Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Du ngoạn miền Tây ngày Tết

Nhiều người cho rằng, thời gian cận Tết, niềm vui náo nức chờ đón cái Tết cổ truyền đang đến mới thực sự thú vị. Cũng vậy, đi du lịch Tết đang trở thành xu hướng, mà tuyến miền Tây Nam bộ luôn là sự lựa chọn của nhiều du khách.  

Chợ hoa xuân Vĩnh Long

Miền Tây luôn thu hút khách bởi bản sắc riêng độc đáo. Đến với miền Tây là đến với vùng đồng bằng trù phú, vựa lúa của cả nước bên dòng Cửu Long hiền hoà, để thưởng thức vẻ đẹp của đời sống sông nước miệt vườn, những vườn cây trái bạt ngàn, những vườn hoa kiểng có tiếng…Hơn thế, không khí chờ đón Tết, cả năm sống cho một mùa Tết ở miền Tây mới thực sự rộn ràng, với những sắc màu độc đáo sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm đặc biệt, không giống với bất cứ vùng nào.

Từ TP.HCM, chỉ chưa đầy hai giờ xe, du khách có thể đặt chân tới thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), cù lao Thới Sơn – điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng. Chuyến du ngoạn tàu thủy trên sông Tiền đưa du khách qua bốn cù lao Long, Lân, Qui, Phụng. Tàu lướt qua những căn nhà lá đơn sơ, những vườn cây trái trĩu quả, những bè cá, những đứa trẻ bơi lội, vui đùa rộn bến sông… Bạn có thể tham quan những làng nghề ven sông, trại nuôi mật ong, những cơ sở sản xuất bánh kẹo, thưởng thức tại chỗ trà mật ong, bánh cốm, kẹo dừa vừa ra lò nóng hổi, thơm nức. Thưởng thức trái cây tươi ngon, những bữa ăn miệt vườn với cá lóc đồng, tôm càng nướng, cháo gỏi ngó sen gà vườn… được dọn dưới bóng mát vườn cây, trong tiếng đờn ca tài tử Nam bộ, cảm xúc thật tuyệt. Sau bữa trưa, du khách có thể nằm võng đu đưa, mơ màng nghe chim hót; hay dạo quanh làng bằng xe đạp, ngắm cảnh sông nước, những giề lục bình trôi trong hoàng hôn mênh mang tím…

Du ngoạn một vòng tham quan chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) Cái Răng (Cần Thơ) những ngày cận Tết, chuyến đi của bạn thêm thú vị, hoàn hảo. Chợ nổi mùa cận Tết nhộn nhịp hơn hẳn chợ phiên ngày thường, lượng hàng hoá về chợ tang mạnh. Tiếng máy ghe tàu, tiếng người mua bán mặc cả rộn một khúc sông. Tàu hàng đến, ghe xuồng đi, đưa các loại hàng hoá, nông sản phục vụ Tết về khắp các làng quê. Nhìn ngắm quang cảnh mua bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, bạn còn có cơ hội mua sắm nhiều sản vật, rau trái của đồng bằng sông Cửu Long cho những ngày Tết của gia đình mình.

Sầu riêng Cai Lậy

Chợ Lách (Bến Tre) là một trong những điểm đến thú vị của miệt vườn Tây Nam bộ. Nổi tiếng với nhiều loại trái cây tươi ngon, nơi đây còn được biết đến với những làng hoa kiểng đẹp nức tiếng, những nghệ nhân uốn kiểng độc đáo. Từ 20 Tết, đi dọc theo các con đường thuộc địa phận huyện Chợ Lách, bạn sẽ bắt gặp những vườn hoa kiểng rực rỡ, những người nông dân đang hối hả tưới cây, cắt cành, vô chậu, vận chuyển lên xe đưa về các vùng, thành phố để bán Tết. Ngoài hoa kiểng, bạn cũng có thể mua sắm trái cây cho mâm ngũ quả chưng bàn thờ ngày Tết. Chợ Lách nổi tiếng về sản xuất cây giống, có những vườn chuyên canh các loại trái đặc sản như sầu riêng, xoài, mận, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh...

Đến Đồng Tháp, du khách không thể bỏ qua Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), cảnh quan thiên nhiên còn sót lại của Đồng Tháp Mười, điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Tràm Chim là nơi sinh sống của trên 130 loài thực vật bậc cao, có hơn 200 loài chim, trong đó có 16 loài quý hiếm như ô tác, già đẩy, te vàng, đặc biệt là sếu đầu đỏ, thường bay về Tràm Chim cư trú từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5.

