngày 14-06-1925, thương xá TAX được xây dựng trong hai năm rưỡi từ 1922 đến 1924. Ngày khánh thành 26-11-1924 được lập lại trong nhiều bản tin của chính phủ thuộc điạ. Cho tới ngày chính thức đóng cửa 25/9/2014 là đúng 90 năm
Chúng ta ít có dịp xem xét một kiến trúc khi đang xây dựng dù quá trình ấy cũng là nghệ thuật đôi khi đẹp hơn cả kết quả. Không rõ vật liệu xi măng gạch ngói có nhất nhất từ Pháp chở qua như khi xây nhà thờ Đức Bà không. Điều chắc chắn, vật liệu xây Mosaic Tax đến từ Fes, không từ Paris. Những nghệ sĩ ấy không bao giờ được sách vở ghi tên dù công trình của họ còn đó.
Những chuyện tình cờ
Cuộc đời có rất nhiều tình cờ đọng lại trên bài viết này. Trong 2000 bài viết về những ngày cuối cùng của thương xá cuối tháng 10/2014, bài của Đỗ Ngọc Dona cho hình ảnh rất rõ những mảng Mosaic trên cầu thang mà tôi nhận ra là của thế giới Islam, không hề của ông Tây nào vào đây cả.
Qua một số hoạ tiết, tôi nhận ra đây là nghệ thuật Mosaic của người Maroc (Maroc tiếng Pháp, tiếng Anh là Morocco). Mảnh dưới đây gồm hai phần, một phần đúng là họa tiết Mosaic ở kinh thành Fes với họa tiết Katra hình vẩy cá nhiều mầu xanh biển, đặc thù Morocco Mosaic, nửa phần còn lại hoàn toàn không đối xứng, không có tên như bài học về văn minh Islam.
Gặp gỡ Faissel Farhi
Nửa bánh mì là bánh mì, nhưng nửa sự thật chưa phải sự thật. Phải tìm cho ra lời giải đã dẫn tới phòng trưng bày gạch Mosaic mà chủ nhân là Faissel Farhi.
Faissel Farhi, 35 tuổi, người Mỹ gốc Maroc, sinh ra và lớn lên ở kinh đô Fes, 18 tuổi qua Mỹ học. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với Faisel ngắn nhưng như chạm vào trăm trang giấy chưa hề được in thành sách, Faissel kể hết những đìều về Zellij, đúng với truyền thống không dấu nghề của nghệ sĩ Zellij
Zellij là tiếng Maroc có nghĩa “gạch Mosaic làm bằng tay”. Nghệ thuật này có tính cha truyền con nối. Nếu thủy tinh là tuyệt phẩm làm từ cát thì gạch gốm Zellij là tuyệt phẩm làm từ đất sétNgười Islam tin mỗi vẻ đẹp trong thiên nhiên đều là thông điệp từ thượng đế. Từ TK 9, cư dân ở kinh thành Fes vận dụng kiến thức tóan học, trí tưởng tượng vô song thể hiện thông điệp ấy trên mỗi viên tessera nhỏ xíu ráp thành một công trình lớn. Nếu chú ý, tesserae ở Mosaic Tax màu nhuộm không đều, men mỏng men nhạt, kích thước mỗi viên cũng không hoàn toàn 17x17mm, chính vì làm bằng tay. Thợ gốm rất nhiều nhưng đạt được danh hiệu Maâlems/thượng sư đòi hỏi nhiều hơn là sự khéo tayCha và ông nội Faissel đưọc tôn là Maâlems do quá trình xây dựng đền đài dinh thự tạo nên ảnh hưởng chính trị, kinh tế và tôn giáo nơi quí tộc địa phương.
Từ màu nâu nhạt, Faissel nhận ra đây chính là đất sét từ Fes. Kết luận của Faissel về họa tiết Mosaic Tax hết sức bất ngờ, một phối hợp thú vị: Vật liệu từ Fes, họa tiết Persia/Ba Tư có ảnh hưởng La Mã.
 
Theo Faissel, sự đối xứng trong Mosaic rất khác mà các nhà nghiên cứu Tây phưong chỉ mới lưu ý từ 1970 nhưng cũng không gỉai thích đựơc tại sao người Islam đã biết từ ngàn năm trước.
Faissel cho ví dụ về đường thẳng/đường cong để nhận diện Mosaic.
Nếu đối xứng từ trung tâm, chắc chắn theo họa tiết Zellij ở Maroc như trong photo tấm Mosaic treo trên tường. Tesserae của Maroc luôn cắt theo đường thẳng, biểu tượng cho tính tôn nghiêm, ráp đối xứng một cách tuyệt đối qua môt trục vô hình. Những cặp đối xứng liên tiếp phủ toàn thể bức tranh dù hợp lại thành shape tròn nhưng vẫn là tesserae thẳng
Faissel Farhi, ảnh tác giả, 11-10-2014 West Holywood, California
Nếu không đối xứng hoặc vừa đối xứng vừa “tự do”, hoạ tiết có ảnh hưởng Persia/Ba Tư. Đường cong biểu tượng cho mỹ thuật. Mosaic của Ba Tư nhiều đường cong vì làm theo hoạ tiết nơi thảm Ba Tư nổi tiếng thế giới từ ngàn năm, "Tấm Thảm Thần" trong Ngàn Lẻ Một Đêm là thảm Ba Tư.
Cũng theo Faissel, không bao giờ có hai miếng Mosaic giống in hệt nhau. Vì Maâlems từ ngàn xưa vẽ trên cát trên đất và lưu giữ trong đầu. Khi có giấy bút cũng ít dùng mà chỉ tuân theo tiếng gọi thiêng liêng nào đó từ trời cao.
Maâlems làm Mosaic theo yêu cầu của khách hàng cộng thêm tưởng tượng của riêng họ. Theo Faissel, qua hoạ tiết Katra vẩy cá và màu xanh tràn ngập cầu thang , Mosaic có vẻ là một bức tranh về biển. Nhận xét của Faissel rất phù hợp với việc người Pháp năm 1925 đặt trên nóc toà nhà Grands Magasins Charners tức thương xá Tax một kèn báo hiệu khi có tàu từ Pháp sang mang theo thư từ và hành khách cập cảng Saigon.
Faissel rất cảm động không ngờ ở môt nơi xa xôi như Việt Nam, mảnh đất sét của quê hương anh được hân hạnh ở đó 90 năm và yêu mến nhường ấy. Faissel sẽ ghi nhận câu chuyện hãn hữu này trong lịch sử Mosaic Islam. Cũng xin được biết đoạn cuối Mosaic Tax ra sao để còn tường trình về kinh thành Fes một mảnh Zellig lưu lạc. Faisseil cũng hứa, nếu may mắn được giữ lại, Faissel sẽ tặng những viên tesserae bị tróc.
Có ý nghĩa tôn giáo không?
Faissel cúi chào theo kiểu người Maroc, chúc Zellij vạn sự bình an. Tôi cũng nghiêng chào Faissel hai lần. Một nghiêng thay cho Mosaic Tax, hai nghiêng cho người lưu giữ một góc nghệ thuật thế giới. Có bạn hỏi “Mosaic có ý nghĩa tôn giáo không”. Xin giữ điều đó cho riêng tôi, nhỡ không may không giữ được Mosaic ở Tax, sẽ không gây rắc rối ngoại giao.
Quyết định “bảo tồn một số hạng mục ở Tax” ngày 23-10-2014 nơi UBND TP.HCM và cuộc gặp gỡ với Faissel định mệnh hình như đang mỉm cười với Tax.
Không phải chỉ nghệ sĩ mới làm nên cái đẹp. Mà cùng hướng về điều đẹp mới là mẹ đẻ của Mỹ Thuật. Hãy cứ tin như thế.
Trần Thị Vĩnh Tường 28-10-4
(*) Xem từ số báo Chủ nhật 2-11.
Tham khảo
Dona Đỗ Ngọc.   Con gà và cầu thang ở thương xá Tax
http://donadongoc.blogspot.com/2014/08/con-ga-va-cau-thang-o-thuong-xa-tax.html