Khu du lịch Gáo Giồng (Đồng Tháp)


Khu du lịch Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) cũng là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, được mệnh danh là "Đồng Tháp Mười thu nhỏ",  nơi sinh sống của nhiều loài thực động vật đặc trưng, phong phú  của vùng Đồng Tháp Mười. Từ đài quan sát cao 18m, du khách có thể ngắm toàn cảnh khu du lịch Gáo Giồng với màu xanh bạt ngàn của rừng tràm, những dòng kênh xanh in bóng thân tràm lung linh. Thú vị nhất là ngồi xuống ba lá đi dọc theo những con kênh len lỏi giữa rừng tràm, những đồng lúa ma, năn, súng…ngắm cảnh từng đàn chim, cò chấp chới cánh bay về tổ lúc hoàng hôn tím sẫm.  Món cá lóc cuốn lá sen nướng chui, canh chua cá linh nấu với bông điên điển, cá rô đồng kho tộ…chiêu cùng rượu nếp cẩm là những món ngon nơi đây sẽ làm thực khách nhớ mãi. 
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê (còn gọi là nhà Người tình, TP Sa Đéc) gắn với tác phẩm cùng tên - cuộc tình nổi tiếng của cô gái Pháp, đồng thời là tác giả cuốn sách – Marguerite Duras và chàng công tử con nhà giàu Huỳnh Thủy Lê, từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà đã được trùng tu, vẫn giữ nguyên nhiều vật dụng gốc như ảnh tư liệu, máy hát, bộ ngựa, đồng hồ treo tường, tủ bàn của thời “người tình” – ông Huỳnh Thủy Lê  sinh sống. Dạo quanh nhà, uống chén trà lài ở chiếc bàn đen sẫm dấu thời gian giữa không gian trầm cổ xưa, du khách tưởng như người tình công tử sẽ bước ra chào khách và kể về mối tình với cô gái Pháp yêu kiều thưở nào…
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê (Sa Đéc)

Rời nhà Người tình, bạn hãy đến thăm làng hoa kiểng Sa Đéc - một trong những làng hoa kiểng lớn nhất Việt Nam với hàng trăm ngàn loại hoa khoe sắc chào đón Tết, một trong những điểm đến thú vị, mỗi năm chỉ rực rỡ nhất một lần, vào thời điểm cận Tết. Đừng quên  ghé thăm vườn quýt hồng Lai Vung,  một trong những trái cây đặc sản của Đồng Tháp. Bạn sẽ không thấy ở đâu những cây quýt trái chi chít nhiều hơn lá, chín đỏ cành…

Làng quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

Nơi có cảnh mùa xuân trên bến dưới thuyền đặc trưng, đậm bản sắc Nam bộ nhất  là chợ hoa xuân Vĩnh Long. Chợ hoa xuân Vĩnh Long thường nhóm họp từ 23 Tết, bên bờ sông Tiền lộng gió. Có lẽ đây là một trong những chợ hoa xuân quy mô nhất ở miền Tây Nam bộ, thu hút đông đảo khách tham quan, thưởng lãm, được giới thiệu trên nhiều website và sách hướng dẫn du lịch.
Chợ hoa trên bến dưới thuyền ở Vĩnh Long



Tọa lạc tại trung tâm thành phố, kéo dài khoảng 1km dọc theo bờ kè sông Tiền, chợ hoa xuân (phường 1,TP Vĩnh Long) như một bến xuân rực rỡ sắc màu. Cả một khúc sông rộn ràng ghe tàu chở hoa cập bến, rời bến. Ghe chở hoa từ làng hoa Sa Đéc, Bến Tre, từ các cù lao Bình Hoà Phước, An Bình, Đồng Phú…đổ về chợ. Nhiều chiếc ghe nhỏ chỉ chở vài cành mai, dăm chậu hoa cúc, vạn thọ…là cây hoa vườn nhà được người dân đem bán nhân chuyến đi chơi chợ, lấy tiền mua chút quà Tết cho sắp nhỏ ở nhà, mua các loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài… để làm mâm cúng “cầu vừa đủ xài” đặt trên bàn thờ tổ tiên ngày giao thừa, cầu một năm mới no ấm, an bình cho gia đình.
Đây cũng là chợ hoa mà người mua có thể rảo xe máy xuôi dọc, dựng xe rồi lựa hoa hoặc yêu cầu người bán chất hoa lên xe cho mình. Những chiếc “xe hoa” đan nhau, tỏa đi các ngả với những nụ cười lấp lánh, những chiếc xe lôi đạp ba bánh chất đầy hoa rời chợ về nhà. Hoa đến, hoa đi trong tiếng nói cười rộn rã một bến xuân…

ĐỖ NGỌC



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.